Gẫm & Bình

Tối giản của Vương Tử Lâm:
Không thể gọi là tối giản. Khó mà gọi là tranh được. 12. 11. 12 - 12:09 am

Canvas

Phòng triển lãm tại Viet Art

 

Khi chúng tôi bước vào phòng triển lãm của Viet Art Center, hầu như các anh tài đã tụ hội sẵn cả đấy rồi: Đào Châu Hải, Phan Cẩm Thượng, Lý Trực Sơn… và tất nhiên là Vương Tử Lâm với vai trò chủ nhà.

Trong phòng, khoảng hơn 20 bức tranh “tối giản” treo trên tường. Dưới đất là những hình khối như được bồi bằng giấy trên carton. Những cái hộp đó được cuộn quanh bằng những đoạn dây thừng và sơn màu đè lên. Tôi đến gần, nhìn sát vào bề mặt tranh, không thấy dày dặn hoặc được dụng công như mong đợi. Họa sĩ chừng như chỉ dùng một cây ru-lô lăn sơn tường, lăn trên tấm ván những hình tròn bằng các màu xanh, đỏ, trắng, đen vàng…, rồi có cái được buộc thêm thừng…

Và dường như cũng nhận thấy vẻ mặt chưng hửng của nhiều người xem, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã mở đầu khẳng định: triển lãm này kén người xem. Ông nói đại ý, đừng tưởng trong này không có gì mà là không có gì; điều này được ông nhấn mạnh ít nhất hai lần trong một bài phát biểu khai mạc.

Kế tiếp, họa sĩ Lý Trực Sơn lên nói một đoạn, đại thể đây là một cách họa sĩ tự đặt ra câu hỏi cho mình rồi tự trả lời. Để chứng minh cho việc tự hỏi và trả lời của tác giả, Lý Trực Sơn còn nói thêm nhiều nữa, nhưng tựu chung vẫn là những lời hoa mỹ, vô nghĩa mà ông nghệ sĩ nào cũng “trăn trở” về quá trình sáng tạo, còn tuyệt chẳng có gì để những người xem ngoại đạo bấu víu, hiểu hơn về một phong cách cụ thể.

Cố ghi nhớ và mang hai đặc điểm của triển lãm: kén người xem, và bản chất là câu trả lời cho những câu hỏi của họa sĩ, chúng tôi đi xem tranh của Vương Tử Lâm.
 
*
 
“Tối giản nghĩa là không làm gì hả anh?” người bạn đi cùng hỏi tôi.

Tôi không trách được cô, vì tranh của Vương Tử Lâm rõ ràng là không làm gì cả. Theo đúng nghĩa đen của “không làm gì cả”.

Như đã nói, chất sơn không dụng công, màu cũng không dụng công. Quả đúng như một bạn nào đó đã nhận xét trên Soi, màu như màu trong bảng màu căn bản. Lấy cái khối vàng đứng dưới đất mà nói đi: đó là một khối hình thoi màu vàng, hình thù đã không có gì để nói, cái màu vàng ấy cũng chẳng có gì đặc biệt. Đó là một màu vàng tầm thường. Tôi vẫn tưởng, để can đảm đặt một cái khối vàng rộm vào giữa phòng triển lãm xong mời mọi người tới, họa sĩ đã phải tự tin vào quá trình lao động lương thiện của mình: anh đã phải ngồi nghiền ngẫm về cái màu vàng nào đó – một màu vàng của riêng anh, như một màu xanh của Yves Klein không sao nhầm lẫn được. Một màu vàng của suy nghĩ, của băn khoăn và rồi màu vàng ấy chính là câu trả lời (như lời họa sĩ Lý Trực Sơn). Nhưng có thể tôi không thuộc nhóm của những người hiểu Vương Tử Lâm, nên tôi không thấy quá trình lao động nào ở đây. Rồi những đoạn dây thừng được quấn vào khối hộp, một cách tạo chất liệu với ý đồ mà bất cứ sinh viên nào khi được học về cách dùng chất liệu đều nghĩ ra một các dễ dàng, dễ dãi. Cả cách buộc dây vào khối cũng nhàm chán, cho thấy nó có thể buộc ở bất cứ vị trí nào trên khối đó mà không thêm được gì cho thông điệp của khối: làm cho khối nặng hơn, nhẹ hơn, v.v… Không cho cảm giác vị trí của cuộn dây sinh ra là để cho chính chỗ đó, không thể lên thêm 1cm, hay xuống 1cm…

.

 

.

Mọi thứ đều nông choèn. Chúng tôi đi vòng quanh cái khối vàng kia và thấy nó không khác gì các bục ở các gian triển lãm hội chợ đã được làm trong vội vàng. Mà trong triển lãm không chỉ có một khối màu vàng. Còn những khối xanh, khối đen; cái nào cũng buộc thừng, cái nào cũng ẩu, như họa sĩ làm rất nhanh một loạt, hay về mặt sáng tạo mà nói thì “không làm gì cả”.

.

 

.

*
Tình trạng “không làm gì cả” có vẻ tràn lan trong tất cả các tác phẩm của Vương Tử Lâm. Giờ thì đã quá cũ rồi để mà một họa sĩ để một mảng tường trắng, một bức tranh trắng treo trên nền tường trơn mà không hề khác nhau về chất liệu của cả tranh lẫn tường, hay một bức tranh tuyền một thứ màu mà người ta dễ dàng gọi tên màu đó, rồi coi như xong và được gọi đó là tranh. Giờ này mà còn làm thế thì liệu có đủ được sức nặng mà thách thức quan niệm thường có của người xem không? Và muốn thách thức được thì phải thế nào? Sự thách thức và đánh động này đã diễn ra trước đây hàng nhiều thập kỉ rồi, chỉ có lạc hậu, ngồi lâu lắm dưới đáy giếng mới đi tuyên ngôn lại. Còn muốn đi lại, đi tiếp con đường đó, thì bản thân người nghệ sỹ phải có ý thức mình sẽ đóng góp thêm gì đây để làm phong phú thêm một trường phái cũng như nhãn quan người xem. Ngày nay, khi tác phẩm của các nghệ sĩ làm ra quá nhiều, người xem vào phòng triển lãm là muốn xem cái “tinh chất” của tác phẩm, thể hiện cái “thần” của tác giả (như anh Phó Đức Tùng nói rất đúng về bản chất tranh trừu tượng). Không ai muốn vào phòng tranh để bị giỡn mặt, làm trò đùa cho một thứ lười suy nghĩ nhưng lại giỏi gắn các lý thuyết lên che đậy.

Quay về những vòng tròn của Vương Tử Lâm, nhìn những mảng tròn, tôi không thể không nhớ lời một bạn đọc Soi là tranh anh Lâm không khác gì bảng màu sơn nước. Những hình tròn ấy bẹt dí, không có chút chiều sâu nào hút ta vào, cả về chất liệu lẫn màu, lẫn hình. Vẫn hi vọng sẽ được nhìn một màu đen như chưa bao giờ đen hơn. Vẫn muốn tìm đến để nhìn một màu đỏ chưa được nhìn thấy trong đời. Trước khi đi, chúng tôi đoán, rất có thể những hình tròn của Lâm sẽ là một cái bẫy thị giác thú vị, bẫy mắt chúng ta như thôi miên, vì sự hút dính như xúc tu của những lớp chất liệu, những đường đồng tâm nào đó kín đáo mà hun hút xoáy nước… Chẳng có cái gì cả! Một bọn tẽn tò nhìn nhau: mình ngu à? Hay họa sĩ đang bỡn cợt với thời đại ông vua cởi truồng này?

.

 
*
Tôi từng được xem một số tác phẩm tối giản rất đẹp, mà không đâu xa là của một nghệ sĩ trong nước: Phan Phương Đông. Những khối đồng của anh được hoàn thiện rất tuyệt vời, như là cái khối ấy tự sinh ra, chảy thẳng từ trong lò ra, mượt mà. Những khối gỗ của Phan Phương Đông làm cũng thế, những khối vật chất rắn chắc uyển chuyển, không mối nối, cho ta cảm giác thán phục như khi nhặt được một viên sỏi được sóng biển bào mịn đến hoàn mỹ.

Phan Phương Đông – “Rắn”, chất liệu đồng

Tối giản của Phan Phương Đông là lọc cho đến cùng, còn lại cái tinh chất, nước cốt của gỗ, của đồng, của chính ý tưởng về đồng và gỗ của Phương Đông (tôi xin phép lại lấy ý của anh Phó Đức Tùng về hội họa trừu tượng). Người xem ngắm cái lõi ấy, nó tự nhiên và “trong” tới mức khiến ta không thấy lao động miệt mài của nghệ sĩ, lại cũng như các cô đeo vòng ngọc trai mà đã không thấy con trai đau đớn thế nào trong quá trình hình thành viên ngọc.

Nhưng ở Vương Tử Lâm thì sự “không thấy có lao động” chắc chắn là “không thấy lao động”, không phải bàn. Các tác phẩm như được làm vội vã, từ những tấm ván, nước sơn, đến những sợi thừng, và cả cách sắp xếp trong phòng. Ngay cả tác giả cũng bộc lộ sự mất tự tin về cái “tối giản” của mình, mà phải bấu víu vào một số hình thuần chất trang trí, nhác trông hơi giống những hình vẽ của thổ dân Úc. Một cách tạo hình, tạo nghĩa quá dễ dãi, nói gọn là lười.

 
*
Chúng tôi ra về, cũng không có ý định buổi chiều thứ Bảy ghé lại nghe họa sĩ nói về quá trình làm tác phẩm. Như ta đã ăn phở ở một quán dở ẹc rồi thì việc gì phải nghe người đầu bếp giảng về kinh nghiệm nấu nồi phở ấy nữa. Nhưng trong lòng chúng tôi vẫn không khỏi có một thắc mắc: nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã bảo những bức tranh này là “xúc động đến mức xao xuyến”. Cái gì làm ông xúc động được? Và ông xao xuyến vì cái gì? Thể nào cũng có những lý do để những người yêu tranh Vương Tử Lâm đến đông như vậy và phát biểu đầy âu yếm như vậy chứ; những lý do nào đó mà chắc là diễn giải ra sẽ rất hay ho, cho ta vỡ vạc được nhiều. Mong một ngày sẽ được đọc, không phải trên Soi thì cũng là ở một diễn đàn nào đấy…

*

 

Triển lãm hội họa Vương Tử Lâm

Địa điểm: Viet Art Center, 42 Yết Kiêu, Hà Nội
Thời gian: Từ ngày 9. 11 đến 14. 11. 2012
Khai mạc: 18 giờ, ngày 9. 11. 2012
Tọa đàm: 3 giờ chiều ngày 10. 11. 2012 tại Viet Art Center.
Trong buổi toạ đàm, hoạ sỹ Vương Tử Lâm sẽ trình bày những nhận thức cá nhân về các bậc thầy Cezanne, Mondrian và Mark Rothko, và diễn giải lý do ông lựa chọn hội hoạ tối giản trong sáng tác của mình.

 

*

Bài liên quan:

– Trừu tượng của Vương Tử Lâm: Liệu có “nhẵn nhụi, một màu, mà gây xúc động đến mức xao xuyến”? 
– Vì sao tôi chọn tối giản? – Tọa đàm với Vương Tử Lâm

– Tối giản của Vương Tử Lâm: Không thể gọi là tối giản. Khó mà gọi là tranh được.
– Vương Tử Lâm và hội họa… đánh cờ (chứ không phải tình cờ)

 

Ý kiến - Thảo luận

10:42 Friday,7.12.2012 Đăng bởi:  QuynhTUN

Những người được công chúng đặt niềm tin ở vai trò "dẫn dắt thị hiếu" như thầy Phan Cẩm Thượng cần phải có trách nhiệm, sự tử tế và trung thực trong những nhận định của mình!  
Tôi không tin thầy Thượng cũng bị bịt mắt xem Hoàng đế cởi truồng như thế. 


...xem tiếp
10:42 Friday,7.12.2012 Đăng bởi:  QuynhTUN

Những người được công chúng đặt niềm tin ở vai trò "dẫn dắt thị hiếu" như thầy Phan Cẩm Thượng cần phải có trách nhiệm, sự tử tế và trung thực trong những nhận định của mình!  
Tôi không tin thầy Thượng cũng bị bịt mắt xem Hoàng đế cởi truồng như thế. 

 
13:22 Saturday,17.11.2012 Đăng bởi:  mythuatolang
Và bọn em cho rằng đây là loại nghệ thuật: NGHỆ THUẬT DƯ THỪA.
...xem tiếp
13:22 Saturday,17.11.2012 Đăng bởi:  mythuatolang
Và bọn em cho rằng đây là loại nghệ thuật: NGHỆ THUẬT DƯ THỪA. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả