|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhBài 4: Nghệ thuật trình diễn, phải đối xử với mày thế nào? 02. 09. 10 - 9:11 pmVũ LâmNghệ thuật trình diễn: ai làm, ai quản? Cách đây vài năm, có một nghệ sĩ trình diễn khá nổi tiếng trong khu vực châu Á người Singapore tên là Lý Văn (Lee Wen) sang Việt Nam trình diễn theo Dự án nghệ thuật mang tên Nước của bà Veronika Radulovic (Nghệ sĩ người Đức, sống và làm việc ở Việt Nam những năm 90, có công gây dựng và đưa nhiều thông tin về nghệ thuật đương đại thế giới vào trong trường Mỹ thuật). Ông Lee Wen là một nghệ sĩ khá giản dị, từng học hai năm ở Anh, hiện đi trình diễn khắp thế giới theo nhiều dự án nghệ thuật. Ông có một buổi nói chuyện và chiếu phim ở Ryllega số 1A Tràng Tiền về nghệ thuật trình diễn và những tác phẩm đã thực hiện của mình. Tôi nhớ ông có một nhận xét thật thú vị: “Sau hai năm nghiên cứu nghệ thuật tại Anh, tôi hiểu ra bản chất của performance art có nguồn gốc sâu thẳm từ nghệ thuật chân dung tự họa của mỹ thuật châu Âu. Và nó được phát triển dựa trên chủ nghĩa đặt con người cá nhân làm trung tâm cũng của phương Tây.” Có hàng chục định nghĩa khác nhau về performance art. Tuy vậy, nó vẫn được đồng ý coi là một nhánh, một cánh cửa hẹp của nghệ thuật tạo hình đương đại. Performance art do các “nghệ sĩ thị giác”, “nghệ sĩ tạo hình” làm khác hẳn và được đẩy lên cao hẳn so với cách làm performance của các nghệ sĩ xuất phát từ các ngành khác (thơ, sân khấu…). Cũng bởi do vậy mà chữ “nghệ thuật trình diễn” bị dịch không thấu nghĩa như tôi nêu ở đầu bài đã gây lầm lẫn tai quái, dẫn đến việc Performance Art bị xếp vào thể loại “bị” Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa) quản lý (Cục này quản lý các món: sân khấu, xiếc, rối, thi hoa hậu, ca nhạc, thời trang…). Cho nên mới có chuyện ông ở Cục nghệ thuật biểu diễn lên tiếng giáo dục “truyền thống” trên một tờ báo nọ về “tiết mục” của Diệu Hà! Phát biểu thế là đúng chức năng ông này được giao đó! Có điều là nó đã lầm lẫn ngay từ đầu, bởi Performance art ở ta là do các họa sĩ thực hành, nhưng lại không được giao về Cục Mỹ thuật và Hội Mỹ thuật quản lý! Nghệ thuật trình diễn thực là “nguy hiểm một cách thú vị” bởi nó cuốn hút giới nghệ sĩ trẻ tham gia thực hành, cũng như nhiều khán giả càng ngày càng nhàm chán với cái “biển” văn hóa nghe nhìn gián tiếp đang nhấn con người của xã hội hiện đại chìm lỉm. Bởi nó có lý lịch khá là “con ông cháu cha” như đã từng đề cập. Sự hiển lộ cá nhân không dùng một phương thức gián tiếp hay công cụ nào vẫn là căn bản đáng sợ nhất. Cũng như nghệ thuật chân dung và chân dung tự họa trong hội họa cuối cùng vẫn được đặt giá cao nhất (Những họa phẩm bậc một được thị trường đấu giá phương Tây đẩy đến những cái giá điên rồ hầu hết là các bức họa chân dung: La Joconde, Chân dung bác sĩ Gachet của Vangogh; Cậu bé hút tẩu của Picasso…). Điều đó căn bản cũng giống như các môn “gốc” trong thể thao là điền kinh vậy. Vì nói trắng ra, có lẽ điều tiến hóa nhất của con người so với các loại động vật khác (mà sau đó không bị tụt lùi lên xuống trong lịch sử loài người) là… đứng thẳng dậy đi bộ!!!
Nghệ thuật trình diễn: vì mình hay vì người? Xem một số tác phẩm trình diễn của nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng nước ngoài, ví dụ như bà Yoko Ono, vợ của danh ca John Lennon (xin lỗi vì kiến văn của tôi thảm hại, mới đi được đến men biên giới ta và Tàu, cộng với Lào, Cambodia cho nên mới chỉ xem qua băng đĩa. Chỉ mới có tác phẩm của Lee Wen là xem trực tiếp), tôi nhận thấy một điểm tối quan trọng thế này: Các nghệ sĩ lớn nước ngoài quan tâm đến vấn đề xung quanh cái thân họ nhiều hơn là quan tâm đến những bức xúc riêng từ bản thân mình. Điều này đã được đặt ra trong bài Một câu hỏi không thể hay hơn trên Soi. Các show NTTD có tầm cỡ của họ đều sinh ra vì cộng đồng hoặc một nhóm người trước một vấn đề xã hội ảnh hưởng đến nhân văn của con người nào đó. Họ làm để hy sinh vì mọi người, “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”. Có lẽ chức năng cao quý cuối cùng và “chí thượng” của NTTD là vậy chăng? Chứ còn thực hành nghệ thuật dùng phương tiện bản thân làm “đạo cụ” để kêu gào cho những bản năng bị thiếu hụt, chứng tỏ mình luôn bất lực và thiếu tự tin về chính mình, thì nó cũng nhỏ nhoi quá và rất là đáng thương kỳ quặc. Trong một vở kịch của văn hào Leo Tolstoy (Lép Tônxtôi) ,có người cha khuyên người con phạm tội nên đi tự thú như thế này: Con hãy từ bỏ và hy sinh chính bản thân con đi thì mới có cơ hội để Chúa đoái thương đến con. Lại nhớ ông Nguyễn Đăng Mạnh ngày xưa viết sách giáo khoa văn cấp ba. Khi bàn về phương pháp luận, ông ta rất chăm lấy ý của Bác Hồ về việc sáng tác để mào cho phần luận của mình, đại ý là: Trước khi viết cái gì đó. Nên xác định là viết để làm gì? viết cho ai? sau cùng mới xem là nên viết như thế nào? Có lẽ mỗi nghệ sĩ trẻ đã thực hành về nghệ thuật nghiêm túc và chớm được mọi người biết đến đều nên đặt cho mình câu hỏi này chăng: Mình làm nghệ thuật vì cái gì, để làm gì? (Trước cả câu hỏi nghệ thuật là gì? Câu đó mỗi người sẽ tự trả lời cho mình trên đường đi). Làm nghệ thuật vì các phong trào, hưởng ứng cuộc vận động XYZ… Làm vì trên bảo thế, vì cơ quan giao nhiệm vụ. Làm vì là để kiếm ăn, như mọi nghề khác. Làm để giầu có. Làm vì tài giời tự nhiên ban cho, cứ nghịch bừa đi thôi cũng ra trò. Làm vì “nóng trong người” máy móc nó hỏng, ngứa, bức, không làm không chịu được. Làm vì là dùng để như một thứ vũ khí chống các loại (bất bình đẳng, tổn thương, bị hiếp tróc, đàn áp, đau khổ, liệt giường). Làm vì cha mẹ bắt học, học rồi thì cứ thế làm vậy cho bố mẹ vui. Làm để cống hiến cho nhân dân, tổ quốc, nhân loại… và bạn gái mới quen. Làm vì để nổi tiếng, khẳng định bản thân, chứng tỏ cho chúng nó biết thế nào là lễ độ. Làm để giết thời gian. Làm vì nghe thằng khác xui dại. Làm vì số phận đưa đẩy, không thì chẳng biết làm gì khác cho ra hồn. Làm vì chẳng biết tại sao, trời sinh ra thế, làm cho nó sướng cái đời thế thôi. Làm vì số khổ thân phận trầm luân ba chìm bảy nổi, lên voi xuống chó, còn mỗi cái cọc nghệ thuật để mà víu. Làm vì – “Biến ngay đi chỗ khác, ông mày đang bận làm nghệ thuật, không có thời gian trả lời câu hỏi lăng nhăng Làm nghệ thuật vì cái gì, để làm gì”… Tôi tin rằng sẽ có cả trăm câu trả lời khác nhau, nhưng đều quan trọng cho nghệ sĩ. Bởi đó là nhiệm vụ xác định mục tiêu của công việc. Đó là xác định mục đích để cất bước ra đi và luôn có gương sáng treo cao để soi lại hành động của mình, dù là vô mục đích cũng là một thứ mục đích ngang tàng: Mục đích của tôi là vô mục đích!!! Như thế thì nó quang đãng hơn nhiều. Tôi dẫn ví dụ này ra, có thể có người cho tôi là “giáo điều” hoặc là “trẻ con”. Nhưng tôi nghĩ điều đó vẫn là cần thiết cho các nghệ sĩ trẻ muốn dùng nghệ thuật để làm “vũ khí” đấu tranh cho hạnh phúc con người. Vì rằng nếu coi nghệ thuật là phương tiện, thì mỗi loại hình có tính năng riêng: Pháo thì câu xa, súng ngắn bắn gần. Pháo để dùng giã vào đồn địch, tiểu liên thì bộ chiến chiếm đất, súng ngắn thì cứ dí sát mang tai ác ôn là chắc cú, hiệu quả nhất. NTTD, so với điêu khắc, hội họa, sắp đặt, thì mỗi “bộ môn” cũng có tính năng ứng dụng với đời sống khác nhau như vậy. * Kỳ cuối: Có sống được bằng Nghệ thuật Trình diễn không? * Bài liên quan: – Bài 1: Xem trình diễn là xem cái gì? Ý kiến - Thảo luận
14:59
Friday,26.12.2014
Đăng bởi:
cadocado
14:59
Friday,26.12.2014
Đăng bởi:
cadocado
Bác Lee Wen trông quá khổ sở nhưng vẫn thua người điên hay ăn maỳ lang thang trên đường phố nước ta. Nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến Việt Nam đảm bảo tắt điện.
8:38
Monday,25.6.2012
Đăng bởi:
Lê Hoàng Hải
Nhìn vẻ mặt của Yoko khi bị cắt quần áo làm tớ xốn xang quá sức và bất chợt muốn bật khóc, cũng may là cố gắng kìm lại được, đang trong quán cà phê, hú hồn.
...xem tiếp
8:38
Monday,25.6.2012
Đăng bởi:
Lê Hoàng Hải
Nhìn vẻ mặt của Yoko khi bị cắt quần áo làm tớ xốn xang quá sức và bất chợt muốn bật khóc, cũng may là cố gắng kìm lại được, đang trong quán cà phê, hú hồn.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp