Nhiếp ảnh

Nunn chụp Blackburn: một bộ ảnh xem mà muốn khóc 03. 09. 14 - 11:27 pm

Những trải nghiệm cuộc sống, và kí ức về các trải nghiệm ấy, phần nào giúp chúng ta hình thành nên nhân cách của mình. Khi ai đó mắc chứng Alzheimer – một căn bệnh thoái hóa não – họ không chỉ mất đi kí ức, mà nền tảng cuộc đời của họ bắt đầu sụp đổ.

Alzheimer không chừa ai, kể cả nghệ sĩ. Cách đây 6 năm, họa sĩ David Blackburn đi khám và nhận tin mình đã vướng phải căn bệnh quái ác đó. Sinh năm 1939 tại Anh Quốc, David vốn là con một nên ông hay thích dạo chơi một mình trên cánh đồng gần nhà, từ đó David bắt đầu vẽ lại những gì ông thấy trên cánh đồng này. David nói, ông trở thành họa sĩ tranh phong cảnh nổi tiếng của xứ sương mù vì ông tự tin theo đuổi đam mê của mình, vào thời của ông rất nhiều người đã khuyên ông chuyển sang dòng tranh khác do tranh phong cảnh lúc ấy đang “lỗi mốt.”

“Thành phố Belbgrave,” Blackburn, màu pastel trên giấy

Blackburn gần như chỉ dùng màu pastel và đặc biệt giỏi trong khâu xử lý loại màu này. Trái với họa sĩ phong cảnh cùng thời David Hockney, người nổi tiếng với các bức tranh phong cảnh hóm hỉnh tinh nghịch; Blackburn thích kiểu phong cảnh tĩnh lặng nên ông quyết định màu pastel là hợp với mình nhất.
 

“Cảnh biển,” Blackburn, 1978, pastel trên giấy

 

“Cây bạch dương,” Blackburn, 1979, pastel trên giấy

Thế nhưng, lúc bệnh Alzheimer nặng đi, Blackburn không còn vẽ được nữa và bắt đầu quên hết bạn bè của mình. Tuy nhiên, một người bạn của Blackburn đã không quên ông.

Nhiếp ảnh gia Christopher Nunn hiểu rõ Alzheimer do bà của anh đã mất vì chứng bệnh này. Năm 2009, anh lại lao đao khi nghe tin ông bạn thân, họa sĩ David Blackburn, cũng vướng phải Alzheimer. Thế là Nunn quyết định dùng máy ảnh để “ghi lại cuộc sống thường nhật [của Blackburn]”.
 

“Blackburn giữa trời tuyết,” Christopher Nunn

Nunn quyết chí chụp hình bạn vì Blackburn sống đơn độc, không gia đình, và phải “tự đối phó với căn bệnh này.” Anh nói mình có xem qua vài bộ ảnh chụp bệnh Alzheimer của nhiều nghệ sĩ khác, chúng thường mô tả những gánh nặng mà Alzheimer đem đến cho người bệnh cũng như thân nhân của họ.

Còn Nunn lại muốn tập trung vào “những chi tiết ý nhị trong sinh hoạt hàng ngày của họa sĩ Blackburn, do chúng ta đâu nhìn thấy được [Alzheimer], đây là căn bệnh rất mơ hồ, rất khó để chụp”.

Nunn chụp Blackburn tại nhà và studio của họa sĩ, tại viện điều dưỡng nơi ông đang sống, anh cũng chụp các vật dụng nội thất trong nhà Blackburn, qua đó Nunn cho ta thấy sự phức tạp của cuộc đời lẫn của tính cách người họa sĩ. Lướt qua series, ta thấy một tấm chụp phòng ngủ của Blackburn, trên tủ đầu giường có đặt tấm ảnh của ông và mẹ. Một tấm nữa chụp chân dung Blackburn đang đứng trên con đường tuyết phủ. Các bức ảnh khác chụp lại những vật thể như hộp đựng hình slide (gắn trên máy chiếu projector), những quyển nhật kí, các chồng sách chất cao bên hành lang…
 

Hộp đựng slide hình.

 

Phòng ngủ của Blackburn với hình ông và mẹ trên tủ đầu giường

Đối với Nunn, những tấm ảnh này là “về tình bạn của anh với Blackburn, cũng như về chứng mất trí nhớ.” Nunn và Blackburn gặp nhau vào năm 2003, họa sĩ ghé thăm một shop bán đồ điện tử, anh Nunn vừa tốt nghiệp đại học nên xin chân phụ việc tại shop này để kiếm tiền, và gặp Blackburn. Họ bắt chuyện với nhau, sau đó Blackburn có ghé lại lần nữa để tặng Nunn vài quyển sách của ông và bảo anh hãy giữ liên lạc. Tình bạn giữa họ phát triển từ đó, dù rằng họ chênh nhau về tuổi tác.

Nunn chưa từng gặp người quen nào của Blackburn cho đến 2009, khi một bạn lâu năm của họa sĩ liên lạc với Nunn để tâm sự rằng ông nghi ngờ Blackburn đang trong giai đoạn đầu của chứng Alzheimer. “Lúc ấy tôi nghĩ, ‘mình phải chụp ảnh Blackburn để xem chuyện gì sẽ xảy ra’”, Nunn nhớ lại.
 

Blackburn đọc nhật ký

Khoảng một năm sau đó, bệnh tình của Blackburn biến chuyển trầm trọng hơn, đến độ ông không thể sống một mình tại nhà nữa, và ông cũng chẳng nhận ra Nunn.

Đạo lý của việc dùng người bệnh mất trí nhớ để chụp ảnh đè nặng lên tâm trí Nunn,  đặc biệt khi “ông ấy chẳng còn biết tôi là ai”. Tình bạn lâu dài, cộng với việc “trước khi lâm bệnh, Blackburn luôn vui vẻ khi tôi chụp ảnh ông” khiến Nunn tin rằng mình nên tiếp tục chụp ảnh.

Nunn cho biết mình đã thấy “những điều kinh khủng” liên quan đến chứng Alzheimer trong khi chụp ảnh Blackburn, song anh quyết định không đưa chúng lên hình. Thay vào đó, anh tìm kiếm những dấu hiệu về “tính cách của Blackburn mà ông ấy vẫn luôn lưu giữ mặc cho bệnh tật. Blackburn rất hiền từ, chỉn chu; luôn mặc áo sơ mi, đeo cà vạt… những điều đó mới thu hút tôi.” Nunn cũng hứng thú chụp lại “tính sáng tạo của Blackburn, lẫn những hành động liên quan đến cách suy nghĩ rất nghệ sĩ mà tôi thấy được”. Trong series, có một tấm chụp nhiều mảnh xà phòng nhỏ, dùng gần hết, và Blackburn sắp xếp chúng theo thứ tự màu sắc trên bệ rửa mặt. Điều này ngầm thể hiện thói quen sắp xếp đồ đạc theo màu của ông họa sĩ. “Blackburn luôn sắp xếp màu sắc kiểu này khi còn khỏe, và ông vẫn duy trì thói quen đó khi bệnh Alzheimer chuyển nặng hơn,” Nunn giải thích.
 

Xà phòng xếp theo màu trên bồn rửa mặt

Website CNN Photos đã đăng loạt ảnh của Nunn, series còn xuất hiện trên những blogs nghệ thuật và nhiếp ảnh khác. Dự án ảnh này sắp đến hồi kết, và Nunn nói anh muốn làm việc với một quỹ từ thiện chuyên giúp đỡ các bệnh nhân Alzheimer để xuất bản một quyển sách.

Nếu Nunn xuất bản tập ảnh, chắc chắn những bức hình đầy tình cảm này sẽ có mặt trong đó:
 

Hộp thuốc của bà mẹ quá cố của Blackburn, ông giữ nó làm hộp đựng đinh.

 

Blackburn trên đường ra khỏi studio, ông mướn một căn nhà nhỏ để làm studio cho mình chứ không có xưởng. Sau khi bệnh chuyển nặng, ông trả lại nhà cho chủ.

 

Vali cũ của Blackburn, xếp trong góc

 

Các tác phẩm tại nhà của họa sĩ

 

Trong một lần đi dạo, Blackburn thấy chiếc lá đẹp, thế là ông đem nó về đặt lên bệ ở dưới cái điện thoại.

Ý kiến - Thảo luận

22:23 Wednesday,30.11.2016 Đăng bởi:  Mochi
Đúng như tiêu đề vậy
...xem tiếp
22:23 Wednesday,30.11.2016 Đăng bởi:  Mochi
Đúng như tiêu đề vậy 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

U LÀNH TÍNH: Lại "thế này mà là nghệ thuật ư?"

Canvas - Ảnh dùng lại của Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả