Soi học

Bài học Chủ nhật: Nàng Galatea thứ nhất – tình yêu của các nghệ sĩ 10. 03. 13 - 6:48 am

Pha Lê

 

Nhân lúc rách việc, tôi đi dạo lòng vòng trên SOI, xem lại vài bài cũ, đang ngắm bức “Phryne cởi truồng” trong bài về Gérôme thì phát hiện ra rằng mình bỏ sót mất bức “Pygmalion và Galatea” ở cuối bài.

Những ai nghiên cứu sơ sơ về tích Hy Lạp sẽ thấy rằng tựa của tác phẩm này kỳ kỳ, bởi nàng Galatea trong tích chả dính gì tới bức tranh hết. Tác phẩm trong tranh kể về một tích Hy Lạp nổi tiếng, được nhiều người đọc cũng như nghệ sĩ say mê, nhưng nếu không có chú thích thì bạn sẽ rất dễ nhầm nàng Galatea này với một nàng Galatea của tích khác. Thực hư thế nào.

Câu chuyện về Pygmalion diễn ra như sau: chàng trai Pygmalion là vị vua trẻ của xứ Cyprus, đã đến tuổi lấy vợ nhưng không chịu lấy ai. Chàng cảm thấy rằng phụ nữ xung quanh mình đều có nhiều tật xấu, không trong sáng, và không đủ đẹp. Buồn đời, chàng quyết định rằng nếu mình không tìm được người con gái hoàn hảo, thì mình sẽ… tạo ra.

Tác phẩm “Pygmalion” của Edward Burne Jones, vẽ vị vua đang suy tư. Phía xa bên trái là các cô gái xinh xắn đang đùa giỡn, nhưng Pygmalion không thèm đoái hoài đến vì chàng cho rằng họ không toàn mỹ như ý mình muốn.

Pygmalion lấy một chiếc ngà voi và tạc nó thành một bức tượng tuyệt đẹp. Cô gái chàng tạc nên hấp dẫn quá, chàng cảm giác như thể cô là người bằng xương bằng thịt chứ không phải tượng nữa. Thế là Pygmalion yêu đắm đuối tác phẩm mình tạo nên. Mỗi ngày, chàng luôn dành thời gian trò chuyện với bức tượng, ôm tượng, thậm chí còn mặc áo đẹp cho tượng, đeo trang sức quý cho tượng, rồi tặng tượng hoa tươi.

Pygmalion rất nhẹ nhàng, không dám đụng mạnh vào bức tượng vì sợ “làm bầm, làm trầy” người yêu. Chàng còn đặt nàng lên giường, kê gối lông chim cho nàng dựa.

“Pygmalion và Galatea”, Ernest Normand, 1886. Pygmalion sững sờ trước vẻ đẹp của tác phẩm mình tạc nên. Bức tượng to thế kia, chắc phải là tượng ghép từ nhiều mảnh ngà voi, nhưng nhìn mãi chả thấy vết ghép đâu nhỉ? Hay là Pygmalion dùng ngà voi ma-mút?

 

“Pygmalion và Galatea”, Edward Burne Jones”. Vị vua mải mê ngắm nghía tác phẩm của mình. Dưới chân tượng còn sót lại dấu vết đục đẽo; nhưng dấu vết lổn nhổn đá như vậy chứng tỏ rằng Pygmalion tạc người yêu từ đá hoa cương chứ không phải từ ngà voi.

 

“Pygmalion và Galatea”, Laurent Pecheux, 1784. Cupid nấp đằng sau tượng, chĩa mũi tên vào Pygmalion. Chàng bị tiếng sét ái tình đánh nên đã yêu luôn tác phẩm của mình, đến nỗi các bé trai (hình như là học sinh lớp mỹ thuật vì có đem theo giấy vẽ) phải khúc khích cười khi chứng kiến.

 

“Pygmalion và Galatea”, Thomas Blanchet, 1650. Vị vua đang tỏ tình với bức tượng, Cupid đàn em út đang vây quanh, có nghĩa Pygmalion yêu tác phẩm của mình lắm lắm.

 

Khổ nỗi, tượng chẳng phải người, nên coi như Pygmalion yêu đơn phương. Thế là vào ngày hội của nữ thần Venus, Pygmalion đến điện thờ vái lạy, xin nữ thần thương mình và ban cho mình một người vợ “giống với bức tượng ngà voi” (thực tế thì Pygmalion muốn xin Venus biến bức tượng thành người nhưng chàng cảm thấy rằng xin như vậy thì kỳ).

Nói bóng gió thế, nhưng Venus là thần nên hiểu ý của chàng trai. Khi Pygmalion về nhà, ôm hôn bức tượng, chàng cảm thấy bức tượng ôm hôn lại, tác phẩm của chàng biến thành người.

“Galatea”, Edward Burne Jones. Venus (trái, có bồ câu vây quanh) đang làm phép để biến bức tượng thành người.

 

“Pygmalion và Galatea”, Louis Gauffier. Venus (có cả Cupid theo sau) làm phép biến Galatea thành người trước sự chứng kiến của Pygmalion. Đúng ra thì chàng không thể có mặt ở đây, nhưng thôi, chẳng mấy họa sĩ vẽ sát tích. Galatea lúc này phải mặc đồ chứ, Pygmalion đâu có để bức tượng tông hông thế kia.

 

“Pygmalion và Galatea”, Francois Boucher, 1767. Ông Boucher luôn khoái vẽ kiểu màu mè, thành thử nếu liếc sơ thì có cảm giác như tượng Galatea không phải là tượng mà là tranh vẽ. Venus biến tượng thành người trước mặt Pygmalion là sai tích nhưng vẫn có thể bỏ qua được, đằng này Boucher còn vẽ thêm một đám lâu la từ tiên nữ tới thiên thần. Kiểu của Boucher là khoái vẽ các bà các cô ôm nhau, nên tác phẩm trông rất lung tung beng.

 

Tất nhiên, tác phẩm nổi tiếng nhất về tích này là do Gérôme vẽ. Pygmalion ôm hôn bức tượng say đắm, và Galatea cũng đang biến thành người nên nàng ôm hôn lại. Bức này có tới 2 hay 3 bản gì đó, đây là bản vẽ từ phía sau.

 

Cũng tác phẩm “Pygmalion và Galatea”, của Gérôme, nhưng vẽ từ phía trước. Bản thứ 3 không biết là gì tuy có nhiều tài liệu kể rằng ông vẽ 3 bản. Bạn nào biết thì bổ sung cho SOI nhé.

 

Trái với đa số chuyện tình của tích Hy Lạp, chuyện tình này kết thúc có hậu. Pygmalion và Galatea sống với nhau hạnh phúc, có một cô con gái xinh xắn tên là Paphos. Hai người yêu con nên lấy tên con gái đặt cho một hòn đảo, hiện nay đảo Paphos vẫn thuộc Hy Lạp, nằm gần Cyprus.

Nhưng sự tình nó thế này, theo đúng tích thì bức tượng không có tên, chỉ là “tượng ngà voi thôi”, nhưng các nhà văn, các nghệ sĩ cứ gán tên Galatea cho nó nên riết rồi mọi người quen, bức tượng của Pygmalion chết tên Galatea; giống như tên lóng “Oscar” của bức tượng vàng cho phim ấy. Tên Galatea không phải tên trong tích, Galatea “gốc” là tên của một nàng tiên thuộc tích khác. Xin kể tích này sau nhé.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: Nàng Galatea thứ nhất – tình yêu của các nghệ sĩ 
– Bài học Chủ nhật: Nàng Galatea thứ hai – làm sao để cả trai trẻ lẫn khổng lồ đều yêu?

Ý kiến - Thảo luận

12:07 Wednesday,13.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Không biết SOI đã có bài viết gì về tích "Nữ thần Demeter trừng phạt vua Erysichthon" chưa nhỉ ?
...xem tiếp
12:07 Wednesday,13.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Không biết SOI đã có bài viết gì về tích "Nữ thần Demeter trừng phạt vua Erysichthon" chưa nhỉ ? 
13:01 Monday,25.3.2013 Đăng bởi:  dilettant
Nói chung là ổn Pha Lê ạ, trừ những từ mới, lại được lắp lại như "tông hông".
Và "Vị vua đang tỏ tình với bức tượng", Pygmalion đâu có phải vua nhỉ?
Hồi nhỏ dilettant thích chuyện này hơn nhiều. Chắc là đang bị đá hóa đây (Galatea ngược lại từ đá, nhờ cái hôn thành người)
...xem tiếp
13:01 Monday,25.3.2013 Đăng bởi:  dilettant
Nói chung là ổn Pha Lê ạ, trừ những từ mới, lại được lắp lại như "tông hông".
Và "Vị vua đang tỏ tình với bức tượng", Pygmalion đâu có phải vua nhỉ?
Hồi nhỏ dilettant thích chuyện này hơn nhiều. Chắc là đang bị đá hóa đây (Galatea ngược lại từ đá, nhờ cái hôn thành người), còn bây giờ chắc những cái hôn không giúp mình là người được nữa, cần thêm những Bài học chủ nhật.
Tuy nhiên, hồi nhỏ khi được (khác giới) hôn thì một bộ phận của mình cứng lại gân như đá (!), cảm giác rất khác. Hiện cố tìm lại cảm giác này, nhưng khó - một kiểu trơ.
Pygmalion là một kiểu lý tưởng (ideal) thành đạt. Niềm tin của mình vào cái này đang sạt lở như đống đá dưới chân tượng Galatea. Cũng chả sao. Cám ơn Pha Lê và Soi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả