Soi học

Bài học Chủ nhật: Pyrrha và Deucalion – sống sót sau thảm họa và biến đá thành người 09. 09. 12 - 7:14 am

Pha Lê

 

Trong bài học kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu về các thời kỳ của loài người; và theo Ovid, thì thời Đồng kết thúc sau một trận lụt. Trận lụt này diễn ra như thế nào?

Như mọi người đã biết, vào thời Đồng, loài người bắt đầu rèn vũ khí, thích gây hấn nhau. Zeus từ trên trời nhìn xuống, thấy loài người không dễ thương như hồi xưa nên đâm chán, quyết định giết chết dân phàm tục và bắt đầu lại từ con số 0. Zeus cùng Poseidon nổi gió, làm rung chuyển đất, và tạo nên một cơn đại hồng thủy, gây ra một trận lụt lớn trên khắp hành tinh.

Nhưng loài người may mắn có một vị thần thương mình: ông Prometheus. Ông này có một đứa con trai tên Deucalion, và cậu Deucalion lấy cô em họ tên Pyrrha làm vợ (Pyrrha là con gái của Epimetheus và Pandora – người đàn bà đầu tiên). Nhìn thấy trước vận mệnh của loài người, Prometheus đã chỉ cho con trai và con dâu cách thoát thân. Ông kêu họ đóng một cái rương, trong đó chứa đủ đồ ăn và nước uống cần thiết. Khi lũ ập đến, cả hai chỉ việc ngồi trong rương, lềnh bềnh giữa biển nước, chờ đến khi thủy triều rút. (Tích này rất giống tích về cơn đại hồng thủy trong Kinh thánh, với Noah làm nhân vật chính, mọi người nhỉ?)

Lúc này, loài người chết gần hết, chỉ còn mỗi cặp vợ chồng Deucalion, và vài người nữa sống sót nhờ leo được lên núi cao.

Tác phẩm “Trận lụt”, Johann Heinrich Schonfeld, thế kỷ 17. Họa sĩ vẽ lại cảnh náo loạn khi Zeus và Poseidon làm lụt thế giới. Nhìn thì không biết Pyrrha và Deucalion đứng đâu, nhưng nếu thể theo tranh thì sống sót cũng khá nhiều đấy chứ, còn đúng như trong truyện thì trái đất chỉ còn lại 4,5 mạng người thôi.

 

Tác phẩm “Trận lụt”, Hendrik Goltzius, 1589, vẽ minh họa cho cuốn Metamorphosis xuất bản tại Florence. Pyrrha và chồng đứng ở giữa hình – coi như làm trung tâm thế giới – những người còn lại là người sống sót sau trận lụt nhờ chạy kịp lên núi.

 

Thế là vài mạng lèo tèo còn rơi rớt lại. Nhưng như thế thì không đủ để loài người duy trì nòi giống, phải làm sao đây? Theo lời Prometheus chỉ, Pyrrha và chồng dẹp tự ái sang một bên, cả hai đến đền thờ của Zeus (không bị lụt vì xây trên núi, Zeus khôn lắm) dâng một số vật cúng để tỏ lòng thành và cầu xin Zeus giúp đỡ, cặp vợ chồng nói rằng mình không oán trách Zeus vì đã tiêu diệt loài người đâu, nên Zeus đừng hắt hủi loài người nữa.

Zeus tuy hay cáu nhưng khi được nịnh thì lại thấy bùi tai. Cho rằng cặp vợ chồng này dễ thương, Zeus quyết định giúp, và phái sứ giả Hermes xuống nói: Pyrrha và Deucalion hãy đi đào mộ của mẹ lên, và vứt mỗi mảnh xương của “đấng sinh thành” một nơi (nghe y như truyện kinh dị); sau đó Zeus sẽ làm phép, biến mỗi mảnh xương thành một con người.

Deucalion không có ý kiến gì, nhưng Pyrrha nghe xong thì hãi quá, từ chối thẳng thừng. Ai mà làm vậy với xác của mẹ được? Bất hiếu lắm. Nàng khóc lóc om sòm, xin Zeus giúp bằng cách khác, chứ cách này thì nàng chịu thua.

Nhưng Zeus trấn an rằng ông không kêu hai người làm thế, câu chữ thần thánh nó cao siêu, người thường không hiểu kỹ mà đã cuống lên. “Đấng sinh thành” ở đây không phải bố mẹ đẻ, mà là “đất mẹ Gaia”, “xương” ở đây có nghĩa là đá nằm dưới đất. Zeus bảo hai người đi bới đá và thảy đá đi mỗi chỗ một nơi.

Vỡ lẽ, cả hai bắt đầu đào bới, quăng đá. Hòn đá nào Pyrrha quăng, hòn đá đó biến thành đàn bà, còn hòn đá nào Deucalion quăng thì biến thành đàn ông. Thế là vui vẻ cả làng, trái đất lại đầy người rồi.

“Pyrrha và Deucalion”, Oraza Fontana, 1565, hình như là vẽ trên đĩa. Nghệ sĩ kể lại câu chuyện trong Metamorphosis bằng tác phẩm này: lụt lội, cặp vợ chông đi cầu khẩn Zeus, sau đó ném đá để khôi phục loài người.

 

“Pyrrha và Deucalion”, Rubens, thế kỷ 17. Một số họa sĩ vẽ các hòn đá biến thành em bé, còn Rubens thì vẽ đá biến thành người lớn. Nhưng trong tranh của Rubens thì cặp vợ chồng nhìn hơi bị già.

 

“Pyrrha và Deucalion”, Andrea di Mariotto del Minga, thế kỷ 16. Đền thờ của Zeus nằm cao trên núi (thực tế thì đúng là người Hy Lạp xưa xây tất cả các đền đài, cung điện đều ở trên núi), còn hai vợ chồng thì đang quăng đá. Nhưng trong tác phẩm này thì họa sĩ không vẽ đá biến thành người.

 

Tác phẩm “Pyrrha và Deucalion ném đá” (chứ không phải ném đá giấu tay nhé), Nicola Giolfino, 1550. Trong tác phẩm này, các hòn đá của Pyrrha biến thành bé gái, còn các hòn đá Deucalion quăng thì biến thành bé trai. (Cảm ơn bạn IQ ABC đã cung cấp link hình lớn nhé.)

 

Tác phẩm “Pyrrha và Deucalion”, Giovanni Maria Bottalla, 1635. Ngôi đền của Zeus nằm khuất sau bụi cây ở giữa hình, còn cặp vợ chồng Pyrrha thì đang ném đá tạo người. Người ở đây cũng là người trưởng thành chứ không phải em bé. Trong tiếng Hy Lạp cổ, chữ “người” có gốc từ chữ “đá”, có nghĩa là câu chuyện này đã được dân chúng hồi xưa truyền miệng nhau từ lâu rồi, đến nỗi họ còn viết ra chữ. Tới thời Ovid thì ông thêm mắm dặm muối vô.

 

Đây là một hình minh họa nữa cho tích Pyrrha trong cuốn Metamorphosis. Nhìn thì biết đây là hình từ sách cổ, in rõ và đẹp, nhưng không thấy đề thông tin là do ai vẽ hay đây là bản nào của Metamorphosis. Bạn nào có thêm thông tin thì bổ sung cho SOI nhé.

 

“Pyrrha và Deucalion”, Giovanni Benedetto Castiglione, 1655. Những “đứa con” mà cặp vợ chồng ném đá thành nhìn hơi bị kinh, làm tranh bỗng dưng nhuốm màu rùng rợn. Đã vậy, Deucalion còn có làn da đen, thật khó hiểu.

 

Nhưng sau khi loài người sinh sôi trở lại, thời Đồng kết thúc và thời Sắt ập đến với chiến tranh, thiên tai liên miên; coi như mừng một chút rồi lại buồn.

Ý kiến - Thảo luận

13:23 Monday,10.9.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Tự zưng xem tranh lại nhớ mấy câu thơ của cụ thi sĩ Hoàng Trung Thông:

"Bàn tay ta làm ra tất cả
Có sức rồi là đá hóa thành CƠM !"

Rất gợi mở, rất gần gũi với tâm lý zĩ-thực-vi-tiên của làng TA

ạ !
...xem tiếp
13:23 Monday,10.9.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Tự zưng xem tranh lại nhớ mấy câu thơ của cụ thi sĩ Hoàng Trung Thông:

"Bàn tay ta làm ra tất cả
Có sức rồi là đá hóa thành CƠM !"

Rất gợi mở, rất gần gũi với tâm lý zĩ-thực-vi-tiên của làng TA

ạ ! 
12:21 Sunday,9.9.2012 Đăng bởi:  admin
Soi đã thay Tác phẩm “Pyrrha và Deucalion ném đá”, Nicola Giolfino, 1550 bản lớn hơn. Cảm ơn bạn IQ ABC đã cung cấp link hình.
...xem tiếp
12:21 Sunday,9.9.2012 Đăng bởi:  admin
Soi đã thay Tác phẩm “Pyrrha và Deucalion ném đá”, Nicola Giolfino, 1550 bản lớn hơn. Cảm ơn bạn IQ ABC đã cung cấp link hình. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả