Gẫm & Bình

Bài cuối: Có sống được bằng Nghệ thuật Trình diễn? 05. 09. 10 - 9:29 pm

Vũ Lâm

Tranh của Drew Martin


Vị trí của nghệ thuật trình diễn ở nước ta

Nhiều người, nhất là những nghệ sĩ hàng đầu đang hăng hái theo đuổi và quảng bá cho nghê thuật trình diễn (NTTD) tại Việt Nam cho rằng mảnh đất Việt là mảnh đất có tương lai, tiềm năng phát triển của NTTD. Tôi cho rằng điều này vừa đúng vừa không đúng.

Đúng, bởi (theo ý tôi) có hai lý do “kim” và “cổ” như thế này: nước ta là nước đang phát triển thuộc “thế giới thứ ba” đang có nhiều vấn đề xã hội lẫn lộn chồng chéo giữa phát triển và tụt hậu (ví dụ như kinh tế và môi trường), giữa dã man và văn minh (ví dụ như xe cộ và văn hóa giao thông, đường sá). Điều đó tạo ra trạng thái của con người sống rất chi là thiếu ổn định, hành vi cũng phải ứng biến luôn xoành xoạch thì mới tồn tại được. Trong bối cảnh đó, thì NTTD có thể là loại hình tốt để “đối thoại với nhà nước ở các thiết chế văn hóa; đối thoại với cộng đồng ở sự thuận tiện hóa xã hội dân sự, đem lại sự tự do và hạnh phúc cho con người – Phan Cẩm Thượng

Còn lý do thứ hai thì có một nhà văn hóa đã nói điều này từ lâu: Từ trong lịch sử, văn hóa truyền thống nước ta nằm trọn trong phổ diện của văn hóa phương Nam Trung Hoa, (lõi của nó là văn hóa nước Sở thời Chiến quốc). Ở cái phổ này, dị đoan và trò đồng cốt rất thịnh hành. (Đừng tưởng ở mỗi ta mới có trò lên đồng với ông hoàng bà mẫu. Ở Vân Nam và Lưỡng Quảng cũng có trò lên đồng nhiều lắm). Con người ở Nam phương say mê tín ngưỡng kỳ bí và khoái hành động “thác thần”, “nhập thần”, lấy thân mình làm cột, chảo để “bắt sóng” thần thánh. Nếu như ông Lee Wen chứng minh NTTD xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân Tây phương, và chân dung tự họa của các nghệ sĩ cổ điển. Thì tôi sẽ tìm cách chứng minh nguồn gốc của NTTD ở nước ta có bắt nguồn từ đạo Mẫu và thú đi hầu đồng!!!

Còn điều tôi cho rằng không đúng (NTTD kiểu “nhập cảng nguyên xi” sẽ khó có thể phát triển một lượng công chúng quan tâm đông đảo ở Việt Nam được) cũng từ chính hai lý do vừa kể trên. Viết đến đây tôi rất buồn cười thích thú bởi ý nghĩ thế này: Ở cái đất này, trong đời sống thường nhật thôi, suốt ngày con người ta đã phải “trình diễn”: làm hề, làm xiếc, đóng kịch, giả bộ, vờ vịt, nhập đồng, giả mà như thật, thật mà như giả, thật giả lẫn lộn tới mức chẳng phân biệt được mình là thật hay là giả… với nhau, từ người thân ngay cạnh mình cho đến cơ quan, xã hội, công cộng, cảnh sát giao thông… Thế thì đem NTTD vào nữa có khác quái gì “chở củi về rừng”.

Hì hì hừ hừ!!! Đó thì cứ lật ngược sử sách ra: chính sử, dã sử, hoặc dã – chính sử của ta và của Tầu mà xem. Đầy rẫy những “pha” trình diễn điển hình ngoạn mục đi vào văn chương và báo chí: Nào là: Lã Vọng vờ câu cá chờ câu Văn Vương (câu này tôi thấy ghi trên một bức chạm tại một ngôi đình cổ ở Nghệ An); Nào là Nễ Hành tụt quần mắng Tào Tháo (Tam Quốc nhé). Trong sử ta thì thời Trần có chuyện “chàng trai làng Phù Ủng, nghĩ việc nước giáo đâm vào đùi không đau không biết”; hoặc tiểu anh hùng Trần Quốc Toản bóp cam (cũng lúc nào không biết). Gần đây thì có thiếu niên Lê Văn Tám lấy thân mình làm đuốc sống đốt kho xăng địch… (mà bác Phan Huy Lê đã có nhời rõ ràng trên VNN), vân vân và vân vân!

Nghệ thuật trình diễn xuất phát ở trên thế giới cả nửa thế kỷ. Điều đó làm tôi cảm nhận rằng có vẻ như ở những nơi sinh ra, nó cũng đã đi vào ngõ cụt và bị thương mại hóa, khi không nghệ sĩ nào chống lại nổi sức hấp dẫn “vào bảo tàng” của các bảo tàng hàng đầu trên thế giới, khi mà “chủ nghĩa giật gân bước lên sân khấu chính” – (chữ dùng trong bài Xét cho cùng là say mìnhcủa nhà phê bình nghệ thuật Jerry Saltz – bài viết thú vị về “tổng tập trình diễn” của Abramovich Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại danh tiếng ở New York – MoMa).

 Điều đau khổ và trớ trêu của các nghệ sĩ đương đại vĩ đại là họ làm trình diễn và sắp đặt để chống lại cái sự “thương mại hóa” nghệ thuật. Làm những tác phẩm phù du, trực tiếp, không thể mua bán được để chống lại trò đấu giá và tôn sùng điên loạn của thị trường với tranh của các họa sĩ cổ điển và hiện đại. Thì cuối cùng chủ nghĩa vật chất vẫn thắng thế tối hậu, vẫn tìm ra cách “đưa nàng vào dinh” hết.

 Quan sát mặt người đi xem In: Act, tôi còn cảm thấy hơi hơi tự ái ở chỗ này. Trừ quân nghệ sĩ nhà ta ra, đi xem có thể hiểu có thể không. Còn người hiếu kỳ hoặc “ngoại đạo” đi xem, mặt mũi khó đăm đăm, chứng tỏ chẳng hiểu hay cảm được gì mấy. Cánh phóng viên của các báo lá cải đi xem, ít cố gắng tìm hiểu nghệ thuật một cách có thiện chí, thường chỉ nhăm nhăm tìm “pha” giật gân để tương lên báo. Còn cánh thanh niên nước ngoài làm việc, sống, học tập ở Việt Nam (hoặc giả là Tây ba-lô) – là đám khán giả cũng khá đông thường xuyên ở các cuộc trình diễn thì xem ra rất hớn hở. Có vẻ như với họ, món NTTD cũng chỉ giống như một trò xiếc người, đơn thuần để giải trí mà thôi. Cho nên tôi rất hoan hô khi các nghệ sĩ trình diễn của ta lâu nay đã rời bỏ việc trình diễn ở các Trung tâm văn hóa nước ngoài tại Hà Nội.

 

Nghệ sĩ có sống được bằng nghệ thuật trình diễn?

 Bởi thế, cho nên, cá nhân tôi, một người viết báo về nghệ thuật nghĩ rằng các nghệ sĩ trẻ đang theo đuổi NTTD hăng hái phải nên tự nhìn mình thật kỹ (xem mình có hợp tạng cho NTTD chọn mình không). Và họ cũng đừng quá tin vào lời nói của các bậc đàn anh đáng kính. Điều này có những cái lý như sau. Quan điểm avant –garde của curator Trần Lương gọi tất cả những món “đương đại” đang diễn ra như Sắp đặt, Trình diễn, Video art… là nghệ thuật thực nghiệm, hay thể nghiệm. Nghĩa là nó có tính chất “phép thử”, tính chất thí nghiệm rất cao. Nên các nghệ sĩ trẻ cứ làm đi, sai đâu sửa đấy, cái gì hay, đạt đến mức “nghệ thuật” sẽ tồn tại, cái gì dở, cá chưa vượt được Vũ môn thì luyện nhảy tiếp. Nhưng bản chất của “nghệ thuật thực nghiệm” như vậy là không chuyên nghiệp, (trừ một số người làm công việc tổ chức và tạo sự kiện). Nếu cứ xét theo góc độ đơn giản là chuyên nghiệp thì phải sống được bằng nghề đó.

Thứ hai, có một lần tôi dự buổi trao đổi về NTTD ở Nhà Sàn, được nghe họa sĩ Trương Tân (một người đàn anh đầy tài năng đáng trọng về nghệ thuật). Anh Trương Tân nói rất cực đoan, đại ý rằng làm nghệ thuật đương đại thì không cần vẽ nữa. Tôi cũng được biết rằng anh Trương Tân còn cực đoan ở cả hành động – sống ở Paris nhưng anh không thèm vào Louvre xem tranh các họa sĩ cổ điển bao giờ. Nhưng tôi nghĩ thầm rằng nếu anh không vẽ tranh thì anh sống giữa đất Pháp đắt đỏ thế quái nào được (họa sĩ Trương Tân còn có biệt tài về khâu vá). Và rồi mới đây có tin anh vừa triển lãm tranh ở Thavibu (Thái Lan) đấy thôi…

Có một quan điểm cổ của người Ai Cập cho rằng người ta làm nghệ thuật bởi vì “lo chết”. Cứu cánh nghệ thuật là để dành hướng về sự bất tử, vĩnh hằng, kéo dài sự sống sinh vật ngắn ngủi và nhỏ nhoi. Bởi cái thân con người ta hữu hạn và mong manh, năng lượng sống ấy có thể hoán đổi sang những tác phẩm nghệ thuật, nối dài được tên tuổi và sự sống hay ho ấy của ta. Xét về mặt đó, NTTD có thể gọi là một hình thức “nghệ thuật phù du”, thiếu tính bền vững. NTTD thì diễn ra ngăn ngắn và có tính “chiến đấu” tức thời, trực tiếp. Xem lại những tác phẩm qua băng đĩa là mất đi có khi tới 9/10 phần trăm cảm xúc. Chưa kể những trò phù thủy của video act (video act chứ không phải video art nhé) làm cho khán giả có thể lầm tưởng.

Tôi nghĩ rằng đời sống vận động được là bởi dựa trên cái thế mất cân bằng. Còn tư duy vận động được là do sự thiếu tích nạp thông tin. Tuổi người trình diễn chỉ có thể dài hơn một tí so với diễn viên xiếc. Đàn ông ngoài 50 như nghệ sĩ Đào Anh Khánh vẫn múa may được như thường cũng là ngoại lệ. Còn tuổi nữ nghệ sĩ trình diễn thì có lẽ ngắn hơn. Giả dụ nữ nghệ sĩ tài danh (bà ngoại) 63 tuổi Marina Abramovic mà tiếp tụp nude, đứng tồng ngồng trên cái yên, hoặc cùng ông già Ulay trần thì thùng đứng khe cửa hẹp, “mướp và “xệ, “nhẽo” lắm rồi, thì khán giả ớn muốn chạy luôn. Thế nên các curator khôn khéo của MOMA mới tổ chức cho một loạt các em trẻ đẹp, ngực còn đỏ hồng, khỏa thân để đóng thế… Còn vai chính chỉ mặc áo dài trắng như nữ hoàng và “nhìn chằm chằm” thôi. Trong một commet trên Soi, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt có ngậm ngùi rằng: “Tiếc là không trẻ nữa, không thông minh, cơ thể đã bắt đầu xấu xí chứ không thì cũng sợ gì mà không thử trình diễn”.

Hy vọng cho đến một lúc nào đó thì “người nào, chỗ nào, việc nấy” (chữ dùng của Anđécxen trong một truyện ngắn). NTTD có lẽ chỉ là một trò chơi nghệ thuật phù hoa mà ta nên tham gia vào lúc còn trẻ, đầy nhiệt huyết theo đuổi những cuộc “hội hè liên miên”. Cứ theo mãi thì cũng chẳng nuôi sống mình hay gia đình mình được mà nó cũng không bền vững. Tôi có hân hạnh được quen biết một số nghệ sĩ trẻ đang làm NTTD tài năng. Nhưng ngoài việc đó, thì các họa sĩ trẻ đó cũng còn nhiều tài năng tạo hình khác có thể sử dụng “bền vững”. Ví dụ nghệ sĩ Nguyễn Huy An vẽ rất cảm xúc và ám ảnh. Nghệ sĩ Vũ Hồng Ninh (tác giả của Tiểu Phật Xà Phòng) thì tạo tác vật thể rất giỏi. Nghệ sĩ Vũ Đức Toàn có khả năng viết về nghệ thuật rất tốt…
  

 * 

Bài liên quan: 

Bài 1: Xem trình diễn là xem cái gì?
Bài 2: Thử so ta với Tây, với Tàu
Bài 3: Nam trói vs Nữ cởi
Bài 4: Nghệ thuật trình diễn, phải đối xử với mày thế nào?
Bài 5: Có sống được bằng Nghệ thuật Trình diễn?

Ý kiến - Thảo luận

1:05 Saturday,31.3.2012 Đăng bởi:  phuong tran nam
Lâm ơi, thấy bạn Mạnh Hùng kể đi trình diễn còn tốt tiền hơn vẽ tranh Su Vơ Nia đấy ạh
...xem tiếp
1:05 Saturday,31.3.2012 Đăng bởi:  phuong tran nam
Lâm ơi, thấy bạn Mạnh Hùng kể đi trình diễn còn tốt tiền hơn vẽ tranh Su Vơ Nia đấy ạh 
22:23 Friday,15.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
RAU MUONG NOI GIAN hay đáo để!
...xem tiếp
22:23 Friday,15.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
RAU MUONG NOI GIAN hay đáo để! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả