|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữVề một chữ ký của Tạ Chí Đại Trường 22. 09. 20 - 11:05 amNhã NamNhớ bữa ấy vào thăm ông, người ông đã rất gầy, vẫn nụ cười tươi, nở rộng cả khuôn mặt… Cả một đám người, đều trẻ hơn ông nhiều, ngồi chật phòng bệnh. Tạ Chí Đại Trường luôn gây cảm giác ông là người sảng khoái, hài hước. Giọng miền Trung của ông vẫn sắc, mạnh, dứt khoát… Nhưng sự sang sảng, thoải mái trong giọng nói như tôi nhớ, nhất là lần ông ra Bắc làm toạ đàm về lịch sử, sau buổi nói chuyện dài, một Tạ Chí Đại Trường cười nói rổn rảng giữa quán ăn khuya, đã không còn nữa. Ông thỉnh thoảng có vẻ mệt mỏi. Tôi nhớ mình cầm tay ông gầy guộc mà chẳng biết hỏi gì nói gì, vì lời nói khi ấy vô nghĩa. Chị người nhà, ý tứ đứng từ xa, thỉnh thoảng đỡ lời ông trả lời khách với vẻ điềm đạm… Khi chia tay, tôi đưa cuốn “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802” ra xin ông một chữ ký, lòng thật đau xót. Mọi người cùng nhìn, ái ngại, buồn rầu. Tay ông run run, ký một kiểu tắt, lên trang sách. Kiểu ký yếu ớt này tôi chưa thấy bao giờ, khác hẳn với nét chữ vòng nọ lồng vòng kia khoẻ khoắn, quen thuộc, đôi khi nét bút mạnh tưởng như muốn xé rách giấy của Tạ Chí Đại Trường mà tôi vẫn thấy trên sách của tôi, và nhiều người có lẽ vẫn thấy trên sách của họ… Lần sau gặp thì ông đã là người thiên cổ. Sự nghiệp sử học của Tạ Chí Đại Trường không nhỏ. Ngoài kiệt tác “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802” từng được giải nhất mảng biên khảo sử Việt của Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá trước 1975, sau này ông còn viết vô số tác phẩm khác khi ở hải ngoại. Và xuất bản ở trong nước cũng không ít. Sau “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802“, lần lượt những “Người lính thuộc địa Nam Kỳ“, “Những bài dã sử Việt“, “Thần, người, và đất Việt“, rồi “Chuyện phiếm sử học” đều được xuất bản trang trọng, đẹp đẽ thời gian gần đây. Mỗi lần về Việt Nam thấy sách mới, gặp bạn bè, ông đều cười vui không kìm nén. Chia thời gian lưu trú giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, ông có lẽ là sử gia đau đáu nhất mà tôi từng biết với những câu chuyện cả huyền sử, cả cận hiện đại của đất nước. Tôi nhớ ông than mình thiếu thốn tài liệu khi viết, rằng ông phải chịu khó đặt từng số tập san lịch sử, khảo cổ, dân tộc học… ít ỏi gom được từ trong nước. Ông than có những cuốn sách, ông phải đọc cổ sử suông, để viết, vì chẳng có cách nào có thêm dữ liệu, khổ tâm vô cùng. Thế nên khi đọc sách Tạ Chí Đại Trường, trong trường hợp ông chỉ bàn suông những chuyện xưa tích cũ trong cổ sử, điều gì khiến ta vẫn hào hứng lật trang, nhíu mày suy nghĩ? Bởi vì, mạch suy luận của tác giả vẫn luôn có đó, chống đỡ, lật qua lật lại, nâng lên đặt xuống, bất kể cứ liệu đã xa ngái, nhạt nhoà tưởng như đã sắp mờ trong huyền sử, thì Tạ Chí Đại Trường vẫn miệt mài hướng câu chuyện về phía trước một cách sắc sảo, đôi khi đắc thắng; như thể một Sherlock Holmes vẫn luôn chắt chiu từng chứng cứ nhỏ nhoi, duy trì sự hấp dẫn của cuộc điều tra của mình bằng trí suy luận tinh tường, và nồng nhiệt. Luôn ngóng về các phát hiện khảo cổ, dân tộc học trong nước, luôn chăm chỉ đọc các bài viết khảo cứu từ trong nước, luôn khao khát đi được những chuyến điền dã xứng đáng mà không có thời gian, không có cách nào thu xếp, Tạ Chí Đại Trường là sử gia hành nghề trong tình trạng bị tách rời với mảnh đất quê hương như vậy đó… Nên khi thấy trong người không khỏe, ông đã quay về chốn quê nhà, để ốm. Nhiều người bạn của tôi trong Sài Gòn, rất năng gặp ông mỗi lần ông về nước, quen với ông hơn tôi, cũng thông hiểu hơn di sản sử học của ông, có tư cách hơn tôi nhiều trong việc viết về Tạ Chí Đại Trường. Ý kiến - Thảo luận
15:48
Wednesday,23.9.2020
Đăng bởi:
họa sĩ Đức Hòa
15:48
Wednesday,23.9.2020
Đăng bởi:
họa sĩ Đức Hòa
Tôi là một trong những độc giả trung thành của Tạ Chí Đại Trường. Sử luận của ông rất hấp dẫn bởi cách nhìn khác, lật xới cánh đồng xưa cũ tưởng đã bất biến... với lập luận đầy logic và rất thuyết phục. Ông có tài biến những trang sử khô khan sang trạng thái sinh động kỳ lạ mà rất thực tế chứ không hề hoang tưởng.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp