Tin thị trường: Hai tuyệt tác Nga bán riêng cho đại gia. “Proserpine” giá tăng chóng mặt…
25. 11. 13 - 5:57 am
Phạm Phong tổng hợp và dịch
LONDON – Hai tuyệt tác (vả cả hai đều được vẽ vào năm 1917): “Man in a Bowler Hat” (Người đàn ông đội mũ quả dưa, hay chân dung của Yakov Kagan-Shabshai) của Robert Falk, và bức khổ to “Family Portrait in the Artist’s Studio” (Chân dung gia đình trong xưởng của họa sĩ) của Petr Konchalovsky – đều đã được “bán riêng” cho một tay sưu tập quan trọng người Nga, trước cuộc đấu giá mỹ thuật Nga của nhà Sotheby’s vào tuần này. Bức “Người đàn ông đội mũ quả dưa” của Falk là chân dung của một trong những nhà sưu tập quan trọng nhất của mỹ thuật Do Thái thế kỷ 20. Nghe đồn giá bán được của bức này cao hơn giá ước lượng (2.5 – 3 triệu bảng Anh), đồng thời vượt gấp nhiều lần giá kỷ lục của chính họa sĩ này từ trước tới nay.
Người mua của bức “mũ quả dưa” cũng mua luôn bức “Chân dung gia đình trong xưởng của họa sĩ) của Petr Konchalovsky, với giá 4.674.500 bảng – cao gấp 4 lần so với kỷ lục của họa sĩ này (là 1.035850 bảng) và hơi nhỉnh hơn mức ước lượng cao (3.5 – 4.5 triệu bảng). Cả hai tác phẩm trên đều được bày cho công chúng xem tại nhà Sotheby’s ở phố New Bond, London vào thứ Sáu, 22. 11, cho tới thứ Hai, 25, 11. 2013.
LONDON.- “Steps at Wick” (Những bậc thang ở Wick) của L.S. Lowry, vẽ khoảng những năm 1930s, trong một kỳ nghỉ ở Scotland, đã được bán với giá 890.000 bảng ở phiên đấu giá nghệ thuật Hiện đại Anh và Ireland tại nhà Bonhams, London, hôm 20. 11. 2013. Wick làm một thành phố thuộc tỉnh Caithness, miền Bắc Scotland, và những bậc thang trong tranh là một phần trong đề án trụ sở Hội Ngư nghiệp Anh quốc cho thành phố mới mà Thomas Telford trình năm 1809. Hiện tác phẩm của Lowry được khắc nhớ trên một bảng đồng tại chỗ này. Mặc dầu “Steps at Wick” được triển lãm rộng rãi cả ở Edinburgh lẫn London trong những năm 1960s và 1970s, nhưng thực ra suốt hơn 20 năm nay, nó đã thuộc về một bộ sưu tập tư nhân.
L.S. Lowry là một trong những họa sĩ được yêu thích nhất của Anh vào thế kỷ 20, lớn lên tại một vùng hẻo lánh miền Bắc nước Anh. Những năm tuổi trẻ, ông sống lủi thủi ở ngoại ô Manchester, khu Victoria Park, Rusholm. Về sau ông chuyển đến thành phố Pendlebury, và những khung cảnh nhà máy nơi đây là một nguồn cảm hứng lớn cho tranh ông. Nhìn tranh L.S. Lowry là nhận ra ngay vì những con người trông như que diêm, bước đi trong khung cảnh đô thị và công nghiệp ủ dột (dù đông người).
LONDON – Chiều 22. 11. 2013, tại nhà Sotheby’s ở London, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của thế kỷ 19 (cũng là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của phong trào nghệ thuật Tiền-Raphaelite), bức “Proserpine” (bằng phấn màu, 120 x 56cm) của Dante Gabriel Rossetti, đã bán được với giá 3.274.500 bảng (khoảng 5.275.000 USD, ước lượng 1.2 – 1.8 triệu bảng), lập một kỷ lục mới cho họa sĩ này trong đấu giá. Cũng hồi tháng Bảy năm nay, chính bức này đã được đem ra đấu giá (lần đầu tiên sau 40 năm), và bán được 1.8 triệu bảng. Có vài tháng thôi mà đã lãi to thế đấy! Trước đó, năm 1970, bức này bán được giá 4.500 bảng.
Nghe nói, cuộc đấu giá cho tác phẩm đắt đỏ này đã diễn ra rất căng thẳng, với 5 tay đấu giá quốc tế (có cả người châu Á, chắc một ông Tàu nào đó?) – tất cả là qua điện thoại, cùng với 2 vị khác có mặt trong phòng. Người thắng cuộc là một ông người Anh, trên điện thoại. “Proserpine”chiếm một vị trí ảnh hưởng mạnh đến sự nghiệp về sau của Rossetti. Bản thân Rossetti coi “Proserpine” là sáng tạo đẹp nhất của ông.
Diễn tả nữ hoàng của Âm phủ , “Proserpine” cũng là bức tranh trong đó Rossetti dệt nên biểu tượng có tính “bóng gió” nhất của ông: người mẫu của tác phẩm là Jane Morris – vợ của William Morris (nhà văn, nhà thiết kế, họa sĩ người Anh) – về sau trở thành nguồn cảm hứng và nàng thơ của Rossetti. Trong ảnh, tác phẩm “May Morning, Jane Morris” (Sáng tháng Năm), do J. Robert Parsons chụp Jane Morris. Thời trang hồi ấy là váy xống nhiều tầng, nhiều nếp, không nhiều chi tiết trang trí, người mặc dùng tối thiểu nữ trang, phụ kiện, vẻ mặt phải hơi buồn buồn… (theo angelasancartier.net)