Ăn uống

Ăn uống qua tranh: Atisô, sơ-ri, và… muối 30. 06. 12 - 1:12 pm

Pha Lê

 

“Bánh mì, phó mát, và sơ-ri”, Clara Peeters. (Các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản to hơn)

 

Nhân tiện lúc bảo tàng Mauritshuis mua bức tranh vẽ phó mát, hạnh nhân, và bánh vòng; hãy bàn tiếp về nữ họa sĩ Clara Peeters và một tác phẩm tĩnh vật khác của bà, kỳ này vẫn có phó mát nhưng cũng có các món thú vị khác.

Đó là tác phẩm Bánh mì, phó mát, và sơ-ri. Chỉ cần nhìn sơ thôi ta sẽ nhận ra rằng phó mát, bơ, và bánh mì gần giống với tác phẩm trước, ngay cả khúc phó mát đen đen nhìn như phó mát thiu cũng có mặt trong bức này. Khúc phó mát nhỏ nhất nằm dưới đĩa bơ trông giống loại camembert nổi tiếng của Pháp, nhưng nó chắc chắn chẳng phải camembert vì vỏ của nó có màu nâu (trong khi vỏ của camembert luôn có màu trắng) và camembert là phó mát mềm, đặt đĩa bơ lên trên phó mát này sẽ khiến nó nát bấy mất, còn gì là tranh nữa.

.

 

Yếu tố khác đầu tiên so với tác phẩm kỳ trước là những trái sơ-ri đỏ. Thời thế kỷ 17, chén đĩa nhập khẩu đã đắt, trái cây nhập khẩu không hề tồn tại, và nhà kính là một thú vui của giới cực giàu (chủ yếu để nghiên cứu các loại cây kiểng lạ) thành thử vào mùa nào thì người dân ăn trái cây của mùa đó; nên sự có mặt của mấy trái sơ-ri cho chúng ta biết rằng “mùa” của bức tranh là đầu hè – lúc nông dân thu hoạch sơ-ri tươi. Còn tác phẩm trước, với nho khô và sung sấy khô, là vẽ những món của mùa đông. Vào đúng mùa, sơ-ri ở Châu Âu rất ngọt chứ không hề chua, cực kỳ phù hợp để ăn cùng phó mát. Chính ra, trái cây ngọt luôn phù hợp với phó mát nói chung, và cũng khiến bữa ăn có thêm dinh dưỡng, vì ăn toàn phó mát sẽ không tốt cho sức khỏe lắm.

.

 

Một món nữa tượng trưng cho mùa màng (cũng như sức khỏe) là trái atisô, thường thu hoạch từ giữa xuân đến giữa hè. Người Việt Nam chúng ta thường lấy atisô ra nấu canh hoặc làm trà; dân Tây thì hay hấp nguyên trái, nhâm nhi từng lá cho đến khi họ ăn tới “trái tim” – phần lõi màu trắng ở bên trong. “Trái tim của atisô” là phần ngon nhất (chú thích thêm tí: dù ai cũng thích nhâm nhi từng lá atisô tại gia, nhưng các nhà hàng lớn luôn bỏ hết lá và chỉ nấu phần “trái tim” thôi; có điều gọt atisô để lấy “trái tim” hơi bị kỳ công cũng như mất sức nên chỉ có nhà hàng mới làm chuyện này. Bức tranh vẽ các món tại gia chứ không phải các món nhà hàng, thành thử họa sĩ vẽ trái atisô (đã hấp) bổ đôi, để lộ “trái tim” bên trong).

.

Atisô thường dùng chung với dầu ô-liu trộn dấm đỏ (không phải dấm trắng của châu Á đâu nhé), nhưng một số người cũng xơi atisô với muối. Họa sĩ Clara vẽ muối thay vì dấm chắc là để khoe địa vị của chủ nhà và khoe lọ đựng muối. Bạn nào từng đọc bài học chủ nhật Poseidon – nổi tiếng vì có vợ đẹp sẽ nhớ rằng vào thời của Clara thì muối và tiêu đắt như vàng, nhà giàu mới có muối xài, nên hũ đựng muối, đựng tiêu là thứ hoành tráng nhất trên bàn ăn. Hũ đựng muối trong tranh không tinh xảo bằng hũ đựng muối tạc hình Poseidon của nghệ nhân Cellini (đã giới thiệu trong bài học về vị thần biển), nhưng nó cũng cho ta thấy rằng “chủ nhà” thuộc tầng lớp lắm tiền nhiều của. Người nghèo phải ăn đồ nhạt nhẽo, người trung lưu thì giữ muối như giữ vàng, người có tiền thì mới dám mạnh dạn đem muối ra “khoe”.

.

 

Tác phẩm trước làm tôi thèm phó mát và nho sấy, tác phẩm này làm tôi thèm sơ-ri và trái atisô; bên châu Âu đang mùa sơ-ri nè, bạn nào may mắn đang sống ở Châu Âu nhớ ra siêu thị mua một hộp về, còn atisô thì… ta làm một chuyến lên Đà Lạt chăng?

*

Bổ sung của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng:

Các tĩnh vật của Clara Peeters không đơn thuần chỉ khiến người xem rỏ dãi mà còn ẩn chứa ý nghĩa tôn giáo.

Trong bức tĩnh vật thượng dẫn, bơ và phó-mát tượng trưng cho chức năng của người mẹ, còn bánh mì tượng trưng cho cơ thể của Chúa. Ba trái anh đào bên phải tượng trưng cho khổ nạn của Chúa. Con dao tượng trưng cho sự phản bội (của Judas Iscariot).

.

Những vật bên trái tương phản với bên phải. Artichoke tượng trưng cho sự kích thích dục vọng, gắn với lòng tham và tội lỗi. Các trái anh đào bên phải đối nghịch với 3 trái bên tráí, vì chúng nằm trên đĩa sáng như mặt gương – biểu tượng của hư danh, dẫn tới ham muốn, kiêu căng  – những tội trong 7 tội chết trong Thiên Chúa Giáo (tức giận, tham lam, lười biếng, kiêu căng, ham muốn, ghen tị, phàm ăn).

Muối là biểu tượng của sự khôn ngoan, được đặt lên cao như để người xem hiểu cần có sự cân bằng cho cuộc sống để tránh tội lỗi.

(Theo nguồn này.)

 

Ý kiến - Thảo luận

20:36 Saturday,17.1.2015 Đăng bởi:  Ngô Nhung
Mấy bức tranh vẽ mà cứ như ảnh chụp ấy <3
...xem tiếp
20:36 Saturday,17.1.2015 Đăng bởi:  Ngô Nhung
Mấy bức tranh vẽ mà cứ như ảnh chụp ấy <3 
23:51 Wednesday,22.8.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Ngày nay cũng có tệ nạn độc quền bỉu tượng.
Tỉ zụ: đứa nào làm sắp đặt hay vẽ tranh mà xài búa-sắt-quắp-liềm-cong thế nào cũng bị các thầy chê: chúng mày lại ngợi ca công nông zai cấp liên minh lãnh Hội chớ zì?
Bĩ- cực ghê gớm !
...xem tiếp
23:51 Wednesday,22.8.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Ngày nay cũng có tệ nạn độc quền bỉu tượng.
Tỉ zụ: đứa nào làm sắp đặt hay vẽ tranh mà xài búa-sắt-quắp-liềm-cong thế nào cũng bị các thầy chê: chúng mày lại ngợi ca công nông zai cấp liên minh lãnh Hội chớ zì?
Bĩ- cực ghê gớm ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả