|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữNguyễn Trương Quý: một khi bắt kịp Hà Nội26. 06. 15 - 6:51 am
SOI – Nguyễn Trương Quý là người sinh ra tại Hà Nội, sống, và chắc là sẽ sông mãi lại Hà Nội. Anh học kiến trúc nhưng lại trở thành một biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ. Nguyễn Trương Quý viết từ rất lâu rồi, những năm đầu 2000, thoạt tiên là những bài rụt rè mà nghiêm trang về Hà Nội, như một người đứng trình bày trước một hội đồng vô hình, cứ sợ sai. Từ đấy đến nay, anh đã xuất bản nhiều tập sách, tản văn, và cả truyện ngắn. Cứ giữ hết các sách của Trương Quý trong nhà đi, đọc nhẩn nha, hoặc sau này, chục năm nữa chẳng hạn, đọc lại chắc chắn sẽ tủm tỉm cười vì những câu chuyện rất Hà Nội hồi ấy may quá có người đi theo tẩn mẩn ghi. Đọc Quý qua nhiều năm, thấy với Hà Nội giờ anh cũng đã suồng sã hơn, bạo dạn hơn, như người đã bắt kịp nhịp đi của Hà Nội, sảng khoái; không còn như ngày nào “cổ kính” và cẩn thận bước theo sau cuộc sống… Tháng 6 này, Nguyễn Trương Quý ra mắt tập sách mới, “Mỗi góc phố một người đang sống“. Jacob O. Gold, nghiên cứu sinh ngành nhân chủng học ĐH Illinois, người đã dịch tập “Xe máy tiếu ngạo” ra tiếng Anh, nhận xét về tản văn của Quý: “Mỗi bài tản văn như một cuộc du ngoạn được dẫn dắt qua không gian của hoài niệm, của ghi chép về xã hội, của những tham chiếu văn hóa sâu xa và những sáng tạo hài hước pha cay đắng. Những cuốn sách của Nguyễn Trương Quý đưa chúng ta đến với Hà Nội, cho chúng ta có được cơ hội trở nên thông thạo nơi này cùng một trong những nhà quan sát sắc sảo nhất của nó”. Xin giới thiệu với các bạn hai bài tản văn trong tập “Mỗi góc phố một người đang sống” mới nhất của anh:
Phố vẫy đủ mười khúc ngâm Ở Hà Nội có kiểu bán hàng đã thành quen: Những dãy quán hàng ăn bán cùng một loại, có những cô cậu thanh niên lao ra giữa đường tóm ghi đông xe khách hoặc leo lẻo chào: “Vào hàng em đi!” Kiểu chào hàng này đầy vẻ hăm dọa, lại nguy hiểm cho cả đôi bên khi xe đang đi, khiến khách đi qua ngỡ mình lạc vào khu vực đất riêng của các nhà hàng ấy. Nếu khách chấp nhận vào một hàng nào đó, hàng bên cạnh sẽ buông câu vớt vát, “Ngu, ăn ở bên ấy toàn chân gà thối”. Thực khách hãi hùng chờ đợi món ăn được dự báo khủng khiếp dọn ra. Nói về chuyện những người đứng vẫy khách ở dọc đường, họ đứng lố nhố như thế là vì lo sẽ mất khách về tay hàng bên cạnh. Không phải hàng nào cũng đề biển rõ ràng: BÚN CHẢ GIA TRUYỀN Mà có đề cũng không thể nhanh bằng cắt cử người khỏe mạnh ra trấn sẵn từ xa, tiện thể làm chân dắt xe. Ở Hà Nội dù phố xá chật chội, các quán xá rất tài khi đông khách cỡ nào cũng có chỗ để xe. “Anh chị cứ để đấy, em dắt cho. Không phải vé đâu ạ.” Nghĩa là làm thế nào đó, mấy cậu thanh niên sẽ nhớ cái xe của ngần ấy con người để mà khi ra lấy xe cho đúng. Với những quán này, vỉa hè là của họ và thậm chí, lòng đường cũng bị các quán liền kề nhau tranh chấp nốt. Phương án để người đi đường đi qua bình yên là hoặc ngậm cái tăm trong mồm (hơi bị kinh!) để ra ý tôi đã cơm no rượu say rồi, hoặc mặt phớt lạnh như người chả thiết ăn, thờ ơ đi qua cao lương mĩ vị. Hoặc ai được trời phú cho ngoại hình bặm trợn, cứ thế là phi qua, đám người vẫy kia liệu thần hồn mà chường mặt. Nhưng ở Hà Nội, có những loại việc, những dãy quán mà người làm chẳng phải lao ra đường mà giành giật khách. Họ cũng vẫy, vẫy nhẹ thôi, nhưng đủ ra hiệu cho khách vào, như taxi có bật đèn tín hiệu rất tinh tế sẵn sàng chở. Những con đường ngoại ô Hà Nội, nơi gần các cửa ngõ dường như là những khu vực lý tưởng cho các dịch vụ nhạy cảm như mát xa, gội đầu, theo chiều hướng mại dâm. Các con đường mang tên những nhà cách mạng hay địa danh đầy hào khí còn được mang cái tên “phố sung sướng”, phục vụ cho những người đàn ông tìm kiếm tí đụng chạm da thịt trong những quán nhìn ngoài thấy đèn lom đom như Hà Nội thời bao cấp. Các cô gái làng chơi hoặc ngồi lộ liễu ở cửa các quán mát xa, hoặc đứng thập thò sau những gốc cây dọc con đường Trần Khánh Dư gần cửa bệnh viện Hữu Nghị, họ đa phần cũng chẳng được nhan sắc cho lắm. Trong khi bệnh nhân của bệnh viện từng có tên là Hữu Nghị Việt-Xô đa phần là các cụ lão thành gần đất xa trời, những người có tiêu chuẩn cán bộ cao cấp mới được vào, thì hàng phố thấy sao lắm con cháu tuyền là gái tre trẻ xách cặp lồng đi nườm nượp con đường vắng lặng này. Làm gì con cháu thời buổi này có hiếu đến thế! Chẳng qua là một dạo bị các lực lượng chức năng ra chiến dịch mạnh tay truy quét tệ nạn mại dâm, các cô “gái vẫy” sáng tạo giải pháp xách cặp lồng giả vờ như đi thăm nom người ốm. Nếu có bị bắt thì giơ cặp lồng ra làm bằng chứng. Ngày nay, các cô gái nhà lành cũng ăn mặc áo xanh đỏ, cũng kẻ mắt thâm, tóc cũng nhuộm vàng, tay xách cặp lồng tần tảo, thật khó phân biệt. Từ đâu ra kiểu cách đứng dàn hàng ngang ngoài đường, láo nháo như hội chợ chơi trò ú tim đuổi bắt? Chắc chắn là các hàng này hoặc thiếu tự tin về sản phẩm của mình (hàng chân gà nào cũng như hàng chân gà nào, nhập về cùng một vài nguồn, tự tin hơi khó), hoặc triệt để bài học “không cho chúng nó thoát”. Chúng nó ở đây là “thượng đế”, là “gà”, hai từ phiếm chỉ khách hàng ở hai cực ve vãn lẫn bề trên. Từ ngôn từ cho đến hành động, phản ánh một lối tư duy bạo lực, hám lợi, hớt váng bằng mọi giá. Ở Hà Nội vẫn còn những cô gái đạp xe bán hàng hoa dọc phố, hay được các tay máy chụp lại như những dấu ấn gợi cảm của thành phố bốn mùa hoa. Dĩ nhiên nghề của các cô đã bị dùng để chỉ cho loại hình nghề vẫy đã nói ở trên, “xách cặp lồng đi bán hoa”. Nhưng có một hình thức bán hoa khác cũng hãi hùng, ấy là khi đi qua đoạn phố trước cửa nhà tang lễ thành phố ở 125 Phùng Hưng hay số 5 Trần Thánh Tông, thôi thì mồm năm miệng mười, tay vẫy ghi đông người đi đường, tưng bừng chào đón “mua hoa đi anh ơi”. Họ nhiệt tình tranh giành, cãi cọ, để làm sao bán bằng được những vòng hoa viếng cho những người cần chút không khí yên tĩnh thiêng liêng. Mua hoa viếng đám ma cũng nhộn nhịp như thể mua hoa chào mừng thành công đại hội. Người ta nhanh chóng nhận ra nghịch lý: Hà Nội có những quán hàng có chất lượng được tín nhiệm đến nỗi người ta xếp hàng dài dằng dặc như thời bao cấp, để mua những chiếc bánh chưng, cây giò lụa như hiệu Quốc Hương phố Hàng Bông, hay vài cái bánh Trung thu Bảo Phương phố Thụy Khuê, mà không cần vẫy ai, thậm chí còn phải hạn chế nhu cầu, gây ỏm tỏi truyền thông mạng xuân thu nhị kỳ. Nhưng Hà Nội cũng sở hữu cả những tuyến đường mà người bán đói khách đến độ lao ra mời chào đầy thô bạo, cả từ hàng ăn uống cho đến đồ tang ma. Người tiêu dùng cũng lạ lùng là chấp nhận sa vào đó, ngồi ăn uống ven hồ Trúc Bạch, cứ như những pha vồ, vẫy đi qua lại là điều rất bình thường. Có cái gì đã chai sạn trong những cách mua bán đó, một khi đã chẳng ngại ngùng vòng hoa nhà này năm trăm hoa tươi vòng hoa nhà nó ba trăm cắm que khô thì màn vẫy chỉ là chuyện nhỏ.
* Đồng nát sành điệu “Hà Nội giờ chẳng như ngày xưa,” câu nói dễ trở thành cửa miệng của 100% số người quay về thăm lại Thủ đô và cả dân đang sống sờ sờ tại Thủ đô nữa. Tưởng như nhiều năm tháng sóng sau đè sóng trước đã khiến cho tính cách trôi nổi, xô bồ ngự trị trong nhiều thế hệ, dẫn tới chẳng có gì vĩnh cửu ở đây. Vậy mà có một số thứ mãi mãi bất biến ở mảnh đất này, cho dù thời cuộc biến thiên. Không phải hoa nhài Tràng An. Cũng không chắc phở tái gầu. Nét thanh lịch thơm thể hoa nhài kia thay đổi theo quan niệm xã hội. Phở Hà Nội biến tướng nhiều kiểu, chỗ đậm mì chính chỗ chế thêm rau sống, nguyên liệu khác xa phở vài thập niên trước. Thứ bất biến ấy, là tinh thần hoài cổ. Nhưng điều đáng nói là người ta hoài cổ về cái thời họ từng sống chưa xa xôi gì, thời họ là nhân chứng lịch sử. Đó là thời bao cấp, và thời này đang trở thành một cái mỏ sành điệu của những người hoặc đã no nê, hoặc không tìm thấy đồng cảm trong khuynh hướng thời trang bày ra hàng tuần ở cửa kính trưng bày của Louis Vuitton ở khách sạn Metropole hoặc vụ cả nghìn người tranh cãi xếp hàng đổi máy tính bảng Samsung cũ lấy mới từ đêm hôm trước. Vụ này hỗn loạn đến mức chương trình tiếp thị này bị hủy bỏ. Một khi đã lên tới hàng nghìn người theo đuổi thì sự sành điệu lại không còn ý nghĩa nữa. Với dân Hà Nội, sành điệu nghĩa là phải in ít kẻ theo thôi, và vừa đủ để tụ thành một nhóm “chúng mình với nhau”. Thời bao cấp! Nói đến thời này thì có cả một kho đồ vật đã thành biểu tượng. Biểu tượng cho sự khó khăn và vượt qua thử thách của người Hà Nội. Biểu tượng cho những phẩm chất tồn tại khó tin của người Hà Nội, mà đến giờ họ lục lại, lau bụi, đánh gỉ, và trưng bày ra để ký thác nỗi niềm về một phần đời “nghèo mà đáng nhớ” của mình. Những triển lãm về thời bao cấp cách đây sáu, bảy năm có lẽ không chỉ mở đầu cho cuộc “phục hưng” ký ức của dân Hà Nội, mà còn của cả trào lưu trưng bày lưu giữ đồ cũ của cộng đồng. Tự nhiên người ta thấy, ồ, những thứ đồ cổ lỗ sĩ, mốc meo của cái thời tem phiếu lại có sức lay động hơn bao giờ hết. Và những món đồ ấy vào tay một số người có tài vặt lại biến thành thứ vẫn hoạt động được. Rồi người ta thấy các quán cà phê lại treo ảnh cũ, dựng mấy cái xe đạp gióng ngang tróc sơn, dăm cái xe máy bình bịch hình thủ cổ quái. Khi mà tất cả các album ảnh cưới đều cho chú rể đội mũ bê rê, mặc quần gấu lơ vê có dây đeo vai, và cô dâu nối tóc dài buộc trễ gái Hà Nội xưa thì đã hóa ra màu bình dân, các nhà tạo mốt lại đẻ ra xu hướng chú rể đèo cô dâu tết tóc đuôi sam, mặc áo cánh, quần lụa đen, cầm hoa lay ơn trắng trên xe đạp đi qua khu tập thể. Xu hướng này hãy còn ít, vì có vẻ cực đoan quá, mặc dù Trần Nữ Yên Khê đã mặc như thế lên phim Mùa hè chiều thẳng đứng từ cuối thế kỷ trước rồi. Tức là cái đẹp của đồ cũ những năm bao cấp, khoảng thời gian có thể mở rộng ngược lên tận thời Pháp thuộc, đã chẳng trôi qua vô ích trong mắt những nhà nghệ sĩ khi chúng bắt đầu hết vai trò sử dụng. Những thứ đồ vật không năm tháng ấy đã cho thấy một Hà Nội ít có sự thay đổi vật chất, áo hết đời anh dùng thì “đêm cuối cùng anh để lại cho em”, xe đạp Phượng Hoàng mẹ không đi nữa thì làm của hồi môn cho con gái lấy chồng, như thể những món đồ gia bảo quý tộc Anh vậy. Chỉ hai thập niên đổi mới, người ta đã ngơ ngác với sự trống vắng những món đồ này giữa sự biến đổi vật chất ngoạn mục của đời sống thị dân. Công cuộc tìm kiếm và lưu giữ đồ thời bao cấp giúp cho những kẻ có “chất chơi” cảm thấy mình có một cái căn cốt vững vàng trước những cuộc thăng trầm tiền tài kia. Và chúng trở thành “phẩm chất Hà Nội”. Vài tháng trước, một quán ăn ở số 37 Nam Tràng, gần hồ Trúc Bạch, phục dựng lại khung cảnh cửa hàng ăn uống mậu dịch được báo chí rầm rộ nhắc tới. Khách vào đấy cũng mua bằng tem phiếu, cũng ăn bằng những cái bát sắt quân dụng và ngắm những hiện vật đã từng bị họ bán đồng nát ba mươi năm trước. Còn giới “chất nghệ” thì đã biết quán cà phê Cộng hay quán Barbetta với những ông bà chủ thông minh sắp đặt đồ cũ với tinh thần tiện nghi hóa. Cũ kỹ hơn nữa là quán cà phê Báo trong trụ sở Hội nhà báo Hà Nội ở phố Trần Quốc Toản, với đủ thứ phủ bụi, ngồi ở đây người ta có thể hiểu thế nào là một sự sành điệu kín đáo, cũng kiêu kỳ chẳng kém lối sành điệu khi ngồi ở cà phê Luala hay Metropole – những nơi có giá một cốc cà phê gấp bốn năm lần và không có một món đồ thời bao cấp nào giăng trước mắt. Ở những nơi này, chỉ có bàn ghế tiện nghi và những mốt quần áo sang trọng mới nhất. Quần áo của người phục vụ ở Luala nghe đâu cũng cỡ hiệu Escada hay Van Laack! Nhưng để tôi so sánh cho mà nghe, thì năm mươi năm trước, áo bông Sĩ Lâm hay bút máy Kim Tinh cũng là đỉnh cao thời trang, chỉ cán bộ cao cấp mới dễ bề có được. Viết đến đây, tôi cứ lởn vởn trong đầu nhận xét của một chị bạn nhà văn nổi tiếng rằng tôi đừng viết “ngoái lại mà nên nhìn ngang”. Tôi không biết làm sao để thoát ra sự hoài cổ khi mà chính chị đã từng khuyên tôi thử mua một chiếc xe máy Vespa PX cũ. Thực ra nó không đến nỗi cũ mà chỉ như thời bao cấp tôi đã từng trải qua hồi bé, nhưng đến giờ đã thành thời của đồ cổ. Cái xe khá bất tiện cho việc đi lại, mặc dù dáng xe rất đẹp và gây ấn tượng cho bạn bè tôi đến nỗi đến giờ, sau khi tôi đã bán đi được hai năm rồi, mọi người đều hỏi: “Vespa cổ đâu rồi?” Nhưng như thế vẫn không là gì so với một anh bạn khác, Vũ Lâm. Anh này là phóng viên chuyên mảng mỹ thuật. Có lẽ vì nghiên cứu mỹ thuật nên anh cũng có sự lựa chọn khác người. Anh định mua một cái U-oát đầu vuông, loại xe có từ giữa thế kỷ trước cũng nên. Lâm rủ tôi đi cùng để thẩm định. Cái xe được để ở sân Cột Cờ, lúc ấy chưa trả về di tích Hoàng thành Thăng Long (cũng một thứ đồ cổ!), và chủ cũ là một bác bộ đội đã lâu không dùng nó. Giữa khung cảnh cổ kính và nhiều tàn tích chiến tranh của bảo tàng Quân đội ngay phía sau, cái xe có dáng vẻ nam tính mà vẫn độc đáo. Sau vài cốc bia hơi ở bãi cuối sân bóng, chúng tôi leo lên chiếc xe mà trong mắt tôi kín mít như cái xe chở tiền. Con xe nhảy chồm chồm trên cái sân bóng đá cũ, bỗng tăng tốc rầm rầm lao về phía quán bia và rồi khựng lại giữa chừng trước cả mấy trăm người đàn ông đang trợn mắt lên không biết nên ngồi uống bia tiếp hay bỏ chạy. Tôi toát mồ hôi, thầm nghĩ ông bạn mà dùng cái xe này đi công tác Tây Bắc chắc “đi bằng niềm tin”. Rồi với một nỗ lực to lớn, bạn tôi cũng đưa được nó về chỗ cũ thật êm ái. Không có tràng vỗ tay hoan hô nào, và ai nấy thở phào ngồi nhậu tiếp. Nhưng rõ ràng cái xe nổi bật thật, thậm chí vài ba ông còn ra ngắm nghía. “Ba triệu thôi.” Lâm suy tính. Tôi lắc đầu, nghĩ nhỡ đâu có cảnh hàng nghìn người bỏ chạy ngoài đường để tránh bị đâm phải. Người chủ xe cũng lắc đầu và bảo, “Thôi chú đừng mua, cái này anh bán đồng nát vậy.” * Minh họa trong cả bài: Nguyễn Trương Quý Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|