Nghệ sĩ Việt Nam

8 + 8: đến nhanh trước khi tàn 27. 08. 10 - 9:01 am

Tường Phương

Triển lãm Việt Nhật 8 + 8 sắp kết thúc (29. 8. 2010). Phải nói ngay từ đầu rằng đây là một triển lãm nên xem, dù số lượng tranh không đẹp (theo ý tôi) chiếm đa số.

Ngày khai mạc, 20.8, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1), có khoảng 100 người đến dự, tính luôn các họa sĩ và gia đình họ. Ban đầu, triển lãm gởi xin phép 120 tác phẩm, chủ yếu là sơn dầu, một ít chất liệu tổng hợp, vài bức sơn mài và một sắp đặt – nhưng cuối cùng các họa sĩ rút bớt tác phẩm, chỉ còn lại 100, cho khoảng 100 người xem trong ngày hôm ấy, vị chi mỗi người một tác phẩm – thiệt là sang.

Phía Nhật có 8 họa sĩ, do Aki Miwa làm giám tuyển; xem một lượt các tác phẩm của họ, thấy vị giám tuyển này rất “khắt khe” khi chọn tất cả các tác giả cùng một khuynh hướng và cách thức thể hiện: Tất cả đều theo hướng một chủ đề nhưng đi xuyên suốt. Tất cả đều là tranh trừu tượng, ngoại trừ một sắp đặt. So với tranh của các họa sĩ Việt Nam thì tranh của họa sĩ Nhật đúng là thanh nhã, nhẹ nhàng.

Phía Việt Nam cũng có 8 họa sĩ, cũng là tranh bộ (trừ một người là sơn mài) nhưng hoặc là sặc sỡ về màu, hoặc nặng về “ma-che”, trừ tranh của họa sĩ tài danh Trần Trung Tín.

Có chút gì đó buồn khi xem tranh của hai họa sĩ tên tuổi Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình. Vẫn tay nghề cao nhưng đúng là chỉ còn tay nghề. Những bức tranh này nặng về tỉa tót matière, với những bợn, những sùi, những xước…, có vẻ như đó là tất cả và nặng phần trang trí…

Thiếu nữ ngồi – sơn dầu trên bố, 80 x 170, tranh của Hứa Thanh Bình

 

Ánh sáng 2, sơn dầu trên bố, 140 x 100, tranh của Trần Văn Thảo

Trong khi đó lại có những tác phẩm quả thực không hiểu sao lọt vào triển lãm “giao hữu” này. Thí dụ như bộ tranh khảm của Khải Đoàn, hình bản đồ “hợp–tan” vừa nghèo ý, vừa không khác gì những bức lưu niệm treo từ năm này qua năm khác ở cửa hàng quốc doanh; hay bộ tranh Ngũ Thường của nữ họa sĩ Nguyễn Thanh Mai, vừa sặc sỡ, vừa vụng, vừa rối, tuy cũng mày mò tìm kiếm với các chất liệu nui, đậu dặm vào.

Chỉ có bộ tranh với những bức nho nhỏ trên nền giấy báo của họa sĩ Trần Trung Tín là quá đẹp, đúng là bậc thầy về màu sắc và bố cục. Đứng trước tranh của Trần Trung Tín, mải ngơ ngác về sự phối màu nhã nhặn mà vẫn rực rỡ của ông, người ta chẳng còn màng đến việc tìm ý nghĩa cho tác phẩm. (Hay người ta chỉ tìm ý nghĩa khi một bức tranh không làm xong nghĩa vụ “màu” – tôi tự hỏi). Cho nên nếu có đến bảo tàng để xem cho gấp trước khi triển lãm đóng cửa (29. 8), có lẽ bạn nên đi thẳng một mạch vào phòng tranh của họa sĩ Trần Trung Tín, nhưng đừng lấy bức Đôi bạn treo chính giữa tường như một tiêu chuẩn là tranh đẹp nhất của căn phòng: đó có lẽ là bức họa sĩ vẽ khi đã bắt đầu yếu mệt (2003).

Đôi bạn, sơn dầu trên bố, 95 x 75, tranh của Trần Trung Tín (1933 – 2008)

Được biết bà Huỳnh Nga, người đại diện cho họa sĩ Trần Trung Tín (1933-2008), chính là giám tuyển phía Việt Nam. Triển lãm này cũng đánh dấu sự trở lại của Trung tâm Mỹ thuật đương đại Không Gian Xanh, nơi bà làm chủ. Trước đây nơi này vốn rất nhộn nhịp bởi các hoạt động nghệ thuật đương đại, gần đây hơi im ắng.

Quay lại với phần triển lãm của các họa sĩ Nhật, một người bạn đi cùng nhận xét, Nhật đúng là dân tộc không thể làm cái gì xấu được. Có thể là không đẹp, nhưng không thể là xấu. Tuy nhiên có thể gọi phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM là một loại phòng “giết” tranh; tranh có đẹp treo vào cũng xấu: những nền nhà gạch hoa mảng này màu nọ, những khung cửa sắt sơn như màu sơn chống gỉ, một cái quạt hộp xanh lè nơi góc phòng…, sự lem nhem tràn ngập khiến những ý đồ thanh nhã của các họa sĩ Nhật bị biến thành sơ sài, lạc lõng.

Như bộ tranh Không Đề của Takashima Yoshiyuki chẳng hạn, chỉ là những miếng canvas trắng ngà căng trên khung, thỉnh thoảng mỗi bức điểm một, hai vệt sơn trắng hoặc chì than, như một mặt nước ngày yên ả, khẽ gợn một thoáng rất nhanh, rồi lại yên tĩnh… sẽ thích hợp nếu treo trong một phòng trưng bày trang nhã như Applied Art hay phòng triển lãm mới rất thanh nhã của Nhà Văn hóa Lao động. Nhưng cả bộ tranh này lại treo ở đây, ngay sảnh vào, sự im lặng mà tranh muốn nói tới (?) bị xé nát bét bởi hàng cột, bởi những cửa sắt thô thiển, bởi nền gạch bông lam nham, bởi ánh sáng không đều, bởi những giỏ hoa chúc mừng khai mạc đã héo trông đến là nhem nhuốc; Bởi sự không chăm sóc của người làm bảo tàng là đúng nhất.

Không Đề, 103x103cm, chì than trên cotton – tranh của Takashima Yoshiyuki

Nhưng bất ngờ nhất trong các họa sĩ bạn là Yohichiro Tatsuruhama. Cả một phòng tranh của ông, những bức to vẽ núi non bằng mực ấn trên giấy tôi thấy không đẹp, cứng như những bài tập đổ bóng của sinh viên kiến trúc… Đi qua đi lại vài vòng đã thấy chán, chợt phát hiện ra kín đáo treo một góc là một bức tranh nhỏ xíu cũng mực ấn trên giấy, vẽ lại đúng cái phong cảnh trong những bức to kia, nhưng như một giọt cô đặc tinh túy của nghệ thuật, chỉ đen trắng chuyển màu mà tầng tầng lớp lớp núi non hùng vĩ, càng nhìn càng như hút vào. Có lẽ triết lý của họa sĩ cho cả phòng tranh của ông là: cái gì pha loãng đều xấu và khiên cưỡng.
Chỉ một bức tranh này thôi cũng đáng để bạn lặn lội đến đây, mua 10.000 tiền vé để vào xem lắm.

Bộ tứ tác phẩm Không đề, mực ấn trên giấy, 103 x 31 – tranh của Tatsuruhama Yohichiro. (Bức nhỏ xin bạn đến xem tận nơi)

Triển lãm 8+8 được tài trợ chính bởi Mũi Tên Đỏ (Red Arrow), rất tiếc về mặt truyền thông thật chưa tốt nên quá ít người đến xem.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả