Gẫm & Bình

Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Trung Quốc (phần 1) 14. 02. 13 - 7:43 am

Họa sĩ Đức Hòa

Trên Đặc san Nghiên cứu Mỹ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật, từ số 36 đến số 41, chúng tôi đã lược thuật toàn bộ 17 kỳ triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam.

Giờ đây, thay cho kết luận một cách vội vã, chúng tôi xin tổng hợp so sánh với các mô hình khác (mỹ thuật Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ vài nền mỹ thuật có liên quan). Tất nhiên việc so sánh không tránh khỏi khập khiễng, nhưng trong trường hợp này có phần cần thiết, và mặc dù tài liệu chưa hoàn chỉnh song chúng tôi vẫn cố tập hợp để sơ bộ bình luận so sánh một cách tổng hợp.

Từ 1945 đến nay, hơn nửa thế kỷ đã qua, do các nguyên nhân chiến tranh tàn khốc, bao cấp trì trệ… nên điều kiện để giới mỹ thuật nước ta giao lưu, học hỏi và hiểu biết những nền mỹ thuật có liên quan là hết sức hạn chế, nhất là phần hiện đại và đương đại của các nền mỹ thuật ấy, dù rằng rất cần thiết. Theo thiển ý của chúng tôi, Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Nhật, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan là những nước có ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật Việt Nam nói riêng. Trong số đó, những nước có ảnh hưởng đáng kể đến mỹ thuật hiện đại Việt Nam gồm Pháp, Trung Quốc, Liên Xô và Thái Lan.

Ngoại trừ Liên Xô do tạm thời chưa thu thập đủ tài liệu, kỳ này chúng tôi xin lược thuật tóm tắt các triển lãm Mỹ thuật toàn quốc của 3 nước Trung Quốc, Thái Lan và Pháp.

Dù triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Trung Quốc xuất hiện muộn nhất (1949) và Pháp xuất hiện sớm nhất (1667) – nhưng do mỹ thuật toàn quốc của Pháp phức tạp nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nên để tiện bình luận và so sánh, chúng tôi xin phép đặt thứ tự hơi ngược chiều một chút:
1. Trung Quốc
2. Thái Lan
3. Pháp
4. Vài nhận định so với Việt Nam

Xin cảm ơn bạn Trần Hậu Yên Thế đã giúp chúng tôi phần tài liệu về mỹ thuật toàn quốc của Trung Quốc. Tất nhiên chúng tôi hiểu rằng đây là việc làm quá nhiều tham vọng, chắc là quá sức, nhưng vì cần phải làm nên rất mong các đồng nghiệp gần xa góp ý bổ sung cũng như mạnh dạn tranh biện để sáng tỏ chân lý nghệ thuật.

Xin trân trọng cảm ơn.

 

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT TOÀN QUỐC CỦA TRUNG QUỐC

 

“Tu sửa cầu đường sắt qua sông Yong ding”, đồ họa của Zhong Qixiang, TLTQTPMT lần I.

 

I. ĐƯỜNG LỐI, QUY CHẾ, TỔ CHỨC, PHƯƠNG THỨC, QUY MÔ

1. Tên chính thức
: Triển lãm Toàn quốc Tác phẩm Mỹ thuật (TLTQTPMT)

2. Đường lối chỉ đạo
: (có lẽ Trung Quốc đã vài lần chỉnh sửa đường lối này nhưng rất tiếc chúng tôi chỉ có văn bản từ sau khi họ thực hiện 4 hiện đại hóa)
– Giương cao ngọn cờ vĩ đại của Chủ nghĩa Xã hội mang bản sắc Trung Quốc, được lãnh tụ Đặng Tiểu Bình hướng dẫn về lý thuyết, tư tưởng và tầm quan trọng của 3 đại diện (sản xuất kinh tế, phát triển văn hóa, lợi ích căn bản của đa số nhân dân Trung Quốc)
– Thực hiện chính sách văn học nghệ thuật và khái niệm khoa học phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc: nghệ thuật tuân thủ luật pháp nhưng đa dạng và theo nguyên tắc đổi mới, làm nổi bật những lợi thế và đặc điểm của nghệ thuật Trung Hoa để đóng một vai trò tích cực trong mô hình phát triển của nghệ thuật thế giới
– Có những đóng góp mới để tu luyện tinh thần quốc gia và xây dựng nền văn hóa của sự hòa hợp.

3. Thời hạn: 5 năm/lần (trên thực tế chỉ thực hiện được từ kỳ thứ 5, năm 1979 đến nay. Trước đó có những kỳ cách nhau chỉ 2 năm hay đến 6, 7 năm, thậm chí 14 năm gián đoạn do Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản).

4. Nhà tổ chức:
a. Bộ Văn hóa hoặc Bộ Thông tin Trung Quốc,
b. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc,
c. Hội Mỹ thuật gia Trung Quốc đồng phối hợp.

5. Cơ cấu tổ chức:
– Tối cao là Ban Tổ chức Triển lãm Nghệ thuật quốc gia (TLNTQG) với trách nhiệm chuẩn bị tổng thể và trưng bày. Ban Thư ký của TLNTQG thực hiện công việc cụ thể.
– Đặc biệt, vì TLTQTPMT diễn ra ở nhiều nơi nên cần có sự tham gia trưng bày của các tỉnh, thành, khu tự trị, quân đội, các Art gallery (Bảo tàng)… đặt dưới sự điều phối của Văn phòng Ban Tổ chức TLNTQG.
– Gọi cả các Nhà thầu phụ để hoàn tất các công việc triển lãm.

6. Ban Giám khảo: nhằm lựa chọn tranh và giải thưởng, gồm 2 cấp: cấp Tổng Giám khảo và cấp Giám khảo tại các tỉnh-thành trực thuộc trung ương (riêng khu vực Tân Cương theo chế độ quân quản nên gọi là Ban Giám khảo quân sự của Quân đoàn xây dựng Tân Cương). Việc xét duyệt tuân theo nguyên tắc và điều lệ của Hiệp hội các Giải thưởng Nghệ thuật Trung Quốc. Bên cạnh đó còn có Uỷ ban Kiểm tra để đánh giá, giám sát công việc.

“Đấu địa chủ”, sơn dầu, Zhang Hongyang, TLTQTPMT lần V


7. Phương thức triển lãm
: gồm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu chia theo chất liệu, tổ chức tại các địa phương, giai đoạn sau tập trung các tác phẩm ưu tú về Bắc Kinh để bình xét và trao giải.

8. Quy chế:
– Dành cho mọi người Trung Quốc, kể cả Hoa kiều.
– Tác phẩm không được tham gia TLTQTPMT 2 lần.
– Mỗi tác giả chỉ có 1 tác phẩm trong triển lãm.
– Các tác giả phải điền đầy đủ các thông số vào Nhãn hiển thị thống nhất do Văn phòng Triển lãm Nghệ thuật quốc gia phát hoặc tải về từ trang web: www.caazl.cn của Hội chợ triển lãm Cục Nghệ sĩ Trung Quốc.
– Tác phẩm của Ban Giám khảo không được bình chọn xét giải nhưng được tham gia Triển lãm “Các tác phẩm đoạt giải và ưu tú” (tức vòng chung kết tại Bắc Kinh).

9. Hạng mục giải thưởng:
– Giải Sáng tạo với các Huy chương Vàng, Bạc, Đồng và giải Xuất sắc dành cho các lĩnh vực quốc họa, sơn dầu, bích họa, điêu khắc, đồ họa, gốm sứ, design, hoạt hình-đa phương tiện…
– Giải Thành tựu trọn đời dành cho các nghệ sĩ lão thành trong các lĩnh vực quốc họa, sơn dầu, đồ họa, điêu khắc, biếm họa.
– Giải Lý luận-Phê bình mỹ thuật dành cho lĩnh vực nghiên cứu, phê bình, lịch sử mỹ thuật từ cổ truyền đến đương đại.

10. Phân chia chất liệu và địa điểm triển lãm (có lẽ chỉ có sau 4 hiện đại hóa):
– Triển lãm tranh quốc họa – thường bày tại Bắc Kinh hay Thượng Hải (đôi khi Hàng Châu).
– Triển lãm tranh sơn dầu – từng bày tại các tỉnh Thượng Hải, Hồ Bắc, Quảng Đông…
– Triển lãm tranh bích họa – luân phiên địa điểm với Quốc họa, nếu quốc họa bày tại thủ đô thì bích họa bày tại Thượng Hải và ngược lại.
– Triển lãm tranh màu nước và phấn màu – thường bày tại Nam Kinh, Quảng Đông hay Liêu Ninh…
– Triển lãm điêu khắc – từng bày tại Bắc Kinh nhưng thường bày tại thành phố Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm (vùng Đông Bắc).
– Triển lãm ấn bản họa (Đồ họa) – từng bày tại Cáp Nhĩ Tân, Tứ Xuyên, Giang Tô.
– Triển lãm design – từng bày tại Thâm Quyến, Thượng Hải.
– Triển lãm tranh sơn mài và gốm sứ – thường bày tại Phúc Kiến.
– Triển lãm hoạt hình, biếm họa và đa phương tiện (có cả chất liệu tổng hợp và video art) – từng bày tại Phúc Kiến hoặc Hắc Long Giang.
– Triển lãm Mỹ thuật các khu vực Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan (theo thư mời) – từng bày tại Bắc Kinh, Phúc Kiến, Quảng Đông.
– Vòng chung kết trao giải (vòng 2) bày các tác phẩm chọn lọc tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia (Bắc Kinh).

Lễ khai mạc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc Trung Quốc lần thứ XI (người áo đen bên trái là GS Sài Khắc Chấn, nguyên sinh viên sơn mài trường Mỹ thuật Yết Kiêu trước 1965, hiện là Chủ tịch Hội tranh sơn mài Trung Quốc).

 

11. Kinh phí và Lệ phí triển lãm
– Kinh phí để bày triển lãm các chất liệu tại các địa phương sẽ do các địa phương tự chịu.
– Kinh phí để bày vòng triển lãm chung kết tại Bắc Kinh sẽ do Văn phòng Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia chịu. Diễn đàn và các chi phí khác do Ban Tổ chức áp dụng các khoản trợ cấp tài chính và kêu gọi bảo trợ xã hội.
– Các tác giả phải đóng lệ phí, được gọi là THAM GIA PHÍ. Cụ thể theo giá hiện hành là 300 nhân dân tệ cho mỗi tác phẩm điêu khắc, 200 tệ cho mỗi tác phẩm sơn dầu, quốc họa, bích họa, 100 tệ cho mỗi tác phẩm đồ họa và các tác phẩm còn lại.
– Hoa kiều đóng tham gia phí là 150 $ cho mỗi tác phẩm điêu khắc, 100 $ cho mỗi tác phẩm quốc họa, sơn dầu, bích họa, sơn mài….
– Nếu tác phẩm được tuyển vào vòng chung kết, phải vận chuyển đến Bắc Kinh thì tác giả sẽ phải nộp thêm 50% nữa (có lẽ là một nửa của số tiền đã nộp ở vòng ngoài).
– Vé vào xem triển lãm (quy định cho tất cả các triển lãm bày tại Bảo tàng Mỹ thuật, có thi hành cho đến triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ XI, 2009): 20 nhân dân tệ.
– Có miễn giảm cho: dưới 18 và trên 30 tuổi do các trường cử đến mà có liên hệ trước, Hội Nông dân mà có liên hệ trước, hội viên các Hội Mỹ thuật gia, Thư pháp gia, Nhiếp ảnh gia có thẻ, Giải phóng quân-lực lượng vũ trang có thẻ, trên 60 tuổi, người tàn tật, mồng 1 tết Nguyên đán, 1. 5, 1. 10, 8. 3, 20. 11, ngày Quốc tế Bảo tàng, ngày Di sản phi vật thể, ngày tết thanh niên, ngày quân đội.
Ưu đãi vé: trên 18 tuổi nhưng là sinh viên, các đoàn lữ hành trong nước và quốc tế có đăng ký vé trước. Kể từ 2010, Trung Quốc quyết định miễn phí vào các bảo tàng, như vậy rất có thể triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ XII, 2014 của họ cũng sẽ miễn phí vòng chung kết (thường bày ở Bảo tàng Bắc Kinh).

Chủ tịch Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân (vợ thứ hai) trên đường Trường Chinh, sơn dầu, TLTQTPMT lần VIII


12. Tuyên truyền
: có các đợt phát động, công bố thể lệ, họp báo… trên các phương tiện thông tin đại chúng.

13. An ninh và Bảo hiểm
– Ban Tổ chức, các địa phương có liên quan và các lực lượng an ninh phải đảm bảo an toàn cho các triển lãm.
– Các địa phương phải xác định giá trị bảo hiểm cho các tác phẩm.
– Hiệp hội Nghệ sĩ Trung Quốc được chọn những tác phẩm xuất sắc đi triển lãm tại nước ngoài.
– Ban tổ chức được quyền chụp ảnh, quay video, xuất bản hình ảnh tác phẩm nhằm mục đích tuyên truyền. Các nhà tổ chức cũng được ưu tiên sưu tập tác phẩm trên cơ sở thỏa thuận với tác giả.
– Ban tổ chức có quyền loại bỏ hoặc đưa ra pháp lý nếu phát hiện tác phẩm sao chép, bắt chước tác phẩm của người khác và tác giả phải chịu trách nhiệm về điều này.
– Tác phẩm được trưng bày sẽ được trả lại sau 2 tháng.
– Ban tổ chức sẽ trao Giấy Chứng nhận đã được trưng bày và được giải cho từng tác giả.

*

Bài gốc đã được đăng trên đặc san Nghiên cứu Mỹ thuật của Trường ĐHMTVN và Viện mỹ thuật số cuối năm 2012. Soi đã xin phép tác giả được chia thành nhiều kỳ để các bạn dễ theo dõi và thảo luận.

*

(Còn tiếp)

*

Bài liên quan:

– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Trung Quốc (phần 1)
– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Trung Quốc (phần 2)

– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Thái Lan
– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Pháp (phần 1)
– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Pháp (phần 2)

– Các vấn đề của triển lãm mỹ thuật toàn quốc tại Việt Nam

– So sánh triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Việt Nam với các nước khác

 

*

Bài cùng tác giả:

– Chất liệu và lòng tự trọng 
– Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN lần thứ nhất 2012: cơ hội giao lưu hiếm có cho đồ họa Việt Nam
 
– LA GIOCONDA: Phần 1 – Ai cũng nói đến nó…
 
– LA GIOCONDA – phần 2: Vậy “MONA LISA” đẹp ở chỗ nào?
 

 

Ý kiến - Thảo luận

8:18 Friday,15.2.2013 Đăng bởi:  admin

Soi đã sửa rồi anh Đức Hòa ơi. Cảm ơn anh. Biên tập viên nhận được, nhưng... quên :-)


...xem tiếp
8:18 Friday,15.2.2013 Đăng bởi:  admin

Soi đã sửa rồi anh Đức Hòa ơi. Cảm ơn anh. Biên tập viên nhận được, nhưng... quên :-)

 
0:22 Friday,15.2.2013 Đăng bởi:  hoạ sĩ Đức Hoà
Soi sửa giúp tác giả cái chú thích của tranh TQ ở đầu bài nhé: "Tu sửa ống nước" là sai (lỗi của tác giả khi gửi chú thích lần đầu). Nhưng đêm mùng 2 Tết tác giả đã gửi chú thích chính xác hơn cho biên tập mà nay không thấy sửa, có lẽ vì biên tập k
...xem tiếp
0:22 Friday,15.2.2013 Đăng bởi:  hoạ sĩ Đức Hoà
Soi sửa giúp tác giả cái chú thích của tranh TQ ở đầu bài nhé: "Tu sửa ống nước" là sai (lỗi của tác giả khi gửi chú thích lần đầu). Nhưng đêm mùng 2 Tết tác giả đã gửi chú thích chính xác hơn cho biên tập mà nay không thấy sửa, có lẽ vì biên tập không nhận được. Nay xin nhờ Soi sửa lại giúp như sau: "Tu sửa cầu đường sắt qua sông Yong ding", đồ hoạ của Zhong Qixiang, TLTQTPMT lần thứ nhất. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả