Bàn luận

Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm:
Sự bất lực cao quý 13. 02. 13 - 12:56 pm

django

Hí họa của Peter Brookes trên tờ Times diễn tả cảnh hai Hồng y nói chuyện với nhau về chuyện Giáo hoàng từ nhiệm, tại nhà thờ thánh Peter ở Vatican. Một vị nhận xét: “1294 … 1415 … 2013 … Việc này đang dần trở thành xu hướng rồi đấy”. Trước Giáo hoàng Benedict, có hai giáo hoàng khác từng từ nhiệm, một là giáo hoàng Celestine V (vào năm 1294, sau 5 tháng lên ngôi, do không kham nổi công việc), và hai là giáo hoàng Gregory XII (vào năm 1415, để giúp chấm dứt sự phân ly trong giáo hội). Họa sĩ muốn châm biếm tính bảo thủ của giáo hội Công giáo, nơi mà những thay đổi phải hàng thế kỷ mới diễn ra, thay vì thập kỷ.

 

Tin Giáo hoàng Benedict XVI bất ngờ tuyên bố sẽ từ nhiệm vào ngày 28-2 tới chắc chắn là một trong những tin sốc nhất trong những ngày đầu năm, ngang với chuyện Bắc Hàn thử thành công vụ nổ hạt nhân lần ba!

Nhưng nếu người ta có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi vì sao Bắc Hàn vẫn cứ ngang ngược tiếp tục thử hạt nhân (muốn chứng tỏ mình không sợ cha con thằng nào kể cả ông cố LHQ; ra giá cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ; dọa dẫm Nam Hàn và Nhật Bản, blah blah blah…) thì câu hỏi vì sao vị lãnh tụ tối cao của 1,2 tỷ thần dân (tín đồ) trên khắp hành tinh (và do đó, là một trong những người quyền lực nhất trên thế giới, ít ra là về mặt tinh thần) lại bất ngờ từ bỏ ngôi vị của mình, không dễ tìm được câu trả lời.

Mặc dù có vẻ như câu trả lời đã có trong lời tuyên bố từ nhiệm của Giáo hoàng, rằng ngài, “do tuổi cao, không còn phù hợp để thực hiện đầy đủ chức phận”, tuy nhiên, lời giải thích cặn kẽ hơn có lẽ nằm ở đoạn sau, dù nó đã được làm mờ đi, rằng “trong thế giới hôm nay, do phải chịu quá nhiều những thay đổi nhanh chóng, và bị lung lay bởi những câu hỏi rất chính đáng về đời sống đức tin, nên để lèo lái con thuyền của thánh Phêrô và tuyên xưng Tin Mừng, cần phải có cả sức khỏe thể xác lẫn sức khỏe tinh thần”, mà sức khỏe của Giáo hoàng “đã suy sụp” đến độ ông “nhận thấy mình không còn khả năng để chu toàn nhiệm vụ đã được giao phó”.

Nói cách khác, nếu đọc giữa những hàng chữ, có thể thấy nguyên nhân chính khiến Giáo hoàng Benedict XVI tự nguyện từ nhiệm là ông đã phải chịu những nỗi khó khăn về thể chất và tinh thần, đặc biệt là tinh thần, mà một trong số đó là trước những chất vấn về đời sống đức tin (của cả người trong đạo lẫn người ngoại đạo).

Cần phải biết rằng kể từ ngày 12-12-2012 (ngày đẹp!), Giáo hoàng Benedict XVI đã có tài khoản trên mạng xã hội Twitter. Công cụ điện toán toàn cầu Internet đã giúp cho người đứng đầu Giáo hội công giáo toàn cầu có cơ hội để truyền thông điệp đi khắp thế giới (bằng 8 thứ tiếng, theo thông báo của Vatican), nhưng chắc chắn việc bước vào mạng xã hội cũng đặt ông đứng đối diện với những câu hỏi rất đời thường và trắng trợn của thời đại.

Người ta biết rằng trong một thời gian dài dăng dặc, Giáo hội công giáo đã độc quyền trong việc in ấn bằng tay các bản Kinh thánh và do đó, độc quyền trong việc phân phát và “phiên dịch” đức tin. Nhưng kể từ khi Gutenberg phát minh ra máy in từ mô hình của một chiếc máy ép nho vào quảng 1450, độc quyền đó đã vĩnh viễn mất đi, và từ chiếc máy in của Gutenberg cho tới mạng Internet, vấn đề chỉ là thời gian.

Sự dân chủ hóa về mặt thông tin phải trải qua quá trình dài hàng trăm năm, và đến ngày nay đã mang lại những sự đảo lộn khủng khiếp về quyền lực trong thế giới con người.

Những người đứng đầu Giáo hội công giáo trong thời hiện đại buộc phải đối mặt với một thực tế: thay vì được sống trong một thế giới không có sự chất vấn như từ xưa đến nay, giờ họ phải trả lời những câu hỏi của rất, rất nhiều người. Có những câu hỏi không trả lời thì không được, mà trả lời thì nhiều khi cũng rất khó khăn. Chưa kể, có thể có những câu hỏi mà chính Đức Giáo hoàng cũng mang nặng trong lòng…

Bản thân Giáo hoàng Benedict XVI, sau khi dùng mạng xã hội Twitter như một kênh truyền thông điệp tới các tín đồ, cũng đã bày tỏ trong ngày Truyền thông xã hội 24-1 vừa qua, rằng “Văn hóa của mạng xã hội đang đặt ra những thách thức cho những ai muốn nói về sự thực và các giá trị.” Ngài phàn nàn rằng những thông điệp trên mạng xã hội đôi khi được quyết định bởi tiếng tăm của người truyền thông điệp chứ không bởi giá trị thật sự của thông điệp. Ngài phải phàn nàn, chứng tỏ ít nhiều ngài bất lực…

Sự từ nhiệm này, vừa cao quý, nhưng cũng rất có thể là một sự đành “bó tay” trước những satan của đời sống mới, công nghệ mới, thời đại mới.

 

Sự từ nhiệm của Giáo hoàng Benedict XVI có thể là bất ngờ vì đây là lần đầu tiên sau 600 năm của Giáo hội, nhưng trong thời đại ngày nay, cũng là chuyện có thể hiểu được. Không có gì là “không  thể hiểu” trong một thế giới đang đổi thay chóng mặt đến nhường này.

Sắp tới, khi ống khói trên nhà nguyện Sistine có màu trắng, báo hiệu một Giáo hoàng mới được bầu sau Mật nghị Hồng y, người kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI chắc chắn cũng sẽ phải đối mặt với những câu hỏi mới, trong một thế giới mới: phẳng hơn, trần trụi hơn, nhưng có khi thế lại cần Thiên Chúa hơn.

 

*

Bài liên quan:

– Tin-ảnh: Lời từ nhiệm của Giáo hoàng 
– Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm: Sự bất lực cao quý
 
– Alex Gibney nói Giáo hoàng từ chức do xcăng-đan tình dục (của người khác)

 

Ý kiến - Thảo luận

17:29 Wednesday,13.2.2013 Đăng bởi:  Mở Ngoặc
Vẽ về Giáo Hoàng gây ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến Francis Bacon (họa sĩ trường phái Biểu Hiện, Anh) với bức Study after Vélázquez's Portrait of Pope Innocent X, 1953.
...xem tiếp
17:29 Wednesday,13.2.2013 Đăng bởi:  Mở Ngoặc
Vẽ về Giáo Hoàng gây ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến Francis Bacon (họa sĩ trường phái Biểu Hiện, Anh) với bức Study after Vélázquez's Portrait of Pope Innocent X, 1953. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả