|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnHội chứng “Giã từ mây trắng” trong sáng tác 09. 11. 11 - 6:10 amVũ LâmĐi hết đất Mù Căng Chải, huyện xa nhất về phía tây của tỉnh Yên Bái, là đến địa phận Than Uyên của Lai Châu. Vừa rẽ vào địa phận Mường Than (Than Uyên), thấy hình thế núi non hiểm hóc khác thường. Mấy tháng nay, tôi bị cử đi công tác biệt phái ở đó. Lên Lai Châu, hướng nào cũng đụng núi. Từ Lào Cai sang phải qua đèo Ô Quy Hồ, từ Quỳnh Nhai (Sơn La) sang, từ Yên Bái hay Điện Biên lên cũng thế. Ở nơi mây trắng núi nhọn hoắt ấy, có khi nằm khàn đến mốc người nhìn mây trắng, có khi đi dọc thượng nguồn sông Đà hiểm trở, nơi mà con người ta đang sốt sắng “cải tổ thiên nhiên” làm thủy điện, không cần biết hậu họa sẽ ra sao; Chứng kiến cuộc sống tương phản và các “vấn đề xã hội” còn quá nhiều bất cập, sự “cưỡng bức” ào ạt của văn minh hàng hóa thực dụng và nông nổi với những đời sống văn hóa dần dần không còn nguyên sơ trên một vùng đất rất rộng, nguyên thủ phủ của người Thái trắng cùng 20 dân tộc khác; cùng lúc ấy, tôi nhớ về thủ đô, nghĩ tới đời sống sinh hoạt nghệ thuật ở một trung tâm lớn mà tôi đã quen tham dự như thói quen ta phải ăn uống hít vào thở ra hàng ngày. Đột nhiên sinh ra những cảm giác về nghệ thuật và đời sống mâu thuẫn rất khó tả. Tạm ghi ra một vài ý như thế này: Thân thể con người ta sinh ra từ “cát bụi”, nhưng linh hồn con người ta đến từ đâu? Chẳng ai nói chắc được. Có lẽ là ở trên cõi nào lơ lửng mây trắng chăng? Trái đất nhìn từ bên ngoài, chỉ thấy có hai màu: màu xanh của bề mặt đại dương và màu trắng lơ lửng của mây. Mây trắng và nước cũng chỉ là hai hình thái của một chất, vạn vật sinh ra từ nước. Thân thể vật chất của con người là “cát bụi”. Nhưng trong “nội dung” trong các thân thể ấy là… Mây Trắng (tạm gọi như thế để tượng trưng cho nguồn năng lượng tinh thần của con người). Lúc nhỏ, con người ta hay nhìn lên trời, tìm những câu trả lời bí ẩn về nơi sinh ra linh hồn mình. Càng lớn, người ta càng ít nhìn lên trên cao mà phải nhìn xuống dưới đất. Vì phải cắm mặt mà đối phó với đất đai, cuộc sống, xã hội và… những người khác. Lơ mơ một chút là ăn đòn ngay. Tạm gọi quá trình con người buộc phải lớn lên và loãng đi đó là một quá trình “giã từ mây trắng”. Đa số con người phải bận bịu với “sản xuất vật chất” như thế. Nên có người, rất nhiều người là đằng khác, mây trắng đã bốc hơi chui hết ra khỏi con người họ từ lâu. Đời sống của họ hầu hết là quá trình vận hành của “vật dục” thuần túy. Nhưng đa số nhân loại, hầu như ai cũng còn một chút mây trắng lẩn quất ở đâu đó trong đầu. Một số người may mắn (hoặc không may mắn?) có lượng mây trắng trong đầu nhiều hơn người khác. Họ trở thành những người có máu phiêu lưu, hoặc làm nghệ thuật, hoặc làm khoa học. Với một “định mệnh” như giời đầy hoặc như có một động cơ nào đó “dúi” người đó làm mọi việc ấy theo một định hướng mênh mông bất định. Tạm không nói đến vẻ đẹp của khoa học và những chuyến phiêu lưu, thì vẻ đẹp của nghệ thuật có rất nhiều phẩm chất có lẽ cần phải đạt đến độ… như mây trắng. Huyền ảo, mênh mông, cao thượng, cất lên từ chính hiện thực nhưng đứng trên mọi lý lẽ của đời sống, bay trên đầu nhân gian. Văn hào Nga Doxtoevski nói “cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới” là vậy. Vậy thì những người làm nghệ thuật chúng ta (cụ thể là nghệ thuật tạo hình) ở đây nên làm sao? Có lẽ chỉ có một điều là đã trót sinh ra để làm nghệ thuật, nhất là những người trẻ, thì đừng có “giã từ mây trắng” nhanh quá. Con người bình thường tiêu dùng nghệ thuật là để “nâng cánh” cho đời sống tâm hồn mỗi người, do vì họ bận kiếm chác và đánh nhau nên trữ lượng mây trắng còn không nhiều. Người mua tranh (trừ người buôn bán) là bởi lý do họ muốn mua trong tranh điều gì ấy người ta không có hoặc có ít. Ấy là mây trắng. Vẽ tranh mà đầu óc cũng chỉ trần tục và hì hụp ngụp lặn với vật dục như người bình thường khác thì sản phẩm ấy, người ta mua làm quái gì. Treo lên trông phát khiếp. Người làm nghệ thuật nên thường xuyên ngước nhìn lên trời nhiều hơn người khác một chút. Có thế mới mong “khá” được. Vừa rồi tôi được gặp hai người. Một là họa sĩ còn rất trẻ, rất nhiều tài năng và cách tư duy khá “quái”. Anh cũng chưa nổi tiếng, được nhiều người biết, mà mới chỉ giật được một hai giải thưởng nghệ thuật “vặt”. Tranh anh vẽ hầu hết được các nhà buôn nghệ thuật mua “mớ” từ khi màu mới ráo, và tác giả được một cục tiền để sống khá tự do. Nhưng có cảm giác như anh vẫn còn nhiều hoang mang. Tôi phân tích với anh rằng anh chưa “phổ” được cái lượng mây trắng anh được trời cho ấy vào tâm hồn số đông mà mới chỉ bị một số người có tiền chiếm hữu số mây trắng ấy làm của riêng. Có lẽ thế nên anh chưa yên tâm là phải. Rồi gần đây, vì việc làm báo, tôi có được đến nhà một đàn anh rất thành đạt về việc bán tranh trong thời điểm những năm 90. Thẩm mỹ trong tranh của anh là loại thẩm mỹ bình dân, dễ hiểu, hơi có yếu tố “lạ hóa” một chút, treo trong những nội thất hiện nay để trang trí thì khá màu mè dễ nhìn. Có lẽ vậy nên loại tranh này bị chép, và nhái khá nhiều. Còn với tác giả, thì lối tranh đó đem lại một cuộc sống khá ổn và dễ chịu, đến bây giờ mặc dù thị trường sa sút nhưng anh vẫn bán được tranh như thường. Sáng tác của anh gần hai chục năm vẫn cùng một phong cách từa tựa như vậy, không có gì thay đổi nhiều lắm. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là, khi được họa sĩ chủ nhà dẫn đi xem một số tranh cũ, mới giật mình nhận ra rằng khi mới vào nghề anh đã từng vẽ rất đẹp, tranh của anh từng có rất nhiều “mây trắng”. Nhưng hình như anh cũng đã sớm từ bỏ mây trắng ấy rồi. Điều còn lại trong những bức tranh từ đó về sau này là một cái gì đó giông giống, tiệm cận, nhưng không còn là mây trắng nữa, mà giống như lớp kem trắng phủ trên bánh ga-tô… Và nghệ thuật của anh cũng không “lớn” được thêm bao nhiêu, mặc dù anh thì có già đi. Đó là một ví dụ về bài toán của sự lựa chọn, đáng để các thế hệ nghệ thuật sau suy nghĩ khá nhiều. Điều đã từng xảy đến với không chỉ một vài trường hợp có tiếng, có tăm. Hội họa Đổi Mới thập kỷ 90 của thế kỷ trước, rất gần thời điểm chúng ta đang sống đây thôi cũng là một cuộc “đại giã từ mây trắng” quá nhanh. Đám các đàn anh thành nghiệp thời gian ấy đã nhanh chóng đổi mây trắng thời cho (thời điểm đó cho, chứ không phải “trời cho”) ấy lấy một số thứ, để cho đám đàn em làm nghệ thuật kế tiếp phải vất vả rất nhiều. Cũng chẳng biết về lâu dài là hay hay dở nữa. Nhìn nhận về lịch sử mọi mặt của Việt Nam cận và hiện đại, nhiều nhà học giả nhận định khách quan rằng, trong mấy chục năm trở lại, người Việt ta gần đây liên tục trượt qua các cơ hội để vượt “Vũ môn”, để mọi thứ có thể “khá khẩm” nhiều hơn nữa chứ không phải lanh tanh bành như bây giờ. Chẳng biết đó là do đặc điểm lựa chọn của dân tộc hay còn vô vàn những điều gì khác nữa. Điều này, có lẽ chỉ có “Bạch vân thiên tải không du du” (Mây trắng ngàn năm bay trên cao chơi vơi) mới hay chăng?
* Bài liên quan: – Đón xem Hiếu Mường lần đầu làm Festival
* Vũ Lâm nói nhăng nói cuội: - Victor không phải lúc nào cũng là Hugo và việc đối diện với các bậc thầy - Hội chứng “Giã từ mây trắng” trong sáng tác Ý kiến - Thảo luận
19:39
Friday,11.11.2011
Đăng bởi:
Nguyễn Hồng Sơn…Ta là ai
19:39
Friday,11.11.2011
Đăng bởi:
Nguyễn Hồng Sơn…Ta là ai
Bồng bềnh bay, lơ lửng trôi, ngoảnh mặt lại đã thấy mình băm bốn nhát. Tiếc gì nữa,thiếu gì nữa mà đời thì cứ mãi trôi, "hay là trôi mãi". Ngày mai ai có biết Ta, ta là ai?
0:05
Friday,11.11.2011
Đăng bởi:
Khong So Ma
Hay !
...xem tiếp
0:05
Friday,11.11.2011
Đăng bởi:
Khong So Ma
Hay !
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp