|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữTruyện ngắn: THỪA KẾ 28. 09. 23 - 1:42 pmTruyện ngắn của Tachiana V. - Trần Hiên sưu tầm và dịchBà Elena Nikolaevna Rybakova có con gái về thăm. Hai mẹ con ngồi trong bếp, uống trà và trò chuyện. – Mẹ, con không hiểu sao mẹ lại bảo thủ thế. Từ trước nay mẹ có bao giờ làm gì ở nhà vườn đâu – tất cả đều một tay bố làm, còn mẹ chỉ dạo chơi và ngửi hoa thơm ở đó. Thế thì cái nhà vườn này bây giờ có cần thiết gì cho mẹ nữa? Con với anh Kostia cũng có lần đến đó rồi. Còn đâu hoa hồng, còn đâu hoa huệ? Các luống hoa của mẹ giờ chỉ có những loài hoa dễ chăm sóc nhất. – Đasha à, mẹ đã nhiều lần nói với con và Kostia rằng hiện tại mẹ chưa muốn bán nhà vườn đi. Sao con cứ khăng khăng nói về việc này kia chứ? Dù sao thì đây cũng là kỷ niệm về bố của các con. Còn hoa thì mẹ chỉ trồng những loài mà tự mẹ chăm sóc được thôi. Đúng là không có hoa hồng, nhưng để cho vườn hoa đẹp thì mẹ đã chọn các loài sao cho mùa hè chúng nở thật rực rỡ. – Bà Elena giải thích cho con gái. – Mẹ, con không hiểu tại sao mà bố lại di chúc hết các thứ cho mẹ: căn hộ, nhà vườn, ô tô; nhưng con nghĩ rằng mẹ nên tự biết chia cho chúng con một phần thừa kế chứ! Như thế sẽ là công bằng. – Đaria tiếp tục trách mẹ. – Từ khi chúng con còn nhỏ bố mẹ đã không chiều chúng con lắm. Một số bạn học của con tuy gia đình ít tiền hơn nhà mình nhiều nhưng năm nào cũng được đi nghỉ ở nước ngoài, còn hai anh em con chỉ được hai lần đi Thổ Nhĩ Kỳ. Còn thì lúc nào cũng chỉ nghỉ ở nhà vườn này thôi. Hai anh em con bây giờ luôn cố gắng để con cái chúng con được hưởng thụ, bọn trẻ đã được tắm biển ở Hồng Hải, biển Đen và biển Adriatic rồi. Những lời sau Đaria nói với vẻ tự hào, rõ ràng là cô muốn trách cứ cha mẹ và cố gắng chứng minh rằng hai anh em cô đang không tiếc thứ gì cho con cái cả. – Đúng là bố con từng kiếm được khá, và mẹ cũng không ít. Mẹ bật mí cho con nhé: mẹ cũng từng rất muốn các kỳ nghỉ hè được đi biển Adriatic, hoặc chí ít cũng là Biển Đen. Nhưng bố các con rất yêu quý nhà vườn của mình. Con có nhớ cách ông ấy tích trữ hạt giống của các loại hoa khác nhau vào đầu mùa xuân, cách ông ấy chăm sóc những bụi hoa hồng không? Và ông ấy đã chuẩn bị cẩn thận những củ hoa huệ và hoa lay ơn cho mùa đông – ông ấy nâng niu chúng như với những đứa trẻ! – Elena Nikolaevna thốt lên. – Còn chúng con khi đó bơi lội ở con suối nhỏ của vùng này chứ không phải được tắm biển – Đaria đế thêm vào. – Các con không hề bị thiếu sự quan tâm hay tiền bạc gì hết. Kostia tham gia câu lạc bộ thể thao, còn con thì câu lạc bộ khiêu vũ. Tất cả những thứ đó đều tốn tiền cả. Ngoài ra bố mẹ còn phải lo cho các con học đại học, đầu tiên là Kostia, rồi sau đến con. Rồi mỗi đám cưới đứa nào cũng nhận được một số tiền bằng tiền mua một căn hộ. Mẹ cho rằng đó không phải là ít. Khi con cái của các con còn bé, chúng luôn ở cùng với ông bà ở nhà vườn này. Và các con thấy như thế rất ổn. Vậy mà bây giờ lại cứ đòi bán đi! – Mẹ biết không, con bé Kristina nhà anh Kostia năm sau vào đại học, còn thằng Anton nhà con thì hai năm nữa. Chúng con rất cần tiền cho các cháu, vừa tiền học phí vừa tiền học thêm. Nếu bán nhà vườn đi và chia cho chúng con thì sẽ đủ- chúng con đã áng chừng như vậy. Đasha cho rằng bà mẹ sẽ thoả hiệp, nên tiếp tục nói kỹ càng hơn về kế hoạch của hai anh em. – Rồi đến khi thằng bé Artem của Kostia, rồi con bé Sonya nhà con lớn lên thì các con sẽ cho rằng mẹ sẽ chỉ cần căn hộ một phòng, còn căn hộ ba phòng này thì bán đi để trả tiền học cho đứa con thứ hai của các con chứ gì- bà Elena nói. Thấy cô con gái đỏ mặt lên, bà cho rằng mình đã đoán không sai. – Đasha, con biết không, mẹ với bố của các con chưa từng đặt kế hoạch phải trả tiền học cho các cháu nội ngoại và không để dành khoản nào cho mục đích này. Mẹ nghĩ rằng vợ chồng Kostia với Yulia và vợ chồng con với Liosha cần tự mình lo việc đó. Đasha về rồi, còn bà Elena ngồi nghĩ xem bà cùng chồng đã sai lầm ở đâu, vì sao những đứa con đã trưởng thành của họ vẫn tiếp tục cho rằng họ vẫn phải có trách nhiệm gì đó với chúng. Đúng là chúng rất quan tâm đến con cái, nhưng lại không hề nghĩ rằng cha mẹ cũng cần đến sự quan tâm của chúng.
*** Cô em gái sống một mình trong căn hộ hai phòng, li dị chồng từ lâu và không có con cái. Bởi thế bà Elena chắc chắn là mình sẽ không làm phiền ai nên hai ngày sau đã có mặt ở Moskva. Rất tiếc rằng chẩn đoán kia là đúng, nhưng bác sĩ động viên bà: – Nếu chữa trị ngay từ bây giờ thì tiên lượng sẽ tốt. Trở về nhà, bà nhập viện ngay. Để tránh phải mất vài tuần chờ đợi xếp hàng làm các xét nghiệm cần thiết, bà Elena chọn một bệnh viện tư. Tạm thời tiền vẫn còn đủ để chữa bệnh. Nếu hết thì lúc đó bà mới tính chuyện bán nhà vườn. Sau một liệu trình trong bệnh viện, họ cho bà chữa ngoại trú. Và cuối mùa hè, bà đến ở nhà vườn. Trong làng còn rất ít người. Các phụ huynh đều đưa con cái trở về thành phố chuẩn bị vào năm học mới. Bước ra vườn, bà Elena tận hưởng không khí trong lành và tĩnh lặng. Những ngày cuối hè này có nắng nhưng không nóng; cảm giác mùa thu đang đến. Cây phong mọc gần hàng rào nhà họ đã chuyển màu vàng một nửa, và vài chỗ đã có thể nhìn thấy những tán lá màu đỏ cam. Elena Nikolaevna ngồi trong chòi hóng mát ngắm nhìn những chú chim bay quanh những bụi phúc bồn tử và tìm mổ quả mọng. Chợt nhớ ra là chưa hái quả ở hai bụi phúc bồn tử đen, bà đi ra đó xem có còn sót lại gì không. Đương nhiên là ở phía trên không còn gì, lũ chim đã chén sạch mất rồi; nhưng phía dưới trong bụi cây vẫn còn lấp ló những chùm to quả đen bóng. Vào nhà lấy cái âu để đựng, bà Elena bắt đầu hái quả. Một số quả đã bị héo, một số thì chỉ cần đụng nhẹ vào cành là rụng ngay xuống, nhưng dù sao thì bà cũng hái được một âu đầy phúc bồn tử. Quả khá to và đặc biết rất thơm. Mùi thơm này làm bà nhớ đến ngày xưa bà ngoại Paskovia của bà hay nấu mứt từ loại quả này. Khi đó bà và Lida còn bé, hai chị em ngoan ngoãn im lặng ngồi chờ bà ngoại đặt trước mặt chiếc đĩa sứt đựng mứt nóng đóng váng trên bề mặt. Khi Elena bước lên hiên nhà thì nghe tiếng bà hàng xóm gọi. Hai vợ chồng hàng xóm là bà Nhina và ông Ivan quanh năm sống ở làng này, và mùa đông họ trông nhà hộ cho vợ chồng bà Elena. – Bà Elena đấy à. Bà định bán khu nhà vười này à?- bà hàng xóm hỏi. Bà Elena đặt cái âu xuống hiên nhà, đi ra chỗ hàng giậu. – Có thể một lúc nào đó sẽ bán, còn bây giờ thì chưa đâu bà ạ. – Thế thì tốt quá. Chứ tôi với ông Ivan cứ lo là không biết rồi hàng xóm mới sẽ là ai? Với bà thì chúng tôi quen thân rồi. – Mà sao bà lại biết là chúng tôi định bán nhà vườn này vậy, bà Nhina?- Elena tò mò hỏi hàng xóm. – Khoảng một tuần rưỡi trước bọn trẻ nhà bà có đến đây: Đasha cùng chồng nó và Kostia với con dâu Yulia của bà. Kostia hỏi trong làng này người ta bán nhà vườn giá bao nhiêu. Ông Ivan nhà tôi bảo Kostia đến hỏi bên nhà ông Kislixin, vì mùa xuân vừa rồi nhà đó đã bán cho chủ mới để họ chuyển về thành phố. Một tuần rưỡi trước, đó là lúc bà Elena đang nằm bệnh viện. Trong suốt thời gian hai tuần bà nằm viện thì Đasha có đế thăm một lần, còn Kostia không đến lần nào. Nó bảo vợ nó là Yulia đến thăm bà. Con dâu đến, mang cho bà mấy quả cam, ngồi khoảng dăm phút rồi đi ngay. Vài ngày sau chúng gọi điện thoại cho bà, hỏi thăm sức khoẻ và bảo là chúng bận không có thời gian đến thăm bà. “Vậy mà chúng đến đây được- có nghĩa là chúng có thời gian” – Elena Nikolaevna cay đắng nghĩ. Mấy ngày sau trời đổ mưa. Với sự trợ giúp của ông Ivan, bà Elena đóng cửa nhà vườn quay trở về thành phố.
*** – Dì Zoya ơi, cháu Lena (tên gọi thân mật của Elena) đây ạ. Dì dạo này thế nào ạ? – Tuyệt lắm! Cháu đến chỗ dì đi, ta tán chuyện một chút, chứ suốt cả mùa hè chẳng thấy tăm hơi cháu đâu, chắc là quên bà dì duy nhất này rồi hả? – Cháu phải nằm viện dì Zoya ạ. Ngày mai cháu sẽ đến dì, sẽ kể mọi chuyện dì nhé.- Elena Nikolaevna hứa. Cụ Zoya Konstantinovna là một người rất thú vị. Trước hết, năm nay cụ đã chín mươi hai tuổi; vậy mà cụ tự lập mọi việc. Trước khi ra chợ hay đi cửa hàng, bao giờ cụ cũng hỏi cụ bà hàng xóm kém cụ chừng mươi tuổi mà đi lại đã rất khó khăn, rằng có cần mua hộ gì không. Thứ nữa, trong căn hộ hai phòng của cụ thì một phòng chất đầy sách, mà không ai có thể tìm ra được một hạt bụi nào. Cụ Zoya nghỉ hưu đã hơn hai mươi năm. Trước đó cả đời cụ dạy văn học nước ngoài ở một trường đại học địa phương. Cho đến giờ trí nhớ của cụ vẫn cực kỳ tốt, và đối với bất kỳ tình huống nào của cuộc sống cụ cũng có thể đưa ra ngay một ví dụ từ văn học. Ngoài ra cụ có thể kể lại nội dung của các tác phẩm văn học bằng một văn phong rất khác thường. Và thế là giờ đây, sau khi nghe cháu gái Elena Nikolaevna kể về bệnh tật của mình, về yêu cầu bán nhà vườn từ những đứa con, cụ tuyên bố: – Dì nói cho cháu biết, Lena à: cháu đừng cho chúng cái gì cả. Chúng có bị thiếu đói không?- Không! Con bé Đasha có ô tô, chồng nó cũng thế. Thằng bé Kostia cũng có ô tô; vợ nó không có xe chỉ vì con bé ngu ngốc ấy thi sát hạch không đỗ nên không có được bằng lái. Cháu mà cho chúng hết đi thì cháu sẽ trở thành “quý bà ngồi không”, chẳng khác gì Vua Lia. Vị vua ấy cũng đem hết giang sơn chia cho hai cô con gái, để rồi sau đó phải nhận lại sự bạc bẽo của chúng. Cụ ngừng một lát rồi nói tiếp: – Còn về bệnh của cháu thì không ai nói cho cháu biết là cháu còn sống được bao lâu nữa. Không phải là họ không muốn nói, mà chẳng qua là họ không biết. Ba năm – năm năm – mười năm. Cháu cứ sống như hôm nay là ngày cuối cùng đi. Cháu đã mong ước những gì mà còn chưa thực hiện được không? – Cháu từng muốn đi du lịch, khám phá những nơi chưa từng biết. Thế mà chỉ mới đến được nước Thổ Nhĩ Kỳ. Cháu từng muốn được xem Kim Tự Tháp, muốn đến Trung Quốc và nhiều nơi khác nữa. – Thế thì cháu hãy thực hiện những ước mơ của mình đi. Và đừng đợi chờ gì – hãy lên đường ngay thôi! Kịp bao nhiêu đi bấy nhiêu! Elena Nikolaevna ngồi với dì Zoya Konstantinovna khoảng hai ba tiếng đồng hồ, rồi gọi taxi về nhà. Hai ngày sau, công an khu vực gọi báo tin cho bà là cụ Zoya Konstantinovna đã qua đời. “Lại thêm một người nữa trong gia đình mình ra đi. Mình thì chắc không sống được lâu như thế. Nên phải bắt đầu thôi. Nhưng đi đâu đây?” Câu hỏi ấy tự nó tìm được câu trả lời: em gái Lida đề nghị cùng nhau đi nghỉ dưỡng ở Altai. – Chị muốn thì chúng mình bay đến Barnaul, từ đó đi Belokurikha bằng xe bus hoặc taxi. Có thể đi tàu hoả đến Bisk, nhưng phải mất tới 60 giờ; sau đó mất 1 giờ đi ô tô buýt nữa. Tuỳ chị chọn đi. Thực ra cuối tháng 9 thì ở đó không còn nóng nữa, nhưng chị em mình lại chống chỉ định với nắng nóng. Sẽ bơi trong hồ bơi. Chị đi không? Nếu đi thì đến chỗ em, sẽ xin giấy nghỉ dưỡng. Vậy là Elena Nikolaevna thực hiện chuyến du lịch đầu tiên của mình. Hai chị em chọn phương án lúc đi thì đi tàu hoả để còn ngắm nhìn phong cảnh đất nước, lúc về sẽ bằng máy bay. Đó là ba tuần tuyệt vời. Hàng ngày hai chị em Elena và Lydia chỉ kịp chạy về phòng để thay đồ. Ngoài những lúc phải làm thủ thuật điều trị, ngày nào họ cũng đầy ắp chương trình từ sáng tới tối. Hai chị em đã tham gia một số tour du ngoạn thiên nhiên, chiêm ngưỡng những vách đá cũng như những con suối tự nhiên. Lydia thực sự thích các suối nước nóng, còn Elena thì thích khu phức hợp “Thế giới Nước” với các mạch nước khoáng nóng phun trào. Elena đón Năm Mới ở Ai cập. Thực ra thì bà chưa xem được các Kim Tự Tháp, nhưng một chuyến đi thuyền trên sông Nile, thăm Đền Karnak, Thung lũng các vị Vua và Đền thờ Nữ hoàng Hatshepsut là một sự bù đắp tốt. Đến tháng ba, bà được nhận thừa kế từ cụ Zoya Konstantinovna. Theo Di chúc của cụ, Bà Elena gửi toàn bộ sách cho thư viện của trường đại học, căn hộ thì bà cho sửa lại. Không còn các giá sách, tủ sách, các phòng trông sáng sủa hơn, nhưng trống vắng hơn. *** – Mẹ ơi, lâu quá rồi mẹ con không gặp nhau. Hay là chúng ta tổ chức gặp mặt toàn gia đình đi, mẹ kể cho chúng con nghe mẹ đi chơi thế nào. Hôm kia chúng con cũng vừa đi về, bay hãng Emirates, chúng con sẽ cho mẹ xem ảnh. – Được, thứ Bảy này các con đến đây đi. Nên nhớ là bây giờ mẹ không đứng lâu được, nhưng mẹ sẽ nướng bánh “Napoleon” cho các con. – Không sao đâu mẹ. Chúng con sẽ gọi sushi, và đặt pizza cho bọn trẻ. Họ ngồi quanh bàn ăn, chuyện trò về các chuyến du lịch, cho nhau xem ảnh, kể về những nơi đã đến, những gì đã thấy. – Ngày 28 tháng 5 tới mẹ sẽ bay đi Tunisia.- Bà mẹ tuyên bố- Mẹ đã mất nhiều thời gian để chọn resort nhưng lại quyết định ở Sousse. Mẹ đã mong nhìn thấy Carthage, và mẹ cũng mơ được xem El Jem – Đấu trường La Mã Tunisia. Tất cả im lặng. Rồi Đasha là người đầu tiên lên tiếng: – Mẹ ơi, thế chưa đủ sao? – Ý con là gì?- Bà Elena ngạc nhiên hỏi. – Mẹ ngao du khắp thế giới như thế vẫn chưa đủ à? Các cháu đã quên mất bà mình trông như thế nào. Và mẹ đã tốn bao nhiêu tiền cho những chuyến đi ấy? – Đasha à. Các cháu thì từ khi lớn lên đã rất ít ngó ngàng tới người bà này; chúng chỉ đến đây cùng với các con trong những ngày lễ gia đình theo nghĩa vụ. Còn tiền thì là tiền của mẹ. Mẹ chưa hề phải vay các con. Mẹ sẽ đi Tunisia; đến cuối tháng 9 mẹ với dì Lida sẽ bay đi Dubai. Đasha đưa mắt nhìn anh trai, tỏ ý nhắc rằng đến lượt anh phải “tấn công”. – Thế mẹ định tính thế nào với căn hộ của bà Zoya?- Người con trai hỏi. – Chưa biết, mẹ chưa nghĩ đến, Kostia à. Có thể mẹ sẽ cho thuê, có thể mẹ sẽ bán căn hộ này rồi chuyển đến đó ở. Để mẹ nghĩ thêm, và hỏi ý kiến dì Lida đã. – Thế mẹ không muốn hỏi ý kiến chúng con à?- Đasha quan tâm. – Không. Từ lâu mẹ đã biết ý các con rồi: “Cho chúng con hết đi, chúng con cần hơn”. – Bà me nói chua chát. – Sao mẹ lại nghĩ thế? – Đasha phẫn nộ- Chúng con chẳng qua cũng là quan tâm đến sức khoẻ của mẹ thôi. Những chuyến đi liên miên rất có thể ảnh hưởng không tốt tới tình trạng của mẹ. – Có lẽ vì quan tâm thế nên suốt thời gian mẹ nằm viện con chỉ đến thăm có một lần, còn Kostia và các cháu thì chẳng đứa nào đến cả. Rồi đến khi mẹ ra viện, cũng nói thật là sau khi mẹ phải chịu đựng hàng loạt thủ thuật không dễ chịu chút nào, thì mẹ phải tự gọi taxi về nhà, nơi mà tủ lạnh trống không, còn đồ đạc thì phủ đầy bụi. Các con có biết là số thuốc mà mẹ đã uống hết bao nhiêu tiền không hả? Và liệu có đứa nào trong số các con quan tâm đến mẹ, đề nghị được giúp mẹ hay không? Sau tất cả những điều đó, giờ con lại nói rằng các con lo cho sức khoẻ của mẹ? – Nếu như mẹ yêu cầu…- Đasha bắt đầu nói. – Cho nên mẹ nói với các con rằng, cho đến khi mẹ còn sức và còn tiền thì mẹ sẽ đi đến nơi nào mẹ muốn. Khi nào sức tàn lực kiệt, mẹ sẽ đến ở một nhà dưỡng lão – tiền trả cho trại dưỡng lão mẹ sẽ để một khoản riêng. Bà ngừng lời một lúc, rồi nói tiếp: – Các con có biết vì sao mẹ lại quyết định như vậy không? Khi lần đầu mẹ đến Moskva để xin tư vấn, mẹ đã gặp một bà. Khi còn khoẻ bà ấy cho con cháu hết tất cả mọi thứ, chỉ dành cho mình căn hộ một phòng với số tiền lương hưu ít ỏi, nghĩ rằng chừng đó là đủ. Sẽ là đủ nếu không đau ốm gì. Nhưng lúc đó bà ấy không có đủ tiền mua thuốc; mà không đứa con đứa cháu nào giúp bà ấy cả, bởi: “chúng cũng hầu như không thể trang trải cho cuộc sống của chúng”. Nên mẹ quyết không để mình bị lâm vào tình trạng như thế.
*** Elena còn nhiều kế hoạch nữa nhưng đã đến lúc nhận ra rằng bà sẽ không thể thực hiện được những cái đó nữa rồi. Mùa hè cuối cùng bà nghỉ ở nhà vườn. Sau đó bà gọi Lida đến. Hai chị em bán nhà vườn và căn hộ bà đang ở, cùng nhau chuyển đến ở căn hộ của cụ Zoya. Họ đến tham vấn một công chứng viên, rồi bà viết giấy uỷ quyền cho cô em gái và lập Di chúc. Ba tháng sau, Lida đưa chị gái mình vào một nhà dưỡng lão tư nhân. Tiền chi trả cho nhà dưỡng lão lấy từ nguồn bán các bất động sản: cả căn hộ của bà dì – cụ Zoya – thì Lida cũng bán nốt. Đến thăm nom bà Elena trong trại dưỡng lão chỉ có cô em gái. Bà sống thêm được nửa năm nữa. Số tiền còn lại, theo Di chúc của bà Elena, cô em gái Lida đã chuyển vào một quỹ chuyên giúp đỡ cho các trẻ em bị đau bệnh. * Cùng người dịch: - Truyện ngắn: CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|