Trừu tượng của Vương Tử Lâm: Liệu có “nhẵn nhụi, một màu, mà gây xúc động đến mức xao xuyến”?
07. 11. 12 - 1:52 pm
Thông tin từ BTC
Triển lãm hội họa Vương Tử Lâm
Địa điểm: Viet Art Center, 42 Yết Kiêu, Hà Nội Thời gian: Từ ngày 9. 11 đến 14. 11. 2012 Khai mạc: 18 giờ, ngày 9. 11. 2012 Tọa đàm: 3 giờ chiều ngày 10. 11. 2012 tại Viet Art Center. Trong buổi toạ đàm, hoạ sỹ Vương Tử Lâm sẽ trình bày những nhận thức cá nhân về các bậc thầy Cezanne, Mondrian và Mark Rothko, và diễn giải lý do ông lựa chọn hội hoạ tối giản trong sáng tác của mình. Mời các bạn đến tham dự và trao đổi với hoạ sỹ.
Mời các bạn đến dự buổi khai mạc triển lãm hội họa cá nhân của hoạ sĩ Vương Tử Lâm tại Viet Art Center, 42 Yết Kiêu.
Vương Tử Lâm là một họa sĩ có nhiều năm theo đuổi hội họa tối giản. Ông nghiên cứu các tác phẩm của Cezanne, Mondrian và Mark Rothko, nhận ra sự đóng góp của mỗi bậc thầy trong cách tư duy không gian trên mặt phẳng và trong ý niệm ở góc độ thuần lý tính, gần như gạt bỏ tính thẩm mỹ của bức họa. Vương từ đó phát triển một lối vẽ chú trọng vào hình thức hình học của tác phẩm, tìm đến sự liên hệ giữa bức tranh với nhận thức về các chiều không gian. Hội họa của ông chênh vênh giữa việc giải quyết các nhận thức lý tính và tính thẩm mỹ của bức họa, với khao khát đi đến tận cùng của sự tối giản, đi đến một thứ nghệ thuật chắt lọc và cô đọng nhất về hình thức và ý niệm.
Vương Tử Lâm tự bạch: “Trong các cách nhìn giản lược về cấu trúc hình của Mondrian và Rothko, tôi nhận thấy rằng biểu đạt được một phương thẳng đứng (phương của lực hấp dẫn) mới thực sự là sự giảm thiểu cuối cùng về tư duy hình học, và hình tròn là một hình ảnh có cấu trúc không gian hiện lộ được khái niệm này. Ở kích thước nhỏ nhất nó là một hạt, lớn hơn là một điểm và hơn nữa nó sẽ là một hình tròn, là hình cơ bản nhất trong các hình và nó đồng đẳng ở mọi hướng. Theo như Kandinsky đã từng nói thì hình tròn là một hình vô hướng.
Để tận dụng các khả năng một phương (hay vô số phương) của hình tròn tôi cố gắng đưa ra một loại hội họa với các bức tranh tròn nhất quán theo một quy tắc có thể xoay vòng tùy theo ý muốn của người quan sát. Bức tranh do đó có thể được coi như một không gian nhìn từ trên cao và rộng lớn hơn những cái mà thị giác ta vẫn bắt gặp trong đời sống thường ngày.”
Đơn sắc đỏ
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng viết trong lời giới thiệu triển lãm: “Con đường tối giản về ngôn ngữ đã được khai sáng bởi nhiều bậc thầy, với Vương Tử Lâm, chính là Mondrian – người đã phát triển phương dọc và phương ngang, loại bỏ hết các hình thể để chỉ vẽ ra các nhịp của phân đoạn trong bố cục. Trong nghiên cứu của mình, Vương Tử Lâm đã tìm một dấu nối giữa ba họa sĩ lớn Cézanne – Mondrian – Rothko. Cézanne một người xác định các khối cơ bản, với câu nói nổi tiếng mọi vật đều nằm trong ba khối trụ, khối cầu và khối lập phương. Mondrian coi không gian là sự, khối vật chất là vật, nên ông bỏ hẳn mô tả vật mà đi vào không gian thuần túy. Rothko hạn chế tính đồ họa quá ư đơn điệu của Modrian, ông chồng màu, chuyển sắc và vẽ với các đường biên mềm mại. Những chặng đường này vô hình chung đã hé mở nhiều vấn đề trong bản chất ngôn ngữ hội họa, nó cho phép người họa sĩ đi vào sự tinh tế và duy lý của một thứ hội họa thuần túy, loại hoàn toàn các yếu tố tự nhiên trong nghệ thuật. Câu chuyện này ít được chia sẻ với các họa sĩ trừu tượng Việt Nam, khi đa phần muốn dùng bút pháp biểu hiện để vẽ tranh trừu tượng, và về cảm xúc hình như ít họa sĩ chịu được một bề mặt nhẵn nhụi, chỉ có một màu. Một bức tranh như vậy, nếu thành công có thể vừa lý trí nhất vừa gây xúc động đến mức xao xuyến”.
Trong thời gian triển lãm có diễn ra Tọa đàm do hoạ sĩ Vương Tử Lâm trình bày về quan niệm sáng tác và những lý giải về hội họa của mình. Rất mong các bạn tới tham dự.
Ngay khi cầm trên tay cái thiệp, nhìn cách design như thế.! đã thấy chữ "Tối giản" sao mà nực cười.. chẳng đi nữa, mất thì giờ.
...xem tiếp
12:45Monday,12.11.2012Đăng bởi: Minh Duy
Ngay khi cầm trên tay cái thiệp, nhìn cách design như thế.! đã thấy chữ "Tối giản" sao mà nực cười.. chẳng đi nữa, mất thì giờ.
12:12Saturday,10.11.2012Đăng bởi: pho duc tung
"Trong nghiên cứu của mình, Vương Tử Lâm đã tìm một dấu nối giữa ba họa sĩ lớn Cézanne – Mondrian – Rothko." Đắp một quả núi cao như Thái Sơn có khi còn dễ hơn bắc cầu giữa ba đỉnh núi. Cách thông dụng nhất để tìm đường liên kết 3 quả núi là ...xem tiếp
12:12Saturday,10.11.2012Đăng bởi: pho duc tung
"Trong nghiên cứu của mình, Vương Tử Lâm đã tìm một dấu nối giữa ba họa sĩ lớn Cézanne – Mondrian – Rothko." Đắp một quả núi cao như Thái Sơn có khi còn dễ hơn bắc cầu giữa ba đỉnh núi. Cách thông dụng nhất để tìm đường liên kết 3 quả núi là đi ở dưới chân.
Ngay khi cầm trên tay cái thiệp, nhìn cách design như thế.! đã thấy chữ "Tối giản" sao mà nực cười.. chẳng đi nữa, mất thì giờ.
...xem tiếp