|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhĐừng biến ca trù thành trình diễn 01. 07. 13 - 12:40 pmTrịnh Lữ
Đêm qua nghĩ lan man về ca trù, thấy nó là một hình thức “hát thơ” rất đúng với quan niệm “Ngôi Lời” của mình, đã định hình với một hệ thống kí hiệu trừu tượng mạnh mẽ tác động tới tiềm thức của những người tham gia thú chơi này. Nó không phải trình diễn, mà là một thú giao đãi thơ ca và âm nhạc với mỗi người một vai trò và ai cũng được hưởng cái cảm giác thăng hoa trong đó, chứ không như sân khấu. Mà nó là một thú chơi ít người, chọn lọc, chỉ dành cho những ai có chữ và mê thơ ca văn phú chứ không đình đám quần chúng như Quan họ, không sân khấu như Chèo. Đào hát ca trù có cái gì đó gần giống như Gheisha của Nhật, phải hiểu biết và cảm thụ sâu sắc văn thơ âm nhạc, phải lịch lãm tinh tế để có thể giao đãi với “khách”, có thể cùng ca, cùng rượu, cùng ngâm ngợi, giúp cho người tìm đến mình được thăng hoa với sự trợ giúp của khói thuốc phiện, của rượu ngon, của lời ca tiếng đàn, của nhịp phách và những tiếng trống chầu rất mực “đàn ông” của chính khách chơi điều khiển. Lời thơ hóa thành tiếng linh hồn trong giòng chảy nhấn nhá luyến láy trầm bổng của lối hát ca trù, trừu tượng hóa những con chữ và tứ thơ trên giấy thành một biến hóa vừa rất người vừa rất không còn là người nữa, khiến cho tiềm thức bị lay động một cách huyền bí mà tự nhiên. Tiếng đàn đáy là âm thanh tơ mềm mại, lụa là, như nước đầu nguồn, quấn quít đi theo cái biến hóa của giọng người kia, như tự ve vuốt chính mình mà lại để cho tri kỉ ngồi ngay đó mà xem, mà nghe, mà thấy, mà cảm. Đó là cái âm phần của cuộc chơi. Còn dương phần của nó là tiếng trống chầu quất bằng roi mà khách chơi nam nhi ra tay điều khiển, giữ cho giòng chảy quấn quít kia phải vào quĩ đạo của mình, biết lúc cương lúc nhu, lúc quát nạt lúc vỗ về, thật chẳng khác gì những cung bậc của cuộc mây mưa nồng nàn mà chững chạc, thả hết đó mà cũng kìm hết đó, sấm sét đấy mà mưa móc phủ dụ cũng ngay đấy, nhuần gội hết thảy mà chẳng quên đặc ân riêng tư cho từng người, thật chỉ có đấng nam nhi dũng mãnh mà tao nhã mới cầm roi điểm nhịp được đến mức chính xác mà biến báo khôn lường như vậy. Mà cái tiếng phách do hai cặp tre sơn mài đen nhánh trong tay đào hát gõ xuống một mu tre cũng sơn the bóng loáng nằm úp dưới chiếu thì làm thành một cốt giá tế vi kết nối toàn bộ những mềm mại của lời hát và tiếng tơ đàn đáy kia thành một tấm thân hài hòa vóc hạc xương mai mỏng mày hay hạt. Những động cựa của xương cốt. Những sôi réo của mao mạch. Những rúng động của da thịt. Tất cả như hiển hiện ở đó, trong toàn bộ cái cõi giao đãi gần gụi mà không lả lơi, miệt mài thổn thức mà vẫn nghiêm trang vững chãi, mờ ảo từ tâm thức cho đến ánh nến lung linh, chơi vơi khi tâm thế khép mở theo nhịp đập hoan lạc, lúc nặng chĩu khổ đau, lúc phơi phới hoan hỉ, đắng ngắt đấy mà ngọt ngào đấy, khiến cho chỉ một vuông chiếu điều cũng thành cõi tảy trần miên viễn thanh tao. Chắc cũng nên phát triển những ý này thành một bài bộc bạch về ca trù, rồi liên hệ với trình diễn thơ hiện nay, và có một vài suy nghĩ về vai trò của chúng trong đời sống đương đại. Nhưng có thể thấy nga y ca trù là một nghệ thuật hoàn chỉnh của quá khứ.Không thể “phát triển” nó theo kiểu bắt nó phải trở thành một phần của đời sống đương đại. Đừng cố “duy trì” nó bằng cách bắt nó thành trình diễn, dù là ở nhà hay trên sân khấu. Chỉ có thể gìn giữ nó như một tiêu bản đẹp của quá khứ, để nhắc nhở đương đại và tương lai mà thôi. Mà gìn giữ một thú chơi tài hoa tao nhã của văn nhân thì chỉ có văn nhân tài hoa tao nhã mới có thể làm được. Khó lắm thay!
Ý kiến - Thảo luận
17:03
Monday,13.1.2014
Đăng bởi:
candid
17:03
Monday,13.1.2014
Đăng bởi:
candid
Cái này nó cũng giống như múa rối nước, ngày xưa đi xem múa rối quốc doanh chỗ rạp Thăng Long thì nghĩ rối nước chỉ đến thế. Đến khi có cơ hội về gặp các cụ phường rối ở gần chùa Thầy, ở Thái Bình... mới biết rối cổ nó khác xa.
16:47
Monday,13.1.2014
Đăng bởi:
kim kim
Di sản được tồn tại.
...xem tiếp
16:47
Monday,13.1.2014
Đăng bởi:
kim kim
Di sản được tồn tại.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp