Điện ảnh

DJANGO UNCHAINED: máu me đấy mà sao cực vui vẻ – phim của Tarantino mà! 19. 03. 13 - 11:42 pm

Pha Lê tổng hợp

Post phim “Django Unchained”

 

Tôi rất thích phim của Tarantino, một phần vì phim của anh chẳng giống ai cả, có một phong cách rất riêng; nên dù bạn không biết tên đạo diễn, chỉ cần xem là bạn có thể đoán ra được phim này do Tarantino làm.

Phim bắt đầu vào năm 1858, ông bác sĩ Dr. King Schultz (Christopher Waltz) mua tự do cho anh nô lệ Django (Jamie Foxx), với mục đích muốn nhờ Django giúp ông truy tìm những tên tội phạm có bí danh “Anh em nhà Brittle”. Thấy Django có khiếu, Dr King Schultz thú nhận rằng mình là người săn tiền thưởng, ông muốn Django nhập hội với mình; đổi lại, ông sẽ giúp anh đi tìm người vợ Broomhilda – trước đây cô bị bán cho tên chủ đồn điền Calvin (Leonardo DiCaprio).

Schultz và Django trong một cảnh giết tội phạm để săn tiền thưởng.

 

Phim của Tarantino thì… khỏi nói rồi, rất bạo lực. Bạo lực cộng với cái cốt chuyện này sẽ rất dễ biến tác phẩm thành phim hạng B nhảm nhí. Thật tình, nếu những tác phẩm trước đây của Tarantino không phải do Tarantino làm thì chúng cũng sẽ nhảm nhí. Anh có biệt bài chuyển những thứ tưởng như tầm thường, những thứ chả giống gì với sách vở. những thứ máu me… thành một tác phẩm nghệ thuật châm biếm, hài hước. Chàng nghệ sĩ lập dị này làm phim cho chính mình, bất chấp công thức, bất chấp quy luật, bất chấp cả… lịch sử.

Nói thế thì chẳng phải phim Django Unchained không mang ý nghĩa gì. Bản thân Tarantino đã nói rằng anh muốn làm một phim về chế độ nô lệ ở miền Nam nước Mỹ hồi xưa, kể lại những tội ác của những ông chủ da trắng mà dân bản xứ do quá xấu hổ nên chưa dám làm, còn người nước ngoài thì cũng chẳng làm được vì họ nghĩ là mình không có quyền. Bộ phim mạnh dạn phơi bày sự thật về chế độ nô lệ; không một giây nào nó ngoảnh mặt đi với những hành động vừa ác ôn, vừa man rợ của các ông chủ da trắng (lẫn vài người da đen theo phe người da trắng, phản bội đồng loại của mình). Cốt truyện của Django đơn giản, rõ ràng; không nhắc đến “nô lệ” theo góc độ chính trị, hay chạm đến vấn đề nhân quyền. Chế độ nô lệ đã xảy ra, nó như thế này, như thế này, các nhân vật da trắng/da đen đã hành xử/chịu đựng những điều này. Vì trực tiếp như thế nên bộ phim có một sức nặng nhất định.

Cảnh vợ của Django bị trói và đánh.

 

Dù nặng nhưng lại không… não nề, đấy chính là cái hay của Tarantino. Phim có nhiều câu thoại thông minh, những tình tiết bât ngờ, biến đổi 360 độ từ hướng này sang hướng kia. Đặc biệt, phim có các nhân vật nếu thoạt nhìn thì người xem sẽ cho rằng họ chẳng giống ai cả. Nhưng xem một lúc rồi họ sẽ cảm thấy đó mới chính là nhân vật thực thụ, mang tính cách riêng, và hành xử theo tính cách ấy. Trong những phim trung bình, nhận vật ác lúc nào cũng thế, nhân vật thiện lúc nào cũng thế, riết đâm chán. Còn phim của Tarantino, ngay cả nhân vật ác cũng có thể khiến ta bật cười vì hắn ác theo kiểu… của chính hắn. Sự muôn màu muôn vẻ trong tuyến nhân vật do Tarantino tạo nên luôn khiến chúng ta ghen tị, vì chúng ta cũng muốn trở thành người độc đáo như vậy nhưng ít khi nào ta thực hiện được.

Django và tên chủ đồn điền ác ôn ‘có phong cách’ Calvin

 

Tôi cho rằng những tác phẩm giàu ý nghĩa của Spielberg hay Lý An có cái hay, có giá trị riêng của nó; các phim ấy khiến ta suy nghĩ, giúp ta thành người tốt hơn, hiểu biết hơn. Còn phim của Tarantino thì đầy ngẫu hứng, tràn ngập tình yêu điện ảnh. Tác phẩm của anh cho ta cảm giác: đây là phim của một nhà làm phim rất yêu phim. Anh làm phim theo cách của mình, anh dựng nên nhân vật của mình, anh thích bạo lực máu me, nhưng quay cảnh bạo lực máu me theo con mắt châm biếm hí hửng của anh. Bởi vậy nên đoạn bắn giết trong Django có gì đấy rất bay bướm, cường điệu, không giống bạo lực tí nào. Tôi luôn thích khi xem một tác phẩm và cảm nhận được rằng người nghệ sĩ đã rất vui sướng khi làm ra nó. Thật tình thì Tarantino làm phim chỉ để thỏa mãn bản thân thôi; nhưng anh là một người vô cùng tài năng, nên sự thỏa mãn đó đã đem lại nhiều nhân vật độc đáo, lối dẫn truyện mới mẻ, cách làm phim vừa lạ vừa cuốn hút (có muốn bắt chước cũng chẳng bắt chước được). Ngoài ý nghĩa câu chuyện, Tarantino còn truyền tải được niềm hạnh phúc của mình khi sáng tác nên những tác phẩm mà bản thân mình cũng cảm thấy hài lòng.

Phim có nhiều cảnh bạo lực, nhưng đừng sợ, xem xong sẽ thấy vui chứ không thấy bạo lực đâu.

Dù đề tài của phim liên quan tới nô lệ, nhưng khi Django Unchained kết thúc tôi lại cảm thất rất vui. Nghệ thuật thật tuyệt, được làm nghệ thuật là một niềm hạnh phúc. Tôi hy vọng rằng các anh chị em nghệ sĩ sẽ trở nên vui vẻ và yêu đời hơn sau khi xem phim do một nghệ sĩ cực giỏi vui vẻ làm ra.

*
Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật thêm, nhưng có thể còn chiếu thêm nữa)

Hà Nội
Vincom City Towers (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) đến 21. 3
Pico Mall (229 Tây Sơn, Q. Đống Đa) đến  17. 3
TT Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Q. Ba Đình) đến 19. 3
Platinum cineplex (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) đến 21. 3
Lotte Cinema Land Mark (Tầng 5-6, tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark, Lô E, Phạm Hùng, Từ Liêm) đến 28. 3
Lotte Cinema Hà Đông (Tầng 5 Mê Linh Plaza. Tô Hiệu. Hà Đông) đến 28. 3

Tp.HCM
Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5) đến 19. 3
CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình) đến 19. 3
Parkson Paragon (Tầng 5, tòa nhà Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7) đến 17. 3
Pandora City (Lầu 3, Pandora City, 1/1 Trường Chinh, Q. Tân Phú) đến 21. 3
Galaxy Nguyễn Trãi (230 Nguyễn Trãi, Quận 1) đến 29. 3
Galaxy Nguyễn Du (116 Nguyễn Du, Quận 1) đến 29. 3
Galaxy Tân Bình (246 Hồng Đào, Q. Tân Bình) đến 29. 3
BHD Cinema (Lầu 4, Siêu Thị Maximart 3/2, 3-3C Đường 3/2, Q.10) đến 17. 3
BHD Star Cineplex Icon 68 (Lầu 3 và 3, ICON 68 Shopping Mall, số 2 đường Hải Triều, Q.1) đến 17. 3
Lotte Cinema Nam Sài Gòn (Tầng 3, Lotte Mart, 469 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q. 7) đến 28. 3

Ý kiến - Thảo luận

13:02 Tuesday,26.3.2013 Đăng bởi:  Lee Jiu Chan

Phim của một đạo diễn không trường lớp điện ảnh sao hay thế? Còn ta... nhiều đạo diễn có trường lớp sao lại như thế nhỉ? Mạnh dạn lấy vài cái tên như Thiên Mệnh Anh Hùng của Victor Vũ... May cho nó là một trong những phim cổ trang đầu tiên, không thì cũng thê thảm với các nhà phê b&i
...xem tiếp

13:02 Tuesday,26.3.2013 Đăng bởi:  Lee Jiu Chan

Phim của một đạo diễn không trường lớp điện ảnh sao hay thế? Còn ta... nhiều đạo diễn có trường lớp sao lại như thế nhỉ? Mạnh dạn lấy vài cái tên như Thiên Mệnh Anh Hùng của Victor Vũ... May cho nó là một trong những phim cổ trang đầu tiên, không thì cũng thê thảm với các nhà phê bình rồi. Và còn nhiều phim khác...

 
17:06 Wednesday,20.3.2013 Đăng bởi:  Trần Ngọc Linh

Pulp Fiction!!! Phim đã hay mà nhạc nghe đi nghe lại cũng không chán. Tarantino và Guy Ritchie là 2 đạo diễn mình thích nhất! Cực kỳ đầu óc và hài hước! Phim này cũng rất hay!


...xem tiếp
17:06 Wednesday,20.3.2013 Đăng bởi:  Trần Ngọc Linh

Pulp Fiction!!! Phim đã hay mà nhạc nghe đi nghe lại cũng không chán. Tarantino và Guy Ritchie là 2 đạo diễn mình thích nhất! Cực kỳ đầu óc và hài hước! Phim này cũng rất hay!

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cảm ơn vì đã cứu SOI

Đức Minh và SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả