Khác

Thứ Bảy, tuần thứ 3 (phần 2): Cứ thử đi An My. Quan trọng là dám thử. 05. 05. 13 - 2:04 pm

Bài và ảnh: Tịch Ru

 

LUALA Concert Xuân Hè 2013

20. 4. 2013 – 5. 5. 2013
Thứ Bảy và Chủ Nhật
16:00pm – 18:00pm
61 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
www.luala.vn
www.facebook.com/lualavn

(Tiếp phần 1)

Theo dự báo, chương trình hôm nay có một lực lượng hùng hậu các nghệ sĩ nhạc dân tộc như tuồng, chèo, ca Huế. Đặc biệt nhất trong các mùa LUALA concert là lần này có diễn cả một vở “tuồng”. Chương trình chia làm hai phần: phần đầu là các loại hình dân gian cổ truyền: tuồng, chèo, ca Huế, diễn “nguyên chất”. Phần 2 là kết hợp với piano của Phó An My.

 

Đầu tiên là tác phẩm tuồng nổi tiếng: Hồ Nguyệt Cô hóa Cáo do nghệ sĩ trẻ Hà Thanh (vai Hồ Nguyệt Cô) và NSƯT Xuân Quý (vai Tiết Giao) đảm nhiệm.

 

Hồ Nguyệt Cô nguyên là một con cáo, trải qua ngàn năm tu luyện đã trở thành người. Nàng có sắc đẹp và sức mạnh vô song bởi phép thần của viên ngọc quý. Trong một lần ra trận, Hồ Nguyệt Cô giao tranh và bắt sống được viên tướng Tiết Giao. Nhưng “dại trai”, Nguyệt Cô lại đem lòng thương mến Tiết Giao, để đến nỗi Tiết Giao lừa lấy mất viên ngọc quý.

 

Mất viên ngọc quý, Hồ Nguyệt Cô trở lại làm cáo. Trong lúc biến hình, nàng đau đớn thốt lên: “Uống ngàn năm thâu góp bán cầu khôn/Sẩy một chút tan tành trường phong nguyệt”. Xem tuồng, khán giả sẽ thấy đây là một môn nghệ thuật phải thể hiện rất công phu. Lối diễn xuất phải có chút khuếch đại. Các động tác hình thể phải thể hiện rõ tâm tư cũng như tính thiện-ác phải rõ ràng. Các động tác mang tính cách điệu nhiều (chính vì thế các diễn viên tuồng nhiều khi cũng là các võ sư). Ở tác phẩm này, nghệ sĩ Xuân Quý và nghệ sĩ trẻ Hà Thanh đã hóa thân rất hay vào các nhân vật.

 

Tiếp theo là bài chèo “luyện năm cung” do NSND Thanh Hoài thể hiện và NSƯT Diệu Hương gõ phách chèo. Thanh Hoài là nghệ sĩ chèo hàng đầu Việt Nam. Cô trình diễn bài “Luyện năm cung” một cách rất điêu luyện.

 

Có người nói với tôi rằng, nhạc cổ điển mà chúng ta hay nghe được gọi là nhạc cổ điển châu Âu. Còn ở ta thì chèo được coi là “nhạc cổ điển Bắc Bộ”. Chèo sử dụng nhiều ngôn ngữ đa thanh đa nghĩa, kết hợp với lối nói ví von, nặng tính tự sự và trữ tình… Phách trong chèo đơn giản hơn và không phức tạp như ca trù.

 

Tiếp theo là hai bài ca Huế: Mười Thương và Phẩm Tuyết do NSƯT Diệu Hương trình bày.

 

Ca Huế có hình thức khá giống với ca trù, có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm nhặt, nhiều làn điệu, nhiều sắc thái, chia làm hai nhóm: điệu Nam và điệu Bắc. Điệu Bắc là những bài ca mang âm điệu tươi tắn, điệu Nam là những bài buồn, nỉ non. Hai bài ca Huế mà Diệu Hương trình bày ở đây là điệu Nam. Diệu Hương hát ca Huế rất tình, giọng Huế của cô mềm mại uyển chuyển, man mác buồn, đâm ra tạo một tâm trạng mới mẻ ở không khí LUALA.

 

Từ tầng hai của LUALA, nghệ sĩ Xuân Quý theo dõi các màn trình diễn của đồng nghiệp.

 

Khán giả theo dõi rất chăm chú. Có lẽ hiếm khi mọi người được xem tuồng, chèo, ca Huế cùng lúc như thế này.

 

Phần hai của chương trình là màn trình diễn kết hợp của Phó An My với các loại hình âm nhạc truyền thống.

 

Phần piano do nhạc sĩ trẻ Đặng Tuệ Nguyên sáng tác.

 

Tác phẩm đầu tiên là bài “Lửa thiêng”, pianist Phó An My chơi cùng bộ gõ trống tuồng. Tác phẩm có với những tiết tấu mạnh, dồn dập, piano chơi bè cực trầm tạo cảm giác bập bùng của lửa thiêng. Nhiều khán giả thích thú, nhưng bản thân tôi thì thấy sự đối thoại ở đây mới chỉ dừng ở mức cùng nhịp điệu, cùng tiết tấu và âm sắc, chứ chưa có được sự nhịp nhàng đan xen, cũng chưa có những đoạn thở và giãn cho nhạc.

 

Kế là vở chèo cổ “Xúy vân giả dại” được nghệ sĩ Thanh Hoài trình diễn kết hợp với Phó An My. Đây có lẽ là một trong những vở chèo nổi tiếng nhất. Nghệ sĩ Thanh Hoài vẫn diễn nguyên bản vở “Xúy Vân giả dại”. Phần Piano của Phó An My chỉ như đệm thêm vào với vở chèo. Có một đoạn lặng ở giữa vở chèo thì Phó An My cho thêm những nét chấm phá nhỏ, tuy nhiên cũng chưa tạo được sự cân xứng giữa piano và chèo.

 

Một sự kết hợp đầy thách thức. Trong khán giả rõ ràng có hai luồng: có những người rất ngạc nhiên, thậm chí “bất bình” về sự kết hợp này. Có những người lại rất xúc động vì tính mới mẻ.

 

Sau đó là màn kết hợp với ca Huế của nghệ sĩ Diệu Hương. Ca Huế ngọt ngào, nhẹ nhàng và lãng mạn. Khi kết hợp với piano, có lẽ Phó An My muốn thay đổi một chút trong cảm xúc ca Huế thông thường mà thêm vào đó một chút cảm giác hơi “chênh vênh”.

 

Phần ca Huế còn được hai nhạc công gõ phách bằng hai cái chén xinh xinh.

 

Tác phẩm cuối cùng có tên là “Tiếng thốt” do nghệ sĩ tuồng Lê Xuân Quý trình bày. Đoạn tuồng này thể hiện đủ cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố có trong tuồng với những kết cấu cơ bản nhất của tuồng. Cũng như ba phần trình diễn trên, theo tôi màn kết hợp của Phó An My tuy lạ tai nhưng lại không mang đến hiệu quả âm nhạc cao, khiến cho sự kết hợp như chưa “ăn” nhau. Có cảm giác cô còn dè chừng, hoặc cũng có thể theo đúng quy luật, mọi sự kết hợp đều cần thời gian, phải cần một thời gian dài nghiên cứu, thực hành nữa mới có thể kết hợp được nhuần nhuyễn. Hơn nữa, để đưa piano, một nhạc cụ tầm cỡ (thậm chí được coi là vua của các loại nhạc cụ) có sức thể hiện cực mạnh đi vào và hòa nhập cùng những cấu trúc âm nhạc dân gian đã cực kì chặt chẽ là một điều rất khó thực hiện.

 

Nhưng cái hay nhất của chương trình này là gì? Là bản thân Phó An My hay các nghệ sĩ khác đều có thể ung dung chơi nhạc một mình, hát một mình, trong các hình thức đã được khẳng định, độ thành công của họ, nếu thế, sẽ là ở mức an toàn cao nhất. Nhưng họ dám “liều”, vượt khỏi cái tòa tháp an toàn đó, thử kết hợp lại với nhau, mang một cảm giác mới (có thể thích, có thể “chối”) cho người nghe khi thưởng thức. “Cứ đi rồi ắt có đường”. Hơn là không đi đâu, không thử gì. Một điều đáng tiếc là theo nhiều người nhận xét, hôm nay phần âm thanh không được tốt, tiếng đàn Phó An My có lúc bị chìm đi, hầu như không nghe được, và có lúc tiếng kèn đám sô-na lại vang lên quá gắt. Cho nên nếu có nhận xét gì tiêu cực cho chương trình của Phó An My thì e rằng cũng hơi bất công.

 

Kết thúc chương trình, nhạc sĩ Ngọc Đại (mùa LUALA này ông đi đủ tất cả các buổi) đến trò chuyện với các nghệ sĩ. Từ trái qua phải: Đặng Tuệ Nguyên, Nguyễn Văn Quý (trống), Trần Luận (nguyệt), Nguyễn Ngọc Khánh (kèn sô-na, nhị) và Như Thắng (sáo), Phó An My (đeo kính). Sau chương trình hôm nay, có lẽ các nghệ sĩ sẽ có nhiều điều để nói với nhau. Chương trình của Phó An My có lẽ là chương trình mang tính chất thử nghiệm mạnh nhất từ đầu mùa Xuân Hè đến giờ. Chúng ta cùng chờ đón ngày mai, khi lần đầu tiên “cải lương” của NSƯT Đào Văn Trung kết hợp với dàn nhạc giao hưởng.

 

 

*

Bài liên quan:

– LUALA Concert Xuân hè 2013: đa dạng, mới mẻ, và thách thức 
– Thứ Bảy, tuần đầu tiên: Phù Sa Band tay chơi tái xuất. Đào Văn Trung nghệ sĩ trổ tài

– Chủ nhật, tuần đầu tiên: Khi đàn đáy của Xuân Hoạch không e dè nhạc điện tử của Trí Minh

– Thứ Bảy, tuần thứ 2: Vượt khỏi những khán phòng, nghe Lê Cát Trọng Lý hân hoan yêu cuộc sống

– Chủ nhật, tuần thứ 2 (phần 1): Ai, nhạc cụ nào có mặt ở Làng Tôi hôm qua?

– Chủ nhật, tuần thứ 2 (phần 2): Trong mưa rào, cả nghệ sĩ lẫn khán giả đều xuất sắc

– Thứ Bảy, tuần thứ 3 (phần 1): Điểm danh khán giả đi xem Phó An My

– Thứ Bảy, tuần thứ 3 (phần 2): Cứ thử đi An My. Quan trọng là dám thử.

– Chủ nhật, tuần cuối cùng: Xuất sắc bản giao hưởng viết bằng dòng máu của cải lương

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả