Trường phái

Điêu khắc đương đại: Làm sao nói về ký ức?
Phần 3, bài 2: ký ức riêng, chung, và cái chết 26. 12. 13 - 6:35 am

Judith Collins - Phạm Long biên dịch. Đào Châu Hải hiệu đính

Tiếp theo Phần 1Phần 2, và bài 1, Phần 3, bài 1

Những bức họa và điêu khắc của Anselm Kiefer liên quan tới những khúc sử thi bi tráng của nước Đức, đặc biệt là vào thời kỳ Quốc xã và xã hội chủ nghĩa.

Trong hội họa của mình, ông sử dụng các chất liệu tự nhiên như bồ hóng, tro và rơm, và từ năm 1985 nhiều tác phẩm điêu khắc của ông, thậm chí cả một số bức tranh – đã kết hợp cả chì, một loại chất liệu nặng nề và cổ xưa, như lối ẩn dụ về sức nặng lịch sử.
 

Anselm Kiefer, “Parsifal cycle”

Được dẫn ra trong khá nhiều sách báo và bài giảng nghệ thuật, các tác phẩm điêu khắc bằng chì đó là những tư liệu nghệ thuật giàu tính thuyết phục kể về những năm tháng vĩ đại mà vẫn rất bí ẩn. Năm 1989, Anselm Kiefer thực hiện tác phẩm điêu khắc có tên là Thiên Thần Của Lịch sử: Hoa Anh Túc Và Ký Ức – Angel of History: Poppy and Memory gồm một chiếc máy bay với cánh và bánh lái đuôi được làm bằng những cuốn sách lợp chì với những thân cây thuốc phiện khô thò ra.

Anselm Kiefer, Thiên Thần Của Lịch sử: Hoa Anh Túc Và Ký Ức. 1989. Chì, kính, cây anh túc. 540 x 500 x 243 cm.

Tiêu đề của tác phẩm Angel of History ám chỉ đến tập thơ cùng tên của Paul Celan (Poppy and Memory) xuất bản năm 1952 có chủ đề về nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust), và Kiefer còn sử dụng ngôn ngữ và hình tượng của Celan trong nhiều tác phẩm khác. Với Celan, những cây hoa anh túc là hình tượng của quên lãng vì trong chúng có thuốc phiện (tại nước Anh, hoa anh túc là biểu tượng của những liệt sĩ trong chiến tranh), và với hoa anh túc, Kiefer muốn nói về sự khuất vắng và cái chết.

Anselm Kiefer, Thiên Thần Của Lịch sử: Hoa Anh Túc Và Ký Ức. 1989. Chi tiết cánh máy bay

Với phong cách tao nhã hơn, có những nghệ sĩ Ý cũng phản ánh các khái niệm lịch sử bằng điêu khắc. Jannis Kounellis sinh ra tại Hy Lạp nhưng đã phải rời quê hương khi tuổi tròn hai mươi đúng thời nội chiến. Ông đã tìm tới thành Rome kiếm kế sinh nhai và sáng tác như một nghệ sĩ Ý thực thụ. Trong các tác phẩm, kể từ năm 1969, ông đã sử dụng mô-típ giá sách chứa đựng các sách vở và vật dụng thâu lượm trong nhiều thời kỳ, và với nhiều cách bài trí khác nhau, chúng như những ẩn dụ về thời gian và lịch sử.

Jannis Kounellis, “Biblioteca Angelica”, cùng với Bizhan Bassiri tại Biblioteca Angelica (Rome)

 

Một tác phẩm của Jannis Kounellis cũng dùng giá sách

Di cư từ Mỹ qua Rome năm 1957 và hiện vẫn sống ở đây, nghệ sĩ Cy Twombly đã sáng tạo nên những “văn bản” phản ánh lịch nước Ý thông qua hội họa và điêu khắc của mình. Ngay từ những năm 1950, ông bắt đầu chế tác các hình tượng lắp ghép giản dị và dễ vỡ từ các phế liệu gỗ và nhiều thứ thu lượm được, rồi phủ lên chúng nước sơn màu trắng. Ông gọi chúng là “đá hoa cương của tôi”, ngầm nhắc đến các tác phẩm điêu khắc cổ điển có thể bắt gặp khắp nơi tại Rome.

Cy Twombly, “In Memory of Alvaro de Campos” 2002

Trên các hình khối trắng toát này là những vần thơ của các thi nhân đã quá vãng được Twombly đề lên, vài người thuộc thời Hy-La, còn lại là các thi sĩ đương thời, chẳng hạn như Rilke (tên đầy đủ: René Karl Wilhelm Johann Josef Maria Rilke, 1875 -1926, thi nhân gốc Áo, trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỉ 20 – ND). Có những tác phẩm của ông trông như những cỗ xe ngựa kéo nhỏ hoặc những con thuyền, cây cối và lá cọ… được trộn lẫn với các mảnh vỡ không rõ tông tích, như thể được khai quật lên từ một cuộc khảo cổ nào đó.

Cy Twombly, “Cặp Nhiệt Độ”, 1991. Thạch cao cốt tre, nỉ, than chì, kim đan, cành hoa nhựa. 137 x 89 x 66 cm. Cy Twombly Gallery, The Menil Collection, Houston, Texas.

Trong ký ức của Damien Hirst lại luôn bị ám ảnh bởi tính “tạm” của cuộc đời và tính “hằng” của cái chết. Tác phẩm nổi tiếng của ông Không Thể Có Cái Chết Xác Thịt Trong Tâm Trí Những Người Đang Sống – The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living đã biến những cảm xúc nhân văn thành thú tính chết chóc – một cỗ máy tàn sát đáng sợ.

Damien Hirst, “The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living,” Cá heo báo, kính, thép, dung dịch phoóc-môn 5%. 213 x 518 x 213 cm

Hầu hết các tác phẩm của Hirst đều liên quan tới người chết, sự tử vong, tôn giáo và ma túy. Vào loại lớn nhất trong số này là tác phẩm sắp đặt đồ sộ choán kín cả không gian của gian nhà với tên gọi Dược Phẩm – Pharmacy bao gồm hàng dãy tủ kính bày các loại thuốc men, các lọ đựng thuốc bào chế chứa đầy những thứ chất lỏng có màu, một chiếc bàn và mấy cái ghế ngồi, một chiếc bẫy điện diệt côn trùng treo thả từ trần nhà.

Damien Hirst, “Pharmacy”, bày lần đầu ở Cohen Gallery, New York, 1992

Với tác phẩm sắp đặt này, ông muốn phản ánh tình trạng lệ thuộc của con người thời nay vào thuốc men như thể một hệ thống tín điều hay tôn giáo mà của đáng tội – đó lại là một hệ thống đầy rẫy sai lầm bởi nó vừa thật cám dỗ song cũng hão huyền làm sao.

Damien Hirst, “Dược Phẩm”, 1992. Các tủ đựng thuốc, bốn lọ dung dịch đã bào chế có màu, máy tính tiền, 3 ghế, 3 bàn, 4 bát đựng tổ ong mật, 4 ghế gác chân, đèn bắt côn trùng. Sắp đặt kín phòng

Ý kiến - Thảo luận

8:06 Thursday,26.12.2013 Đăng bởi:  TNXP
Chết tiệt, hóa da thèng dược sỉ nhà kế bên cũng là nghệ sỉ mà mình hem biết!!! mấy cái tủ thuốc, rồi cái bàn tính tiền rồi 4 cái cân nữa  i chang như hình! hơ hơ 

...xem tiếp
8:06 Thursday,26.12.2013 Đăng bởi:  TNXP
Chết tiệt, hóa da thèng dược sỉ nhà kế bên cũng là nghệ sỉ mà mình hem biết!!! mấy cái tủ thuốc, rồi cái bàn tính tiền rồi 4 cái cân nữa  i chang như hình! hơ hơ 
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả