Soi học

Bài học Chủ nhật: Cẩn thận khi yêu trong nội bộ thần. Họa sĩ vẽ nhầm khiến Apollo bị oan 08. 07. 12 - 5:02 am

Pha Lê

 

.

Bài học Chủ nhật trước có nhắc rằng Apollo và Artemis hay bị nhầm tích với hai người khác, hôm nay xin giải thích tại sao.

Vào thời các vị thần Titians, Helios làm thần mặt trời, giữ nhiệm vụ dùng xe ngựa kéo mặt trời lên; Selene làm thần mặt trăng. Nhưng khi Zeus đảo chính, lập ra thế hệ thần Olympia, thì Apollo giữ chức thần mặt trời và chị Artemis giữ chức thần mặt trăng (nói cho ngay thì chính người La Mã mới gán cho Apollo và Artemis hai chức này, còn người Hy Lạp thì vẫn nghĩ rằng Helios và Selene không bị Zeus đuổi việc).

Tóm lại, rất dễ nhầm, là ta có hai thần mặt trời. Helios trước và Apollo sau. Đây mới là chỗ các họa sĩ hay nhầm nhất.

Helios có một tích rất nổi tiếng, gắn liền với nàng tiên Clytie. Ngay cả Ovid – một nhà thơ La Mã – cũng chỉ đích danh Helios khi kể truyện này. Ông dùng tên Sol (tên La Mã của Helios) thay vì Phoebus hoặc Phobos (tên La Mã của Apollo). Nhưng một số dịch giả cứ thấy Sol (mặt trời) là quy chụp ngay rằng Ovid đang nói về Apollo, chứ thực tế thì nàng Clytie không dính gì đến Apollo cả. Thời đại Clytie sống là thời Titans, không phải thời của Zeus.

Mọi chuyện bắt đầu như vầy, Clytie là con gái của hai vị thần Titans đầy quyền năng: thần biển Oceanus và thần sông Tethys. Nàng rất đẹp, nên khiến thần mặt trời Helios phải lòng. Cả hai hẹn hò nhau trong một thời gian dài, và xem chừng Clytie rất hạnh phúc.

Bức tượng Clytie này có niên đại 40 năm sau Công nguyên, tạc từ đá hoa cương. Nó nằm trong bộ sưu tập của Charles Townley – một quý tộc người Anh sống vào thời thế kỷ 18. Ông là một nhà sưu tập tượng cổ nổi tiếng, đến nỗi mọi người gọi yêu bộ sưu tập của ông là “Các bức tượng hoa cương của Townley”. Một phần của bộ sưu tập hiện đang nằm tại Bảo tàng British Museum.


Tác phẩm “Townley trong gallery tại gia”, Johan Zoffany, 1783. Đây là một căn phòng tại dinh thự của Townley ở London, ông dùng nó để bày những bức tượng mình tìm được qua những chuyến du lịch đến Rome. Townley ngồi ngoài cùng bên phải, chú cún cưng của ông nằm dưới chân chủ. Bức tượng nàng Clytie (hình trên) cũng có trong tranh, đặt ở chiếc bàn làm việc cạnh ba người bạn của Townley. Ba người này là: chuyên gia ngôn ngữ cổ Charles Astle, sưu tập gia kiêm chính trị gia Charles Francis Greville, và nhà buôn nghệ thuật Pierre-Francois Hugues d’Hancarville. (Biết tên tuổi vậy chứ cũng không thấy đề ai là ai trong tranh, bạn nào biết thì bổ sung cho SOI nhé).

 

Quay lại với tích, Clytie nhìn chung là đủ đẹp, cũng thuộc dạng con nhà quyền thế, nhưng Helios bị bệnh cả thèm chóng chán. Hẹn hò Clytie được một thời gian thì chàng bỏ nàng đi quen em khác. Cô này tên là Leucothoe, một công chúa của nước Babylon. Clytie đau khổ nên đâm ác, đi đến gặp vua cha và mách ông về chuyện tình giữa Leucothoe với Helios.

Biết con gái mình… mất trinh, vua nước Babylon nổi giận lôi đình và đem con ra chôn sống. Con gái không còn trong trắng thời đó rất khó lấy chồng – trừ khi đẹp như Helen của Troy. Và nuôi một đứa con nhưng không gả được cho ai thì rất… tốn tiền. Biết được việc Clytie mách lẻo khiến người yêu (mới) mất mạng, Helios càng làm ‘mặt trời lạnh’ với Clytie.

Khổ một nỗi, thần thánh chẳng thể chia tay như người thường, nếu bạn bị thất tình thì bạn còn áp dụng trò “tránh không gặp mặt nhau” được, nhưng Helios là thần mặt trời mà, ngày nào cũng thấy chàng đứng lù lù trước mặt khiến Clytie phát khùng. Dần dần, nàng quên ăn quên uống, chỉ biết ngồi đó ngắm Helios suốt năm này qua năm khác. Riết rồi Clytie biến thành một bông hoa màu tím, tên là Heliotrope (dịch sát thì Heliotrope có nghĩa: Hướng về Helios. Còn dịch theo tên hoa thì đây là hoa quỳ, hoa vòi voi). Nhiều nhà văn cũng như họa sĩ hiện đại dùng hoa hướng dương thay cho hoa quỳ, do hướng dương cũng có tính ‘hướng về mặt trời’ giống thế. Còn trong tranh, các họa sĩ hay nhầm, cứ vẽ Clytie thiết tha với Apollo. Mà Apollo là thế hệ hậu sinh, Clytie là thế hệ “bà cố” rồi!

Tác phẩm “Clytie dõi theo Apollo”, René Jollain, thế kỷ 18. Clytie ôm Cupid (đang khóc, có lẽ để thể hiện việc Clytie bị thất tình) í ới gọi Apollo mà chàng không thèm nghe, giơ tay từ chối Clytie thẳng thừng. Một thần sông ngồi cạnh đó, vẻ mặt cũng rất buồn rầu. Oan cho Apollo quá, Helios phụ tình Clytie mà Apollo lại mang tiếng sở khanh là sao.


“Clytie”, Evelyn de Morgan, 1886. Evelyn vẽ cảnh Clytie ngắm mặt trời riết nên bị biến thành hoa, tuy phải là hoa quỳ tím mới đúng tích, nhưng hầu hết các họa sĩ đều vẽ hướng dương vàng.


Tác phẩm tranh thêu “Apollo và Clytie”, Francois Boucher, 1747. Không biết Boucher có ý gì mà tranh thêu sai tích hết cả. Chuyện nhầm Apollo với Helios thì tạm gác sang một bên, việc thay hoa quỳ bằng hoa hướng dương cũng coi như bỏ qua được, nhưng sao Clytie và Apollo trông hạnh phúc vậy cà? Nếu đây là tranh thêu thời kỳ hai người đang “yêu” nhau thì tại sao có hoa hướng dương được chứ? Rõ khổ.


Tác phẩm “Clytie”, Lord Leighton, 1895. Họa sĩ vẽ cảnh Clytie thất tình nên quỳ xuống than thở dưới ánh mặt trời. Số lượng họa sĩ vẽ cảnh Clytie đau khổ một mình cũng khá là đông, do cảnh này đẹp theo kiểu bi thương (hoặc có thể là do họ lưỡng lự, thấy tích rối rắm quá, chẳng biết người phụ Clytie là Apollo hay Helios, nên để chắc ăn họ vẽ nàng này ngồi khóc một mình).


“Clytie đau khổ”, Peter Paul Rubens, 1636. Bức này đơn giản, ít màu mè nhưng thể hiện được nỗi buồn ảm đạm của nàng Clytie sau khi bị phụ tình.


Tác phẩm “Clytie”, Charles de la Fosse, 1688. Không thấy đề tên nên chẳng hiểu vị thần đang dùng xe ngựa để kéo mặt trời lên là Apollo hay Helios. Clytie thì khóc thương rất đau khổ trước mặt các nàng tiên biển tiên rừng. Họa sĩ cũng vẽ hoa hướng dương thế cho hoa quỳ.


Tác phẩm “Clytie”, Jean Francois de Troy, không rõ năm. Họa sĩ này thì mượn tích để vẽ thêm tí cảnh, nhưng Helios và Clytie sống vào thời Titan nên cảnh nền hoang dã kiểu này cũng hợp. Clytie nằm trong số hiếm phụ nữ biến thành hoa, vì trong tích Hy Lạp đàn ông mới hay biến thành hoa, phụ nữ đa số biến thành cây.

 

Cậu em Apollo bị oan vậy, bà chị Artemis cũng oan không kém, chúng ta sẽ nghiên cứu tích của Artemis vào kỳ sau nhé.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: Cẩn thận khi yêu trong nội bộ thần. Họa sĩ vẽ nhầm khiến Apollo bị oan
– Bài học Chủ nhật: Selene mê trai khiến Artemis bị hiểu lầm

 

Ý kiến - Thảo luận

11:26 Monday,18.2.2013 Đăng bởi:  An
Sáng tác thì được quyền hư cấu mà.
Có câu đại ý là tư duy logic đưa bạn đi từ A đến B, còn trí tưởng tượng đưa bạn đi tới bất cứ nơi nào bạn muốn". Helios thành Apollo có sao đâu, miễn là tranh đẹp là được, he he. Và nữa là cũng nhờ sự vụ này ng ta mới tìm hiểu k
...xem tiếp
11:26 Monday,18.2.2013 Đăng bởi:  An
Sáng tác thì được quyền hư cấu mà.
Có câu đại ý là tư duy logic đưa bạn đi từ A đến B, còn trí tưởng tượng đưa bạn đi tới bất cứ nơi nào bạn muốn". Helios thành Apollo có sao đâu, miễn là tranh đẹp là được, he he. Và nữa là cũng nhờ sự vụ này ng ta mới tìm hiểu kỹ hơn để biết đc Helios thuộc thời kỳ của Titans chứ ko phải Zeus :D 
10:55 Sunday,8.7.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"... chính người La Mã mới gán cho Apollo và Artemis hai chức này, còn người Hy Lạp thì vẫn nghĩ rằng Helios và Selene không bị Zeus đuổi việc...

Tóm lại, rất dễ nhầm...các họa sĩ hay nhầm nhất..."

Thật ra là vì ngày xưa các bác họa sĩ Tây không được trường mỹ thuật Tây và giáo sư mỹ thuật Tây zạy môn Lịch sử Tây thật kỹ thôi

ạ.

Chứ trường-Ta bi zờ, v
...xem tiếp
10:55 Sunday,8.7.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"... chính người La Mã mới gán cho Apollo và Artemis hai chức này, còn người Hy Lạp thì vẫn nghĩ rằng Helios và Selene không bị Zeus đuổi việc...

Tóm lại, rất dễ nhầm...các họa sĩ hay nhầm nhất..."

Thật ra là vì ngày xưa các bác họa sĩ Tây không được trường mỹ thuật Tây và giáo sư mỹ thuật Tây zạy môn Lịch sử Tây thật kỹ thôi

ạ.

Chứ trường-Ta bi zờ, vẽ chỉ có chuẩn không cần chỉnh nhá.

Ví zụ thầy-Ta ra đề: "vẽ về anh Lê Văn Tám"

Cả lớp em sẽ được thầy-Ta zảng cho biết rõ anh Lê Văn Tám của Ta tuổi chạc 17 tẩm 30 lít xăng lên người rồi nổi lửa rồi phi như bay hơn 300 mét vào đồn Địch đót cháy xạch-xành-xanh đồn Địch rồi mới hi sinh cơ mờ.

Hoan hô lịch sử! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả