Soi học

Bài học Chủ Nhật: Nhờ một chuyện bậy bạ không thành mà suối nối với sông 12. 05. 13 - 6:38 am

Pha Lê

Đa số các tích biến hóa kiểu Hy Lạp là để giải thích sự ra đời của một loài cây, loài hoa nào đó, số khác giải thích sự có mặt của một lục địa (như Europa), tích kỳ này hơi lạ chút, giải thích hệ thống sông suối, biển cả.

Số là như vầy, ở Sicily có một dòng suối nhỏ tên Arethusa, và một con sông lớn tên Apheus. Vào cái thời chưa ô nhiễm, có ai đó lỡ làm rơi chiếc cốc đựng máu bò (đồ cúng dâng tặng thần linh) xuống sông Alpheus. Mấy ngày sau họ thấy chiếc cốc nổi lềnh bềnh trên dòng suối Arethusa. Dân Hy Lạp reo lên “A! Sông và suối có liên kết với nhau”; rồi để giải thích hiện tượng này, họ sáng tác một tích liên quan đến… hiếp dâm.  

Như bao tích khác, nó bắt đầu từ một nàng tiên xinh đẹp (mà hình như tích nào mở đầu bằng một cô tiên xinh đẹp thì y như rằng cô đó sẽ bị  làm  trò bậy bạ). Má hồng “vô phúc” lần này là nàng Arethusa. Tuy không rõ bố mẹ của nàng tiên là ai (có thể nàng là một trong vô số con của Titan Nereus), nhưng cả Pindar, Ovid, Pausanias đều đồng ý rằng nàng sống ở Sicily (vì con sông mang tên nàng là ở đấy). Arethusa vô cùng xinh, nhưng giống bao nàng tiên suối nước ngọt khác, Arethusa theo hầu Artemis. Mà cặp kè với nữ thần săn bắn cũng đồng nghĩa với ghét trai, khổ thân quá!

Tác phẩm “Arethusa”, Legras, 1874. Chắc do nàng mang phận tiên suối nên Legras đặt nàng cạnh thứ gì đấy trông như dòng suối mini. Thời này Châu Âu vẫn còn chuộng nước da trắng, chứ bây giờ là phải phơi nắng cho ngăm thì mới đẹp.

 

Nhưng dù nàng Arethusa có ghét trai đến mấy, nàng vẫn bị trai yêu; kẻ mặt dày là thần sông Alpheus – con của Titan Oceanus. Arethusa thì chỉ thích được gái khen đẹp thôi, cứ gái khen là mặt nàng đỏ bừng, còn trai khen thì nàng lườm nguýt, nên chàng Alpheus yêu đơn phương thế chứ chưa có cơ hội tấn công.

Ngày nọ, Arethusa đi săn xong mệt, nên cởi đồ nhảy xuống suối tắm, không biết rằng Alpheus đang rình trong một bụi cây gần đó. Nhưng rình một hồi là Alpheus chịu hết nổi, đành phải nhào ra vồ lấy người đẹp. Arethusa hãi quá, chưa kịp mặc đồ là phải chạy cứu thân. Của đáng tội, nếu nàng tiên mặc đồ chạy thì không chừng Alpheus còn biết trấn tĩnh để suy nghĩ lại, nhưng vừa ngắm cái cơ thể nuy của Arethusa là vị thần sông hồn xiêu phách lạc, máu không còn ở trên não nên  chẳng còn biết suy nghĩ phải quấy, cứ thế rượt theo người đẹp cho bằng được.

Tác phẩm “Alpheus và Arethusa”, Paolo de Matteis, 1703. Alpheus râu ria bồm xồm, trông thấy mà ghê, Arethusa chạy là phải. Chắc họa sĩ thấy rằng nếu vẽ nàng tiên ngay chính diện mà để trần truồng thì hơi kỳ, nên ông cho nàng mấy mảnh vải quấn người, còn hai nàng tiên đang tắm ở phía xa xa thì để khỏa thân trông được hơn. Cupid cầm đuốc lửa tình yêu ở trên cao, có điều đuốc này chỉ tạo hưng phấn cho Alpheus thôi.

 

Tác phẩm “Alpheus rượt theo Arethusa”, 1626, không rõ ai vẽ, chỉ biết là một trong ba ông: Uyttenbroeck, Moyses, hoặc Moses Matheusz. Thần sông trong tranh này cũng bờm xờm, còn Arethusa thì đúng khỏa thân (bộ đồ màu đỏ của nàng đặt trên vách đá, vì hoảng quá chạy nên nàng không kịp mặc). Có điều thân hình nàng rất gớm.

 

“Alpheus và Arethusa”, John Martin, 1832. Họa sĩ mượn tích vẽ cảnh rừng núi sông suối. Nhìn Arethusa và Alpheus bé tí xíu, nhưng chắc do vậy mà tác phẩm khiến ta cảm thấy hơi ghê ghê.Rủi có bị sao ở chỗ hoang vu như thế này thì dù có gào khản cổ cũng chả ma nào đến cứu.

 

“Alpheus và Arethusa”, Battista Lorenzi, 1568. Alpheus trong tác phẩm này nhìn điển trai hơn, nhưng vì vẫn là thần sông nên Alpheus ôm cái bình nước (thần sông trong tranh/tượng tích hay ôm bình nước, chum nước, lu nước… lắm lúc còn ngồi ngả nghiêng như bợm nhậu). Alpheus đã bắt được Arethusa và hình như cũng đang “tiện tay” giở trò sàm sỡ.

 

Số phận nàng tiên ra sao? Sau khi chạy một hồi, nàng thấy sức lực không còn, và sợ bị hiếp, nên cầu khấn nữ thần Artemis giúp. Vốn cũng ghét trai, Artemis động lòng trước lời thỉnh cầu của thuộc hạ, nên hóa phép ra một đám mây, quấn cơ thể của Arethusa lại, và từ từ biến nàng tiên thành một dòng suối nhỏ.

Mất người thương, Alpheus buồn khóc. Nhưng chắc lúc này máu của thân sông đã chảy lại lên não, nên Alpheus nghĩ ra một sáng kiến để quấn lấy Arethusa suốt đời: biến thành con sông với mạch nước ngầm sâu dưới lòng đất, để nước của con sông Alpheus lúc nào cũng kết nối với nước của con suối Arethusa.

Cảnh Artemis (phía trên bên phải) dùng mây hóa phép Arethusa thành suối để tránh Alpheus dê xồm, hình do Bernard Picart vẽ minh họa cho cuốn Metamorphosis của Ovid. Cupid cũng có mặt trong tác phẩm, nhưng chỉ chĩa mũi tên vào Alpheus thôi vì ông thần yêu đơn phương.

 

“Alpehus và Arethusa”, Carlo Maratta, thế kỷ 17. Artemis (đeo vương miện mặt trăng) dùng mây để biến hình Arethusa, nhưng Alephus vẫn đang bướng bỉnh cố vồ lấy người đẹp. Ngoài tượng điêu khắc của Lorenzi thì hình như ai cũng hình dung Alpheus là một ông già có râu tóc bùm xùm.

 

Suối Arethusa vẫn còn ở Sicily, nhưng sau bao năm tháng nó không thực sự là suối nữa, mà chỉ nhỏ như một cái ao. Chính quyền địa phương rào nó lại để bảo vệ, vì suối Arethusa cũng là một địa điểm du lịch hút khách.

Suối Arethusa ở Sicily ngày nay. Bạn nào du lịch tới Sicily thì nhớ đến ngắm suối nhé!

Ý kiến - Thảo luận

11:27 Sunday,12.5.2013 Đăng bởi:  Bên sông (nên) tắm cùng nạ dòng

Bức “Alpheus rượt theo Arethusa”, 1626, khuyết danh, hẳn có ngụ ý chê thần sông, vì nàng tiên lần này đâu có xinh XẮN như Pha Lê quảng cáo ở đầu, mà hơi bị nái xề, vâỵ mà cha Hà Bá kia cũng không rượt nồi: lười huấn luyện chiến đấu nên khá năng sẵn sàng c
...xem tiếp

11:27 Sunday,12.5.2013 Đăng bởi:  Bên sông (nên) tắm cùng nạ dòng

Bức “Alpheus rượt theo Arethusa”, 1626, khuyết danh, hẳn có ngụ ý chê thần sông, vì nàng tiên lần này đâu có xinh XẮN như Pha Lê quảng cáo ở đầu, mà hơi bị nái xề, vâỵ mà cha Hà Bá kia cũng không rượt nồi: lười huấn luyện chiến đấu nên khá năng sẵn sàng chiến đấu kém, để địch kịp biến thành một dòng suối SỒ SỀ. Cũng có thể nàng nái sề này "cố chạy càn chậm" mà cha kia vẫn phì phò không bắt kịp.

Bức "do Bernard Picart vẽ minh họa cho cuốn Metamorphosis" thì nạn nhân vạm vỡ không kém gì tội đồ, nên ngoài Cupid còn có một thần nữa ở bên phải, để trù ếm cho Arethusa yếu đi?

Liên hệ: cái sự tắm ở Việt Nam hoặc là hoặc giúp khố rách vào cầu (Chử vớ được Tiên Dung), hoặc ngược lại, thành câu đối vỗ (môm) bì bạch đánh đố đối được thì cho hang hùm mó. Dân đen thì nhớ một quẻ trong kinh Dịch: hàng ngon mà cứ bày biện lung tung thì đực rựa nó hãm, của cài mà không giấu thì trộm ướp nó đến nó cưỡng chế. 

Tây thì trữ tình hơn, nên cưỡng hụt biến thành dòng suối, một ẩn dụ tắm sông gặp Dê nên tuẫn tiết để bảo tồn trinh tiết?

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả