Gẫm & Bình

Bài 2: Thử so ta với Tây, với Tàu 28. 08. 10 - 10:49 am

Vũ Lâm

Phương Linh trong màn trình diễn đổ gạo – Ảnh AZIZ


 Sự giống và khác giữa Âu – Á, giữa ta và “ngoại” trong chuỗi trình diễn In: Act
 
Trong bài Xem bạn, xem ta AZIZ trên Soi khi tường thuật nóng về In: Act đã nhận xét khéo léo: “So với phần trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam, phần trình diễn của các nghệ sĩ nước ngoài ít ‘tự hành hạ’ mình hơn, ngoại trừ Rebecca cắt tay… Trong khi đó, các nghệ sĩ Việt Nam cho người ta cảm giác họ là những kẻ tuẫn tiết – dù là tuẫn tiết vì nghệ thuật”

Dùng từ “tuẫn tiết” để nói một cách “văn hoa Sài Gòn” theo tôi như thế là khá hay. Nhưng tôi cho rằng nói thực ra là trông vặn vẹo đau khổ lắm, làm cho người xem có cảm giác tội nghiệp thì đúng hơn. Khi so sánh các “tiết mục” của các nghệ sĩ ta, ngoại thì thấy một số điểm sau: 

Nghệ sĩ ta và Trung Quốc, Nhật (châu Á) ưa phương pháp – kỹ năng thứ nhất (trong năm thủ pháp – kỹ năng được tạm liệt kê ở bài trước). Ví dụ trình diễn của Huy An, Đức Toàn, Minh Đức; Lê Huy Hoàng, Tiến Sơn, Hồng Ninh (trói; bôi than; chui thùng đậu; quất tay; trói; luồn gầm ghế thổi bóng). Phương Linh, Diệu Hà (há miệng đổ gạo tắc thở; nude rồi phủ dán lông vũ, ngậm chim rồi há miệng chim bay vù ra). Kana (Nhật) thì có hai tác phẩm (quỳ bò húp nước băng tan; vật lộn với “tình cây và đất”). Zhoubin (Trung Quốc) thì trích lấy 200mm máu của mình; hãm đông rồi dùng chỉ kéo lùi trên trục quyển giấy trắng. 

Phùng Tiến Sơn tự trói tay và biến mình thành một đầu của ròng rọc – Ảnh AZIZ

Nghệ sĩ ngoại thì hay dùng thủ pháp thứ hai, tư, năm. Willum Greets, Nathalie (chiếu đồng hồ, vỗ tay, cúi chào; trùm mặt nạ ghi âm). Rebbeca (bán hàng ở Tadioto, đốt bản đồ). Trình diễn của các nghệ sĩ Đông Nam Á (Myanmar, Thái, Malaysia) thì cùng giống nhau ở chỗ là những trò nghịch vui (Moe Satt dúng mình vào chậu nước, chạy đi chạy lại. Jay thì đeo túi nước leo lên xà nhà, yêu cầu đọc thơ rồi bóp túi nước chảy theo đùi vào bể cá cạn. Sharon Chin thì uống rượu, rồi chơi trò hộp diêm điện thoại). Có lẽ là vừa đi học ở nghệ thuật ở Anh quốc về nên nghệ sĩ Bill Nguyễn chọn cách trình diễn (mà như không trình diễn) nhẹ nhàng “phải đạo” nhất là tổ chức gội đầu – đèn mờ cho khán giả. Nếu tính mỗi cái đầu gội mất trung bình 20 – 30.000đ thì buổi trình diễn của anh cống hiến đến vài trăm nghìn cho mọi người được thoải mái. Có lẽ trình diễn kể lể và “phường tuồng” ít chất lượng nhất là màn đốt nến đốt đô-la âm phủ, vàng mã của nghệ sĩ Mỹ lai Việt Erin O’rien. Màn này thì đúng là “trình diễn” dở quá thật!!! 

Có thể giải thích tại sao các nghệ sĩ ngoại chọn phương pháp “trò chơi’ nhiều hơn là “tuẫn tiết”. Bạn AZIZ cho rằng: “Họ cũng không dại gì phó thác thân mình vào những bàn tay của khán giả – có lẽ họ có kinh nghiệm về tâm lý học đám đông hơn… Dù sao màn trình diễn của các bạn Tây cũng cho cảm giác là họ ‘độc lập’ hơn, ‘hoàn chỉnh’ hơn, và ý thức mình là performer hơn”. 

Tôi thì nghĩ rằng không hẳn thế. Tôi cố xét việc một cách giản dị hơn chứ không phải so sánh mặc định “Tây giỏi ta kém” như thế này: Việc các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam trình diễn, ở một sân chơi underground như thế này cũng không phải là một sân chơi lớn có thể giương danh để họ “tuẫn tiết” tuyệt đối. Nói cách khác thì “quân ta” đá ở sân nhà nên quyết liệt hơn là đúng. Còn họ đá “sân khách”, giao lưu có phần giống kiểu “bóng đá giao hữu” nên họ chỉ làm những “tác phẩm” vừa vừa thôi. 

Willum Geerts (Hà Lan) với màn trình diễn tương tác vỗ tay cho đồng hồ quay – Ảnh AZIZ

 Lịch sử trình diễn ở ta mới hơn 15 năm. Còn lịch sử trình diễn ở phương Tây và Mỹ là nhiều chục năm. Những màn “hành xác” dã man thì họ đã làm qua cả (kể cả bắn nhau gây thương tích nặng như ví dụ trong bài Miễn sao cho người ta nhớ cũng đăng trên Soi). Xã hội của họ bây giờ cũng không đến nỗi khốn nạn lắm, thậm chí dân chủ còn nhiều khi quá trớn, nên trình diễn của họ chuyển sang những trò chơi thông minh, bất ngờ cho vui vậy. Đó là tôi chưa dám đặt câu hỏi về “đai, đẳng, phẩm cấp” của những nghệ sĩ ngoại ở đất nước họ và trong “làng trình diễn” quốc tế. Có điều chắc chắn là mời được những “siêu sao thế giới” về đây hẳn khó, và đó là cái khó chung! 

Còn các nghệ sĩ Trung Quốc và Nhật quen trình diễn “hành xác” dã man thì vốn truyền thống của họ như vậy, không lấy làm lạ. Nghệ sĩ ria đẹp Zhou Bin kéo cục máu đông rã ra trên bức tranh trục quyển trắng, ý nghĩa của tác phẩm đó, theo ý hiểu đơn giản của tôi là, lịch sử đất nước anh, thân phận con người ở xã hội của anh là một thứ vẽ nên, làm nên bằng máu đủ các kiểu – thành xây xương lính, hào đào máu dân (cho nên sau khi xem tác phẩm của anh, tôi càng xúc động và hoan nghênh các cụ ta ngày xưa liên tục nhiều đời lập quốc chống ngoại xâm can trường và khôn khéo kịch liệt). 

Zhou Bin ngậm sợi chỉ kéo cục máu đông của chính anh – Ảnh B

Ngoài lề một chút về cái anh Trung Quốc…

Có lần tôi trao đổi với họa sĩ Trần Lương, rằng xem tác phẩm nào của nghệ sĩ Trung Quốc cũng thấy “rờn rợn” và “dữ dội sặc mùi không thể lẫn vào đâu được”. Họa sĩ Trần Lương nói rằng anh có nghe một cô curator Trung Quốc giải thích rằng “bọn tao biểu hiện ra thế bởi lịch sử dân tộc tao, những thứ mà con người chúng tao bị đè nén nó kinh tởm hơn chúng mày nhiều, cho nên khi nó phẫn nó phát nó phòi ra thì trông vẻ nó cũng tởm tệ hơn”. 

Cũng nói thêm rằng Trung Quốc bây giờ có hai chính sách quản trị nghệ thuật hay, đó là cho nghệ sĩ thuê, mượn, dùng những khu quân sự cũ bỏ hoang hoặc nhà máy, khu công nghiệp không dùng nữa làm trung tâm thực hành nghệ thuật đương đại (những khu này đánh số), ví dụ như Khu 923 ở Côn Minh (có cô nghệ sĩ Liu Lifen Gallery đó cũng sang dự In: Act này); Khu 798 ở Bắc Kinh; hoặc Khu 123 ở Cáp Nhĩ Tân (chợt nghĩ nếu ở bên ta cũng được quan tâm và cho dùng những doanh trại cũ làm xưởng thực hành nghệ thuật đương đại thì hay nhỉ, chỉn e rằng những khu quân sự cũ ở các thành phố lớn nước ta nếu phi quân sự hóa thì thế nào cũng để chia lô bán, cho xây siêu thị, cao ốc cho thuê văn phòng hoặc phân thưởng cho các sĩ quan cấp cao thôi. Chẳng là đất thành phố ở ta đang có giá một mét – một cục… vàng mà). 

Tác phẩm Rite of Spring (Nghi lễ Mùa Xuân) của Lee Wen (Singapore) trong liên hoan Trình diễn tại khu 798 Bắc Kinh, 2009. Nghệ sĩ tự nhận mình có cơ thể bệnh tật, nhảy những vũ điệu đón Xuân để mơ ước một sự thay đổi.

Chính sách thứ hai để quản trị nghệ thuật của Trung Quốc là “kỹ trị mềm dẻo” với phương châm phải biến tất cả nghệ thuật thành ngành sản xuất ra được tiền – nằm trong mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển hàng đầu thế giới (trong các mưu kế nhà Tàu sinh ra trong sử sách ngày xưa thì phương pháp này ruột của nó có tên là “cầm tặc tiên cầm vương”, vỏ của nó có tên gọi là “chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài”). Họ mời những nghệ sĩ underground giỏi nhất (kể cả Hoa kiều) về làm quản lý nghệ thuật trong nước, được xã hội chính thức công nhận, rất là danh giá. Ví dụ “bố già” Từ Băng (Xu Bing) quốc tịch ở Mỹ, người làm tác phẩm Thiên Thư (sách trời) ghép những bộ thủ trong tiếng Trung thành 4000 chữ Hán đẹp nhưng không có nghĩa. Tiết mục hai con lợn nhảy nhau là ông ta viết Thiên Thư đó trên lợn (tác phẩm này làm từ năm 1986), và Từ Băng cũng làm con phượng hoàng sắt hàn từ các chi tiết máy công nghiệp mới đây, đã được giới thiệu trên Soi. Từ Băng được mời về làm hiệu phó Học viện Mỹ thuật Trung ương ở Bắc Kinh (nhưng vẫn giữ quốc tịch Mỹ). 

Tác phẩm Thiên Thư của Xu Bing

 Hoặc như nhà điêu khắc Tùy Kiến Quốc, nổi tiếng với loạt tác phẩm mặc áo Tôn Trung Sơn cho tượng cổ điển Hy Lạp (tượng Venus Milo; tượng Lực sĩ ném đĩa) hiện đang làm Trưởng khoa điêu khắc (mới tách thành Học viện điêu khắc riêng) cũng của Học viện trên. 

Tất cả tác phẩm của những nghệ sĩ trên (và nhiều nghệ sĩ được coi là underground khác trong nhiều ngành nghệ thuật khác như điện ảnh) trước năm 1990 đều bị coi là ngoài luồng, là không chính thống. Cũng cần nói thêm là chính sách “kỹ trị mềm dẻo” ấy không chỉ áp dụng cho riêng nghệ thuật mà trên mọi lĩnh vực khác, nhất là khoa học và phát triển kinh tế. Cũng từ chính sách ấy mà giá tác phẩm mỹ thuật Trung Quốc sau đó được đẩy tới hàng triệu USD. 

Các nghệ sĩ Tàu hàng xóm nhà ta được chiêu đãi, trọng dụng, tranh bán giá cao, hết bức xúc phàn nàn, bị chinh phục gần như hoàn hảo bởi “chàng chính trị tài hoa”. Thế nhưng họ cũng không phải là những tay vừa. Do đó mới sinh ra những bức tranh kiểu Phương Lực Quân (Fang Lijun) đầu to mồm ngoác cười mà có nhà phê bình phương Tây gọi là một thứ “Hiện thực Trơ tráo”.

Tranh của Fang Lijun

 

Thật hài thay là dù vậy, nhưng kiểu tranh tự giễu nhại người Trung Hoa hiện đại đến thế mà vẫn bị thương mại hóa, đẩy lên giá ngất trời. Không ít nghệ sĩ học theo cái lối này, kể cả nghệ sĩ tài giỏi bị “nhổ rễ” của nước ta, sang trồng ở Pháp như họa sĩ Trần Trọng Vũ cũng không thoát vòng ảnh hưởng (tư liệu đoạn viết trên đây là tham khảo của họa sĩ Thế Sơn, giảng viên ĐHMT Hà Nội, hiện đang nghiên cứu cao học tại Bắc Kinh). 

Viết đến đây, tôi chợt giả dụ rằng, nếu như các cấp quản lý văn hóa ở ta làm được tương tự vậy, mời một số người có hoạt động nghệ thuật đa tài đang hoạt động underground làm Hiệu trưởng các trường Nghệ thuật, hoặc Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật, hoặc tệ nhất thì làm Trưởng khoa Mỹ thuật đương đại ở trường Mỹ thuật. Thì tình hình sẽ ra răng? 

*

Kỳ sau: Nam trói vs Nữ cởi?

 * 

Bài liên quan: 

Bài 1: Xem trình diễn là xem cái gì?
Bài 2: Thử so ta với Tây, với Tàu
Bài 3: Nam trói vs Nữ cởi
Bài 4: Bài 4: Nghệ thuật trình diễn, phải đối xử với mày thế nào?
Có sống được bằng Nghệ thuật Trình diễn?

Ý kiến - Thảo luận

22:35 Friday,15.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
"Tác phẩm Rite of Spring (Nghi lễ Mùa Xuân) của Lee Wen (Singapore)", Tớ thấy hay hay có phải không Lâm?
...xem tiếp
22:35 Friday,15.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
"Tác phẩm Rite of Spring (Nghi lễ Mùa Xuân) của Lee Wen (Singapore)", Tớ thấy hay hay có phải không Lâm? 
22:30 Sunday,29.8.2010 Đăng bởi:  Lơ Ngơ
Nghệ sỹ Lee Wen này có phái cái ông có lần anh kể bắc thang đứng ngang hàng lãnh tụ không ?
...xem tiếp
22:30 Sunday,29.8.2010 Đăng bởi:  Lơ Ngơ
Nghệ sỹ Lee Wen này có phái cái ông có lần anh kể bắc thang đứng ngang hàng lãnh tụ không ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hợp thể nói về hợp thể

Phan Phương Đông

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả