Bàn luận

Thế nào là nhà Việt: hình thức Việt hay lối sống Việt? 31. 05. 13 - 8:24 am

Thảo luận kiến trúc

Từ câu hỏi của anh Trịnh Lữ: “Các bạn làm và thích kiến trúc thử cho biết xem ngôi nhà này là Việt hay không Việt, và tại sao bạn nghĩ như thế?” đã có các câu trả lời của các kiến trúc sư. Soi xin tổng hợp lại để các bạn dễ thảo luận tiếp câu hỏi ở cuối bài của anh Trịnh Lữ nhé.

Bản vẽ của Trịnh Lữ cho nhà 24 mét vuông của cố họa sĩ Hữu Ngọc

Nghiêm Toàn

Ngôi nhà Việt, như ta thấy, ngoài những vấn đề ảnh hưởng bởi địa hình, địa vật, thời tiết khí hậu thì là những căn nhà nhỏ bé, xinh xắn, linh hoạt. Nhất là đặc biệt tiết kiệm, từ cách sử dụng, tận dụng vật liệu thừa, hầu như không có chi tiết nào là thừa thãi – ngược lại với ngôi nhà Việt bây giờ, nhặt một lúc thì chắc phải có một rổ những thứ thừa thãi tốn kém mà chả biết dùng để làm gì, thậm chí bỏ đi thì đẹp và tiện dụng hơn.

Trở lại với ngôi nhà mà chú Trịnh Lữ đưa ra, cấu trúc, kết cấu ngôi nhà dù bằng gỗ, mái ngói nhưng các chi tiết cấu tạo, hình thức cột kèo là hoàn toàn hiện đại, hoàn toàn khác với nhà gỗ truyền thống với hệ cột cái, cột biên, thượng thực hạ hư… Cũng như chú đã nói, dù sao, ngôi nhà này là một dị biệt cho một lối sống riêng, không đủ cấu trúc cho một gia đình sinh hoạt như một ngôi nhà Việt điển hình.

Từ một hình vẽ ngôi nhà, không hiểu rõ về cách thức làm ra nó cũng như cá tính, lối sống của chủ nhân thì để bàn luận về nó thì thật khó khăn. Cháu nghĩ, chú Trịnh Lữ là người hiểu ông nhất, hơn nữa lại chính là người phụ giúp cho ông để dựng căn nhà phân tích về nó thì có lẽ công bằng hơn.

Một khu nhà Bắc bộ trong Làng Việt Cổ – Cố Viên Lầu (Ninh Bình)

Lê Phương

Gửi anh Trịnh Lữ,

Anh đặt câu hỏi như sau: “Các bạn làm và thích kiến trúc thử cho biết xem ngôi nhà này là Việt hay không Việt, và tại sao bạn nghĩ như thế.”

Để xét một ngôi nhà có Việt hay không phải xem xét và so sánh ngôi nhà đó về các yếu tố vật chất dễ thấy nhất (hình thức kiến trúc, chi tiết và cách bố cục) và phi vật chất (tức lối sinh hoạt, tín ngưỡng…) với căn nhà mẫu nào đó mà ta cho rằng đó là thuần Việt. Với căn nhà này tôi thấy đây không phải là ngôi nhà thuần Việt, ít nhất là ở góc độ vật chất tức kiến trúc căn nhà, và để ngắn gọn, xin chỉ nêu vài đặc điểm của nhà Việt như sau:

Một là: nhà Việt có cách bố cục đối xứng và có dạng chữ “nhất” được sử dụng đa số, ngoài ra với nhà khá giả còn có 1 đến 2 nhà ngang tạo thành chữ L, U, H với bố cục này có thể thấy khắp từ Bắc đến Nam.

Hai là: Mặt cắt ngang nhà có từ 3, đến 6 cột (2 cột cái và các cột quân), vì kèo chồng rường giá chiêng hoặc giả thủ sau này. Ngoài ra còn có tỷ lệ chiều cao mái với chiều cao tường nhà, độ dốc mái và góc cong của con lươn. 

Ba là: Luôn luôn có nơi thờ cúng tổ tiên được đặt tại gian giữa nhà, bài trí trang trọng, chái nhà dùng làm chỗ tiếp khách, ăn, ngủ. khu phụ bố trí ở nhà ngang.

Qua một số chi tiết vừa nêu có thể thấy, căn nhà này có bố cục tự do, lối vào nhà không dẫn đến trang thờ, vị trí trung tâm là nơi ngủ và làm việc của chủ nhà. Ngoài ra hệ kết cấu nhà không cho thấy sự tồn tại của các chi tiết quen thuộc. Như vậy chỉ riêng phần kiến trúc đã xác định đây không là ngôi nhà Việt. Còn nó giống kiểu nhà nào thì chắc “Tây” thì chắc chắn không phải rồi.

Mà thật ra có xét kỹ thêm thì có thể thấy bố trí công năng cho cuộc sống hàng ngày không thấy có phản phất nét sinh hoạt truyền thống Việt. Nếu có danh từ đại khái như ngôi nhà “Việt riêng” thì có thể dùng được vì dù sao nó cũng đáp ứng được ít nhất hai cá thể là tác giả và chủ nhà người Việt.

Nhà của họa sĩ Bùi Hoài Mai ở Bắc Ninh

Phó Đức Tùng

Bạn Phương,

Những bố cục chữ nhất, chữ U, L v.v. chỉ là hình thức bên ngoài. Tính đối xứng cũng chỉ là hình thức. Trong một căn nhà 5 gian (3 gian 2 chái) thì ta sẽ có bàn thờ ở giữa, hai “phòng khách” hai bên, hai buồng ngủ. Khu phụ sẽ ở nhà ngang. Đó là cấu trúc bình thường cho một gia đình. Tuy nhiên, nếu bạn có một mình, thì chỉ cần 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, vậy giữ nguyên một căn nhà 5 gian sẽ là thừa, mà bỏ đi gian nào thì mất đối xứng.

Căn nhà của ông Ngọc bản chất không khác gì nhà truyền thống. Có chỗ để bàn thờ, và chỗ này đối diện với cửa tiếp cận vào phòng khách, có nghĩa là vẫn ở vị trí trang nghiêm nhất nhà. Bên cạnh bàn thờ vẫn là phòng khách. Phòng ngủ có thể coi như chái nhà gập lại sang cạng bên kia, không vì thế mà thay đổi bản chất công năng. Khu phụ vẫn ở nhà ngang. Và cổng vào nhà bạn có thể coi như cổng vào một khuôn viên, cổng này không thể chiếu thẳng vào bàn thờ, mà phải gấp khúc. Ngoài ra, nhà việt có không gian nửa đóng là phần hiên rất quan trọng, có thể ngồi chơi, làm việc, ăn cơm, uống trà xanh v.v. thì nhà ông Ngọc vẫn có.

Nói chung cần xem nội dung, không nên chỉ nhìn vào hình thức bề ngoài.

Nhà 24 mét vuông của cố họa sĩ Hữu Ngọc


Trịnh Lữ

Cám ơn các bạn đã bày tỏ quan điểm và trao đổi về vấn đề “dân tộc tính”. Bản thân tôi cũng chưa có lời giải đáp cặn kẽ cho chính mình, nhưng các ý kiến của Toàn, Phương và Tùng đều có một tiền giả định (presupposition) giống nhau là “dân tộc tính” là phải tìm ở “truyền thống”. Toàn và Phương nhìn nhận “truyền thống” ấy ở các giải pháp hình thức và kỹ thuật. Tùng nhìn nó ở sự có mặt của các công năng truyền thống mà Tùng gọi là “nội dung”. Mà chỉ là của giải pháp nhà nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Phương đưa ra khái niệm về mẫu nhà “riêng” của một cá nhân người Việt (nhà ông Ngọc).

Như vậy, các bạn đều có vẻ mặc nhiên coi ngôi nhà truyền thống của nông thôn Bắc Bộ là giải pháp kiến trúc vừa vặn cho lối sống Việt; và mặc nhiên lấy đó làm thước đo “dân tộc tính”. Lê Phương thì đo bằng hình thức, nên thấy nhà ông Ngọc không có dân tộc tính, nhưng hình như vẫn cảm thấy không ổn, nên đề nghị coi nó là một kiểu nhà Việt “riêng”, có nghĩa là “không điển hình”. Tùng đo bằng nội dung, nghĩa là sự có mặt của nếp sống truyền thống, nên thấy túp nhà nhà đó về bản chất chả khác gì nhà truyền thống, nghĩa là nó có “dân tộc tính”.

Thực ra Phương cũng nhắc đến hai khía cạnh “vật chất” và “phi vật chất”, nghĩa là đã để ý cả đến phần mà Tùng gọi là “nội dung” – nhưng lại chỉ dùng phần “vật chất” để nhìn nhận vấn đề. Tôi đoán rằng nếu Phương dùng cả phần “phi vật chất” để phân tích thì có lẽ đã có kết luận giống của Tùng.

Tôi thì nghĩ rằng cái “tính” dân tộc phải là “phi vật chất” – mình phải tìm nó ở cái “ý thức sống”. Chắc là mỗi giống người, do cái ADN, đều có một ý thức sống riêng, và vì nó là ADN, nên chắc là nó bất biết, trong khuôn khổ thời gian tiến hóa mà mình có thể mường tượng được. Cái ý thức sống này mới là cốt lõi của tính cách từng dân tộc.

Các bạn nghĩ sao?

Một cổng làng Việt Nam (Ảnh: http://www.vinaculto.vn)

*

 

Bài liên quan:

– Kiến trúc hãy như người thợ may. Chủ nhà cần mặc áo vừa vặn. 
– Nhà 24 mét này Việt hay không Việt?   
– Thế nào là nhà Việt: hình thức Việt hay lối sống Việt?    
– Đi tìm cái khác biệt để đạt được cái hòa đồng  
– Thái độ kiến trúc Việt: tinh giản, hòa hợp, chứ không cầu kỳ, áp chế
 
– Làm sao nói chuyện bản sắc, hay tranh luận với anh Tùng vài điểm     
– Chuyện bản sắc: “tiếp biến” hay là “tạo dựng”?  

– Đừng nhầm bản tính với bản sắc  
– Muốn giản thì phải tinh, muốn tinh thì phải cầu kỳ. Ta thì không tinh…  

 

 

Ý kiến - Thảo luận

22:17 Wednesday,19.4.2017 Đăng bởi:  Quang Đức
Cái "tính" dân tộc phải là "phi vật chất" mình phải tìm nó ở "ý thức sống".
Cháu rất đồng tình với quan điểm này. Một người Việt Nam dù có ở đâu, nhà hình thức như thế nào, có bàn thờ hay hiên không thì cái nhà anh ta ở sẽ thành nhà Việt Nam. Đương nhiên cái nhà đó Việt đến đâu thì là do trình độ văn hóa và nhận thức của anh chủ.
...xem tiếp
22:17 Wednesday,19.4.2017 Đăng bởi:  Quang Đức
Cái "tính" dân tộc phải là "phi vật chất" mình phải tìm nó ở "ý thức sống".
Cháu rất đồng tình với quan điểm này. Một người Việt Nam dù có ở đâu, nhà hình thức như thế nào, có bàn thờ hay hiên không thì cái nhà anh ta ở sẽ thành nhà Việt Nam. Đương nhiên cái nhà đó Việt đến đâu thì là do trình độ văn hóa và nhận thức của anh chủ. 
3:47 Saturday,10.1.2015 Đăng bởi:  Trịnh Lữ
Cảm ơn Phạm Mai Hương đã quan tâm đến câu hỏi tôi nêu ra.
Ý kiến của Hương chứa đựng nhiều khái niệm cũng như quan điểm rất nên được bàn luận - rất tiếc là hiện tại tôi chưa thể tập trung vào việc này. Nhưng để Hương biết thêm về hoàn cảnh ra đời của túp nhà gỗ này, tôi xin có lời mời Hương ghé thăm trang blog này nhé: http://trinhhuungoc.wordpress.com/tac-pham/
...xem tiếp
3:47 Saturday,10.1.2015 Đăng bởi:  Trịnh Lữ
Cảm ơn Phạm Mai Hương đã quan tâm đến câu hỏi tôi nêu ra.
Ý kiến của Hương chứa đựng nhiều khái niệm cũng như quan điểm rất nên được bàn luận - rất tiếc là hiện tại tôi chưa thể tập trung vào việc này. Nhưng để Hương biết thêm về hoàn cảnh ra đời của túp nhà gỗ này, tôi xin có lời mời Hương ghé thăm trang blog này nhé: http://trinhhuungoc.wordpress.com/tac-pham/thiet-ke/leu-vit-ho-tay/

Tôi vẫn hay tưởng tượng rằng nếu là một người Đức, Pháp, Ả Rập, Anh… mà ở trong hoàn cảnh như cha tôi, thì chắc túp nhà của họ sẽ rất khác, và mỗi người mỗi khác.

Hy vọng có dip trao đổi chậm rãi chu đáo với Mai Hương. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả