Chủ nhật, tuần thứ 2 (phần 1): Ai, nhạc cụ nào có mặt ở Làng Tôi hôm qua?
29. 04. 13 - 10:52 am
Bài và ảnh: Tịch Ru
LUALA Concert Xuân Hè 2013
20. 4. 2013 – 5. 5. 2013 Thứ Bảy và Chủ Nhật 16:00pm – 18:00pm 61 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội www.luala.vn www.facebook.com/lualavn
16h Chủ Nhật, 28. 4, band nhạc “Làng Tôi” trình diễn tại LUALA Concert Xuân Hè 2013. “Làng tôi” vốn là một vở xiếc rất thành công, quanh năm lưu diễn trên thế giới, vé có khi phải đặt trước cả năm. “Làng tôi” cũng là đứa con âm nhạc của đạo diễn âm thanh Nhất Lý.
Thoạt đầu, khán giả đến có hơi vắng, có lẽ do không nhiều người biết đến chương trình “Làng Tôi”. Nhưng cũng có một lý do nữa, như nhiều bạn trẻ nói: “Chắc khán giả bỏ Hà Nội đi chơi ngày lễ hết rồi”. Năm nay nghỉ lễ tới 5 ngày liền cơ mà.
Họa sĩ Phạm Huy Thông cùng vợ đến từ khá sớm. Anh cho biết dạo gần đây không ở Hà Nội nhiều. Hôm nay anh mới có thời gian để ra LUALA nghe nhạc.
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cũng đến, anh đang nói chuyện với nhạc sĩ Ngọc Đại và NSƯT Minh Chí. Qua mấy buổi, vẫn không thấy nhạc sĩ Kim Ngọc của Domdom đâu, định phỏng vấn chị về những buổi biểu diễn “hiện đại + truyền thống” này, nhất là khi chị vừa thành lập một trung tâm nhạc thử nghiệm mang tính cộng đồng, công cộng như Domdom…
Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm (áo xanh cầm máy ảnh) đến dự. Ban nhạc“Làng tôi” sẽ trình diễn một ca khúc của anh có tên là “Tiếng Việt” trong phần hai của chương trình.
Drummer Lê Quốc Hưng cũng đến xem các đồng nghiệp biểu diễn. Nghe nói anh đang tự mày mò nghe và học phách ca trù (nhưng anh bảo là “vẫn chưa thấm vào đâu”.)
Ca sĩ Quang Dũng lần đầu tiên xuất hiện tại LUALA.
Lê Cát Trọng Lý hôm nay cũng quay trở lại xem các đồng nghiệp. Buổi biểu diễn của cô hôm trước thật thành công.
Hai con gái của nghệ sĩ kèn môi Đức Minh đi theo xem bố biểu diễn. Các bé rất thân thiết với chú Authur chỉnh nhạc.
Hai họa sĩ Hoàng Tùng và Phương “giò” cũng đến. Họa sĩ Phương “giò” chính là em trai của tay chơi kèn môi Đức Minh.
Vì chương trình hôm nay sẽ có rất nhiều các nhạc cụ dân gian lạ mắt, thế nên điểm qua một chút về các loại nhạc cụ. Đây là khu vực của NSƯT Văn Doanh. Có đủ các loại tiêu sáo, kèn Sô na (hay con gọi là kèn đám ma), hươn mạy của dân tộc Khơ Mú, kèn tù và, bộ gõ phách trong chầu văn và ca trù.
Tại khu vực ngồi của Đức Minh và NSƯT Minh Chí thấy có bộ gõ dùng trong tuồng, chèo, cải lương. Khèn tạc tà của người Tây Nguyên (có hình quả bầu màu đen), khèn Thái được làm bằng cây lay (dựng bên tấm bạt LUALA). Anh Đức Minh cho biết, so với khèn của người Mông thì khèn người Thái giàu âm sắc giai điệu hơn, cái hộp màu vàng là bộ kèn môi.
Khu vực của Ngô Hồng Quang có bộ cồng chiêng, cái cồng to nhất là của người Mường, các cồng phía trên là của người Tây Nguyên. Mỗi cồng là một nốt nhạc, nhưng vẫn dựa theo âm sắc ngũ cung của dân tộc. Bên cạnh có cái chiêng dây của nghệ nhân Tạ Thâm, hai cây đàn tình và đàn nhị.
Khu vực của NSƯT Văn Ty có bộ mõ và cây đàn nguyệt.
Chủ nhật cũng là ngày các đôi, hoặc các nhóm bạn tụ tập đi chơi. Nhiều người thích ngồi ở khu vực Nhà xuất bản Âm nhạc để nghe nhạc. Vừa thoáng mát, nói chuyện được và thỉnh thoảng lại được phục vụ quà vặt tận nơi.
Về các tiết mục độc đáo của chương trình này, các bạn đón đọc bài sau nhé.