Trường phái

Neoclassicism -Tân cổ điển: Sắc sảo, thanh thoát, nhẵn bóng, và hoàn mỹ 05. 07. 14 - 5:07 pm

Anh Nguyễn biên soạn

Sau Mannerism, Baroque, Rococo, chúng ta cùng tìm hiểu về phong trào Neoclassicism, hay Tân cổ điển.

Trào lưu Tân cổ điển thống trị châu Âu qua hai thế kỷ 18-19 thường được định nghĩa một cách gọn ghẽ: Tân cổ điển phủ định sự phù phiếm vô luân của Rococo, lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển Hy-La, chú trọng sự giản đơn và cân đối. Lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế, các tác phẩm Neoclassicism phong phú, linh hoạt, và khó có thể “bỏ chung một rổ” như vậy.

Neoclassicism có phải là một phong cách duy nhất? Không. Ví dụ hai tác phẩm: tranh của Johan Tobias Sergel và tượng của John Flaxman có phong cách hoàn toàn khác nhau, một bên phóng khoáng, một bên nghiêm cẩn.

“Chìm vào tuyệt vọng,” của Johan Tobias Sergel, mực, 1795

 

“Apollo đồng nội,” của John Flaxman, gỗ và đá, 1824

Neoclassicism có phải là một chủ đề duy nhất? Không. Ví dụ hai tác phẩm: tranh của Charles Louis Clerisseau và tranh của John Hoppner, một lấy chủ đề thành Rome điêu tàn, một lấy chủ đề thần thoại lãng mạn.

“Căn phòng hoang phế,” của Clerisseau, phấn và màu nước, thế kỉ 18

 

“Jupiter và Io,” của John Hoppner, 1785

Neoclassicism có phải là một cảm xúc duy nhất? Không. Ví dụ hai tác phẩm: tranh của Pierre-Paul Prud’hon và tranh của Jacques-Louis David, một bức gợi tình mời gọi, một bức nghiêm trang giáo điều.
 

“Sự kết hợp của tình bạn và tình yêu,” của Prud’hon, sơn dầu, 1793

 

“Lời thề của ba con trai nhà Horatius,” của David, sơn dầu, 1784

Nếu ngây thơ mới tin rằng Neoclassicism là một hiện tượng nghệ thuật thống nhất cần phải bị triệt tiêu. Neoclassicism đa dạng đến mức việc tính toán ra một mẫu số chung gần như là vô nghĩa. Cần phải có một tinh thần cởi mở khi nghiên cứu và thưởng thức nghệ thuật Neoclassicism. Tuy nhiên có một số cột mốc đáng ghi nhớ bởi chúng đóng vai trò gieo những hạt giống Neoclassicism đầu tiên – những hạt giống này sẽ nảy thành muôn loại hoa trái khác nhau như ta đã nói ở trên.

Yếu tố quan trọng đầu tiên
dẫn đến sự ra đời Neoclassicism chính là Kỷ nguyên khai sáng (the Age of Enlightenment). Nếu không có những tác phẩm triết học của Voltaire, Rousseau, và khoa học của Newton, sẽ không thể có Neoclassicism, bất kể các bà quý tộc Rococo có gây ngứa mắt tới mức nào! Nền tảng của Age of Enlightenment chính là lý trí – đối lập với truyền thống. Khoa học được suy tôn. Nghệ thuật Neoclassicism cũng theo gót và chú trọng hơn vào sự tỉnh táo, vào nghĩa vụ với tập thể, và cố gắng tiếp thu dáng vẻ đứng đắn. Nicolas Poussin thời Baroque với các tác phẩm chủ đề đạo đức được “lôi dậy” để học tập, còn các họa sĩ Rococo tất thảy đều bị tống vào xó! Thật là một cuộc Cách mạng văn hóa trong nghệ thuật.
 

Tượng đài Copernicus của Thorwaldsen tại Warsaw. Copernicus là nhà thiên văn học có sự nghiệp gắn liền với thuyết nhật tâm (trái đất quay quanh mặt trời.)

Yếu tố thứ hai đóng vai trò hướng đạo cho Neoclassicism đến từ một cá nhân kiệt xuất – Johann Joachim Winckelmann, một hình tượng vĩ đại trong cả ba lĩnh vực: nghệ thuật, khảo cổ, triết học. Winckelmann được coi là cha đẻ của lý thuyết hội họa học, người đặt nền móng cho ngành khảo cổ hiện đại, và ảnh hưởng của ông lên Goethe, Nietzche, Lessing khiến có người cho rằng nước Đức thời Winckelmann hoàn toàn bị Hy Lạp thống trị về tư tưởng! Winckelmann không chỉ giúp diễn giải những phát hiện nghệ thuật Hy Lạp mà còn nâng đỡ Neoclassicism bằng một lý thuyết quan trọng: việc bắt chước trong nghệ thuật không thể bị đánh đồng là sự sao chép rẻ tiền. Việc Neoclassicism lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển là một hành động đáng học tập, đáng trân trọng, thậm chí cao quý! Ảnh hưởng về tư tưởng của Winckelmann lên nghệ thuật và tư tưởng của thời đại Neoclassicism là không thể kể hết trong một bài viết này.
 

Chân dung của Winckelmann, tác phẩm của Anton von Maron, 1768

Yếu tố thứ ba dẫn dắt Neoclassicism là một khát vọng đạt đến sự hoàn thiện. Các nghệ sĩ Neoclassicism yêu thích các đường nét sắc sảo, những hình khối rõ ràng, màu sắc tông lạnh điềm đạm, và đặc biệt là bề mặt tranh nhẵn bóng. Một tác phẩm Neoclassicism tinh túy sẽ không có đường cọ nào lộ ra. Đối với các nghệ sĩ Neoclassicism, cách tốt nhất để truyền tải tinh thần cổ điển là tạo ra các tác phẩm tương tự – hoàn mỹ, có khả năng chịu thử thách của thời gian mà không bị lạc mốt. Sự thanh thoát, giản dị nhưng hoàn hảo là cốt lõi của Neoclassicism, khác với Baroque nhiệt huyết sôi sục hay Rococo tình tứ nông cạn.
 

“Người phụ nữ tắm ở Valpincon,” của Jean-Auguste-Dominique Ingres, 1808

 

“Psyche hồi sinh nhờ nụ hôn của Cupid,” của Antonio Canova, 1786 – 1793

Về cơ bản, kiến trúc Neoclassicism đơn giản hơn hội họa và điêu khắc. Để nhận diện một tòa nhà Neoclassicism, hãy nheo mắt ngắm và tự đặt câu hỏi:”Cái nhà này có âm hưởng đền Parthenon ở Athens hay điện Pantheon ở Rome không nhỉ?” Nếu có, có thể chắc 90% nó là một tòa nhà Neoclassicism. Các công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu Neoclassicism vẫn được xây đều đều ngay bây giờ, mặc dù có thể được gọi bằng tên khác – New Classical architecture. Đối xứng, nhiều cột chạy dọc hết chiều cao của tòa nhà, mái chóp tù, voila, ta có một công trình mang vẻ đẹp phi thời gian.
 

Nếu không có dòng chữ “Equal justice under law”, khả năng bạn lẫn tòa nhà Tòa án tối cao của Hoa Kỳ với một đền thờ Hy Lạp là khá cao.

Neoclassicism thậm chí còn ảnh hưởng đến cả thời trang. Thay vì váy bồng hàng thước đính hoa, lông vũ, đá quý và những kiểu tóc cầu kỳ, những quý bà thời thượng trở nên thích thú với kiểu váy tunic, váy eo cao (empire waist), màu tông kem, trắng, và kiểu tóc ngắn xoăn ôm sát đầu.
 

Người mẫu kiêm hình tượng thời trang của thời đại Neoclassicism – quý bà Recamier trong tranh của Jacques-Louis David.

 

Một bức tranh trích từ tạp chí thời trang ở Paris, 1808

Khép lại một Neoclassicism độc đáo, ta có thể rút ra một bài học nhỏ: vẻ đẹp cổ điển quả thực là vẻ đẹp vĩnh hằng. Hàng nghìn năm sau thời đại Hy-La, nhân loại vẫn không ngừng bị cuốn hút bởi những công trình đơn giản mà hùng vĩ, những chiếc váy buông rủ mềm mại của các nữ thần, và những câu chuyện kinh điển. Nghệ thuật Tân cổ điển, trong tất cả các phong trào ta đã và sẽ điểm qua, là phong trào hiện đại và sống bền nhất, hơn cả chính nghệ thuật Hiện đại!

(Có thể bạn đọc sẽ thắc mắc, nghệ thuật Tân cổ điển là sự sao chép của nghệ thuật Hy Lạp – La Mã, vậy chính ra nghệ thuật Hy Lạp mới là vẻ đẹp vĩnh hằng chứ! Trên thực tế, nghệ thuật Hy Lạp nguyên thủy khi còn lớp sơn trông sẽ như thế này:

Ảnh tái dựng lại màu sắc sơn trên một phần (nằm ở mặt bên hông) của quách mộ liệm Alexander đại đế.

Vì vậy, tốt nhất chúng ta hãy tập trung ngắm nhìn hội họa Tân cổ điển và tạm quên về sự tồn tại của những bức tượng sơn sặc sỡ kia.)

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả