Ăn uống

Ăn uống qua tranh: Cá, ô-liu, và… đồng hồ? 29. 07. 12 - 5:02 pm

Pha Lê

“Tĩnh vật vẽ cá và đồng hồ”, 1629, Willem Claeszoon Heda. (Các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản to hơn)

 

Trong những tranh tĩnh vật về các món tráng miệng/ăn nhẹ/ăn sáng trước đây, nhìn mãi chả thấy thịt cá gì; nhưng tác phẩm hôm nay, “Tĩnh vật vẽ cá và đồng hồ” do họa sĩ Willem Claeszoon Heda thực hiện vào năm 1629, có một món mặn nhìn vô cùng hấp dẫn.

Bên góc phải là bánh mì và hạt dẻ bánh mì để ăn sáng thì đúng rồi, nhưng hiếm khi nào thấy ai ăn hạt dẻ vào buổi sáng nếu không có bơ hay phô mai đi kèm, thường thì hạt dẻ hay xuất hiện trên bàn ăn vào mùa đông, nhất là vào Giáng sinh. Nếu suy nghĩ theo cách anh Đình Đăng chỉ vẽ trong bài trước – là các tranh tĩnh vật thời thế kỷ 16, 17 thường mang ý nghĩa tôn giáo – thì cá có thể là biểu tượng của Chúa Jesus, còn ba hạt dẻ tượng trưng cho khổ nạn của Chúa chăng?

.

 

Ở giữa là đĩa đựng chanh và dao (tượng trưng cho sự phản bội?). Vỏ chanh được gọt thành một dải xoắn, chủ yếu là để nhìn cho đẹp. Chanh vàng rất hay đi kèm cá (để khử mùi), các nhà hàng Tây lẫn nhà hàng Nhật thường dọn kèm cá nướng và một lát chanh, ai thích thì vắt lên cá, món ăn sẽ thanh hơn.

 

Bên góc trái là một chiếc đồng hồ bỏ túi, với dây đeo màu xanh và một cái chìa lên dây cót (đồng hồ cổ mà, đâu thể chạy bằng pin được). Nghe đâu vào đầu thế kỷ 17 thì đa số đồng hồ bỏ túi chỉ có kim giờ chứ không có kim phút, một số đồng hồ còn phơi cả bộ phận máy móc ra ngoài, nên nếu không quen nhìn thì sẽ không hiểu nổi đồng hồ đang chỉ mấy giờ. Chiếc đồng hồ trong tranh trông khá rắc rối, và có lẽ nó còn mang biểu tượng tôn giáo nào chăng? Khi nhìn tác phẩm tôi chỉ nghĩ ra được rằng đồng hồ ngụ ý: đồ ăn để lâu sẽ… thiu.

.

 

Ba chiếc ly bên trái có tuổi khác nhau. Như đã kể trong bài Phó mát, bơ bào, nho khô, và bánh quy giòn, vào thế kỷ 17, thủy tinh là một “công nghệ mới”, rất đắt đỏ, không phải ai cũng mua được. Trước đó thì ly tách được làm từ gỗ, từ sứ, từ dất nung, hoặc từ bạc hay vàng. Đầu tiên “chủ nhà” khoe một chiếc ly bằng bạc khá cầu kỳ, đẹp kiểu cổ điển; sau đó chủ nhà khoe hai chiếc ly thủy tinh (có một chiếc đổ kềnh) làm theo công nghệ mới (giống như bây giờ chúng ta khoe chiếc ti-vi màn hình phẳng to đùng và đắt tiền). Bên trong chiếc ly thủy tinh lớn là rượu vang trắng. Rượu trắng dùng kèm hải sản. còn rượu đỏ đi kèm thịt (như thịt bò, gà rừng, nai… dù một số loại thịt như thịt thỏ hay thịt gà cũng có thể dùng kèm rượu trắng).

 

Giờ tới món chính: cá. Một chú cá nướng trông rất hấp dẫn trên đĩa. Ở Việt Nam thì một con cá như vầy có thể đem kho cho cả nhà ăn, nhưng ở Tây thì mỗi người xơi một con. Khi gọi cá nướng ở các nhà hàng cổ điển, đầu bếp sẽ bưng ra một con thế này, thực khách sẽ dùng dao từ từ cắt phần phi-lê trên cùng để ăn, sau đó lật con cá và xơi nốt phần phi-lê bên kia, cuối cùng thì chiếc đĩa sẽ chỉ còn lại bộ xương cá với phần đầu phần đuôi và hai bên viền còn nguyên vẹn. Kiểu ăn này đến giờ vẫn thế, thành thử rất nhiều dân Tây phương nhăn mặt khi thấy người Châu Á gặm đuôi, ăn mắt cá, ăn đầu cá. Thôi thì mỗi nước một kiểu, nhưng nếu bạn đi ăn tiệc ở “bên Tây”, tốt nhất đừng móc mắt cá ăn hay nhè xương trước mặt quan khách nhé.

Mấy trái nho nhỏ trên con cá là trái gì thế? Là ô-liu đấy. Cá hay dùng kèm ô-liu vì dân La Mã và Hy Lạp từng có thói quen ăn uống như vậy, và thói quen này vẫn còn cho tới giờ. Mọi người thử xay ô-liu, cho thêm muối, tí chanh vắt, và tiêu, đem hỗn hợp đắp lên cá, ướp khoảng nửa tiếng rồi nướng, cá sẽ thơm và không bị khô (vì trong ô-liu có dầu). Ô-liu trong tranh là ô-liu hữu cơ đấy, nhỏ nhỏ xinh xinh với màu xanh đậm, nhìn hấp dẫn ghê.

.

Mấy tác phẩm này khiến tôi không thể nào… diet được, cứ nhìn vô là muốn nhảy vào bếp nấu một món gì đó.

 

Ý kiến - Thảo luận

16:44 Saturday,11.8.2012 Đăng bởi:  phale
Tuần này có tích bạn ơi, luân phiên bài cho nó đổi mới tý để mọi người khỏi ngán đó mà.
...xem tiếp
16:44 Saturday,11.8.2012 Đăng bởi:  phale
Tuần này có tích bạn ơi, luân phiên bài cho nó đổi mới tý để mọi người khỏi ngán đó mà. 
11:53 Saturday,11.8.2012 Đăng bởi:  Đời Thường
Sao Lê không viết về tík Hy Lạp nữa? Nhìn đồ Tây, Living chẳng mê lắm ^.^
...xem tiếp
11:53 Saturday,11.8.2012 Đăng bởi:  Đời Thường
Sao Lê không viết về tík Hy Lạp nữa? Nhìn đồ Tây, Living chẳng mê lắm ^.^ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tương tác thế nào? Ở xa làm sao nghe art talk?

Phương Vẹt & Phó Đức Tùng

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả