Văn & Chữ

Đọc “Mùa dưa gang” của Kim Quyên, xem tranh miền Tây Nam bộ 29. 12. 13 - 7:11 am

MỘT NGƯỜI QUEN CŨ

Đỗ Duy

“Thiếu nữ”, sơn dầu của Nguyễn Trung

Ở nhà sách Nguyễn Huệ, mình rà rà qua những cái tên sách trong quầy Văn học Việt Nam, thấy sách đẹp, mà lười giở ra đọc vì thấy những cái tên sách toàn là những thông điệp, nghe có vẻ kêu gào dữ dội, và có phần dữ tợn nữa. Hồi đó bị lừa nhiều rồi nên bây giờ đâm nhác (lẫn hận) mà bỏ qua nhiều cuốn sách hay cũng vì ghét hay sợ cái tựa.

Chợt thấy cái tên Kim Quyên ở một ngăn trên cao, và tên sách Quê ngoại. Giở cuốn sách ra coi hình, coi tiểu sử tác giả thì là người quen.

Cô Quyên ngày xưa rất nổi với truyện “Mùa dưa gang“. Hồi đó, mẹ mình cứ khen đi khen lại. Mình cũng chịu khó đọc hết chữ trong đó, đọc đi đọc lại vẫn không hiểu cô muốn nói cái gì.

Nhưng mình vẫn nói “cái truyện hay”, vì mình rất thích cô.

Đơn giản vì giữa mấy chục ông bà nhà văn nghiêm trang, già cỗi, trong một trại sáng tác văn học Đồng bằng sông Cửu Long mà mẹ mình tham gia, gần như chỉ có cô là bạn với mình.

Cô và mình quấn quít nhau trong hầu hết thời gian ở trại. Đi họp, cô bỏ mình vô lòng, để mình vẽ nhăng vẽ cuội vào cuốn sổ tay của cô. Đi chơi, cô ẵm mình trên hông, hoặc cõng mình trên lưng, vừa hát vừa kể chuyện cô và con cô ở nhà. Thi thoảng cô trốn mấy cái hội thảo của trại, rủ mình đi bẻ bình bát ở mấy bờ ao xung quanh trại. Cô nói với mẹ mình, đáng lẽ cô không nên để con của cô ở nhà để đi dài ngày như vầy…

Bây giờ, cầm cuốn sách mới nhất của cô trên tay, mừng như tình cờ được gặp một người quen cũ ở xa…

Tranh của Nguyễn Ngọc Trãi (Long An)

Sách của cô Quyên thể loại truyện ký. Giở ra thấy vài trang có một tấm hình; hình tác giả mặc áo dài đứng làm duyên trước một cái phông nền rừng lá, các hình khác, nội dung và chú thích là “các cháu ngày đám cưới An”, “ông bà ngoại”, “má và mấy chị em”, “chú Út Sơn”, “ba má và các em”, “cậu mợ năm”. Các tựa truyện là: Nuôi dê, Hương Khóm, Bà Nội, Bà Ngoại, má Bảy, cậu Năm...

Đọc qua vài trang đầu của cái truyện “Nuôi dê“, kể chuyện một bà giáo nghèo dạy văn, được anh học trò dốt văn dạy nuôi dê để kiếm thêm thu nhập, ngoài chuyện thầy trò, những kinh nghiệm thực tế của nghề nuôi dê, thấy còn có số liệu thực tế về tiền kiếm được từ việc nuôi dê của một người nghèo ở Cái Bè – được nói lại bằng một giọng điệu tự nhiên, giản dị, chân thành, lại quá có duyên…

Thiện cảm với cuốn sách quá trời, vì thiện cảm với cô Quyên ngày xưa là một lẽ, và vì đọc cô thấy sao mà nhẹ nhàng, như gặp và nói chuyện với một người bạn hiền, chân thành, tự nhiên (thời gian này mình đang hơi mệt với các thể loại sách và bạn quá “fiction”, múa chữ, múa ý, ngôn từ sắc sảo, nhiều khi nói chuyện vu vơ với nhau thôi mà ý tứ thâm sâu mấy tầng, thấy mệt lắm).

Sau đây là một đoạn trích trong cái truyện Hương khóm: “Tôi phì cười, nói chuyện có duyên mà sao nó cao số dữ vậy không biết. Nó đưa tôi ra Quốc lộ Một đón xe, hồ hởi căn dặn: ‘Tết chị nhớ về quê chơi. Dưới mình bây giờ vui lắm. Họ hàng ai nấy khấm khá hết rồi, chỉ còn mình em nghèo, em phải ráng làm cật lực để cưới tấm chồng đội trên đầu trên cổ với người ta’. Nó cười khúc khích, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt còn nét ngây thơ của thời trẻ trung…”

À, ở trại sáng tác văn học Đồng bằng sông Cửu Long năm nào mình còn nhớ có cô Thu Trang, cũng ở Tiền Giang, nhà văn trẻ trung xinh đẹp nhất trại. Cô có một giai thoại vẫn được các cô chú nhà văn ở Đồng bằng sông Cửu Long nhắc hoài là có lần cô vừa cười khúc khích, vừa che miệng, bẽn lẽn nói với một bác nhà văn, khi đó là người được mời đi giảng bài, nói chuyện với các nhà văn khác: “Chú chú, chú dê con quài, chú tin con lột guốc đập chú hong? hahaha“.


*

SOI: Bây giờ, mời các bạn xem một số tranh của các họa sĩ miền Tây Nam Bộ (hoặc vẽ về miền Tây Nam Bộ), sau đó, các bạn đọc tiếp truyện “Mùa Dưa Gang” – có thể cũng như Soi, bạn sẽ không thích lắm vì thấy nó quá mộc mạc; nhưng nói về một vùng đất mộc mạc, những con người mộc mạc, những cây trái mộc mạc, mà dùng loại văn cầu kỳ hay điệu đà… không rõ ta có còn thấy được hiển hiện một mùa dưa gang như thế này không?

“Nữ pháo binh Long An”, tranh của Trang Phượng

 

“Bóng nắng” của Hồ Văn Hưng (một họa sĩ Nghệ An nhưng lại có nhiều tranh về miền Tây)

 

Sơn dầu của Dương Sen (một họa sĩ vốn chuyên về sơn mài)

 

Tranh của Dương Sen

 

Tranh của Phù Nam (Vĩnh Long)

 

Tranh của Hồ Văn Hưng

 

“Hương sắc miền Tây”, sơn dầu của Phúc Anh (Tiền Giang)

*

MÙA DƯA GANG

Truyện ngắn của Kim Quyên

Hôm tôi dọn về miếng đất này thì thằng chả đứng ở bờ mẫu bên kia chắp tay sau đít nhìn qua. Thấy tôi đang đốn quày chuối trên bờ gò, thằng chả thả lại gần, hỏi :

– Cô mới sang miếng ruộng nầy phải không?

– Dà. Tôi ngưng tay, nhìn thằng chả hỏi xã giao – Anh ở gần đây à?

– Tôi ở xích trong nầy một chút. Cô ở đâu về sang đất đây?

– Dạ tôi ở thành phố.

– Ai chỉ mà cô biết về đây mua vậy?

– Dạ… thì cũng bạn bè.

– Cô mua bao nhiêu?

Tôi bắt đầu bực mình vì cái lối hỏi tra tấn, đáp cộc lốc:

– Một cây hai.

– Hơi mắc đó! Đáng lẽ một cây thôi, ruộng này gò lắm, tới mùa nắng rồi cô thấy, gian nan lắm cô ơi! Miếng ruộng này trước đây của tôi, sau bán lại cho ông chú, ổng
làm không khá nên bán lại cho cô đó.

– Vậy à?

Tôi lo lắng nhìn thằng chả. Mới chân ướt chân ráo về đây, mua được miếng đất chưa hết mừng, bây giờ nghe nói vậy ai lại yên tâm cho được. Nổi lo làm tôi ân cần hỏi tới:

– Vậy lúc anh làm có khá không?

– Nếu chịu cực chịu khổ thì cũng được cô à. Ờ… với lại phải biết tính toán nữa…

Tính toán như thế nào? Một cô giáo chưa từng biết cầm cái cày cái cuốc mà dám đi mua miếng đất gò, hỏi có ai gan cùng mình như tôi chưa? Rồi đây tôi phải đánh vật ra sao với miếng đất để bắt nó cho thành quả mà nuôi đám con khôn lớn với đời. Tôi nhìn ra khoảng đất khô cằn, nứt nẻ dưới trời nắng chang chang mà bụng dạ rối bời, lặng yên, không hỏi thêm lời nào nữa…

Sau vài lần chuyện trò qua lại, tôi biết thằng chả trước đây là bộ đội đặc công của Quân khu 9, bây giờ đã phục viên. Tuy không rành về đặc công nhưng tôi biết đây là loại lính vào sinh ra tử, dám làm dám chịu, vai u thịt bắp mà sao tướng thằng chả giống thầy giáo hay dân tuyên huấn chớ không có nét gì là đặc công cả.

Ối! Mà đặc công hay thầy giáo gì cũng kệ thằng chả. Lo là lo miếng ruộng của tôi, miếng ruộng nầy phải do một người có kinh nghiệm, chịu thương, chịu khó như thằng chả may ra mới trồng trọt được.

Trằn trọc nhiều đêm, tôi quyết định rủ thằng chả hợp tác làm lụng trong thời gian đầu, khi nào quen nước quen cái thì tính sau chớ tình thế gay go như vầy biết nương tựa vào đâu, không lẻ đất mua rồi để bỏ hoang.

Không ngờ ý kiến vừa đưa ra, được thằng chả chấp thuận liền.

* *

Sau khi bàn tính, chúng tôi quyết định trồng dưa gang vì ra giêng, nước ở con kinh kế bên sẽ khô kiệt, không còn một giọt “làm thuốc” nói gì đến chuyện trồng trọt. Con kinh nầy chỉ có nước trong sáu tháng mùa mưa, còn mùa khô thì “phơi bụng”, lòng kinh nứt nẻ, con nít chạy qua, chạy lại đá banh được, việc trồng trọt, chăn nuôi coi như bị đình trệ. Vậy mới biết ở gần sông Tiền, nằm giữa kho lúa miền Nam vẫn có nhiều nơi thiên nhiên khắc nghiệt như thường.

Trồng dưa gang vừa tốn ít vốn, ít công, tới lúc dưa chín, không có nước, có thể “thả” vài ngày. Nếu hai công ruộng của tôi đào được sáu trăm lỗ, mỗi lỗ hai dây, mỗi dây mười trái, mỗi trái hai ngàn đồng, cứ vậy tính tới thì tôi kiếm đựơc bạc triệu như chơi. Càng tính, tôi càng quyết tâm trồng hùn với thằng chả.

Tôi lo hột giống, còn thằng chả mua tro. Nêu cao phương châm “tăng xin, giảm mua”, tôi đi quơ quào khắp nơi tìm hột giống tốt. Loại dưa sáp, da vàng hượm như nghệ chớ loại da xanh, ruột bột ăn chẳng ra làm sao, bán chác rẻ rề, ít ai mua. Hột giống phải là hột cũ vài ba tháng chớ hột mới quá hoặc cũ quá cũng không được.

Sau khi sưu tầm ở các nhà trồng dưa gang chuyên nghiệp trong xóm, tôi kiếm được khoảng ba trăm gam hột tốt. Vậy là chắc ăn rồi.Thằng chả cũng mua được mười giạ tro trấu. Phần đào lỗ thì thằng chả, gieo hột giống phần tôi. Cả hai quyết định ngày mùng ba Tết xuất hành.

Nhưng không hiểu sao, mới chiều mùng Một đã thấy thằng chả mặc cái áo thun lủng lỗ, cái quần lở lứa, đội chiếc nón trần te tua, vai vác vá từ phía sau vườn nhà tôi đi tới.

Đang lui cui nấu nướng để cúng ông bà bữa chiều, thấy thằng chả tới, tôi ngạc nhiên :

– Sao anh nói bữa mùng Ba mờ… bữa nay anh đi làm?

– Ở nhà một mình buồn quá cô ơi! Đi làm cho khuây khỏa… Thằng chả mỉm cười nhìn tôi, hỏi: Cô ăn Tết có lớn không?

– Ối! Có ai đâu mà lớn. Vài con gà con vịt, cái gì cũng có với người ta, mấy đứa nhỏ tôi theo ba nó về nội hết rồi.

– Vậy à? Ờ. Cô bầu hột chưa?

– Rồi. Anh ra coi, lên mầm đều lắm. Đào lỗ xong là đặt.

Không nói không rằng, thằng chả đi ra phía sau vườn, ngồi xuống săm soi mấy bầu dưa đang lúp xúp mầm xanh, nói vọng vào:

– Mùng Sáu xuống giống được rồi. Hột tốt, lên đều quá chớ. Thôi! Để tôi đi đào cho kịp!

– Tôi nói với theo:

– Lát anh vô ăn cơm với tôi một bữa nghen.

Không nghe tiếng trả lời, có lẻ thằng chả đi rồi. Dọn cơm lên bàn thờ, tôi thầm nghĩ:

– Thằng cha nầy thiệt kỳ đời. Tết nhứt không lo ăn, một năm chỉ có mấy ngày, bộ chết tới nơi rồi hay sao mà gấp dữ vậy. Vợ con không có, cha mẹ chết hết, chỉ một thân một mình mà lo chi cho già sớm vậy không biết. Ở đời nghĩ cũng lạ, có người chỉ biết lo làm mà không biết cách ăn xài cho đúng điệu. Còn có người thì không thích làm mà chỉ khoái lấy của người khác để ăn chơi. Hai loại người trên, người nào tôi cũng không thích. Phải có khi làm cật lực rồi cũng có khi vui chơi thoải mái, làm cho làm, ăn cho ra ăn, đừng ba mứa tôi không ưa.

Ba ngày Tết là ba ngày ăn mà thằng chả không ăn, lo đi làm, thiệt là lạ đời. Ơi! Mà thôi. Chuyện của người ta, hơi sức đâu để ý, trồng sớm có dưa sớm, có tiền sớm, lo gì.

Cúng kiến xong xuôi, tôi mượn chú Năm (ông chú họ ở phụ làm vườn) ra mời thằng chả. Đợi hoài không thấy, hai chú cháu đành nhập tiệc.

Ăn uống no nê, rửa ráy chén bát xong xuôi thì sụp tối. Tôi bước ra sau ruộng, chẳng thấy thằng chả đâu, chắc thả về nhà rồi.

Mới một buổi chiều mà thằng chả đào gần nửa đám ruộng, hàng nào hàng nấy ngay văng, mỗi hàng hăm bốn lỗ, tất cả là mười hai hàng. Đà này chắc chừng hai bữa nữa xong.

Thằng chả nói đào như vầy cho nhanh, khỏi lên mô lên miếc gì cả, chỉ cần mở rãnh ở hai đầu để chứa nước, cứ cầm hai cái thùng đi qua ria một vòng, đi lại ria một vòng, không cần đào mương xẻ rãnh làm chi vì còn phải lấp đất lại để mùa mưa làm ruộng. Xưa nay tôi có trồng trọt gì đâu mà biết, còn thằng chả chẳng biết có kham không chớ thấy tướng tá hơi công tử tôi cũng không được vững bụng lắm.

Sáng mùng Sáu xuống giống. Thằng chả đi trước, bỏ tro vào lỗ, tôi đi sau tra cây giống. Những thân cây nhỏ xíu non tơ ló lên giữa đám tro đen xốp. Trên đám lá nỏn, lấp lánh những giọt nước mát lành, hứa hẹn sẽ là những thân dưa tròn trịa tốt tươi.

Tra cây một buổi là xong. Phân tro vừa đủ. Cây giống còn dư, thằng chả bảo để dành dậm những cây chết. Cả đám ruộng bây giờ nhìn kỹ thấy đây đó điểm li ti những chiếc lá xanh.

Ngày hai lần, thằng chả tưới cử sáng, tôi cử chiều, hôm nào tôi bận họp hội thằng chả gánh luôn nguyên ngày.

Những dây dưa mập mạp, tươi tốt lớn nhanh như thổi. Qua một đêm, sáng ngày thấy nó đã khác. Đám lá xanh mơn mởn bung ra bít cả lối đi. Mới hơn nửa tháng mà những cái bông vàng tươi trổ ra ở khắp các nách lá. Cuối đài hoa là những trái dưa gang non bằng đầu mút đủa ló ra. Vậy là tiền bạc cũng bắt đầu ló dạng trên những điểm xanh dó, và tôi cũng bắt đầu hăng say trong việc tưới tiêu hàng ngày. Phân urê với hợp chất được tăng cường đều hơn.

Khi trái dưa gang lớn bằng cườm tay, tới kỳ vun gốc đợt hai, thằng chả bổng nhiên biệt dạng, bỏ một mình tôi tất bật tưới tắm cả ngày, mồ hôi nhễ nhại hòa lẫn với nước mắt đổ xuống đất dưới nắng hè chang chang. Thật là bực mình hết sức! Tự nhiên dưa đang lớn thấy ham mà bỏ mình tôi không nói một tiếng. Làm ăn với mấy thằng cha bị vợ bỏ nầy sao “cà giựt” quá. Sáng mai, thế nào tôi cũng đi tìm coi thằng cha nầy mắc chuyện gì mà gảy gánh nữa đường như vầy?

Chiều nay, khi đang mệt nhoài với hai cái thùng tưới thì thấy thằng chả lơn tơn trên bờ ruộng tiến về phía tôi. Cũng cái áo lủng lỗ, cái quần lở lứa, đầu không nón, mặt mày bí xị, xanh lét, hai con mắt sâu hóm nhìn tôi buồn bã phân trần:

–    Cô giáo đừng buồn tôi. Mấy bữa rày, tôi bị sốt rét trở lại, lúc ở miền Đông trị hết rồi mà sao bây giờ tái phát…

–    Làm như đang chăm chú tưới, tôi hỏi lơ là:

–    Bữa nay anh thiệt hết chưa? Sao không báo cho tôi hay?

–    Ở nhà có ai đâu để sai bảo. Tôi tính nhờ hàng xóm mà dậy không nổi.

–    Sao anh không kiếm bà xã khác, ở một mình khổ thấy ghê hôn?

Bỗng nhiên quên cả giận, tôi hỏi một câu không định trước. Thằng chả bật cười. Hình như lần đầu tiên tôi thấy thằng chả cười, nụ cười chân chất, dịu dàng, dường như có chiếc răng khểnh nơi khóe miệng.

– Chắc cô giáo chưa biết rõ cuộc đời tôi. Hôm nào rảnh, tôi kể cô giáo nghe, tôi chán đàn bà lắm cô giáo ơi, nói cô đừng buồn…

– Phải rồi, đàn bà thì anh chán, chớ con gái anh có chán không?

Tự nhiên tôi lại nói đùa với thằng chả, thiệt vô ý vô tứ hết sức. Ối! Mà hơi sức đâu để ý tới thằng cha “tám ngón” đó. Nghe nói mấy năm đi đánh giặc, thằng chả bị miểng rốc kết xén mất hai ngón tay, thương binh loại hai, ba gì đó. Vậy mà đào cuốc vẫn bình thường, còn giỏi hơn người mười ngón nữa là khác. Người như vậy mà mấy năm không được tin tức của chồng, bà vợ đi lấy một tay sĩ quan Hải quân, bây giờ ở đâu bên Mỹ hay Úc gì đó, đem theo đứa con của thằng chả. Chắc vậy nên lúc nào mặt mày cũng buồn hiu. Ai biểu si tình tầm bậy. Dám sống chết với giặc mà đi thua đàn bà. Tướng tá coi cũng phương phi mà chán phụ nữ, chán thì cho chết khô chết héo luôn, sức đâu mà lo.

– Bữa nay anh thiệt hết chưa? Tôi lặp lại câu hỏi.

– Chưa dứt nhưng mai tôi ra phụ với cô. Hổm rày cô làm mệt đừng buồn tôi nghen.

Tôi nhìn thằng chả, mỉm cười chỉ đám dưa, nói:

– Ngày mai tôi với anh hái dưa đèo đi bán. Cắt bớt đặng dưỡng đám kia chớ để như vậy không được đâu.

– Ai bày mà cô biết vậy, cô đi hỏi giá chưa?

– Rồi. Có một ngàn đồng một ki lô hà.

– Được đó. Lúc trước có năm trăm đồng, chở một xe ba bánh bán được hai chục ngàn, thấy nuổng lắm cô ơi. Cái thứ nhà vườn nầy đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có đồng
tiền, làm ăn lương thiện bao giờ cũng cực khổ hơn lương lẹo…hà..hà…

Thằng chả lại cười. Vậy là bữa nay tôi mua giấy số được rồi, điềm hên hiện rõ ràng trước mắt.

– Thôi. Tôi về nghen cô giáo, mai tôi ra.

– Nếu anh chưa thiệt hết thì ở nhà vài bữa nữa đi.

– Bỏ một mình cô làm sao xuể. Ờ… mà nè! Mai tôi ra cắt dưa cho cô đem bán chớ tôi không đi đâu. Ai đời đàn ông con trai đi bán dưa đèo coi gì được, mà phải nhiều nhỏi gì cho cam. Cô cứ bán đi, có bao nhiêu thì cất đó.

– Ý đâu được! Tôi hùn với anh mà tôi đi bán một mình anh nghi ngờ rồi sao?

Thằng chả nhìn tôi cười cười:

– Tôi không nghi ngờ gì cô đâu. Cô giáo mà ai dám nghi ngờ.

– Thôi anh ơi! Bây giờ nói vậy chớ sau nầy mích lòng lắm anh ơi!

– Cô sợ vậy thì dể ợt chớ có gì đâu. Mai mượn cân mình cân trước ở nhà, cứ bao nhiêu ký là tính tới có gì khó.

Tôi bực mình, gắt:

– Nhưng tôi không quen buôn bán, anh phải đi với tôi!

Thằng chả nheo nheo cặp mắt như con gái, nhìn tôi:

– Thì tập lần đi! Mai mốt còn đi bán nhiều thứ nữa.Cái gì mới không quen, tập riết rồi quen. Ở đời hễ người ta làm được thì mình làm được, đừng sợ khó. Cô có đất đai mà không tập bán sản phẩm rồi làm sao? Của mình trồng mình bán, phải chôm chỉa của ai sao cô sợ?

Thằng chả gãi gãi đầu – Thôi tôi về à…

Thấy tôi làm thinh, thằng chả quay lưng đi. Cái dáng cao cao gầy gầy khuất sau hàng bông bụp ở cuối ruộng. Tôi cầm thùng tưới vô nhà, lòng bực bội vì cái thằng cha kỳ cục. Nghĩ tới ngày mai phải điều động xe dưa đi bán một mình tôi vừa lo, vừa giận thằng chả tím gan.

Khi nước thật sự khô kiệt thì dưa bắt đầu chín rộ. Thật may phước! Những trái dưa to khoảng ba, bốn ki lô, da vàng hượm nằm phơi mình dưới nắng như những bầy heo con đang chạy sữa. Mùi dưa chín thơm phức cả một khoãng trời. Tôi, chú Năm và thằng chả túc trực ngày đêm. Đêm, chú Năm ngủ giữ dưa, ngày tôi với thằng chả lót rơm, tưới tắm cho dưa.

Tôi kêu bạn hàng tới cân dưa thì thằng chả lại mất tăm. Đợi hai ba ngày không thấy, tôi sốt ruột quá, không biết chuyện gì nữa đây? Chắc sốt rét trở lại rồi. Thiệt khổ! Làm ăn với mấy thằng cha sốt rét sao có cơn quá, mạnh thì làm, lên cơn thì nghỉ. Bực mình muốn chết đi được. Chiều nay phải chay vô nhà thằng chả coi sự thể ra sao?

*
Căn nhà ngói ba gian, cửa lá sách sơn xanh nằm quạnh quẻ trong khu vườn nhãn um tùm. Hương nhãn chín bay ngào ngạt, đây đó mương rãnh thẳng tấp, thấy mà mát mắt.

– Anh Tịnh ơi! Anh Tịnh!

– …

– Anh Tịnh ơi!

Không ai trả lời. Nhìn quanh quất, chợt thấy cái ống khóa to tướng ôm chặt hai cái khoen, tôi đâm lo thật sự. Thằng chả đi đâu? Hay là vào bệnh viện? Nhà không có đàn bà thấy khổ ghê chưa? Vậy mà nói chán đàn bà, chán thì cho rục xương luôn.

Tôi lật đật bước qua nhà kế bên, bước vào sân, rụt rè hỏi bà cụ đang chẻ củi:

– Bác ơi! Anh Tịnh đi đâu bác có biết không?

Nheo nheo mắt nhìn tôi, bà cụ nhổ bã trầu rồi đon đả:

– Phải cháu làm “thầy giáo” hôn?

– Dạ. Anh Tịnh đi đâu rồi bác?

– Ờ. Nó đi… đi vụ gì nè. Ờ. Đi khẩn hoang trên Đồng Tháp mấy ngày nay. Nó biểu đưa bây cái giấy. Để tao lấy. Ối! Cái thằng…

Bà cụ lăng xăng đi vào nhà, giở lư hương lấy cái thư đem ra đưa cho tôi.

– Nè! Bây đọc coi nó nói gì ở trỏng? Nó đưa đó chớ tao có đọc được đâu. Cái thằng, một thân một mình, không ai kèm cặp, nó đi lông bông hoài cháu ơi! Tội nghiệp… Bà thở ra rồi ngồi xuống tiếp tục chẻ củi.

Tôi mở thư, đọc nhanh mấy hàng chữ to, rộng bản:

Thân gởi cô giáo,

Tôi đi bất ngờ không báo cô hay kịp. Tôi lên Đồng Tháp khẩn năm mẫu đất trồng khoai mỡ. Tiền thu hoạch dưa gang cô để dành nuôi mấy cháu. Tôi biết cô và ông xã thôi nhau lâu rồi nhưng mỗi lần nói chuyện với tôi cô ưa nhắc ổng để chận đầu tôi, nhưng tôi đâu phải loại người lang bang mà cô giữ ý như vậy. Cô đừng nghĩ quấy quá mà tội nghiệp tôi. Muốn hiểu rõ tôi cô nên hỏi thăm bà cụ nầy, bà là má nuôi của tôi đó.

Bây giờ tôi không có vợ con, nhưng tôi phải làm giàu bằng chính sức lực của mình. Mình phải giàu mới được cô giáo. Chớ mình èo uột thì mình khổ, nhà nước mắc công lo, mình giàu mà đừng lươn lẹo của ai là tốt rồi.

Rồi đây tôi cũng phải cưới vợ. Vợ con tôi phải sống đàng hoàng chớ nghêu ngao tôi đâu chịu nổi. Có lẽ một tuần nữa tôi về. Khi nào về tôi ghé cô. Cô nhớ để dành hai trái dưa giống, mùa tới phải làm sớm hơn mùa nầy mới được, làm không kịp nước thì thất bại. Làm ăn phải biết tính mới có ăn, tăm tăm mù mù như đêm ba mươi làm hoài tới già cũng đói.

Ít hàng cô rõ. Chúc cô vui, khỏe.

Tôi

Tịnh

Tôi xếp lá thư, nắm chặt trong tay. Bà cụ đã bỏ ra nhà sau. Tôi định ra chào bà thì thấy bà cầm bịch nhãn đi lên.

– Nè con! Nó dặn tao bẻ nhãn cho con bây, nhãn nó năm nay trúng dữ lắm. Chắc vài bữa nó về coi bán chác ra sao chớ tao làm gì nổi. Cái thằng,sao nó lo bao đồng quá, không có ai ăn mà nó làm tứ văng thấy phát ớn. Nè! Cầm đi con. Còn nhiều lắm, đừng lo. Không ăn để trộm ăn cũng vậy hà.

Tôi cầm bịch nhãn, chào bà cụ ra về, lòng bâng khuâng quá đổi. Vậy mà bấy lâu nay mình cư xử không tốt với người ta. Trên đời, đâu phải hết người tốt như mình tưởng. Biết làm sao đền ơn anh được. À! Hay là… Chừng nào anh cưới vợ mình sẽ mua món quà xứng đáng… Mà sao lạ … Nghĩ tới lúc người đàn ông xa lắc xa lơ kia có vợ, tim tôi chợt nhói lên.

Bóc vỏ trái nhãn bỏ vào miệng, tôi nghe như chất ngọt lắng xuống tận trái tim. Mùa dưa gang nầy tôi kiếm chác hơn chục triệu. Đối với cô giáo như tôi, một chục triệu là lớn lắm rồi. Tôi sẽ làm được nhiều việc với số tiền đó. Tôi sẽ mua năm, ba con heo, vài trăm con gà, còn thả cá nữa chớ, rau cải thì trồng đã đủ ăn, ngoài đồng có lúa.Ôi! Chỉ có bao nhiêu đó mà đổi được cuộc đời.

Tôi biết lấy gì đền ơn anh, Tịnh ơi!

Ý kiến - Thảo luận

14:02 Sunday,29.12.2013 Đăng bởi:  candid
Truyện ngắn này trước em có đọc, giờ mới biết thêm về tác giả.

...xem tiếp
14:02 Sunday,29.12.2013 Đăng bởi:  candid
Truyện ngắn này trước em có đọc, giờ mới biết thêm về tác giả.
 
13:59 Sunday,29.12.2013 Đăng bởi:  IQ ABC
Truyện ngắn này hay thật, đọc đậm chất miền Tây, lại mộc mạc nữa chớ.

...xem tiếp
13:59 Sunday,29.12.2013 Đăng bởi:  IQ ABC
Truyện ngắn này hay thật, đọc đậm chất miền Tây, lại mộc mạc nữa chớ.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả