Ở Đâu - Làm Gì

TẦM TÃ tại Bui gallery 10. 07. 10 - 7:04 am

Thông tin của Bui Gallery

Nguyễn Huy An, Cái bàn lớn (The Great Table), 2008

 

TẦM TÃ

Các tác phẩm của các họa sĩ: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Trần Nam, Vũ Hồng Minh, Nguyễn Huy An
Curator: nghệ sĩ Trần Lương
Bui Gallery
23 Ngô Văn Sở, Hoàn Kiếm, Hà Nội     
Từ 17. 7 – 27. 8. 2010
Giờ mở cửa: 10h – 18h

 

Trong triển lãm Tầm Tã, Bui Gallery giới thiệu các tác phẩm nổi bật của bốn họa sĩ trẻ Hà Nội được tập hợp dưới cái nhìn của curator Trần Lương.  Bui Gallery hân hạnh được hỗ trợ những họa sĩ trẻ này trong việc theo đuổi những câu hỏi đầy tính thách thức và những hình thái nghệ thuật mới.

Đối với Vũ Hồng Ninh, nghệ thuật luôn đề cập tới xã hội và cộng đồng trong mối tương tác trực tiếp, điều đó được thể hiện rõ hơn bao giờ hết trong tác phẩm điêu khắc đầy tính kích thích: Tễu Xà phòng. Đứng thẳng hiên ngang giữa một bên là chậu rửa, thùng rác và hộp giấy lau tay, tác phẩm điêu khắc bằng xà phòng của anh không che dấu trạng thái phơi bày trơ trụi và cử chỉ ương ngạnh thô lỗ của cậu bé xà phòng. Nó trực tiếp xúc phạm tới bất kỳ ai nhìn vào cậu bé. Phỏng theo tích cổ của nhà Phật có một cậu bé chỉ ngón tay lên trời và khẳng định tính vĩ đại của cậu, Tễu Xà phòng dĩ nhiên cũng tự khẳng định tầm quan trọng của mình với thái độ bất kính một cách trẻ trung. Mặc dù vậy, các vị khách tới với phòng trưng bày vẫn có thể tương tác với Tễu xà phòng chứ không chỉ đứng nhìn từ xa. Họa sĩ mời người xem sử dụng bất cứ phần nào trên tác phẩm điêu khắc để sử dụng như xà phòng rửa tay. Sự tương tác với tác phẩm chính là chìa khóa sức mạnh của tác phẩm này, đòi hỏi người xem phải vận động và là một phần của nghệ thuật.

“Bùm Bùm” của Vũ Hồng Ninh làm từ vỏ chai và vỏ lon tại triển lãm trên đường phố trong Huế Festival – (Ảnh Thế Sơn)

Là con trai của một nghệ sĩ tạo hình và được đào tạo hàn lâm, nhưng khi có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật sắp đặt và trình diễn, Nguyễn Huy An đã thể hiện rõ cá tính và trưởng thành vượt bậc trong việc thị giác hóa ý tưởng của mình. An khám phá bóng tối, những không gian tĩnh lặng của tuổi thơ và rồi đưa chúng ra ngoài ánh sáng. Với tác phẩm tại Bui Gallery, anh đề xuất sự pha trộn không gian của một phòng trưng bày giữa nhiếp ảnh, điêu khắc và trình diễn, tất cả phối hợp thể hiện bản chất và môi trường của những cái bóng.  Trong tác phẩm Cái bóng, họa sĩ sử dụng các chất liệu tối màu như mực và bột than để thể hiện và làm nổi bật cái bóng của một chiếc bàn. Họa sĩ nói: “Một khi công việc này được hoàn tất, cái bóng cũng sẽ được hoàn thiện và sự hiện diện của nó trở nên lôi cuốn.” Điều này khiến Huy An hứng khởi và thúc đẩy anh khám phá cái bóng qua nghệ thuật sắp đặt, điêu khắc, nhiếp ảnh và trình diễn.

Thành công của Nguyễn Văn Phúc được thể hiện chính trong sự kết hợp các chất liệu một cách thông minh. Anh không tự nhận mình là một họa sĩ hay một nghệ sĩ sắp đặt mà kết nối khoảng trống giữa hai hình thái nghệ thuật để tạo nên một cái gì đó tổng thể và mang tính đương đại. Tác phẩm Đèn ông sao sẽ là một dẫn chứng cụ thể cho kỹ năng này của anh; Đây là một tác phẩm có thể được coi là nghệ thuật khái niệm, ngoại trừ Phúc mang kỹ năng của mình vào tác phẩm bằng cách sơn và thêu trên bề mặt. Đèn ông sao là một tác phẩm khác thường về khổ lớn và cả về cấu trúc bất thường của nó. Chiếc đèn của Phúc không được làm từ các thanh gỗ như bình thường mà từ các nạng gỗ, nhắc nhở người xem một cách hiệu quả về những vết thương còn ẩn náu trong lịch sử hiện vẫn đang gặm nhấm kiến trúc của xã hội Việt Nam hiện đại.

Chân dung chép từ một bức ảnh – một tác phẩm trong bộ “Tên tôi là Hạnh Phúc” của Nguyễn Văn Phúc

Nguyễn Trần Nam là một trong những nghệ sĩ trẻ đặc biệt yêu thích làm video art. Anh mang tình yêu của mình bằng những hình ảnh động đầy xúc cảm và đưa nó vào điêu khắc, khiến tác phẩm thách thức người xem về tính chuyển động và khó nắm bắt của nó. Cùng với những họa sĩ của Tầm Tã, Nam mời người xem tham gia vào tác phẩm của mình. Khách tới xem triển lãm có thể chạm vào, thậm chí đẩy những bức tượng điêu khắc vốn miêu tả gia đình và bản thân họa sĩ. Mặc dù vậy, khi đẩy những bức tượng sẽ không ngã, bởi thay vì đứng trên sàn cứng, những bức tượng mô tả các thành viên trong gia đình của Nam không có chân mà chỉ đứng trên một quả bóng đối trọng. Tác phẩm của Nam tại Bui Gallery hướng nội hơn là hướng ngoại, mang đến một cái nhìn hiếm có vào xu hướng thử nghiệm và đặt nghi vấn về mặt tinh thần.

Trần Lương là nghệ sĩ tiên phong trong cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam. Là người đồng sáng lập Nhà Sàn Studio và là thành viên của nhóm Gang of Five nổi tiếng, Lương hiện tập trung phần lớn thời gian và công sức của mình vào việc giúp đỡ những họa sĩ trẻ thực hiện những ý tưởng của mình để cuối cùng có thể mang những ý tưởng đó đến với các triển lãm. Tiêu đề mà anh chọn cho triển lãm lần này, Tầm Tã, thể hiện sự tràn ngập về đam mê, thử thách và những câu hỏi như mưa trút xuống những họa sĩ trẻ của Việt Nam. Triển lãm này thử nghiệm tính chất thôi thúc và quá trình chuyển biến tạo nên bốn họa sĩ trẻ này cũng như thế hệ sáng tạo của họ.
 

 

Mọi yêu cầu xin liên hệ chị Gillian Lee Sturtevant qua:
gillian@thebuigallery.com
Đt: +84 (04) 3944 8595

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả