Gẫm & Bình

Khen và chê quanh Modigliani 02. 07. 13 - 5:19 pm

Mở Ngoặc st và dịch

Nhân triển lãm Modigliani et l’Ecole de Paris ở Thụy Sĩ (từ 21. 6 đến 24. 11), tạp chí Mỹ thuật Pháp số mới nhất có bài viết sau:

Modigliani vẽ Jeanne, vợ ông. (Trong cả bài, các bạn bấm vào ảnh để xem ảnh to hơn)

Cũng như Chagall, Soutine hay Utrillo, Modigliani (1884- 1920) là một trong những nghệ sĩ có phong cách riêng hiện đại mà người ta chả biết xếp vào đâu. Người thì cho là ông thuộc nhóm các nhà cách tân (avant-garde), người lại nói ông thuộc phong cách cổ điển kiểu Ingres. Chàng nghệ sĩ Do Thái đến từ Livourne (Toscane) là hiện thân của mẫu họa sĩ bạc mệnh.

Sở hữu vẻ đẹp của vùng Địa Trung Hải, nhưng sức khỏe lại rất mong manh, Amedeo tới Paris lúc 22 tuổi và chết vì bệnh lao phổi lúc mới 35 tuổi. Hai ngày sau, người tình của ông nhảy lầu tự tử chết theo, lúc đó nàng đang mang thai đứa con thứ hai. 13 năm đủ để dệt nên một huyền thọai với những tình tiết đôi khi hơi ma mị, từ chuyên khảo đầu tiên của André Salmon năm 1926, lại càng dầy thêm những vùng mờ ảo trong câu chuyện về Modigliani. Khi thì chơi với nhóm Dã thú, lúc có mặt ở Bateau-Lavoir, nơi ra đời trường phái Lập thể, lúc lại thấy loáng thoáng bên hội Vị lai; Modigliani có vẻ không hứng thú gì với avant-garde. Nghệ thuật của ông có nét nguyên thủy, nhưng ông kiên định đi trên một con đường đơn độc, nơi những đôi mắt hình hạnh nhân, những chiếc cổ kéo dài trong những bức chân dung như tiếng vọng từ bên trong những chiếc mặt nạ châu Phi, hay những bức tranh của Parmesan hoặc Pontormo.

.

Trung thành với khuôn mặt người, chàng họa sĩ đẹp trai vẽ các bức chân dung và khỏa thân khá nhiều, tới mức triển lãm đầu tiên năm 1917 phải đóng cửa. Paul Alexandre và Leopold Zborowski là những nhà bảo trợ hiếm hoi cho nghệ sĩ này, và thành công đến với Modigliani một cách rụt rè vào năm 1914 với một tác phẩm điêu khắc.

Người ta nghĩ gì về chàng nghệ sĩ thích bình thơ của Dante và Verlaine này? Đối với Vlaminck và Cocteau “đó là một chàng quí tộc mà tạo hình của anh có một vẻ lịch lãm không chê vào đâu được”. Picasso thì bực mình khi cứ phải nghe câu “Modi le maudit” nên đã mua một bức của Modigliani rồi sau đó vẽ thẳng lên đó một tranh tĩnh vật. Nhưng một trong những phê bình cay nghiệt nhất lại chính từ người đồng hương, De Chirico. Trong hồi ký của mình,vị này ám chỉ “một thiên tài kiệt sức – kiểu Modigliani – trên một căn gác lạnh lẽo, khổ sở vì trung thành với lý tưởng cao cả, mơ màng một tuyệt tác mang cho mình danh vọng và tiền tài, nhưng cái tuyệt tác thường lại chỉ là miếng vỏ bánh giòn ngon miệng, như tất cả các chân dung và hình thể của Modigliani”.

Một phong cách lịch lãm buồn bã (Elégance mélancolique), hay một phong cách kiểu cách đơn điệu (manièrisme monotone)? Mời các bạn cùng thảo luận.

“Jeanne Hebuterne”, tranh của Amedeo Modigliani

Có hai luồng ý kiến trái chiều sau:

Ủng hộ: (của Stéphane Guégan – nhà sử học và phê bình mỹ thuật Pháp):

Nói “Có” với Modigliani, chính là thưởng thức không ngừng những chuyển động tinh tế của ông. Nói “Không” với Modigliani, tức là mắt bị đơ rồi, cũng giống sự khô cứng cũ rích kiểu phê bình Pháp. Cũng chả khác gì kiểu bịt miệng bịt tai Max Jacob, Appollinaire, Cocteau và Roger Fry, nếu không muốn dẫn thêm cả Le Clézio nữa.

Những nét thơ mộng tinh tế, những đuờng cong thần kỳ của một phong cách nghệ thuật hiện đại mà không chắp vá các thủ thuật của avant-garde. Một nghệ sĩ lớn lên từ sự dịu dàng của vùng Toscanes tự nhiên phải đương đầu với các thiên tài Paris đang nổi, Cezanne, Gauguin, Van Gogh, Toulouse-Lautrec và người đứng đầu lúc đó là Picasso. Cái nôi Ecole de Paris ấy đang ngập trong nhạt nhẽo, những thỏa hiệp hiện đại. Còn Modigliani, mang trong mình trái tim Florence và bóng dáng Venice, đã từ chối hiến Carpaccio và Bellini, thậm chí cả những đường nét gây hấn của Parmesan cho những sai khiến lúc đó. Trọng ý chứ không trọng từ, trọng nghĩa chứ không trọng nguyên tắc, đó là cái mà ông học được từ Nietzsche và Annunzio, Baudelaire hay Lautréamont. Chàng người Ý đã Pháp trước cả khi đặt chân tới thủ đô của nghệ thuật năm 1906.

Chuyển động đầu tiên, bức Nàng Do Thái (La Juive) năm 1908, đầy gợi cảm trong nỗi đau thống thiết, tranh còn ướt những vệt xanh của Picasso (khi ông này vẽ đè lên trước đó)*. Chuyển động tiếp, bức chân dung Juan Gris, lập thể theo một cách khác, hòa hợp những cách điệu tuyệt vời và đôi mắt đen.

Nàng Do Thái

Chuyển động cuối cùng, chân dung Max Jacob, người ta chưa bao giờ nắm bắt được người mẫu, tính hai mặt (double nature) của apache thế gian, hay một kiểu kabbalist converti, bị giằng xé giữa thánh đuờng Jerusalem và những khoái lạc trần gian.

Chân dung Max Jacob

Modigliani có một phong cách rất riêng, và uyển chuyển, nhất là ở những bức tranh cuối cùng, có lẽ là những bức tuyệt nhất.

Chủ nghĩa hiện đại đã định tặng ông một bữa tiệc phù hoa, nơi mà luật của cái mới không giấu nổi những sự phá sản của thế kỷ.

Ngoài Picasso và Matisse, ai khác có thể phản ứng nhanh đến thế với những cảnh báo của Appollinaire? Sự biến dần của tranh khỏa thân như một dấu hiệu của sự suy tàn nói chung. “Những nghệ sĩ trẻ bây giờ chả quan tâm đến Art khỏa thân, cái chính đáng hơn bất kỳ cái gì khác”.

Nếu bắt Appollinaire phải nói dối, thì những bức khỏa thân gắn với tên tuổi Modigliani kia chắc là đang chế nhạo tầng trời thứ 7, tầng của các họa sĩ vĩ đại nhất.

“Nu Couché au coussin Bleu”, 1916, sơn dầu trên canvas.


Không ủng hộ
: (của Thomas Schlesser, nhà báo, nghiên cứu sử nghệ thuật):

Nào, giờ thì hãy mở to mắt ra một tí. Hãy xem chính tác phẩm của Amadeo đi, cũng chả phải khó chịu gì, nhưng những cái xung quanh nó thì sao. Rõ ràng, khi mà Kandinsky, Picasso, Mondriant, Klimt hay Boccioni đang đầy táo bạo, cuồng nhiệt, thì chàng họa sĩ này lại chứng tỏ một sự yếu đuối, ủy mị gần như bối rối.

Thờ ơ với Modigliani, không phải là khinh thường những tư chất cảm động nơi ông, mà đúng hơn là ghi nhận cái “lỗi không may mắn”. Ông mất ở tuổi 35. Ông có ít cơ hội để thể hiện tài năng. Cái thời đó, từ 1905 đến 1920, khi châu lục đang rung lên với sự phong phú về trí tuệ và thẩm mỹ, với những sáng tạo cuồng nhiệt. Khó mà thấy lại trong lịch sử. Có lẽ đó là một chu kỳ tinh hoa tuyệt vời duy nhất, những năm 1500-1520 qua đầu thế kỷ 20, toàn các thiên tài nghệ thuật (sự so sánh giữa hai giai đoạn này tốn khá nhiều giấy mực của giới phê bình ở châu Âu, khoảng cách 4 thế kỷ, đáng được phân tích kỹ càng).

Modigliani làm gì vào lúc nguyên tử được phát hiện, sự lan truyền tư tưởng Nietzsche, rồi chiến tranh thế giới, âm nhạc điện tử, những niềm hy vọng Mác-xít, những cạm bẫy độc tài, rồi tâm thần học sơ khai..? Vâng, những bức chân dung, những tranh khỏa thân, rất dễ thương, rất cảm động, rất bi ai… Ông ấy còn có khiếu đối với phong cách nguyên thủy nữa chứ! Vâng, những hình thể xinh đẹp, màu sắc hài hòa, nào nâu, nào hồng, nào xanh, thật tuyệt phải không? Người ta xem tranh ông, rồi ước ao trở thành người mẫu cho ông vẽ, rồi ra về với hình nộm của mình, với đôi mắt trống rỗng, cái cổ mảnh mai, đôi vai rũ xuống… Tuyệt nhỉ, nhưng thật buồn cười!

Modigliani, “Nu couché aux cheveux denoues”

Tại sao các hướng dẫn ở trường đại học, các nghiên cứu sắc nét nhất, các khóa học ở các chuyên khoa… lại chỉ dành một vị trí phụ, một vị trí chiếu cố cho Modigliani? Bởi vì, đơn giản là ông ấy không phải ở tầm cao của thời đại mình! Một ví dụ nhé: cái vụ scandale vẻ vang của ông ấy, thật ngon lành phải không, Modi lẽ ra phải cảm ơn sự can thiệp của cảnh sát, và của gallery Berth Weill, nơi ông trưng ra những phụ nữ cởi truồng thấy cả lông mu, trong khi biết bao người đang ngã xuống chiến trường. Lúc đó Modi 33 tuổi và sự kiểm duyệt ấy thật lý tưởng để nuôi dưỡng hình ảnh của một nhà sáng tạo bị nguyền rủa (créateur maudit). Hãy xem trước đó Otto Dix làm gì, (chiến tranh, đó cũng là một sự nguyền rủa tàn bạo chả khác gì việc di cư đến Montparnasse), người Nga thì đang hỗn loạn trong cuộc cách mạng, Egon Schiele thì đang quay trong vòng xoáy địa ngục ở Vienne, thế mà bạn lại cho rằng: cái ông Modigliani này làm xúc động quá, rồi nào là họa sĩ lớn nữa! Họa sĩ dành cho các salon sang trọng của những người có gu, hay là cho các cuộc triển lãm thành công ạ?

*
P/S:

Sưu tầm từ nguồn khác:

1. Là hai họa sĩ cùng thời, Picasso lớn hơn Modi 3 tuổi. Picasso ưa cạnh tranh nếu không muốn dùng từ kiêu ngạo, ông luôn hăng hái thể hiện mình là số 1 của Ecole de Paris, trong khi Modigliani thì tính châm biếm chua cay hơn. (Ở đoạn đầu phim cùng tên, Modi hỏi Picasso: “Ông làm tình với cái khối lập thể thế nào? ‘(How do you make love to a cube?). Picasso thì luôn sống trong vinh quang, giàu sang, sống lâu, còn Modigliani thì thường bị ngèo khó và bệnh tật đeo đuổi, và chết trẻ. Mặc dù có sự khâm phục ngầm đối với Modigliani, nhưng Picasso cũng khoái khích bác và hay lôi Modi vào cuộc. Cả hai họa sĩ cũng đã từng vẽ nhau. Cả hai cũng đều có mối quan tâm với nghệ thuật Phi châu và có những ảnh hưởng trong các tác phẩm của mình. Đã có phim về chủ đề này, phim tên “Modigliani” (2004). Theo câu chuyện trong phim, vào buổi tối khi Modi chết, Picasso gửi lời chia buồn với Jeanne (nguời tình của Modi) và cô nói với Picasso rằng: khi nào ông chết, tên của Modi sẽ ở trên miệng ông. Và ở cảnh kết phim có ghi rằng đó là sự thực: khi Picasso chết, ông đã thì thào gọi tên Modigliani! (Các bạn có thể xem phim ở đây)

 

Picasso vẽ Modigliani

 

Modigliani vẽ Picasso

2. Modigliani không coi là mình bất hạnh. Bạn ông, Chaim Soutine từng hỏi: “Anh có phải chịu nỗi bất hạnh lớn lao nào trong đời không” thì Modigliani trả lời “không”. Còn theo lời kể của nhà điêu khắc Jacques Lipchitz, Amedeo Modigliani đã từng nói rằng chàng ước muốn “một đời sống ngắn ngủi nhưng mãnh liệt”.

Không thành công trong việc bán tranh lúc còn sống, chàng họa sĩ thường đùa rằng: “Tôi chỉ có mỗi một khách hàng mà ông ấy lại mù”. Người bị ám chỉ ở đây là nhà buôn tranh Père Angely.

Sau khi Modigliani chết, có hai đám tang đã được tổ chức, đám thứ nhất do một tu sĩ Do Thái cầu kinh và nhà danh họa bạc mệnh được chôn cất trong nghĩa trang Père Lachaise (Paris), còn đám thứ hai, đơn giản hơn, của người vợ xấu số, chôn bên ngoài thành Paris. Gia đình Hébuterne phản đối cuộc hôn nhân của con gái mình với một người Do Thái, nên đã không cho hai kẻ yêu nhau được an táng cạnh nhau. Tới năm 1923, người anh cả của họa sĩ Amedeo Modigliani là Thượng nghị sĩ Emmanuele Modigliani đã thuyết phục được gia đình Hébuterne cho cải táng di cốt của Jeanne và chôn bên cạnh người chồng bạc mệnh.

Ý kiến - Thảo luận

22:54 Friday,5.7.2013 Đăng bởi:  Mở ngoặc
hic, lại gõ sai nữa rồi, dạo này mắt mũi kèm nhèm thế không biết ! Là "apache mondain" và "kabbaliste converti" ạ . Vâng,  đến lúc 4 mắt cũng không đủ rồi. Kỳ này mua hẳn kính lúp đeo cho chắc vậy :-)
...xem tiếp
22:54 Friday,5.7.2013 Đăng bởi:  Mở ngoặc
hic, lại gõ sai nữa rồi, dạo này mắt mũi kèm nhèm thế không biết ! Là "apache mondain" và "kabbaliste converti" ạ . Vâng,  đến lúc 4 mắt cũng không đủ rồi. Kỳ này mua hẳn kính lúp đeo cho chắc vậy :-) 
15:44 Friday,5.7.2013 Đăng bởi:  Mở ngoặc
Trời, bác Hòa hay thiệt ! Bác nói câu nào em chịu bác câu đó luôn. Lại còn nhìn ra cả cái khen trong lời chê nữa. Thế mới thấy mình rõ là người trần mắt thịt thật ! Nghề chê cũng lắm công phu bác nhỉ :-) . Bài này đúng như bác nói, xương lắm ! :-) Em đọ
...xem tiếp
15:44 Friday,5.7.2013 Đăng bởi:  Mở ngoặc
Trời, bác Hòa hay thiệt ! Bác nói câu nào em chịu bác câu đó luôn. Lại còn nhìn ra cả cái khen trong lời chê nữa. Thế mới thấy mình rõ là người trần mắt thịt thật ! Nghề chê cũng lắm công phu bác nhỉ :-) . Bài này đúng như bác nói, xương lắm ! :-) Em đọc qua thấy hay nên muốn dịch. Nhưng lúc vào dịch rồi thấy quả hóc búa với tất cả những cái khó như bác nói... Không yêu thích đúng là khó mà làm xong. Có lẽ hơi khác với những bạn khác dịch bài để luyện tiếng Anh hay Pháp, em lại dịch chủ yếu để luyện tiếng Việt ạ :-) Bác thấy đó, có mấy đọan em cũng chả biết tiếng Việt nó dịch thành thế nào, nên đành để vậy, ngồi chờ thị rụng, xem bác nào biết thì giảng dùm , chả hạn như là “apache mondaine”, “kabbalist converti”, may có mấy câu quanh đó giúp lờ mờ hiểu ra một tí ti .Nhưng hóc nhất là mấy đọan chê Modi ý, định nhắm mắt nhắm mũi dịch cho xong, nhưng không được, vẫn phải mở to mắt (như anh Thomas khuyên đấy ạ), giữ đầu lạnh, bám sát ý và giọng văn nguời viết để bài đuợc trọn vẹn, và cái chính cũng tò mò xem “nó nói gì” :-)
Thêm tí thông tin từ nguồn  khác: trước khi chết Modigliani còn dồn hơi cuối  nói: Cara Italia ! (ôi nước Ý thân yêu)  ! Nhưng trong phim thì không thấy có tình tiết này , mà câu cuối cùng ông nói với vợ là: đã đến lúc thóat khỏi sự điên rồ  rồi đây !  Kết như vậy cũng hay và rất Modi ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả