|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhBài 3: “Sem” điêu khắc bằng tim 01. 01. 13 - 7:30 pmVũ Lâm(Tiếp theo bài 2: “Sem” tranh bằng bụng, và bài 1: “Lạc vào mỹ thuật“) Ở các bài trước đã nói, cũng phải bảy tám năm sau khi ra trường, tôi mới gọi là tạm biết xem được điêu khắc. Cũng nhờ đi viết báo, được những người trong nghề chỉ bảo giải thích ít nhiều, sau mới nhờ thời gian quan sát để chiêm nghiệm. Trong nghệ thuật tạo hình, khác với hội họa là thứ khá phổ thông và dễ phát tán, khác với kiến trúc là thứ luôn hay có công năng sử dụng đi kèm. Điêu khắc độc lập (chỉ có giá trị nghệ thuật thuần túy, bày xem chơi) thời này ở ta chưa được sử dụng nhiều, người làm điêu khắc ít, cái hiểu của khán giả cũng còn hạn chế (kinh ngạc là ngay với một số người trong nghề mỹ thuật, cái hiểu của họ với điêu khắc cũng còn hạn chế chứ chưa nói khán giả số đông). Bàn về điêu khắc là bàn về ngôn ngữ của khối – cũng là ngôn ngữ của tất cả thế giới vật chất trước mặt con người chúng ta và chính chúng ta. Trong nhiều lần nói chuyện với các bạn đang học nghệ thuật hoặc trong một số bài viết. Tôi có nhấn mạnh hai ý này: Nên tìm hiểu về nghệ thuật tạo hình, vì thế giới này có gì khác ngoài những hình thù do Chúa tạo ra rồi đến chúng ta tạo ra cho mình đâu. Thứ hai: Nếu hỏi Chúa làm nghề gì, ắt hẳn Chúa nhận mình là nhà điêu khắc, vì Người dành phần lớn thời gian khởi thủy để nặn ra mọi thứ, sau đó Người mới nghỉ ngơi và chăm bón tưới tắm… Điêu khắc là cái đuôi file raw của nghệ thuật tạo hình, là sáng tạo gốc trong nghệ thuật tạo hình giống như toán trong khoa học tự nhiên và triết trong khoa học nhân văn vậy. Kiến trúc cũng chỉ là mặt biểu hiện phía bên kia của điêu khắc, là điêu khắc phóng to ra mà thôi. Những sáng tạo gốc tuy “vô tích sự” nếu áp cho nó một công năng cụ thể nào (ví dụ như xây cái nhà, chui vào khoảng rỗng bên trong nó để sử dụng ăn ở, và gọi đó là kiến trúc), nhưng lại rất quan trọng. Vì chỉ cần nắm cái chìa này, từ nó có thể gợi ý cho các loại sáng tác tạo hình khác, đọc ra các loại sáng tạo mỹ thuật khác, mà khó thể đọc ngược lại. Giống như hiện tượng phát sinh gốc từ đời sống tinh thần của con người ta, và những thứ phái sinh khác. Điêu khắc là một cái inception (tôi nhớ từ này bởi từ bộ phim rất hay cùng tên). Xem điêu khắc giống như nghe âm thanh trầm dưới 16 Hz, tai người không nghe được, nhưng ngực và tim thì cảm nhận rất rõ. Khi tôi trao đổi điều này với một nhà điêu khắc, ông nói là ngực và những thứ trong lồng ngực thuộc về dương phần trên trung bộ cơ thể (khoảng giữa, từ cổ đến hông). Xem hội họa tác động đến bụng và ổ nội tạng là phần âm. Còn xem điêu khắc nó tác động mạnh đến phần dương, là tim và phổi. Yếu tim hoặc yếu phổi chắc không làm được điêu khắc, hoặc cố làm được thì cũng có cơ chết non mất. Còn yếu nội tạng, yếu bụng yếu dạ thì vẽ tranh cũng yếu là cái chắc. Người xưa hay khen người dũng cảm là: thằng ấy to gan. Không kiểm tra tọc vạch được gan ruột của những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới nó ra răng, nhưng tôi nghĩ những “đồ đạc” này của họ chắc cũng chẳng nhỏ, hoặc cho dù nhỏ đi thì cũng “bé hạt tiêu’!. Để xem điêu khắc, nhòm những thứ cục thù lù ra trước mắt ấy mới là bước một. Bước hai, nhìn là nhìn cả cái không gian rỗng xung quanh đối vật ấy bị chiếm lĩnh và bị cái khối ấy can thiệp (vô hình). Khối tích ba chiều ấy là vật thể thực có tính Hữu, sinh ra từ cái Vô rồi đến lượt đứa con ấy biết cãi bố, can kích ngược lại cái Vô xung quanh. Nó có năng lượng, giống như ném một tảng đá xuống dưới nước, thì đều sinh ra sóng lan tỏa (như một quả bom nổ sinh ra sóng xung kích) lan truyền trong không gian và làm thay đổi giãn nở không gian, không khí xung quanh. Đưa một khối điêu khắc vào một chỗ trống, nó cũng hoặc là mơn trớn hoặc xé toác không gian ra. Để xé toạc được không gian lớn, năng lượng khối tích ấy phải rất lớn. Nếu là một tác phẩm điêu khắc tốt, dù nhỏ hay to, nó sẽ tất yếu mang lại năng lượng nhất định cho người xem, hoặc “táng” cho người xem một cú choáng váng kiểu gì đó làm ta phải như đá đè lên ngực mà… im bặt kính phục hoặc sợ hãi. Còn một tác phẩm điêu khắc không tốt, không hay, hoặc “rắn giả lươn” không có tự trọng nghề nghiệp của người làm đặt ở đó, thì dù to đến mấy cũng rất dễ dẫn đến khả năng làm ta phải… thổ ra một cái gì đó thì mới khỏe được! Làm ra những công trình điêu khắc – kiến trúc vĩ đại, phải từ những con người vĩ đại hoặc dân tộc vĩ đại, là điều đương nhiên. Như cái ông sáng chế ra mìn bột (sau đó phát triển thành mìn dẻo), thì cũng chế ra cái giải thưởng gì đó mang tên mình, làm cho những người sáng tác trong nhiều lĩnh vực của cả nhân loại về sau đó lao đao (miễn trừ trao cho người học Toán vì nghe đâu vợ ông ta bồ bịch với tay Toán học thì phải, hỷ xả như thế rồi mà chết vẫn chưa hết a-kay…). Qua bước hai rồi, thì đến bước ba, nên để ý tới mấy cái gạch đầu dòng sau: a. Chiều hướng đặt của khối là ý nghĩa có tính tạo “sinh điện”. Có hướng và vô hướng. Hướng tỏa ra phát động và hướng thu vào (hấp thụ). Hướng tạo ra tính vây bủa, thách thức, chiếm lĩnh, đe dọa, tấn công khác với hướng có tính thu hút, hòa bình, điều hòa, trìu mến, dâng hiến, bay bổng, bao bọc, hóa giải, cân bằng, nâng đỡ, trung dung… Vấn đề trọng lực là rất quan trọng, vì sức hút trái đất dán tất cả mọi vật hoạt động trên một mặt phẳng bên ngoài hình cầu. Cái “đế” trái đất tẩm quất lên mọi thứ lồi lên khỏi nó, ngược lại với nó. Ví dụ Kim tự tháp đặt ngược lại thì ý nghĩa khác hẳn. b. Sức căng, độ giãn nở của khối, độ phình-hóp-lõm của khối và chuyển, gấp của đường nét phụ trong khối. Mọi vật trong tự nhiên đều sinh ra theo hướng phình hình cầu. Khối cầu là khối “viên mãn” và dễ chịu, hòa bình nhất, nhưng cũng thụ động nhất và vô hướng – chủ động nhất là các khối có hướng và có góc. Nếu như khối lập phương hay khối tam giác tứ diện là khối hình của con người, thì khối cầu được coi là khối của Chúa! c. Chất liệu tạo khối và sự pha trộn kết hợp chất liệu. Sự tương phản. Quãng cách trong khối và nhóm khối. Quy mô và kích thước tác phẩm điêu khắc giống như việc thay đổi kích cỡ của hổ và mèo. Viết đến đây, thì tôi thấy mệt quá, nếu cứ phải mang vác tất cả những cái gạch đầu dòng kể trên mới nhìn được điêu khắc, thì e rằng ai cũng phát nản mất 😕 Thôi cứ để ngực ta tự cảm nhận tiếng nói của điêu khắc hay những vật thể ba chiều của ngoại giới trồi về phía chúng ta, tác động vào tim ta… Nói cho nó văn vẻ rằng, con đường từ trái tim luôn là con đường ngắn nhất… để đi đến trái tim! Đến cái thời dân chủ “lon tung bay” này (viết theo kiểu tin nhắn không dấu), các ngành nghệ thuật tạo hình nhòe lẫn vào nhau, khó mà phân biệt nên người ta đành gọi tuốt chung là nghệ thuật thị giác (visual art) cho nó tiện. Nếu cứ tiện mãi như thế thì có ngày người ta gọi chung tuốt luốt là “ngũ uẩn art” mất! Nhưng khán giả chớ bị lòe bởi ngôn từ, và cái đại trào pop-art của thời đương thì gây ra ảo giác “nàm nghệ thuật dễ nắm, xem nghệ thuật cũng rễ nắm, cứ a nô xô niên hoan nễ hội là tới bến ấy mà”. Tất cả những nghệ thuật đạt được đến “thập thành” cổ điển đều đã được đúc rút nhiều trăm nhiều nghìn năm về khoa học nghệ thuật, khoa học về âm thanh, khoa học về tạo hình (ánh sáng-không gian-vật chất). Có một nhà bình luận nghệ thuật nói thế này: Chủ nghĩa hiện đại đã thắng thế chủ nghĩa cổ điển, nhưng chúng ta vẫn phải dùng con mắt cổ điển để nhìn ngắm chủ nghĩa hiện đại. Các cụ ngày xưa bảo: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Nhưng tôi nghĩ mấy việc đó phải đi sau việc học nghe, học nhìn. Điều này ví dụ rất dễ, cuộc sống và nghệ thuật tuy “thông” nhau nhưng là hai cái bình khác nhau. Dù chúng ta thích xem tranh vẽ đàn bà hiện đại kiểu khúc gỗ đẽo dở băm lắp lung tung của Picasso, nhưng khi yêu và ăn ở trong cõi hồng trần này, ta vẫn phải ở bên một người phụ nữ “người trần mắt thịt” nặng trên dưới năm mươi cân. Giả dụ vui chứ người đàn bà trong tranh Pi mà bước ra đến ở với ta (như cô Tấm bước ra từ quả thị) thì ặc ặc, có lẽ ta tè ra quần chứ không còn chân để mà chạy mất dép. Nói thêm, phụ nữ đẹp cũng như một tác phẩm kiêm cả điêu khắc – kiến trúc và hội họa biết cử động, lỡ nhìn thấy, nhìn kỹ chỉ tổ đau hết cả tim và bụng… Thi hào Nguyễn Du gọi là “một tòa thiên nhiên” thì hẳn là khiếp rồi!
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|