Nghệ sĩ Việt Nam

Hỏi đáp với Phạm Huy Thông: Về bức “Vịt” và bộ “Hy vọng” 11. 08. 14 - 1:52 pm

Thực hiện bởi phòng tranh Craig Thomas

 

Phạm Huy Thông bên bức tranh “Vịt”

1. Bức tranh “Vịt” mới được anh hoàn thành đã nhận được nhiều sự quan tâm của khách tham quan phòng tranh và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy anh có thể cho chúng tôi và khán giả biết được những ý nghĩa mà anh muốn gửi gắm trong bức tranh này?

Bức tranh “Vịt” được tôi hoàn thành tháng 6/2014. Đây là thời gian mà những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang được đẩy lên mức căng thẳng mới. Giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 củaTrung Quốc được đưa vào thềm lục địa Việt Nam, vừa để thăm dò dầu khí, vừa để thăm dò thái độ phản ứng của Việt Nam và của dư luận quốc tế. Đi cùng với giàn khoan là đội tầu bảo vệ hùng hậu. Xuất hiện cả những chiến hạm hiện đại nhất của Trung Quốc với đầy đủ vũ khí, tuy lúc này chỉ mang tính đe dọa nhưng vẫn là điềm báo xấu cho hòa bình trong khu vực.

Việt Nam, cũng như nhiều nước láng giềng nhỏ bé khác trong khu vực, đã từ lâu bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang bất đắc dĩ. Với trung tâm là sự lớn mạnh và hung hăng của quân đội Trung Quốc, các nước lân cận cũng buộc phải đổ tiền của để tự trang bị cho mình những biện pháp phòng thân. Những khoản chi phí, vốn dĩ có thể trang trải cho nhiều lĩnh vực đời sống như y tế, giáo dục, văn hóa… nay phải góp lại mua vũ khí.

Khi xây dựng ý tưởng cho tác phẩm của mình, tôi muốn kết hợp những hình ảnh mang tính biểu tượng của hai khái niệm đối lập là “Hòa Bình” và “Xung Đột” và từ đó gợi lên ranh giới mỏng manh giữa hai khái niệm này. Bởi vậy, trong tranh, tôi vẽ một chiến hạm với kết cấu hiện đại (dựa trên nguyễn mẫu một tầu khu trục của quân đội Trung Quốc). Nhưng những vũ khí, khí tài lắp đặt trên chiến hạm đó đều bị đè bẹp hoặc bị thay thế bằng các con vịt nhựa đồ chơi. Hình ảnh một chiến hạm vốn đầy ắp vũ khí, với khí thế chấn áp nay lại đầy ắp vịt nhựa sẽ tạo một cảm giác tương phản, tuy có mang lại chút hài hước lúc đầu nhưng sẽ là cơ hội cho người xem suy nghĩ, bàn luận sâu sắc hơn về thế sự.

2. Trong bức “Vịt”, xuất hiện rất nhiều con vịt cao su vàng, hiển nhiên tái hiện lại con vịt cao su vàng khổng lồ của nhà điêu khắc Hà Lan Florentijn Hofman. Anh nhận xét gì về tác phẩm điêu khắc Vịt Cao Su kia và tại sao anh lại chọn đưa nó vào trong tranh của mình?

Sở dĩ tôi chọn Vịt Cao Su Vàng để thay thế các vũ khí tối tân trên tầu chiến bởi cùng một lúc nó có thể gợi lên cho khán giả nhiều liên tưởng.

Con Vịt Cao Su Vàng là một thứ đồ chơi hầu như ai cũng biết.. Lần đầu xuất hiện vào những năm 1940, được thiết kế bởi nhà điêu khắc Peter Ganine, Vịt Cao Su Vàng đã nhanh chóng trở thành sản phẩm thương mại phổ biến. Giờ đây, nó là một sản phẩm mang tính biểu tượng của đời sống tiêu dùng, của văn hóa POP. Đến nay đã có 50 triệu sản phẩm được bán. Vịt Cao Su Vàng trở nên thân thuộc với tuổi ấu thơ, xuất hiện trong chậu tắm của các gia đình, từ lớp bình dân tới giới thượng lưu. Nhiều người trong chúng ta vẫn lưu lại được trong trí nhớ của mình ký ức về việc chơi với con vịt nhựa trong bồn tắm, dưới sự bao bọc của cha mẹ. Bởi vậy hình ảnh con Vịt nhựa, một cách vô thức, gợi lên cho người xem cảm nhận về tuổi thơ, về sự yên ấm, được bảo vệ, về hòa bình.

Phạm Huy Thông, “Vịt”

Tác phẩm điêu khắc Vịt Cao Su (2007) của nhà điêu khắc Hà Lan Florentijn Hofman là một tác phẩm giễu nhại (appropriation art) từ Vịt Cao Su nhỏ và cũng nhanh chóng nổi tiếng. Trước khi được trưng bày ở Cressent Mall, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh (cũng vào khoảng giữa năm 2014), con vịt cao su khổng lồ của Florentijn Hofman đã được bày ở 15 địa điểm khác nhau trên khắp thế giới. Và ở nơi nào, tác phẩm Vịt Cao Su khổng lồ cũng tạo được hiệu quả tốt với công chúng. Khi con vịt cao su được bơm phồng lên, với kích thước khổng lồ, nó có xu hướng khiến cho các sự vật và khung cảnh xung quanh trở nên nhỏ lại. Khiến tâm thức tuổi thơ của người xem trỗi dậy và những hồ nước, những cao ốc xung quanh nó trở trành chậu tắm, trở thành mô hình đồ chơi, hệt như thuở ấu thơ.

Vịt khổng lồ ở Hong Kong

Tuy nhiên khi nhìn những bức ảnh chụp Vịt Vàng khổng lồ trong vịnh Hồng Kông, tôi lại chợt nhớ ra một cảm thức khác. Đó là cảm thức về sự chiếm hữu. Ở đây, không phải là việc Vịt Vàng khổng lồ thành công khi chiếm hữu không gian vịnh, mà là sự chiếm hữu hình thành từ ký ức tuổi thơ. Sự chiếm hữu đó manh nha hình thành khi một đứa trẻ được một mình làm chủ một không gian (tuy nhỏ hẹp) là chiếc chậu tắm với một con vịt đồ chơi vừa tay nghịch. Tập điều khiển những món đồ chơi nhỏ, tập kiểm soát những không gian nhỏ,đó là cách bước đầu mỗi con người học cách chiếm hữu thế giới.

Bởi vậy, nếu tác phẩm Vịt Cao Su của Florentijn Hofman là một tác phẩm giễu nhại từ con Vịt Cao Su đồ chơi nhỏ, thì tác phẩm “Vịt” của tôi là giễu nhại của giễu nhại bởi nó gợi liên tưởng và khai thác mọi cảm giác của người xem khi nghĩ đến hai con Vịt trước đó.

Ngoài ra, hình tượng con Vịt Cao Su còn mang cho tác phẩm của tôi một hiệu quả khác, nhưng là trên phương diện ngôn ngữ.Tôi thích sử dụng chơi chữ trong tác phẩm của mình. Các tác phẩm trước đây như“The Last Party” hay “Money-Go-Round” cũng đã thể hiện điều này. Chơi chữ có thể chỉ là một trò nghịch ngợm nhưng nếu biết xử lý, sẽ giúp truyền tải nhiều thông điệp không thể nói. Khi nghĩ về tình thế mà các nước nhỏ bé quanh Trung Quốc đang vướng phải, đôi khi người nhận xét không khỏi bật ra trong đầu một câu chửi thề: “Như cái *ịt !”. Mà “Vịt” trong tiếng Việt hay “Duck” trong tiếng Anh lại rất gần âm với các từ “*ịt” hay “F*ck” tương ứng.

“F*cked” hay “*ịt” là từ cảm thán mà những người bị bắt nạt than phiền về tình huống của mình, và là câu chửi gửi đến đối phương. Sử dụng hình ảnh những con Vịt Cao Su vàng đè bẹp các vũ khí giết người là cách tôi gửi thái độ của mình tới những chiến hạm đang lởn vởn ngoài khơi, đe dọa hòa bình nơi tôi sống.

3. Vậy, bức tranh “Vịt” ăn nhập thế nào với các dòng tranh mà anh đã và đang thực hiện như bộ tranh Đồng Bào hoặc bộ tranh Tay?

Các vấn đề chính trị, xã hội là đề tài thường xuyên trong nghệ thuật của tôi. Cha mẹ tôi đều là phóng viên. Bởi vậy, từ nhỏ, tôi may mắn được sống trong môi trường có nhiều tiếp xúc với các ký giả, nhà văn, người làm văn hóa, chính trị, tôi luôn cảm thấy hứng thú khi quan sát, bàn luận, suy ngẫm về những vấn đề của xã hội, thời đại. Và vì thế những đề tài này đi vào trong tác phẩm nghệ thuật của tôi một cách tự nhiên, giống như người nông dân quen với rơm rạ hay người ngư dân quen với muối mặn cá tanh. Bởi vậy, trong các bộ tranh Đồng Bào, Tay hay tác phẩm “Vịt” lần này, tuy lối tạo hình khác nhau, nhưng đều được xây dựng trên những quan sát, nhận định cá nhân của tôi về những vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội mà tôi luôn quan tâm.

“Biển nặng”, thuộc bộ tranh “Tay”

4. Anh có thể nói rõ hơn tại sao anh chọn vẽ về các đề tài chính trị,xã hội liên quan tới Việt Nam và khu vực Đông Nam Á?

Đề tài về những căng thẳng trên biển đã từ lâu xuất hiện trong tranh của tôi. Trong bộ tranh Tay năm 2011, tôi đã đề cập tới cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với trung tâm là sự lớn mạnh và hung hăng của Trung Quốc khiến các quốc gia khác trong khu vực miễn cưỡng bị cuốn theo. Những bức tranh như “Biển Nặng”, “Giấc Mơ Lạ1-2 hay “Một Cuộc Hiến Tế” đã chứa đựng những suy nghĩ, quan điểm của cá nhân tôi đến những vấn đề này. Trong loạt tranh đó, quan điểm của tôi luôn ủng hộ hòa bình, lo cho sự thịnh vượng và đặc biệt quan tâm cho số phận những con người nhỏ bé đang bị cuốn vào cơn lốc xoáy của thời đại.

Tôi nghĩ, nghệ sĩ là một nghề xã hội. Giá trị của nghệ sĩ được hình thành qua các tương tác của anh ta với công chúng, với môi trường xã hội mà anh ta đang sống. Bởi vậy, với tôi, quan tâm khai thác các đề tài chính trị, xã hội cũng là một cách tự nhiên để quan tâm đến chính mình, khẳng định giá trị của cá nhân.

Phạm Huy Thông, “Cấy giấc mơ”, 2014, sơn dầu trên canvas, 1m x 1m

5. Anh có thể giới thiệu đôi chút với độc giả về bộ tranh “Hy Vọng” mà anh đang khởi động?

Khi tôi làm việc với các bộ tranh, tôi làm theo phương thức“gối đầu”. Tức là khi vẫn triển khai vẽ những bức tranh thuộc bộ này thì tôi cũng đồng thời tìm ý tưởng, phác thảo cho các bộ tranh tiếp theo.

Bộ tranh Hy Vọng được tôi bắt đầu sáng tác vào tháng 3 năm 2014. Bộ tranh này tập trung khai thác đề tài người nông dân nông thôn và những người lao động nghèo thành thị. Quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đã tạo sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Và những người có địa vị thấp trong xã hội càng ngày càng bị đẩy ra ngoài rìa cuộc chơi. Những năm kinh tế khủng hoảng, khoảng cách giàu nghèo không thu hẹp lại mà thậm chí còn đẩy những người ít tiền vào những tình cảnh kham khổ hơn.

Một bức trong bộ “Hy vọng”

Đôi khi nhìn vào thu nhập của họ, tôi, một họa sĩ thuộc tầng lớp trung lưu, không thể hiểu nổi họ sẽ xoay sở để thế nào để tồn tại. Có lẽ ngoài khẩu phần ăn ít ỏi hàng ngày, những con người này phải có một nguồn hy vọng sống rất mãnh liệt, cung cấp cho họ dưỡng chất tinh thần.

Bộ tranh Hy Vọng khai thác sự tương phản giữa hình ảnh những đám mây giông như tương lai vô định của những người nghèo với hình ảnh những đám mây trắng tựa như hy vọng họ nuôi trong lòng. Tuy những người sưu tập tranh tôi đều là những người giàu, nhưng với bộ tranh này, tôi không có ý định tạo ra sự thương cảm xã hội mà ngược lại, tạo ra nguồn động viên, bởi dù giàu – nghèo khác nhau, nhưng mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình và để vượt qua nó, cần có rất nhiều niềm tin tưởng vào tương lai.

*

Từ FB của Phạm Huy Thông

Ý kiến - Thảo luận

16:51 Monday,18.8.2014 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Cuối tuần mải chơi nên bây giờ mới viết được vài lời cám ơn bạn Khoai Lang về những nhận xét.
Tớ đoán bạn cũng là dân thiết kế, bởi bạn bắt rất chuẩn mạch khi nói về việc tớ viết thuyết trình tranh mà như thuyết trình logo. Thói quen nghề, ăn vào tác phong rồi bạn ạ. Tớ xuất thân là người làm thiết kế đồ họa và minh họa, nên kể cả việc xây dựng m
...xem tiếp
16:51 Monday,18.8.2014 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Cuối tuần mải chơi nên bây giờ mới viết được vài lời cám ơn bạn Khoai Lang về những nhận xét.
Tớ đoán bạn cũng là dân thiết kế, bởi bạn bắt rất chuẩn mạch khi nói về việc tớ viết thuyết trình tranh mà như thuyết trình logo. Thói quen nghề, ăn vào tác phong rồi bạn ạ. Tớ xuất thân là người làm thiết kế đồ họa và minh họa, nên kể cả việc xây dựng một tác phẩm tranh, cũng đúng như bạn nói, những yếu tố của đồ họa thiết kế. Tớ hiểu điều đó, có tiết chế nó nhưng không cố gắng để xóa hẳn nó đi. Bởi định hình một nghệ sĩ, cũng như định hình mỗi con người là cả một quá trình mà anh ta trải qua, có thể có những gột bỏ, bứt phá, nhưng nếu quay ngoắt bỏ rơi quá khứ của mình, sẽ không thể nào có bản sắc được.
Ở người xem cũng vậy, mỗi người có những tích lũy trải nghiệm khác nhau, vì vậy đứng trước một đối tượng, nhất là đối tượng nghệ thuật, sẽ có những cảm nhận, diễn giải khác nhau. Bởi vậy những cảm nhận khác trong comment của bạn, có thể không giống cảm giác gốc của tớ khi vẽ bức tranh này. Nhưng đó là điều hiển nhiên thôi.

Và tớ rất nể bạn khi đọc được ra cái ẩn ức sâu xa trong chúng ta khi bạn nói về cái "chiếu dưới". Ẩn ức đó, chúng ta có nó nhưng đôi khi không nhận ra, hoặc có nhận ra rồi nhưng vì những e ngại này nọ mà khó thốt ra lời trước đám đông.
Một tác phẩm nhỏ của tớ, ngôn từ dành cho nó đến đây có lẽ đã nhiều hơn nó đáng được hưởng. Vậy tớ xin chốt lại comment của mình về tác phẩm này. Chỉ xin gợi lại một hình ảnh tuổi thơ, về một cậu nhóc suy dinh dưỡng, hay bị bắt nạt, khi thì bị trấn mất bút, vở, khi thì bị đánh mua vui. Yếu thế nên sau những trận đòn, thường đứng vệ đê lầm rầm chửi và trong đầu tưởng tượng một ngày cậu bé trở thành siêu nhân, sẽ giáng sấm sét xuống đầu bọn du côn kia theo cách nào. Âu đó cũng là cách luyện tập khả năng tưởng tượng. haizz. 
16:17 Friday,15.8.2014 Đăng bởi:  Khoai lang
Được biết Thông cũng đã vài năm, nhưng tranh của bạn thì ít được xem, hôm nay tình cờ vào Soi, đọc bài và xem tranh Vịt, cảm thấy hứng thú, mạn phép diễn đàn và Thông có vài ý kiến nhé :)

Có lẽ, với xuất phát điểm là một họa sỹ đồ họa, nên tranh của Thông không đơn thuần là những bức tranh "để xem", mà là những bức tranh "để ngẫm", mỗi bức tranh luôn c
...xem tiếp
16:17 Friday,15.8.2014 Đăng bởi:  Khoai lang
Được biết Thông cũng đã vài năm, nhưng tranh của bạn thì ít được xem, hôm nay tình cờ vào Soi, đọc bài và xem tranh Vịt, cảm thấy hứng thú, mạn phép diễn đàn và Thông có vài ý kiến nhé :)

Có lẽ, với xuất phát điểm là một họa sỹ đồ họa, nên tranh của Thông không đơn thuần là những bức tranh "để xem", mà là những bức tranh "để ngẫm", mỗi bức tranh luôn chứa đựng hàm ý, và cảm giác như 1 bức Poster được tạo nên bằng ngôn ngữ hội họa.
Do vậy, khen mầu đẹp, thủ pháp tài có lẽ là điều chẳng nên, có chăng, tôi chỉ muốn chủ quan nêu lên vài ý kiến về ý tưởng của tranh.
Thông viết khá dài, trích dẫn đầy đủ nguồn gốc, sự tích, con số ( hệt như cách các họa sỹ đồ họa thuyết trình logo :), dài quá nên tôi không nhớ hết nhưng thực sự tôi thích tranh, Thông ạ.

Xem tranh, điều rõ ràng nhất mà tôi nhận thấy là sự tương phản, giữa cái sù sì và trong trắng; giữa thực tại và viển vông, và không rõ khi vẽ, Thông có cảm nhận đó không, nhưng với cá nhân tôi, tất thảy tựa như giấc mơ của 1 kẻ chiếu dưới bất lực trước quyền uy và sự bành trướng của 1 kẻ mạnh hơn mình. Xin nói luôn, Kẻ chiếu dưới ở đây không phải đích danh Thông đâu nhé, mà là cả Thông, cả tôi, cả những con người trong Soi và rộng hơn trong chữ S này.
Sự bất lực ám ảnh không thể nào giải tỏa. Nếu tôi có thể vẽ bức này (dĩ nhiên cũng ở góc độ cá nhân), tôi sẽ mơ nhiều hơn, tôi sẽ để cho những chú vịt vàng "áp đảo" con tàu chiến, để khắc họa sâu thêm ám ảnh về sự bất lực đó. Tôi sẽ để con tầu chòng chành hơn.

Xem đi xem lại, có 1 điều thực sự làm tôi hơi "bực", là bố cục quá cân bằng của tranh Thông ạ. Tất cả cứ ở giữa, ở giữa, nó làm cho tranh hơi tĩnh. Một lần nữa, nếu được, tôi sẽ đặt con tầu gần đáy tranh, để cảm giác có sức nặng đè lên tất cả. Ở đây nó vẫn "ngang nhiên" quá. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tương tác thế nào? Ở xa làm sao nghe art talk?

Phương Vẹt & Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả