Nghệ sĩ Việt Nam

Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN lần thứ nhất 2012: cơ hội giao lưu hiếm có cho đồ họa Việt Nam 11. 08. 12 - 6:50 am

Họa sĩ Đức Hòa - Ảnh: Tịch Ru

SOI: Để các bạn có cái nhìn toàn diện hơn về triển lãm Đồ họa ASEAN 2012 (với dư luận trái chiều) đang diễn ra tại Hà Nội, xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Đức Hòa đăng trên một tạp chí Mỹ thuật từ tháng 7. 2012

“Chiến tranh 1” của Đỗ Hữu Quyết (Việt Nam) – giải ba

 

Đồ họa ASEAN 2012

Thời gian trưng bày: từ ngày 6 đến 16. 8. 2012
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66, phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội)
Đơn vị tổ chức: Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm (Bộ VHTTDL)

 

Khoảng đầu tháng 8 tới đây Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ đứng ra tổ chức Triển lãm Tranh Đồ hoạ ASEAN lần đầu tiên tại Hà Nội. Khoảng 130 tranh đồ hoạ của 9 nước Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Philipin, Myanmar và Việt Nam sẽ được trưng bày trang trọng tại nhà triển lãm 2 tầng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Chắc chắn đây là một triển lãm rất đáng xem và sẽ có nhiều điều đáng quan tâm và đáng bàn với giới mỹ thuật và công chúng yêu tranh đồ họa nước ta.

Đồ họa từng là bộ môn nghệ thuật có mặt rất sớm trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, được quảng đại quần chúng yêu mến do việc hiện diện của các dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống hay Làng Sình… Đến thời cận – hiện đại, các hoạ sĩ nước ta lại được học hỏi ở các nền đồ hoạ lớn trên thế giới như Pháp, Mỹ và Liên xô. Kể từ khi đất nước đổi mới – mở cửa thì điều kiện và nhu cầu giao lưu, học hỏi càng nhiều. Tuy nhiên, thật tiếc là trong mấy chục năm qua, ở ngay sát nách nước ta, đồ họa của các nước Đông Nam Á phát triển khá mạnh thì chúng ta lại rất mơ hồ. Ngoại trừ một số họa sĩ Huế có điều kiện sang học và triển lãm ở Thái Lan, phần lớn các hoạ sĩ ta ở 2 trung tâm mỹ thuật lớn nhất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thực sự rất ít biết về Mỹ thuật Đông Nam Á nói chung và càng ít biết về Đồ họa của các nước bạn vốn rất gần gũi về địa lý này. Mong muốn bổ sung những khiếm khuyết về hiểu biết nói trên là điều rất thực tiễn.

Nắm bắt được nhu cầu chính đáng đó của anh em đồ họa, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có sáng kiến đề xuất tổ chức Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN lần đầu tại thủ đô nước ta. Đề xuất đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chấp thuận và cho phép triển khai.

“Luang Prabang cổ kính” của Pany Somvichit (Lào) – giải khuyến khích

 

Dù thời gian có gấp gáp, khá đông họa sĩ đồ hoạ Đông Nam Á đã hưởng ứng, gửi ảnh (bước 1) và gửi tranh (bước 2) tham gia kịp thời. Có lẽ bởi cơ hội giao lưu đồ họa trong khu vực vốn rất quý hiếm nên các tác giả đều thể hiện sự nhiệt tình và khẩn trương. Ban Tổ chức đã nhận được khoảng 250 tranh dự sơ khảo và đã duyệt được hơn 120 tác phẩm để trưng bày, trong đó Việt Nam có hơn 50 tranh, các nước khác hơn 70 tranh. Ngoài ra còn có 7 tranh của 7 vị Hội đồng nghệ thuật sẽ bày danh dự, không tham gia giải để đảm bảo sự công bằng và vô tư.

Tự đánh giá được tầm quan trọng của triển lãm với nghề mình, khá nhiều họa sĩ đồ họa Việt Nam đã kỳ công đầu tư sâu vào các sáng tác mới cho xứng tầm thi đấu.

Xem tranh đồ họa ASEAN, chúng ta có thể thấy ngay sự phong phú của các chất liệu và kỹ thuật đồ họa. Đặc biệt trong số đó có một số kỹ thuật mới được cập nhật từ các trung tâm đồ họa của thế giới đương đại khoảng 5 – 10 năm nay. Công chúng có thể thấy ở triển lãm những chất liệu và kỹ thuật mới nổi lên, đang khá “hot” từ vài năm nay như khắc gỗ phá bản, litho nhôm, khắc lõm cảm quang… Có những vấn đề mà trước đây chúng ta chẳng mấy quan tâm thì nay bộc phát trở nên đặc biệt như nền tranh. Ngoài những tranh in (hay vẽ) trên nền giấy cổ truyền hoặc giấy sản xuất theo công thức phương Tây, ở triển lãm này còn có tranh in trên vải, toan vẽ, lụa… thậm chí cả trên nền vỏ cây! Mặt khác, bấy lâu nay chúng ta chỉ thường làm đồ họa tranh in mà lãng quên đồ họa vẽ tay. Thật ra, do hoàn cảnh thời chiến, các hoạ sĩ ta rất quen vẽ ký họa trên giấy. Có người ngỡ đó là đồ họa vẽ tay, tiếc thay không phải vì đa số ký họa chỉ là những tài liệu ghi chép mỹ thuật chứ ít khi là tranh hoàn chỉnh theo hướng đồ họa. Nhân dịp này, chúng ta sẽ được xem một số tranh đồ họa vẽ tay khá kỳ công và tinh vi, của cả ta và các bạn.

Những tưởng chỉ có chúng ta – do đòi hỏi của chiến tranh và chính trị – mới có thói quen coi trọng nội dung và hình tượng con người lao động. Thế mà ở đây ta sẽ được chứng kiến vài bức tranh đồ họa chính trị rõ rệt của các nước bạn như Indonesia có tranh mang tên “Nationalisme” (tạm dịch: Chủ nghĩa quốc gia), vẽ một nhóm người vai sát vai dưới bóng cờ đỏ – trắng (quốc kỳ Inđô) hay Thái Lan có tranh hiện thực triệt để, vẽ đông đảo thần dân Thái đang thành kính diện kiến vị vua Thái đương nhiệm.

“Tranh cổ động chủ nghĩa quốc gia” của Mochammad Fatchi (Indonesia) – giải khuyến khích

 

“Đức vua vạn tuế” của Kraisak Chirachaisakul (Thái Lan) – giải ba

 

Song song với các bức tranh mang phong cách hiện thực chân phương, cả ta và các bạn đều có các phong cách lập thể, trừu tượng và siêu thực… Điều đáng quan tâm là ngay cả khi theo các trường phái có vẻ “thoát tục” này, các bức đồ họa Đông Nam Á vẫn toát lên bản sắc dân tộc với cách tạo mảng, xếp kết cấu và tổ chức đường lượn mang dáng vẻ truyền thống. Nhờ vậy, chỉ cần xem chăm chú một chút, dân chuyên đồ họa có thể nhận ra đâu là Thái Lan, đâu là Indonesia, đâu Lào, đâu Malaysia…

Về phía chúng ta, không phải tất cả mọi họa sĩ đều chạy theo cái mới, cái “tân kỳ”. Vẫn có một số họa sĩ đã thành danh bình tĩnh, tự tin giữ vững “tay lái” như cũ. Kể cũng đáng suy ngẫm…

Như vậy, dù tân tiến hay truyền thống thì cái hay của Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN lần thứ nhất này là nhờ đó mà giới đồ họa Việt Nam có thể xác định được vị thế của mình trong khu vực. Người trước đây quá kiêu hãnh thì nay tỏ ra thận trọng hơn. Người trước đây tỏ ra tự ti thì nay tự tin hơn. Tất cả dường như bớt âu lo mà dồn quan tâm theo 3 hướng: giữ gìn bản sắc thế nào? hòa nhập ra sao để khỏi “hòa tan” ? và quan trọng nhất là cập nhật kỹ thuật kiểu gì. Chúng ta phấn khởi chờ đón ngày khai mạc.

Hà Nội, tháng 7. 2012

 

*

Bài liên quan:

– Đồ họa ASEAN 2012: lại chuyện mình “tự sướng” với nhau? 
– Khai mạc Đồ họa Asean 2012: Đủ cả chầu văn đủ cả kèn
  
– Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN lần thứ nhất 2012: cơ hội giao lưu hiếm có cho đồ họa Việt Nam

 

*

Bài cùng tác giả:

– Chất liệu và lòng tự trọng 
– Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN lần thứ nhất 2012: cơ hội giao lưu hiếm có cho đồ họa Việt Nam
 
– LA GIOCONDA: Phần 1 – Ai cũng nói đến nó…
 
– LA GIOCONDA – phần 2: Vậy “MONA LISA” đẹp ở chỗ nào?
 
– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Trung Quốc (phần 1)

– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Trung Quốc (phần 2)

– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Thái Lan

– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Pháp (phần 1)

– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Pháp (phần 2)

– Các vấn đề của triển lãm mỹ thuật toàn quốc tại Việt Nam
– So sánh triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Việt Nam với các nước khác

Ý kiến - Thảo luận

23:30 Monday,13.8.2012 Đăng bởi:  ƠI GIỜI HỠI
Triển lãm đồ họa quốc tế ASEAN rất hay, các củ nghệ nên xem. Bác Đức Hòa có tài hoa, giá như bác cứ làm tranh và đọc sách Tây rồi "thuật" lại cho anh em nghe về bố cục như dạo nào thì hay biết mấy. Chứ từ hồi bác vào các Hội đồng Nghệ thuật là lại viết các bài ướp nước hoa để PR cho các triển lãm từ Chiển lãm Mỹ thuật toàn quốc cho đến đồ họa lần
...xem tiếp
23:30 Monday,13.8.2012 Đăng bởi:  ƠI GIỜI HỠI
Triển lãm đồ họa quốc tế ASEAN rất hay, các củ nghệ nên xem. Bác Đức Hòa có tài hoa, giá như bác cứ làm tranh và đọc sách Tây rồi "thuật" lại cho anh em nghe về bố cục như dạo nào thì hay biết mấy. Chứ từ hồi bác vào các Hội đồng Nghệ thuật là lại viết các bài ướp nước hoa để PR cho các triển lãm từ Chiển lãm Mỹ thuật toàn quốc cho đến đồ họa lần này thì lại có vẻ Quan trọng hóa và Quan liêu.
Rằng hay thì thật là hay... 
6:07 Monday,13.8.2012 Đăng bởi:  Giời Ơi
Đọc bài viết của bạn Hòa cứ như đang đọc thứ gì đó xuất bản muộn mất ít nhất mười năm. Bạn hiểu về chính trị một cách vô cùng ngô nghê và ấu trĩ. Đó là thứ định nghĩa chính trị áp đặt không tiền khoáng hậu chỉ Việt Nam mình mới có. Tôi không thấy bức tranh của Indonesia "chính trị" ở chỗ nào. Bản thân cái tên của nó cũng đã nói lên điều ấy. Quố
...xem tiếp
6:07 Monday,13.8.2012 Đăng bởi:  Giời Ơi
Đọc bài viết của bạn Hòa cứ như đang đọc thứ gì đó xuất bản muộn mất ít nhất mười năm. Bạn hiểu về chính trị một cách vô cùng ngô nghê và ấu trĩ. Đó là thứ định nghĩa chính trị áp đặt không tiền khoáng hậu chỉ Việt Nam mình mới có. Tôi không thấy bức tranh của Indonesia "chính trị" ở chỗ nào. Bản thân cái tên của nó cũng đã nói lên điều ấy. Quốc gia và dân tộc lâu nay cứ bị đánh đồng với một chủ nghĩa hoặc tôn giáo nào đó một cách hết sức buồn cười khiến cho những người như bạn Hòa có một xuất phát điểm quan niệm chẳng giống ai. Họa sĩ Asian bày tỏ tình cảm của mình hồn nhiên như vậy tôi nghĩ còn lâu mới tiếp cận với thứ chính trị bạn Hòa quan niệm. Rất tiếc, bạn Hòa có chân trong hội đồng duyệt nhưng cũng rất may có lẽ tiếng nói của bạn Hòa không mấy trọng lượng cho nên mới có được một kết quả chọn lựa như vậy. Cái định nghĩa "Bản sắc dân tộc" vừa lỗi thời vừa què quặt bạn Hòa nêu lên ở đây cũng chỉ nói lên một điều duy nhất: lười suy nghĩ. Chỉ cần suy nghĩ hơn bốn chữ ấy một chút thôi thì đến người vừa cầm bút ngày hôm qua cũng có thể tự rút ra kết luận. Gợi ý nhé: Bạn Hòa cũng như tất cả các họa sĩ Việt Nam đã bao giờ vẽ ra nổi một bức tranh của Lào chưa? Vẽ siêu thực với thủ pháp hoàn toàn châu Âu như bạn Lê Huy Tiếp và bạn Nguyễn Đình Đăng vẫn chỉ là tranh Việt Nam mà thôi vì ai cũng biết đó là con mắt tâm hồn người Việt chiếu rọi vào thế giới Việt. Và hơn nữa, tầm vóc ấy cũng không thể lẫn lộn với những khổng lồ S.Dalí, M.Ernst, P.Delvaux... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

7. 10 tại Eight Gallery:
Đặng Xuân Hòa - Tranh Trừu Tượng

Trần Hậu Tuấn - Thông tin từ Eight Gallery

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả