Khác

Ba chu vi: họa sĩ trẻ làm nên điều lạ 12. 04. 10 - 11:40 pm

Ảnh: DINO; Lời bình: SOI

.

 

BA CHU VI

Nghệ sĩ: Nguyễn Huy An, Vũ Đức Toàn, Hoàng Minh Đức
20h – 20h30, Chủ nhật, 11/04/2010
Tại Nhasan studio, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội.
Curator: Nguyễn Mạnh Hùng

 

26. 3, với tác phẩm sắp đặt Mưacủa họa sĩ Lê Huy Hoàng, Nhasan Studio đã mang đến đời sống nghệ thuật Hà Nội một không khí mới.

11. 4, tiếp theo dự án Gương mặt mới của nghệ thuật,  là tác phẩm nghệ thuật trình diễn của ba nam họa sĩ Nguyễn Huy An, Vũ Đức Toàn, Hoàng Minh Đức.

Ba nam nghệ sĩ? Ba tác phẩm độc lập cùng song hành và tương tác với nhau sẽ mang đến điều gì?

Chúng tôi đến Nhasan Studio trước giờ trình diễn nửa tiếng đồng hồ.

Lúc đó là 19h30, ngoài sân vắng lặng, lên gác, vào gian nhà chính nơi Nhasan vẫn dùng tiếp khách, chỉ thấy có ba người: Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh và một bạn trẻ.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng mời chúng tôi mỗi người một chén nước chè. Không gian im lìm bao trùm.

Ngồi một lát, chúng tôi xuống dưới gầm nhà sàn, bên trong tối om, không nhìn thấy mặt người. Đang đứng trong bóng tối, bỗng dưng thấy đèn bật sáng. Ba anh chàng đồng phục áo trắng quần đen hiện ra trước mắt.

Nguyễn Huy An, Hoàng Minh Đức chỉn chu trong sơ mi trắng cắm thùng quần âu đen, giầy đen tề chỉnh. Như hai sinh viên mới vào trường? Hay hai anh công chức nhà nước?

Vũ Đức Toàn khác hơn, quần âu đen nhưng áo phông trắng bỏ buông ra ngoài…

Hoàng Minh Đức chuẩn bị tác phẩm của mình trong khi Nguyễn Huy An và Vũ Đức Toàn lúi húi chỉnh trang lại đường dây điện. Một cameraman vừa tới nơi, bỏ máy ra quay

 

Góc trình diễn của Hoàng Minh Đức. Một ghế trắng. Một bàn trắng. Một cốc thủy tinh đựng nước trắng. Một ống nhựa dài trong. Một đôi găng trắng.

 

20h15′, chương trình bắt đầu, người ở đâu đổ về nhà sàn mỗi lúc một đông. Đông mà trật tự. Hoàng Minh Đức ngồi lên ghế, đưa vòi vào miệng, hút nước từ trong cốc cho đến khi gần cạn, rồi lại đẩy nước từ bên trong họng và mồm ra. Động tác lặp đi lặp lại và chỉ sử dụng cơ miệng

 

Khoảng năm phút sau, Nguyễn Huy An bước ra, giống Hoàng Minh Đức, An đeo găng tay trắng, đi ra từ phía sau nhà, mang theo một xô đen đựng đầy nước. An đổ nước vào một chiếc xô đen khác đã để sẵn giữa gầm nhà. Đổ cẩn thận sao cho không giọt nước nào rớt ra ngoài. Sau An chừng dăm phút, Vũ Đức Toàn bước ra. Tay trái cầm ấm đun nước điện, tay phải gỡ từng vòng dây điện treo trên móc buộc nơi thắt lưng. Đi khoảng bảy bước, Toàn phải từ từ quay lại, gỡ dây điện bị vướng chân cột nhà sàn. Sau đó Toàn chuyển hướng, đi sang phía bên phải. Mỗi vòng dây rơi ra, lại thêm vòng rối, được chục bước, dây điện rối một đống, bước đi khá khó khăn.

 

An vẫn tiếp tục vòng tròn chuyển động của mình. Đổ nước vào xô đen. Đặt xô rỗng trên tay xuống bên cạnh xô đầy nước. Nhấc xô đầy nước lên, đi ra cửa bên phải, ra sau nhà sàn. (Phía sau nhà sàn, An vừa xách nước sao không sánh ra ngoài, vừa leo lên một cái dàn gỗ, xuống dàn gỗ, đi trên địa hình không bằng phẳng để rồi xuất hiện ở cửa bên trái). Tiếp tục bước vào trong rồi đổ nước… Không biết An làm thế mấy chục lần, chỉ thấy lưng áo đẫm mồ hôi, mặt đỏ, nhưng nét mặt không biến sắc, bình yên kỳ lạ.

 

Ấm nước trên tay Toàn đã sôi, phả khói mù mịt, còi báo hiệu kêu inh ỏi. Toàn gắng kéo một sợi dây điện dài từ đống rối sao cho có thể ra ngoài sân mà không bị tuột phích cắm khỏi ấm. Không gian im phăng phắc, giữa tiếng còi là tiếng kêu ùng ục của nước theo từng hơi đẩy của Đức. Cơ miệng, cơ mặt của Đức đã mỏi nhừ, má hết phồng lên lại hóp xuống, nước chảy ra thành dòng từ miệng Đức. Nước trong cốc từ trong đã đục ngầu theo chu kỳ

 

Sau 30 phút, Toàn mệt nhoài ngã ngửa xuống nền nhà, ấm nước réo sôi bên cạnh, tay chầm chậm kéo đống dây điện rối phủ lên mặt. Đức mặt cũng đỏ bừng nhưng không biến sắc, cảm giác của nhẫn nại chịu đựng và chưa đến mức cần bung phá, thay đổi. An đứng thẳng lưng, đặt xô đầy nước lên trên xô rỗng mà không đổ vào. Đèn dần tắt từ Đức, đến An, đến Toàn. Tác phẩm kết thúc.

 

Một bé trai bước ra, bé là con của vợ chồng họa sĩ Lại Thị Diệu Hà và Nguyễn Văn Phúc. Bé hồn nhiên bước đến xô nước của chú An, vục tay vào rửa, rồi té nước lên đầu say sưa, khoái chí. “Trẻ con không cần sắp đặt để trình diễn, nghệ thuật của chúng là hồn nhiên” (DINO)

 

Trong khi đó, ba chàng trai thay nhau trả lời các câu hỏi của khán giả về ý tưởng cũng như sự phối hợp cùng nhau trong tác phẩm. Từ trái sang: Toàn, Đức, An

 

Những câu trả lời cụ thể đã làm thỏa mãn tò mò của khán giả. Thế nhưng nhiều người vẫn còn nán lại để bàn tán về tác phẩm, mặc dầu ngoài sân đồ ăn và bia lạnh đã được khui.

Điểm giống nhau của mỗi tác phẩm là sử dụng nước. Cùng một loại nước, từ ngoài vào miệng, rồi biến đổi đục ngầu khi tạp chất từ bên trong họng đẩy ra (tác phẩm của Hoàng Minh Đức). Cùng một loại nước, đổ ra, trút vào, theo vòng tròn cố định (tác phẩm của Nguyễn Huy An). Nước sôi và cảm nhận hơi nước nóng (tác phẩm của Vũ Đức Toàn). Giống nhau tiếp theo là nét mặt: từ đầu đến cuối tác phẩm, ba khuôn mặt phẳng lặng không cảm xúc. Đó là sự bình yên hay chết chóc?

Khác nhau cơ bản nhất có thể nhìn thấy ở từng tác phẩm là sự di chuyển. Đức ngồi im một chỗ, không cử động tay chân người đầu. Chỉ có cơ miệng hoạt động. An di chuyển theo vòng tròn cố định. Toàn di chuyển không theo trật tự nào bởi mải kéo và gỡ dây rối.

Đức nói: Tác phẩm thể hiện sự nhẫn nhịn của anh qua công việc nhàm chán văn phòng ngày ngày lặp lại trong đời sống thực của anh.

An nói: An có thói vui di chuyển trên phố xá theo vòng tròn. Điều đó làm anh thấy thanh thản.

Toàn chia sẻ: Anh muốn cảm nhận sức nóng của nước, tiếng còi réo, những vòng dây rối bời do vô ý.

Ba người, ba lý do để cùng đến bên nhau trong một tác phẩm.

Ba chu vi – ba chu kì – ba chuyển động – ba lặng im!

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả