Nhiếp ảnh

Benedict J. Fernandez chụp ảnh biểu tình như thế nào? 23. 05. 14 - 8:19 am

Pha Lê

Siiri Fernandez miêu tả chồng bà – nhiếp ảnh gia Benedict J. Fernandez (sinh năm 1936)  – rằng ông thuộc týp người thích giao tiếp qua ảnh mình chụp. “Trong buổi hẹn hò đầu tiên của chúng tôi, ông ấy đem theo chiếc máy chiếu projector và một khay đựng các bức ảnh chụp cầu Brooklyn vào buổi tối”.

Ông Fernandez đang mang giày cho con gái

Siiri và Ben cưới nhau vào năm 1957. Lúc đầu, Fernandez coi nhiếp ảnh như một thú vui, nhưng không lâu sau nó trở thành kế sinh nhai của ông sau khi công ty Tàu Brooklyn nơi Fernandez đang làm cắt giảm ngân sách, ông mất việc trong tình cảnh phải chăm sóc vợ và hai con nhỏ. Đến giờ, Fernandez vẫn nhớ ơn nhà biên tập ảnh  cho tờ New York Times – bà Ursula Mahoney – vì đã giao việc cho ông và ủng hộ cách nhìn nhận sự đời của ông. Dần dà Fernandez nhận nhiều việc hơn và còn bắt đầu tự tìm kiếm câu chuyện cho riêng mình; cuối cùng, ông thấy rằng mình thích chụp các cuộc biểu tình và tập trung vào thể loại ảnh này.

Em bé trong đoàn biểu tình về nạn phân biệt chủng tộc sau khi Martin Luther King bị ám sát, Fernandez, 1968

“Ông ấy bắt dầu chụp ảnh biểu tình trước cả khi biểu tình diễn ra”, Siiri giải thích về tính tò mò của chồng bà. “Ông chỉ cần nghe thấy rằng việc gì đó đang nhen nhóm là cầm máy ảnh đi ngay, dù đó là biểu tình của phe nào đi chăng nữa…”

Cuộc biểu tình của những người… ủng hộ chiến tranh Việt Nam ở Mỹ, nhìn mấy người này dữ dằn quá thể, Fernandez, 1964.

Fernandez chụp những pô ảnh nổi tiếng nhất trong giai đoạn những năm 1960s, khi các cuộc đấu tranh nhân quyền diễn ra rất mạnh mẽ ỡ Mỹ. Lúc ấy, Fernandez cũng trở thành bạn của nhà đấu tranh nhân quyền Martin Luther King, ông còn ghi lại một số giây phút riêng tư của King cùng gia đình. Hiện tại, các tác phẩm Fernandez chụp thời những năm 1960s này đang trưng bày tại triển lãm “The 60s: Decade of change” (Thập niên 60: Thập niên của sự thay đổi) ở Bronx Documentary Center.

Tình yêu nhiếp ảnh của Fernandez đã khiến ông sáng lập nên xưởng đào tạo Photo Film Workshop (nằm tại tầng hầm của Nhà hát Công cộng thành phố), với mục đích giáo dục trẻ con thành thị về nghệ thuật nhiếp ảnh.

“Nếu bạn có mong muốn khẳng định điều gì qua nhiếp ảnh… hãy đi ra ngoài và bắt đầu chụp theo cách nhìn của bạn. Bạn càng thấy rõ cách nhìn cá nhân của mình trong ảnh thì càng tốt”, ông từng nói. “Chúng ta không cần phải bắt chước, chúng ta cần cách nhìn riêng của từng cá nhân. Đó là điều tôi muốn truyền dạy.”

Hãy cùng nghiên cứu cách Fernandez chụp biểu tình nhé:

Các biểu ngữ – Ai cũng thích xem các câu khẩu hiệu, biểu ngữ. Fernandez chụp những biểu ngữ vui nhộn, những cái sai chính tả, những khẩu hiệu chơi chữ tinh trí, và những biểu ngữ chẳng liên quan gì đến cuộc biểu tình (lúc nào cũng có vài cái thế). Ngoài ra, người cầm biểu ngữ cũng quan trọng không kém (nếu không nói là quan trọng hơn) trong ảnh của ông.

Biểu tình chống Mỹ xâm lược nước Cộng hòa Dân chủ Dominica, 1968. chữ “O” trong “Out” che mất một phần của chữ “F” trong “Of”, không để ý sẽ dễ đọc thành “Get out or Dominican Republic” (Cút đi hoặc chiếm lấy nước Dominica) – khá là buồn cười nhỉ. Bà lão đang giương biểu ngữ có bộ mặt cũng nghiêm nghị.

 

Ủng hộ Martin Luther King, chống phân biệt chủng tộc, 1968. Ban đầu Fernandez có ý muốn cho người dân thấy rằng không chỉ dân da đen mới biểu tình chống phân biệt chủng tộc, mà người da trắng cũng thế. Hai anh trong hình tuy khác màu da nhưng chung lý tưởng. Tuy nhiên vô tình hay hữu ý sao đó mà biểu ngữ của hai anh khi đọc ngang lại cho ý ngược với lúc đọc dọc. Vào thế kỷ 21 thì nhiều người còn cho rằng anh da trắng trong hình nhìn giống nam diễn viên Joseph Gordon-Levitt.

 

Biểu tình chống… người da đen biểu tình, cậu bé trong ảnh còn cầm khẩu hiệu “Ai mà cần bọn mọi chứ”, Fernandez rõ là ghi lại mọi phía của phong trào biểu tình của những năm 60s nhỉ.

 

Thêm một ảnh chống người da đen biểu tình.


Quy mô đám đông
– Xem ảnh chụp của Fernandez sẽ thấy: nếu ông ở  phía trước hay phía sau đám đông thì ông giương cao máy ảnh để lấy góc chụp rộng bao phủ cả đoàn người đang diễu hành. Nếu ông đang ở giữa đám đông thì ông tập trung vào những người biểu tình đang đứng san sát  để tạo cảm giác về quy mô của cuộc biểu tình. Nếu  đang ở bên rìa thì ông tìm chỗ nào cao và lấy một góc rộng tuyệt vời để chụp toàn đám đông.

Martin Luther King diễu hành cùng người dân để lên án nạn phân biệt chủng tộc. Ảnh cận, thấy mặt Luther King nhưng vẫn thấy được đám đông lúc nhúc.

 

Martin Luther King đọc diễn văn chống nạn phân biệt chủng tộc và lên án chính phủ Mỹ xâm lược Việt Nam. Ảnh chụp xa, góc rộng.

Cảnh sát – Cảnh sát luôn vất vả khi biểu tình xảy ra, và không may là không khí của hai phe có thể thay đổi nhanh chóng. Tiếc rằng nhiều sĩ quan chưa qua đào tạo để biết rằng trong hầu hết các tình huống, việc các nhiếp ảnh gia chụp hình họ là không phạm pháp. Fernandez khuyên rằng bạn không nên gây chú ý, gây hấn để làm giảm nguy cơ đụng độ, dẫn đến việc bị tịch thu đồ nghề. Nhưng ông cũng nhớ chụp lại những hành động đẹp từ phía các cảnh sát viên.
 

Cảnh sát đứng canh các con đường sau khi biểu tình kết thúc, 1967

Xung đột – Đáng tiếc là tình hình thay đổi nhanh chóng thường dẫn đến xung đột lớn với cảnh sát hoặc với người ngoài cuộc. Fernandez biết cách giữ khoảng cách an toàn, nhưng mục đích vẫn là chụp lại những xung đột này bất cứ lúc nào có thể. Ông biết rằng góc nhìn của người chụp mang ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bức ảnh. Thường thì góc nhìn của người chụp đặt ở vị trí cao hơn trong ảnh thì trông sẽ có uy hơn.

Căng thẳng nổ ra giữa hai phe ủng hộ/phản đối chiến tranh Việt Nam

Sinh hoạt lều trại – Tham gia những cuộc biểu tình dài ngày và phải nghỉ ngơi hay cắm trại, Fernandez biết đó là cơ hội tuyệt vời để chụp tấm thân tình, mấy vụ cãi vặt, và sự gian khổ của những người biểu tình. Mưa có khiến khu vực cắm trại lấm lem bùn đất không? Những người biểu tình ăn uống ra sao? Thế còn tiết trời lạnh? Người ta giữ ấm ra sao (hay liệu họ có khả năng giữ ấm không)?

Hai người nghỉ ngơi sau một ngày biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Biểu ngữ “I am a man” (Tôi cũng là người) nằm dài trên bậc thềm, chắc cả biểu ngữ cũng mệt rồi.

Bảo vệ bản thân khi bị tịch thu đồ nghề – Chọn mảng nhiếp ảnh này, Fernandez chắc chắn biết giữ bình tĩnh và tỏ ra lịch sự, bất chấp hành động của phe kia. Dĩ nhiên ông phải mua bảo hiểm cho máy ảnh từ trước

Nhớ rằng bản thân người chụp đáng giá hơn chiếc máy ảnh và những gì chụp trong máy rất nhiều.

“Thập niên 60: Thập niên của thay đổi” sẽ trưng bày tại Bronx Documentary Center ở New York cho đến 20. 7. 2014

Ý kiến - Thảo luận

11:05 Saturday,24.5.2014 Đăng bởi:  SA
Ảnh thứ 10 trong bài ("Cảnh sát") không phải Cảnh sát mà là 1 quân nhân hẳn thuộc Vệ binh Quốc gia. Tại Mỹ, CA CS rất nhiều lớp, thuộc quyền điều động của thị xã, TP (NYPD= Cảnh sát TP New York) hay các quận, hạt (Sheriff Department), bang (CS Công lộ tiểu bang) hoặc liên bang (FBI).Khi có những biến động lớn, bi
...xem tiếp
11:05 Saturday,24.5.2014 Đăng bởi:  SA
Ảnh thứ 10 trong bài ("Cảnh sát") không phải Cảnh sát mà là 1 quân nhân hẳn thuộc Vệ binh Quốc gia. Tại Mỹ, CA CS rất nhiều lớp, thuộc quyền điều động của thị xã, TP (NYPD= Cảnh sát TP New York) hay các quận, hạt (Sheriff Department), bang (CS Công lộ tiểu bang) hoặc liên bang (FBI).Khi có những biến động lớn, biểu tình, nổi loạn hay thiên tai, Thống đốc tiểu bang huy động lực lượng VBQG (như trên hình này) là 1 lực lượng quân đội vào việc trị an.Trường hợp tiểu bang chống lại luật liên bang (như trong thập niên 50-60 về bình đẳng da màu), Tổng thống phải gửi quân đội Liên bang đến. Năm 57, Eisenhower phải dùng đến quân đội liên bang để thi hành luật da đen được vào học chung trường với da trắng, cũng như TT Johnson vào năm 1965.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả