“Sao 5 cánh”, sơn dầu cực thực của Leng Jun, bày tại triển lãm TQTPMT lần thứ IX.
II. TIẾN TRÌNH TRIỂN LÃM
1. Triển lãm Toàn quốc Tác phẩm Mỹ thuật (TLTQTPMT) lần thứ nhất, 1949 Khai mạc ngày 2. 7. 1949 tại Bắc Bình (tên cũ của Bắc Kinh, khi chưa được chọn làm thủ đô của Trung Quốc thời hiện đại). Triển lãm bày trong 16 ngày với tên chính thức là Triển lãm nghệ thuật quốc gia, gồm 556 tác phẩm, do Toàn quốc Văn hóa đại hội (tức Đại hội đại biểu Văn hóa toàn quốc) đứng ra tổ chức. Đến tháng 9 thì mang đi bày tại Thượng Hải mới giải phóng. Như vậy là triển lãm này diễn ra trước cả ngày thành lập quốc gia (quốc khánh) 1. 10. 1949.
2. TLTQTPMT lần thứ hai, 1955 Khai mạc ngày 27. 3. 1955 tại Nhà triển lãm Xô viết Bắc Kinh. Triển lãm kéo dài đến ngày 15. 5 với tên chính thức là Triển lãm nghệ thuật quốc gia lần thứ hai, gồm 996 tác phẩm, do Bộ Văn hóa và Hội Nghệ sĩ Trung Quốc phối hợp tổ chức.
3. TLTQTPMT lần thứ ba, 1962 Khai mạc ngày 22. 5. 1962 tại Thư viện Nghệ thuật Trung Quốc ở Bắc Kinh. Triển lãm kéo dài đến ngày 1. 7. 1962, gồm 1989 tác phẩm do Bộ Văn hóa phối hợp tổ chức cùng Hội Nghệ sĩ Trung Quốc. Đây là triển lãm kỷ niệm Mao Trạch Đông nói chuyện về văn học tại Diên An và kỷ niệm 20 năm Triển lãm Nghệ thuật quốc gia.
4. TLTQTPMT lần thứ tư, 1964 Khai mạc ngày 26. 9, kéo dài đến 25. 10. 1964, bày tại Bắc Kinh, gồm 441 tác phẩm và mang tên Triển lãm Nghệ thuật quốc gia khu vực Hoa Bắc. (Người viết thực sự không hiểu tại sao một triển lãm khu vực lại được tính là triển lãm quốc gia? Và tại sao khoảng cách chỉ là 2 năm – từ 1962 đến 1964?)
Do Cách mạng Văn hóa Vô sản (1966-1976) nên suốt 14 năm (1964-1978) Trung Quốc đã không tổ chức được TLTQTPMT (Bộ Văn hóa và Hội Nghệ sĩ Trung Quốc ngừng họat động).
5. TLTQTPMT lần thứ năm, 1979 Thời gian từ cuối năm 1979 đến tháng 2. 1980, gồm 417 tác phẩm, kỷ niệm 30 năm Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia, do Hội Nghệ sĩ Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh.
6. TLTQTPMT lần thứ sáu, 1984 Không rõ ngày, tháng. Gồm 3724 tác phẩm, do Bộ Văn hóa và Hội Nghệ sĩ Trung Quốc tổ chức. Vòng chung kết được tổ chức tại Bắc Kinh, gọi là Triển lãm các tác phẩm đã giành giải thưởng, đồng thời tổ chức thêm Triển lãm tác phẩm mỹ thuật đặc biệt của Hồng Kông và Ma Cao, cũng tại Bắc Kinh.
7. TLTQTPMT lần thứ bảy, 1989 Diễn ra vào các tháng 5, 6, 7. 1989, kỷ niệm 40 năm thiết lập, do Bộ Văn hóa và Hội Nghệ sĩ Trung Quốc đồng tổ chức. Vòng chung kết bày tại Trung Quốc Art Gallery (tức Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc) ở Bắc Kinh với 299 tác phẩm.
8. TLTQTPMT lần thứ tám, 1994 Không rõ ngày tháng. Triển lãm chào mừng 45 năm thiết lập TLTQTPMT, gồm 4000 tác phẩm, vòng ngoài bày tại nhiều tỉnh, thành phố và khu tự trị. Vòng chung kết bày 498 tác phẩm tại Trung Quốc Art Gallery (BTMTTQ) ở Bắc Kinh vào dịp cuối năm 1994.
9. TLTQTPMT lần thứ chín, 1999 Vòng ngoài (không rõ ngày tháng) với 3429 tác phẩm, được tổ chức theo chất liệu tại 7 địa điểm. Vòng chung kết mang tên Triển lãm các tác phẩm đoạt giải thưởng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc với 588 tác phẩm.
10. TLTQTPMT lần thứ mười, 2004 Không rõ ngày tháng. Kỷ niệm 55 năm quốc khánh Trung Quốc, là triển lãm toàn quốc đầu tiên ở thế kỷ XXI. Vòng ngoài chia theo chất liệu và mỗi chất liệu bày tại một địa điểm. Rất tiếc chúng tôi không có tài liệu về vòng chung kết của kỳ triển lãm này.
11. TLTQTPMT lần thứ mười một, 2009 Là triển lãm mới nhất, gần nhất so với thời điểm hiện nay. Kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc, cũng theo phương thức mỗi địa điểm một chất liệu cho vòng ngoài. Vòng chung kết diễn ra từ 25. 10. 2009 đến 3. 2. 2010 tại Bảo tàng MTTQ ở Bắc Kinh với 18 Huy chương Vàng, 45 Huy chương Bạc, 49 Huy chương Đồng.
“Nụ cười các cô sơn nữ”, tượng của Tang Daixi, triển lãm TQTPMT lần IV
III. Sơ bộ nhận xét về triển lãm Mỹ thuật toàn quốc của Trung Quốc
1. Triển lãm MTTQ của Trung Quốc đã tổ chức được 11 kỳ, từ 1979 đến nay đều đặn cách nhau 5 năm/lần nhưng trước đó không đều, đã có gián đoạn 14 năm (1964-1978) do Cách mạng Văn hóa Vô sản).
2. Thông thường có 2 vòng triển lãm: vòng ngoài bày ở rất nhiều địa điểm, chia theo các chất liệu cơ bản, vòng chung kết tuyển chọn tác phẩm ưu tú về bày ở Bắc Kinh.
3. Tham vọng nghệ thuật của Trung Quốc rất lớn. Đường lối chỉ đạo của họ nhấn mạnh: “…đóng một vai trò tích cực trong mô hình phát triển của nghệ thuật thế giới”.
4. Có những 3 hạng mục giải thưởng chính: Sáng tạo, Thành tựu trọn đời, Lý luận với nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng và giải Xuất sắc (có lẽ là bậc Khuyến khích).
5. Các tác giả không những không được nhuận treo như ở ta mà còn phải đóng lệ phí, gọi là Tham gia phí. Riêng Hoa kiều còn phải đóng lệ phí bằng đô la.
6. Có những chất liệu hay chuyên ngành đặc biệt mà ở ta không có mặt tại TLMTTQ như: design, hoạt hình, biếm họa, đa phương tiện, gốm sứ.
7. Luôn luôn có triển lãm khu vực đặc biệt, tác giả được mời qua thư gồm Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan. Triển lãm này nhiều lần được ưu ái bày tại Bắc Kinh.
8. Trong thành phần tổ chức còn có cả lực lượng quân đội.
9. Ban Tổ chức khá giống mô hình của ta, luôn bao gồm 2 thành phần kết hợp: Bộ Văn hóa (đại diện chính phủ) và Hội Nghệ sĩ (đoàn thể nghệ thuật).
10. Rất tiếc chúng tôi chưa rõ trị giá thực, quy ra tiền của các Huy chương.
Tranh thuộc xê-ri ‘đầu trọc’, sơn dầu, Fang Lijun, triển lãm TQTPMT lần VI
11. Người Trung Quốc bình luận về triển lãm MTTQcủa họ: – Ông Shang Hui (tổng biên tập tạp chí Mỹ Thuật): Hội họa Hiện thực – Tượng trưng vẫn còn lợi thế tuyệt đối nhưng mặt khác cho thấy sự phụ thuộc vào hình ảnh dẫn tới sự sao chép hình ảnh, làm giảm trình độ và phong cách Trung Quốc. Nặng về chủ đề mà ít chú ý ngôn ngữ nghệ thuật.
– Ông Hang Jian (Hiệu phó ĐH Mỹ thuật thuộc ĐH Thanh Hoa): Bất luận tư tưởng, tình tiết, kỹ xảo thì mục đích vẫn phải là lay động con tim. Tư tưởng của nghệ sĩ phải được nhìn thấy trên tác phẩm để thấy trăn trở của nghệ sĩ với cuộc sống. Nhìn vào các tác phẩm đoạt giải thấy nhiều tác phẩm có chủ đề tư tưởng lớn mà quên đời thường và những chi tiết nhỏ của cuộc sống.
– Một số lời chê khác: Khéo thì nhiều, xúc động thì ít. Tinh xảo mà không sâu sắc. Thích bề mặt mà coi thường giá trị. Chỉ quan tâm trước mắt mà xem thường hướng đạo. Kiểu cách nhiều mà thần vận ít (khô khan). Quá quan tâm đến thương mại mà coi nhẹ sáng tạo…