Gẫm & Bình

Bài 1: Xem trình diễn là xem cái gì? 26. 08. 10 - 1:56 pm

Vũ Lâm

Perfomance art, thoát thai từ nghệ thuật tạo hình, có lịch sử mấy chục năm nay trên thế giới và diễn ra thực sự ở Việt Nam khoảng trên 15 năm nay, được dịch không thấu nghĩa rồi quen gọi là “nghệ thuật trình diễn” (NTTD).

Nghệ sĩ trình diễn Nhật Bản Kana Fukushima trong In:Act – Ảnh AZIZ

Liên hoan nghệ thuật trình diễn In: Act được thông báo là có 11 nghệ sĩ quốc tế, 9 nghệ sĩ Việt. Nhưng hình như số nghệ sĩ quốc tế không đến đủ thì phải. (Đây là liên hoan trình diễn có yếu tố “ngoại” diễn ra lần thứ hai) diễn ra tại Nhà Sàn Studio (Vạn Phúc, Hà Nội) của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức từ 9 – 14. 8. Tuy không theo sát được In: Act mấy ngày đầu, nhưng tôi cũng biết là hai tối 13,14 – 8 mới là hai tối quan trọng, vả lại tôi cho rằng sự theo dõi sát nút và “thuật nhi bất tác” (thuật lại trung thành không thêm thắt) gì của các bạn Soi cũng làm tôi có một hình ảnh tương đối về In: Act.

Nhưng vì được xem vài buổi quan trọng, nên tự nhiên trong tôi gợi nên một số cảm xúc so sánh để tôi viết bài này. Những ý kiến trong bài được đặt dưới một nhãn quan “ngây thơ” với cảm quan hoàn toàn cá nhân. Một số nhận định không có dẫn chứng chứng minh (bởi nếu thêm sẽ rất dài dòng), chỉ là kể chuyện nọ xọ chuyện kia. Để khỏi mắc bệnh vòng vo, nên tôi dùng cách viết như nói, nôm na dân dã, trần trụi, tuy vậy không phải tôi không cân nhắc việc chọn lọc từ ngữ trong bài. Xin đề nghị bạn đọc bổ sung và đóng góp xây dựng.

Và cuối cùng xin trân trọng cảm ơn trước hết là các nghệ sĩ và tác phẩm, cũng như chủ nhân “trung tâm nghệ thuật Nhà Sàn” (bởi họ có chế ra tác phẩm, dù hay dù dở thì tôi mới được thưởng thức, mới có cái mà nói mà bàn nhăng tán quậy. Bài viết này cũng chính là một cách để tôi “phục vụ nghệ sĩ”, tô điểm, làm ánh sáng, làm khung cho bức tranh quý của họ) cuối cùng xin cảm ơn Soi đã đăng tải bài viết này.
 

Những quan sát nhỏ

Đến In: Act hầu hết là người lớn, mỗi buổi vài chục người, có một ít trẻ nhỏ do người lớn đem theo, nhưng hình như đám trẻ cũng không thích mấy nên xem được một lúc, chúng chạy lên gác xem catoon network trên tivi. Buổi tối 14. 8 đếm được khoảng gần 100 xe máy. Trong số đó một nửa là nghệ sĩ “quân ta”, một nửa là người nước ngoài, số còn lại là rất ít người hiếu kỳ đến xem trò lạ và uống bia miễn phí của gia chủ,… Không bán vé vào cửa (tất cả các sự kiện ở Nhà Sàn đều như vậy), đứng chen vòng trong vòng ngoài để xem.

Khán giả một đêm In:Act tại Nhà Sàn – Ảnh AZIZ

Tham gia In: Act, phía Việt Nam hầu hết là các nghệ sĩ trẻ (7x, 8x), tập hợp xung quanh Nhà Sàn Studio (cũng có một số nhóm trình diễn khác không thuộc Nhà Sàn nhưng không thấy mời). Không thấy thông báo độ tuổi của nghệ sĩ, nhưng tôi đoán Lê Huy Hoàng và Willum Geerts (Hà Lan) là hai người lớn tuổi nhất (6x)

Tôi không rõ các nghệ sĩ NTTD tập luyện mỗi “tiết mục” hay “tác phẩm” thế nào, nhưng chắc không quá lâu và khổ công. Các kỹ năng và phương pháp của “hành động trình diễn” có lẽ không cần quá khỏe hoặc quá khéo. Điều kiện cần có lẽ là năng lực biểu cảm của cơ thể, sự nắm vững mọi nguyên tắc cũng như thực hành của ngôn ngữ hành vi (body language). Còn điều kiện đủ có lẽ nên là một “tạng” người nào đó thích hợp. Quá thông minh tỉnh táo cũng không được.

 

Và những tổng kết cũng… nhỏ

Còn cho đến giờ tôi tạm đưa ra năm kỹ năng – thủ pháp của NTTD ở ta:
1. Hành xác: Tự mình làm đau mình, hoặc nhờ người khác hành xác hộ mình. Hoặc dùng thân thể như một công cụ giải trí (hoặc giải stress cho người xem, thử thách gây sự với người xem). Một yếu tố trong  phương pháp này là kỹ năng “thoát y” một phần hoặc toàn phần.

2. Trò chơi, hành vi, động tác khó hiểu đánh đố, có khi có ý nghĩa cụ thể, có khi có tính ám chỉ rõ rệt. Những hành động ám thị thách thức sự chịu đựng của cơ thể lặp đi lặp lại trong một quá trình (ngắn hoặc dài)

3. Nhảy múa, vặn vẹo, hú hét (cái này nghệ sĩ Đào Anh Khánh làm nhiều và làm đi làm lại trong các màn Đáo Xuân. Nhưng phe Nhà Sàn cho rằng đây không phải là performance art mà nên gọi là performing art. Bởi anh Khánh dùng quá nhiều đạo cụ sân khấu như âm thanh điện tử cường độ lớn, ánh sáng rạp hát, thang tre nhà tre… và diễn viên phụ trợ có tính “sân khấu hóa’)

4. Hành vi tương tác với khán giả để trắc nghiệm tâm lý và tạo sự bất ngờ. Có khi chỉ là một hành vi nghịch ngợm.

5. Đốt, xé hoặc đập phá một cái gì đó.

Trình diễn của Phùng Tiến Sơn, trói mình vào hộp đồng hồ, biến mình thành một phần của ròng rọc – Ảnh AZIZ

Bản chất của nghệ thuật trình diễn là sự phản ứng, phản kháng của cá nhân đối với các vấn đề xã hội. Theo một số thuyết về “năm cha ba mẹ” của NTTD, thì NTTD  trước cộng đồng có mấy “bà mẹ” lớn là các “phong trào xã hội” ở phương Tây sau (còn số “ông cha” “nội ngoại” của nó thì có lẽ lại phải ngược lên lịch sử trước nữa):

1. Trào lưu tiểu văn hóa hippie ở Mỹ giữa thập kỷ 1960s

2. Cuộc cách mạng tình dục và giải phóng, bình đẳng nữ quyền ở châu Âu và Mỹ manh nha từ thập niên 50s và diễn ra suốt thập kỷ 60s, 70s
3. Phong trào phản chiến (chống chiến tranh Việt Nam) tại Mỹ từ khoảng 1965 – 1975 (trong đó có hai vụ tự thiêu nổi tiếng của đại hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu chống chính quyền lúc đó đàn áp Phật giáo (1963) và tín đồ đạo Quaker người Mỹ là ông Norman Morrison tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam (1965) là hai perfomance show bi tráng đặc biệt. So với trường hợp điển hình tử vì đạo, tử vì hòa bình này thì tất cả các “sô” perfomance của các nghệ sĩ khác chỉ là trò đùa nhạt).

Như vậy, bản chất của NTTD thuộc loại tạo ra một hành vi khác thường (hoặc bình thường nhưng lặp đi lặp lại mang tính “lạ hóa”) có ý thức và mang tính nghệ thuật với mục đích dùng để bày tỏ ý kiến cá nhân, đấu tranh, phản kháng trước một vấn đề xã hội hữu hình hoặc tập quán, thói quen vô hình (nhưng có tồn tại) nào đó.

Màn trình diễn của Chris Burden – nghệ sĩ Mỹ nổi tiếng những năm 70 với body art, chuyên lấy sự chịu đựng của cơ thể làm chủ đề

NTTD dựa trên sự phản ứng bằng hành vi có khi được đẩy lên mức kịch tính gay gắt, gây đột cảm lan truyền, có một số yếu tố phụ trợ của việc ngẫu hứng và tương tác với khán giả, giữa các nghệ sĩ với nhau, “có ý đồ nào đó” rất rõ ràng, và mang nặng tính “biểu tình cảm xúc cá biệt”.

Xem NTTD, cảm giác đem lại là ám ảnh, băn khoăn, nghĩ ngợi, thức tỉnh, sợ hãi, kinh dị. Khán giả xem trình diễn xong thì gai người, hồ nghi, hoang mang, gượng cười và nhăn nhó cau mày cứ như đang  “nghĩ về nơi xa lắm” ấy vậy. Nghệ sĩ làm NTTD thì không cần đẹp mấy, bình thường như bức tường cũng được, nếu đẹp hẳn hoặc dị dạng thì cũng tốt. Nhưng cũng có “tạng” nghệ sĩ nào đó rất thích hợp, hay nói cách khác là “thần đồng” của nghệ thuật trình diễn. Họ cử chân máy tay, nhìn ngó, cởi đồ, bước đi, vặn vẹo một cái… là tâm tư người xem đã máy động rồi!

Hai Rong Tian Tian trình diễn Trong Nhà Kính tại Bắc Kinh, 2007. Cô cùng một nghệ sĩ nữa sẽ sinh hoạt như bình thường trong một căn nhà kính, người qua đường tha hồ quan sát.    Trình diễn “Tổ Chim” của Aki Sasamoto – nữ nghệ sĩ người Mỹ gốc Nhật

*

Kỳ sau: Một tí so sánh ta và ngoại…

 * 

Bài liên quan: 

Bài 1: Xem trình diễn là xem cái gì?
Bài 2: Thử so ta với Tây, với Tàu
Bài 3: Nam trói vs Nữ cởi
Bài 4: Bài 4: Nghệ thuật trình diễn, phải đối xử với mày thế nào?
Có sống được bằng Nghệ thuật Trình diễn?

Ý kiến - Thảo luận

22:29 Friday,15.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Tớ chưa biết xem cái gì cả Lâm ạ.
...xem tiếp
22:29 Friday,15.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Tớ chưa biết xem cái gì cả Lâm ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả