|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnVương Tử Lâm và hội họa… đánh cờ (chứ không phải tình cờ) 13. 11. 12 - 7:25 amVũ Lâm
Cuối năm ngoái, nhân xem một loạt triển lãm cuối năm tại Hà Nội, tôi định viết một bài lấy tên là “Bí cờ” để nói đôi nét về tình trạng “ô nhiễm” và luẩn quẩn của hội họa trẻ nói chung mà tôi cảm thấy suốt trong năm 2011. Có họa sĩ vẽ toan rất to, màu rất nhiều, nhưng kỹ thuật sơn dầu chưa đến nơi đến chốn. Có những họa sĩ vẽ sơn dầu rất giỏi, nhưng nội dung đưa ra thì cứ như nồi cháo thiu… Nhưng do một số lý do nên mãi không viết xong. Cho đến năm nay, mới thấy có một vài triển lãm đưa hội họa thoát ra khỏi tình trạng “bí cờ” ấy. Một trong những triển lãm ấy, là triển lãm của họa sĩ Vương Tử Lâm. 1. Có những người dùng nghệ thuật như ngón nghề kiếm miếng, có những người dùng như quần áo trang sức, có những người dùng như phương tiện để đạt đến những tín điều riêng (tôi tạm gọi thế, chưa dám nói đến chữ Đạo). Vương Tử Lâm là một người như vậy, ông đi vào hội họa một cách tiệm tiến hơi quá… từ từ để chiêm nghiệm những tín điều của mình. Triển lãm gần như cá nhân đầu tiên năm 1994, thi thoảng tham gia triển lãm nhóm khác cho vui. Và cho đến nay mới thực sự là triển lãm cá nhân đầu tiên ở tuổi 55 (và có thể là triển lãm cuối cùng). Vương Tử Lâm tốt nghiệp ngành điêu khắc từ trường Mỹ thuật Công nghiệp năm 1981, sống bằng nghề nhạc, hiền, lịch và náu mình, ít người biết về ông. Không phải ai cũng hay rằng họa sĩ là một trong rất hiếm người đủ ngoại ngữ để đọc trực tiếp những sách nghiên cứu sâu và dịch thuật về nghệ thuật tạo hình để phục vụ cho sáng tác cá nhân. Ông tâm sự, sau năm 1997, ông rút hẳn chân ra khỏi đời sống sáng tác, một phần bởi vì không thích bị coi việc vẽ là “lộp chộp” không có nghiên cứu gì, vẽ vời theo kiểu “từ trên trời rơi xuống”, và ông phát triển từ những nhận thức và nghiên cứu của mình cho một loại hội họa lội ngược dòng quay “về nguồn”, đào sâu vào những mẫu thức của các bậc thầy và lý giải lại ngôn ngữ nội tại của hội họa. Điều này ắt sinh ra kết quả cuối cùng là một loại hội họa mang tính trừu tượng, không có hình thể và đối vật miêu tả, chắc chắn là khó xem và kén người xem. Người bận tâm nhiều về nguyên do của nghệ thuật hẳn xem được thì thích thú. Còn kẻ nông cạn hoặc chỉ thích đến triển lãm để xem “trò mới” thì chắc là chê ỏng chê eo. Điều đó cũng chẳng sao vì ở ta, việc phát triển một loại hội họa mang tính lý thuyết và cực đoan thì gần như không có đất, trong khi đám đông thì chỉ hâm mộ loại tranh “biểu hiện duy tình” và nhạc sướt mướt. Trong khi hội họa “biểu hiện duy tình”, đúng là khi đứng cạnh loại hội họa lý thuyết, nó tương tự như nhạc vàng đứng cạnh nhạc bác học (so sánh vậy là vấn đề gọi tên thể loại và tầng bậc, tôi không có ý chê bai nhạc vàng kém nhạc giao hưởng thính phòng. Vì mỗi loại có giá trị riêng, đối tượng riêng). Những bậc thầy cổ điển, khi đã bị xếp lên giá sách và vào bảo tàng, thì buồn nỗi là ít ai quay về nghiên cứu họ kỹ càng, trừ sinh viên đang học nghệ thuật. Trong khi Picasso (lại Pi) khi già rồi, thành bậc thầy rồi, vẫn vào bảo tàng để chép tranh và nghiên cứu các bậc thầy trước ông để chứng tỏ việc nghiên cứu lại những tiền nhân khổng lồ không bao giờ là thừa. Họ cho ta những gợi ý lúc ta “bí cờ”, họ cho ta những “mẫu tự” có tính biểu tượng để khi tranh luận nghệ thuật, những “thằng thắc mắc đểu” phải ngậm miệng lại (kiểu như cái bồn tiểu Duchamp). Vương Tử Lâm bận tâm nghiên cứu hai chủ đề lớn “khó nhằn” trong môn “toán lý thuyết của hội họa” là cấu trúc và không gian. Những bậc thầy được ông dẫn giải dài dòng làm trục gợi ý nhận thức cho mình là Cezanne (1839 – 1906), Mondrian (1872 – 1944) và Mark Rothko (1903 – 1970). Và trao đổi riêng của ông về mục đích hội họa là: Những câu hỏi lớn của nhân loại thì những ông tay to hơn mình nó trả lời hết rồi. Mình chỉ trả lời câu hỏi nhỏ cho bản thân mình thôi. Do vậy, hội họa của Vương Tử Lâm đưa ra không còn là thách thức nữa, vì nó không thách thức gì cả và cũng không phải thời điểm, đó chỉ là sự tự thức mà thôi. Với chiêm nghiệm của một người đã qua tuổi “ngũ thập”, thì tác phẩm của họa sĩ còn vượt thoát được khỏi sự “ô nhiễm” của bầu không khí hội họa nói chung hiện nay. Và tiệm cận tới tầm ý nghĩa của những chủ đề ông quan tâm. Điều này tôi sẽ giải thích kỹ hơn ở dưới: 2. Về năm bức tranh: Đỏ – Vàng – Lam – Đen – Trắng
Năm bức tranh tròn này, tôi nhìn thấy đó giống như là ‘tuyên ngôn” về nhận thức về không gian và cấu trúc hội họa của Vương Tử Lâm thì giống hơn là những “bức họa” như ta thường hiểu. Ai có kiến thức phổ thông tối thiểu về hội họa, thì đều biết ba màu Đỏ – Vàng – Lam ba màu gốc (màu căn bản) của hội họa. Hòa sắc giữa ba màu này thì sẽ ra được các màu bổ túc. Còn đen trắng thì là hai sắc (chứ không phải màu, ảnh sự vật nếu trừ màu đi thì chỉ còn đen – trắng). Còn hình tròn là cấu trúc vô hướng, động nhất hoặc tĩnh nhất đều là nó, cấu trúc vật chất từ nguyên tử cho đến các hành tinh đều mang hình tròn. Điều cần nói là sự “nhận thức” này cũng không mới mẻ gì để bàn, mà nó chỉ “trả lời những câu hỏi cho bản thân họa sĩ”. Và đã là tuyên ngôn thì không cần rườm rà bày đặt tạo chất. Họa sĩ chỉ quét màu phẳng lên, là xong, thật tròn và thật mịn, còn những bức họa tròn sau đó mới là dụng công… 3. Về những tác phẩm còn lại Bởi nhận thức ra rằng cấu trúc tròn-cầu là vô hướng và tuyệt đối nhất, nên họa sĩ chọn cấu trúc đó làm khổ tranh cho mình. (Phải nhắc lại là ngay cả điều này cũng chẳng mới mẻ gì, nếu chúng ta lấy ví dụ bằng đĩa sơn mài chẳng hạn). Ông phát triển một lối hội họa tạm gọi là “hội họa địa mạo” và “không gian bản đồ” cho sáng tác của mình. Có lúc ông như “bay” ra ngoài không gian để nhìn trái đất, mặt trời hay các vì sao (Quỹ đạo xoắn; Sự ngưng đọng của thời gian; Sắc xuân; Ánh sao).
Có lúc, chặng bay này hạ độ cao xuống để nhìn bề mặt trái đất với nhà cửa, cây cối, sông ngòi, đất hạn, núi non (Mê lộ I, II, III, IV, V và Sự ly khai khỏi mê lộ).
Có lúc thì ông dùng sự tương phản vuông tròn để triết lý hình ảnh ra sự đối lập về tự nhiên – nhân tạo… (Hình vuông nhân tạo, Vuông trong tròn – Xin nhắc lại, đó là tôi nhìn thấy và cảm nhận đại khái thế, còn người khác có thể sẽ thấy khác, tùy. Vì nó mở ra nhiều gợi ý chứ không phải một. Đó mới là “vô hướng” một cách thực sự).
Các bức này đều dụng công tạo chất bề mặt, dùng mix media (đa chất liệu) với: sỏi, đất, kim loại, chất đắp, arcrylic, cả cát nữa… sau đó phủ sơn dầu. Những bề mặt thích mắt này cho tôi cảm quan kính trọng về sự am hiểu cũng như khả năng của họa sĩ về việc tạo một bề mặt rung rinh và có ý thức chủ động, tiết chế cho một bức họa. 4. Về các khối sơn có góc năm màu buộc dây 5. Bàn thêm… Xét những phân tích như ban đầu, thì con đường hội họa của Vương Tử Lâm, nếu đi trọn vẹn và cực đoan thì sẽ dẫn đến việc là rồi có lẽ ông sẽ bỏ đi đánh cờ. Giống như “bậc thầy bồn tiểu” Duchamp sau khi đưa ra vài cuộc cách mạng về cái sự nhìn thì ông bỏ đi đánh cờ vậy. Vì nếu đã “tái nhận thức” các bậc thầy rồi, thì “tất cả con đường đều dẫn đến (đó?) cả thôi”. Còn cái “đó” là Rome hay nấm mồ thì tôi chịu! Trong triển lãm, có một “tác phẩm” mà tôi thích là một vòng tròn thép treo trước một mảng tường trắng. Vì giống như mọi sự chung cuộc của nhận thức cũng như của cuộc sống con người, thì sẽ đều đi đến… chẳng có gì, chẳng còn gì! Nếu “thức” ra được như một thiền sư cao đạo rồi, và áp dụng vào được cả trong lối sống, thì người ta cũng chẳng buồn vẽ vời hay ngó ngoáy làm gì nữa, cho mệt. Trong buổi tọa đàm sau triển lãm, với số lượng người thực sự quan tâm. Tôi nói vui rằng họa sĩ “chưa can đảm lắm”. Vì nếu làm đến tận cùng rồi thì cả triển lãm, ông chỉ bày mỗi cái vòng tròn thép trên nền tường trắng ấy… là xong! Kiểu như nhà điêu khắc Phan Phương Đông liều lĩnh dán mấy cái ô đen lên nền phòng triển lãm Viet Art năm ngoái rồi nói “đó là điêu khắc tối giản của tôi”, thế là xong! Tôi cũng được xem thêm một vài tác phẩm (bức khổ tròn, bức khổ chữ nhật) của họa sĩ Vương Tử Lâm, nếu để vẽ “biểu hiện duy tình” thì ông cũng vẽ “biểu hiện duy tình” chẳng kém ai với một bề mặt “xước sát xao lòng”. Nhưng đó không phải là chuyện của triển lãm này. Vấn đề là sự quan tâm và yêu thích của người làm nghệ thuật là chủ đề gì. Có một nhạc sĩ nổi tiếng đã quá cố đã tạo ra hẳn một dòng ca khúc buồn mang tên mình, nhưng khi cần sáng tác hùng ca, nhạc tượng đài tôn vinh mẹ, ca khúc thiếu nhi… thì ông chơi được tuốt, và bài nào cũng hay. Vấn đề là hát về chuyện “sầu não, triết lý lơ mơ lãng đãng” vẫn là việc ông thích nhất. Hội họa của ta (một mảnh của mỹ thuật) bắt vào lộ trình nghệ thuật thế giới từ Hậu Ấn tượng còn rơi rớt một chút Tân cổ điển, giống như không phải trèo cây từ gốc. Sau đó lại bị ngắt quãng mất hơi lâu vào “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Điều này chẳng khác gì xây cái nhà nhưng cột kèo thì thiếu và tường thì hổng lỗ chỗ. Các trào lưu, chủ nghĩa, các ngả phát triển, nhánh rẽ để cho nó đủ “tinh thần”, đủ món thì đều có từng người làm qua nhưng ít đến nơi đến chốn. Có những nấc thang tiến hóa của hội họa đã bị bỏ qua, bây giờ cần có những người tìm lại để bổ sung vào những lỗ hổng đó, làm công việc “cạp nền”. Có một số nghệ sĩ, rất ý thức được điều trên, cùng với thể tạng và tình yêu của mình đã tận tụy hết mức để làm công việc như vậy, để chứng minh rằng sẽ có những giá trị luôn được làm tươi mới và sẽ khác biệt, bất kể cái không-thời gian nó thế nào. Dù chỉ là một giọt, một chấm nhỏ nhoi thôi, trên mặt đất này…
* Triển lãm hội họa Vương Tử Lâm Địa điểm: Viet Art Center, 42 Yết Kiêu, Hà Nội
* Bài liên quan: – Trừu tượng của Vương Tử Lâm: Liệu có “nhẵn nhụi, một màu, mà gây xúc động đến mức xao xuyến”?
Ý kiến - Thảo luận
13:39
Saturday,17.11.2012
Đăng bởi:
mythuatolang
13:39
Saturday,17.11.2012
Đăng bởi:
mythuatolang
Bác Trần Lương nói rất hay. Cái tối giản không còn cả khái niệm về nó nữa. Hay nói một cách thô thiển là như một vị Thiền sư đắc đạo ý. Một lời giảng đạo hay hành động đều cho ta thấy được NGÔN NHIÊN, HÀNH NHIÊN.
21:15
Friday,16.11.2012
Đăng bởi:
buon
Vương Tử Lâm đừng triển lãm. Vũ Lâm đừng viết gửi Soi. ...xem tiếp
21:15
Friday,16.11.2012
Đăng bởi:
buon
Vương Tử Lâm đừng triển lãm. Vũ Lâm đừng viết gửi Soi. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp