Bài học Chủ nhật: Nàng Galatea thứ hai – làm sao để cả trai trẻ lẫn khổng lồ đều yêu?
17. 03. 13 - 6:07 am
Pha Lê
Sau bài về nàng Galatea thứ nhất – tình yêu của các nghệ sĩ, mọi người biết rằng tên của nàng thực chất không phải là Galatea, đây chỉ là tên gọi yêu mà dân tình gán cho nàng thôi. Vậy nàng Galatea trong tích là ai?
Galatea (hoặc Galateia, Galatia) là một Nereides, nghĩa là một tiên biển. Nàng rất đẹp; đặc biệt hơn, nàng có làn da trắng hiếm thấy (Galatea còn có nghĩa là trắng như sữa. Hình như đấy là lý do tại sao các nghệ sĩ dùng tên Galatea để gán cho nàng thứ nhất, vì nàng này khắc từ ngà voi). Nhiều nhà thơ kể về tích của Galatea; ít thì như Homer, chỉ nhắc đến nàng trong danh sách tiên biển dài ngoằng của ông; nhiều thì kể chuyện dài như Theocritus hoặc Ovid.
Bắt đầu như thế này: một hôm, Galatea đến gặp cô bạn thân Scylla, trong lúc Scylla chải tóc cho bạn, Galatea than thở rằng sao mà Scylla sướng thế, được người tốt yêu (dù Galatea đâu biết là sau này Scylla còn khổ hơn mình, bị biến thành yêu quái). Thấy bạn thân khóc lóc, Scylla gặng hỏi lý do, thế là Galatea bắt đầu thuật lại chuyện tình bi đát của cô.
Tác phẩm Galatea, Raphael, 1513. Đây là tranh vẽ tường tại Villa Farnesia, Rome. Nàng Galatea đứng giữa, quấn khăn đỏ (cho nổi?), vì là tiên biển nên nàng cưỡi vỏ sò và thủy quái. Có tới 3 Cupid (chắc là Cupid cùng đám anh em Eros, Antieros) chĩa cung vào nàng tiên, chắc để cảnh báo rằng sau này nàng sẽ có nhiều người yêu.
Galatea yêu say đắm Acis – con trai thần nông Pan. Cậu thiếu niên này có vẻ đẹp thư sinh, trong sáng, thánh thiện; cậu còn biết thổi sáo, đàn hát hay, và cũng yêu Galatea. Nếu nói theo ngôn ngữ thời hiện đại thì cả hai là cặp đôi hoàn hảo. Khổ nỗi, tên khổng lồ xôi thịt Polyphemos (hay Polyphemus) cũng đem lòng yêu nàng tiên. Nếu bạn thuộc bài của anh GiGi thì bạn sẽ nhớ rằng Polyphemos là kẻ đã hãm tài lẫn xơi tái đoàn thủy thủ của Odysseus. Tên này vừa to, vừa xấu, vừa thô kệch; chỉ nhìn thôi là Galatea đã khiếp vía bỏ của chạy lấy người, làm sao yêu nổi. Nàng yêu Acis bao nhiêu thì ghét Polyphemos bấy nhiêu.
Tác phẩm “Phong cảnh với Polyphemos”, Nicolas Poussin. Gã khổng lồ ngồi trên đỉnh núi (nhìn lướt sẽ không thấy), trông như một phần của núi. Ở dưới thì có người đang dùng bò kéo cày, có người đang tụ tập, và trong bụi cây thì có những tên Satyrs đang giở trò rình gái.
Tác phẩm “Galatea”, Gustave Moreay, 1881. Họa sĩ vẽ cảnh gã khổng lồ Polyphemos lén nhìn Galatea lúc nàng ngủ ở trong hang. Theo tích thì Polyphemos chỉ có một mắt, nhưng vài họa sĩ như Gustave đây thích vẽ hai mắt giống bình thường rồi vẽ thêm con mắt ở giữa trán để nhân vật trông bớt quái dị. Tranh do bạn Hiếu Thiện gửi SOI.
“Acis, Galatea trốn Polyphemos”, Edouard Zier. Gã khổng lồ đang ngồi thổi sáo ở mỏm đá đằng xa, bên trái. Cặp đôi hoàn hảo của chúng ta thì sợ, nấp trong hang trốn Polyphemos như trốn bệnh truyền nhiễm.
Biết mình xí trai, Polyphemos tìm cách chải chuốt, tắm rửa, tặng nho, tặng phó mát và trái cây tươi để tán Galatea. Trong thời gian trồng cây si, Polythemos cũng hiền hơn hẳn, tàu bè có thể đi ngang qua địa phận của gã mà không sợ bị ăn thịt.
Trong số những con tàu đi qua nơi ở của Polyphemus vào thời điểm ấy có tàu của một nhà chiêm tinh. Vị này nói Polyphemos hãy cảnh giác, một ngày nào đó Odysseus sẽ lấy mất mắt của gã. Polyphemos cười khẩy không tin, đáp trả rằng thực ra mắt của mình chẳng thuộc về mình nữa, mà thuộc về nàng tiên biển.
Nhắc đến Galatea, Polyphemos đâm nhớ; nhưng sợ nàng vẫn chưa chấp nhận mình nên Polyphemos nấp trong bụi lau trước cửa hang mà Galatea hay lui tới, ngồi chờ để ngắm nàng từ xa. Xui xẻo thay, Galatea xuất hiện cùng Acis. Hai người dắt nhau vào hang ôm ấp, vuốt ve, trông vô cùng tình củm. Càng nhìn, Polyphemos càng tức điên lên; lúc chịu không nổi, Polyphemos vác một tảng đá to chọi thẳng vào đầu Acis. Galatea chưa kịp hoàn hồn thì chàng thiếu niên đẹp trai đã chết thảm.
Tượng Acis, Galatea, và Polyphemos của nghệ sĩ Auguste Ottin, tại vườn Luxembourg ở Paris. Gã khổng lồ đang ngồi trên hang, ghen tức khi nhìn thấy cảnh nàng tiên biển và Acis ôm nhau. Đây là một ý tưởng thú vị cho các đài phun hay hồ nước nhân tạo, chứ Poseidon mãi thì chán chết.
“Acis và Galatea”, Poussin, 1630. Họa sĩ hình như đang vẽ cảnh yêu nhau tập thể hơn là vẽ tích. Trong số những cặp đôi đang “vui vẻ”, Galatea và Acis ngồi phía bên trái, có thiên thần đang phủ màn đỏ che cho hai người, chắc là che để tránh không cho Polyphemos (đang thổi sáo trên vách đá) nhìn thấy.
“Acis và Galatea”, Jean Francois de Troy, thế kỷ 17-18. Polyphemos đang vác đá chuẩn bị ném chết Acis. Họa sĩ cũng vẽ Polyphemos có 3 mắt để trông cho đẹp. Thực tình thì trong tác phẩm này, Polyphemos nhìn cũng cao lớn chứ không hẳn là khổng lồ. Nhưng vẽ khổng lồ thật thì hơi khó chia tỷ lệ chăng?
Thương người yêu, và nhìn thấy cảnh máu của chàng chảy lênh láng như nước, Galatea biến chàng thành dòng sông nhỏ (con sông này giờ vẫn còn, nó có tên là Fiume di Jaci, và nằm ở thị trấn cổ Acriceale)
Chuyện tình của nàng Galatea này bi kịch hơn nàng trước nhiều quá phải không? Thảo nào thiên hạ thích nàng kia hơn.
Nếu phải dùng từ ngữ mới gây hứng khởi thì chắc là những từ tục được nghĩ đến đầu tiên. Mặc dù chính dilettan (hồi xưa) từng "mất hứng" khi đối tác (nữ) dùng từ tục... Đi sâu vào những vụ nay (dù chỉ bằng đường thoại) e mất danh hiệu TSVM (trong sạch vững mạnh). ...xem tiếp
17:08Tuesday,19.3.2013Đăng bởi: dilettant
Nếu phải dùng từ ngữ mới gây hứng khởi thì chắc là những từ tục được nghĩ đến đầu tiên. Mặc dù chính dilettan (hồi xưa) từng "mất hứng" khi đối tác (nữ) dùng từ tục... Đi sâu vào những vụ nay (dù chỉ bằng đường thoại) e mất danh hiệu TSVM (trong sạch vững mạnh).
16:53Tuesday,19.3.2013Đăng bởi: admin
Dilettant: dùng từ "tình cảm" thì mới không thô hả? Mới gây phấn khởi cho bạn được hả?
...xem tiếp
16:53Tuesday,19.3.2013Đăng bởi: admin
Dilettant: dùng từ "tình cảm" thì mới không thô hả? Mới gây phấn khởi cho bạn được hả?
...xem tiếp