Thị trường

Học được gì từ một triển lãm của Trung Quốc, tại Armory? 12. 03. 14 - 7:00 pm

Phạm Phong phỏng dịch

Chen Haiyan, “Rooster No. 1 (2011), màu và mực trên bảng gỗ 185 x 183 cm, 2011

Alexandre Errera chia sẻ một vài suy nghĩ về show Focus: China tại hội chợ Armory năm nay. Errera là người gắn bó với nghệ thuật đương đại Trung Quốc, là người sáng lập và CEO của artshare.com, một trang mạng chuyên dành cho triển lãm và buôn bán tác phẩm mỹ thuật đương đại Trung Quốc.

*

Rất nhiều kỳ vọng dành cho show “Armory Focus: China”. Trước đó, hai triển lãm: “Ink Art: Past as Present” (Nghệ thuật mực Tàu: quá khứ và hiện tại, đang diễn ra tại Metropolitan) cùng một show khác của 28 nghệ sĩ trẻ Trung Quốc (diễn ra ở Miami), đã cho công chúng Mỹ một dịp hiếm hoi có cái nhìn tổng quan về nghệ thuật mới tại Trung Quốc.

Li Shurui, “Proud Italy (chi tiết – 2013), acrylic trên canvas, kích thước thay đổi


Nhưng lần này, tại Armory, chương trình chủ điểm “Armory Focus: China” mới thực sự là cuộc thử lửa. 70 gallery và 30 nghệ sĩ được bày trong một khu vực do Tinari – vị giám đốc nhiều ảnh hưởng của UCCA (Trung tâm nghệ thuật đương đại của nhà Ullens)– làm giám tuyển. Quả là một cuộc ra mắt hoành tráng, mặc dầu không ít khách khi bước ra ngoài mà mặt hầm hầm.

Chen Haiyan, “Drowsy 朦胧” (2009), In khắc gỗ 162 x 102 cm

Đặc biệt thú vị là việc chọn các gallery tham gia, trong đó có nhiều đơn vị chưa từng triển lãm ở nước ngoài. Thực là can đảm (và thực bõ công) khi bưng những tay lính mới đó đến New York – “hang ổ” của những tay nhà buôn sừng sỏ nhất thế giới. Việc tuyển chọn có vẻ đã được diễn ra rất chu đáo, cẩn thận, chứ không phải chỉ những gallery quan trọng nhất của Trung Quốc mà vua đã biết mặt chúa đã biết tên; và rõ ràng người chọn đã rất tập trung vào các nghệ sĩ đương đại lứa 1970s – ’80s, khiến cho những khách tham quan nào đến với những kỳ vọng thông thường – muốn được xem Zeng Fanzhi và các ngôi sao đấu giá khác chẳng hạn – sẽ cảm giác mình gõ nhầm cửa.

Liang Shuo, “Fit No.8” (2014), chất liệu hỗn hợp, 303 x 144 x 303cm

Focus: China” là dành cho các nghệ sĩ hậu-Cách mạng Văn hóa, duy chỉ có một ngoại lệ: gallery 10 Chancery Lane có trụ sở ở Hong Kong, chọn bày một số nghệ sĩ đương đại hàng đầu của Trung Quốc (và có trải qua Cách mạng Văn hóa), như Huang Rui (sinh năm 1952) và Wang Keping (sinh năm 1949).

Các gian triển lãm nhỏ, nếu không nói là quá nhỏ, và đó là khuyết điểm to nhất của show này. Vẫn biết các nghệ sĩ Trung Hoa thường diễn tả mình tốt hơn trong khổ lớn, nhưng các gallery chẳng có lựa chọn nào hơn là mang đến đây những thứ be bé. (Dĩ nhiên vẫn còn vài thứ to to, thí dụ bức tranh mê lộ của Xu Qu tại gian của gallery Tang Contemporary, điêu khắc của Zhao Zhao tại gian của Chambers Fine Art, và sắp đặt của Xu Zhen đặt ngay giữa nhà.)

Zhao Zhao, “Fragments” (2013), thép 200 x 300 x 8 cm

 

Xu Zhen, “Play-Expectation” (2013), sắp đặt với da thật và da giả, bọt biển, các phụ kiện của BDSM, kim loại, gỗ, 80 x 80 x 259 cm

Đối lập với các gallery khác, loại “trẻ và ăn chơi” trong hội chợ, chỉ bày chừng một tới hai bức (nhưng ấn tượng), để làm dấy lên sự quan tâm về số lượng có hạn, các gallery của Trung Quốc hầu hết bày rất nhiều tác phẩm, đến nỗi gallery Platform China đã phải có sáng kiến: chia gian của họ ra làm hai, một phần để bày bộ sưu tập lưu cữu, phần còn lại “xoay tua” thay đổi các tác phẩm mỗi ngày.

Gabriel Leung, “Future Archive for Future-past no.2” (2014), in phun, 56.5 x 41 cm thành 5 bản, có khung

Nhưng điều khiến người xem giận nhất là tác phẩm nhiều thế nhưng nhiều nghệ sĩ thuộc thế hệ mới, vào loại nổi tiếng nhất, lại vắng mặt. Và gọi là “focus” (tập trung), nhưng chủ yếu toàn tranh, rất ít sắp đặt và video. Biết là thất vọng đấy, nhưng mà cũng khó tránh được, hội chợ mà.

Lu Pingyuan. “Where is grandma?” (2014), Video

Nhưng một câu hỏi rất giản dị hiện lên trong đầu người xem: các nhà sưu tập Mỹ phản ứng ra sao với show này? Với nhiều người trong số họ, “Focus: China” là lần hạnh ngộ đầu tiên với những nghệ sĩ họ chưa từng nghe nói tới. Một cách để đo lường phản ứng của họ chính là doanh số, và kết quả được thông báo là “rất tốt”. Một số gallery bán hết sạch, rất nhanh (có lẽ nhờ một số đã bán từ trước!), một số “đẹp dần lên trong mắt người mua” sau mấy ngày hội chợ. Hầu hết các gallery Trung Quốc đều hỉ hả, không tỏ vẻ tiếc món tiền to đã bỏ ra để tham dự. Một số gallery còn nói, thực ra giá họ bán ra ở đây còn rẻ hơn giá bán ở quê nhà. Nghe thế đủ hiểu cái khao khát của các nghệ sĩ Tàu muốn có vài nhà sưu tập Mỹ chống lưng ra sao.

Liang Shuo, “Fit No.8” (2014), chất liệu hỗn hợp, 303 x 144 x 303cm

Cái từ mà người ta nghe các nhà sưu tập Mỹ nói ra nhiều nhất khi xem show này là “ngạc nhiên”. Họ không ngờ thế hệ mới của các nghệ sĩ Trung Quốc lại khác với các nghệ sĩ đương đại mà họ đã quen trên sàn đấu giá đến thế. Triển lãm lúc nào cũng đông nghẹt người, và đó có lẽ là dấu chỉ chính xác nhất về sự quan tâm của người Mỹ đối với nghệ thuật Tàu; chính xác hơn là doanh thu. Xét cho cùng, mục đích tối hậu là gây được sự tò mò và quan tâm của “đối phương”.

Qin Qi, “Bearer of good news” (2013), sơn dầu trên canvas, 100 x 100 cm

Mặc dầu những thứ được bày tại triển lãm này chỉ đại diện cho một phân khúc của những tài năng mới Trung Quốc, nhưng triển lãm đã thành công khi làm cho các nhà sưu tập Mỹ nhận ra không chỉ các nghệ sĩ, mà cả một hơi thở đương đại của thị trường này. Đi kèm triển lãm là một cuộc hội thảo, đặt ra một câu hỏi về vấn đề này. Đó là: liệu mối quan tâm mà “Focus: China” đã tạo ra được có phai nhạt đi (trong lòng Mỹ) hay không?

Nhạt đi hay không, điều đó phụ thuôc nhiều vào việc các gallery có bền bỉ theo đuổi cái nỗ lực ban đầu không, và các nghệ sĩ trẻ Trung Quốc sẽ tham dự các hội chợ khác thế nào. Art Basel Hong Kong sắp tới rồi, 14 tháng Năm, thì cũng là dịp để thử thách và quan sát kỹ, tiếp tục…

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả