Nghệ sĩ thế giới

Tuyên ngôn Performance cho thế kỷ 21 27. 09. 10 - 12:58 am

Himali Singh Soin– Lê Quảng Hàm lược dịch

 

Bối cảnh – bối cảnh thiêng liêng – khiến sự hoài nghi chững bước, khiến những bột phát phải cân nhắc. Bối cảnh – cái không gian có một không hai – nơi tâm trí hoàn toàn làm chủ cơ thể.

Thân thể. Bị đúc nặn, biến dạng, xoắn vặn và trở thành những hình thể hoặc mất dạng;  Khí, hơi thở – và điệu thức. Thân thể cất tiếng nói. Thân thể chịu đựng, đẫm mồ hôi, đầy nước mắt, thân thể có thể bị tổn thương, thân thể là hiện hữu, thân thể là hủy diệt.

Mỹ thuật – điêu khắc, hội họa, đồ họa, tranh khắc – hết thảy đều phải dụng tới đối tượng và công cụ để sản tạo ra sản phẩm. Những công cụ đó là phương tiện. Các nghệ sĩ video phải sử dụng máy quay, các nghệ sĩ âm thanh cần có máy ghi âm. Tương tự, các nghệ sĩ sắp đặt lệ thuộc vào đồ vật, thậm chí sử dụng cả cơ thể của mình.

Nhưng một nghệ sĩ Performance thì sao? Đó phải chăng là thứ nghệ thuật biểu diễn độc đáo so với các loại hình nghệ thuật khác? Phải chăng nó đứng riêng hoàn toàn độc lập, một môi trường nghệ thuật độc nhất vô nhị và đầy hấp dẫn như có bùa mê?

Performance là thế tục, là nghệ thuật thân xác, là lục phủ ngũ tạng, khi bất động, lúc biến hóa, bền bỉ, dẻo dai, cương cường, bạo liệt.

Này bạn, Performance là sự hiện diện ngay trước bạn đó, một con người sống động với trái tim cũng thổn thức như bạn. Họ đang nghĩ gì, họ là ai? Bạn có thể nhìn đăm đắm vào đôi mắt một người hoàn toàn xa lạ, bạn có thể cảm nhận được cơ thể họ, và biết rằng một khi hành động của họ kết thúc, không còn gì để lại trên sàn diễn.

Đã có một cái gì đó thật mới mẻ, một sự thấu hiểu những điều bí mật, một ghi nhớ giữa bạn với cơ thể người nghệ sĩ trên sàn diễn.

Giây phút đồng cảm với nghệ sĩ không phải ai cũng như ai. Bạn thấy xốn xang trong lòng, hồi hộp đến ngẹt thở, và từ cơ thể người diễn tỏa lan tới bạn thứ nhiệt năng xung mãnh đến không thể chịu nổi.

Đó chính là Performance.

Abramovic trong Art Lips of Thomas

Performance có thể – nhưng thực sự không cần – dùng tới giấy bút, đồ đoàn, quần áo, tranh pháo, vi-đeo, hay bất cứ thứ gì khác ngoài xác thân người nghệ sĩ. Nhưng Performance nên thử nghiệm chính cơ thể – cơ thể người diễn cũng như cơ thể của bạn cùng với những giới hạn của nó. Điều đó không có nghĩa rằng tất cả những người diễn (performer) đều phải là Marina Abromovic. Không, chúng ta không cần phải đánh đấm bản thân, không buộc cứ phải xơi hành tây, hoặc phải cắt tiết lột da trên sàn. Chúng ta không cần phải trói mình hoặc các “cơ quan đoàn thể” vào bàn vào tủ. Chúng ta cũng không cần phải phóng tinh hoặc phi thân qua khói lửa. Nhưng cần phải nghĩ đến tất cả những điều đó. Chỉ có một vương quốc sáng tạo duy nhất, một hiểm nguy duy nhất, đó là trái tim ta đang co thắt, ta không bao giờ được lơ là với nó, và trong lúc chúng ta được những người đồng bào tung hô cũng là lúc trái tim đang lâm nguy. Trái tim chính là sự sống còn.

Như vậy, cơ thể đã trở thành phương tiện và cứu cánh. Cơ thể – khiến sự hoài nghi phải dừng bước – đã không còn là thân xác, ngôn ngữ đã mất đi ý nghĩa, động tác cũng còn đâu cảm xúc cá nhân. Cơ thể đã là chất liệu của riêng nó, và trong khi chịu đựng những giới hạn của mình – cơ thể toát ra vẻ đẹp, phù du và mong manh, đó chính là lý thuyết của nghệ thuật Performance. Sự tồn tại trong một trạng thái tâm trí làm chủ hoàn toàn thân xác: khi cơ thể kể một câu chuyện bằng cách cố gắng thoát khỏi chính nó, và cuối cùng đã thoát ra được nhờ biết chấp nhận những giới hạn.

Đó chính là ánh sáng cuối đường hầm, là hướng đi, là lối thoát của Performance trong thế kỷ 21.

 

Himali Singh Soin

*

Lý lịch trích ngang: Himali Singh Soin là nghệ sĩ Mỹ gốc Ấn, tốt nghiệp Trường nghệ thuật Middlebury, Vermont (một trong những trường nghệ thuật lâu đời và nổi tiếng nhất Hoa Kỳ về nghệ thuật thị giác và trình diễn). Hoạt động trong lĩnh vực: nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật khái niệm, nhiếp ảnh, sưu tập nghệ thuật, tổ chức triển lãm, nghiên cứu và viết sách. Địa bàn hoạt động: New Delhi, New York, Brooklyn, Mumbai.

Nguồn: Artslant

Ý kiến - Thảo luận

11:48 Tuesday,28.9.2010 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em có ý kiến rằng thì là hổng bít ở nước ngoài ra sao, chứ đi xem trình diễn TRỰC TIẾP ở nhà Sàn rất chi là thú, và cũng sợ nữa ạ.
Tại sao thú: vì là được xem tận mắt, cảm xúc trực tiếp và có thực, lại được bắt tay nghệ sĩ trước và sau khi diễn(các anh các chị rất dễ gần), được xin chữ ký trực tiếp mà khô
...xem tiếp
11:48 Tuesday,28.9.2010 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em có ý kiến rằng thì là hổng bít ở nước ngoài ra sao, chứ đi xem trình diễn TRỰC TIẾP ở nhà Sàn rất chi là thú, và cũng sợ nữa ạ.
Tại sao thú: vì là được xem tận mắt, cảm xúc trực tiếp và có thực, lại được bắt tay nghệ sĩ trước và sau khi diễn(các anh các chị rất dễ gần), được xin chữ ký trực tiếp mà không bị chen lấn xô đẩy, mà hay được gặp các bạn tây luyện giúp Anh ngữ, và thú nhất là chưa bao giờ bị bỏ đói ạ (chúng em cám ơn chú Đức. Thú thực chúng em toàn nhịn bữa chiều, cả lũ hẹn nhau đến xơi sạch sẽ cỗ bàn nhà Sàn, không biết chú Đức có phát hiện ra và có giận không?)
Còn tại sao sợ: bởi vì rằng thì là nếu không hiểu tiết mục mà hỏi han nhiều thì hay bị lườm (chúng em rất tủi thân ạ), và nữa là rất hay bị các nghệ sĩ bất thình lình dí đạo cụ vào tay, vào người, hoảng chết thôi, mờ không tham gia thì bị nhìn chằm chằm vào người, rất ngượng ạ. 
8:07 Monday,27.9.2010 Đăng bởi:  A.N
Đã có một cái gì đó thật mới mẻ, một sự thấu hiểu những điều bí mật, một ghi nhớ giữa bạn với cơ thể người nghệ sĩ trên sàn diễn.... HAy quá:). Nên mình nghĩ performance phải xem trực tiếp nhỉ.
...xem tiếp
8:07 Monday,27.9.2010 Đăng bởi:  A.N
Đã có một cái gì đó thật mới mẻ, một sự thấu hiểu những điều bí mật, một ghi nhớ giữa bạn với cơ thể người nghệ sĩ trên sàn diễn.... HAy quá:). Nên mình nghĩ performance phải xem trực tiếp nhỉ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả