|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnĐi xem dân chủ nghệ thuật “kiểu nhà sàn” 13. 10. 11 - 4:11 pmVũ Lâm(SOI: Đây là phần đầu của một bài viết dài. Vì bài viết có ba phần có thể đứng độc lập, Soi xin được chia thành ba bài nhỏ để bạn đọc tiện theo dõi.) FESTIVAL VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG Khai mạc: 8h sáng ngày 30. 9. 2011
Tôi viết bài “Võ lâm đại hội” ở xứ Mường và nền dân chủ nghệ thuật kiểu nhà sàn với ý định có hai phần. Phần một là mô tả. Phần hai là suy ngẫm. Vì tuy sự kiện Festival Mường đã qua, nhưng dù sao các tác phẩm của một tập hợp khá đông nghệ sĩ sáng tác ở đó còn tồn tại nơi đây chí ít một năm nữa. Còn nhiều cơ hội để người xem có thể lên chơi, xem và thưởng thức trong không gian này. Phần tiếp theo của bài viết này là những cảm nghĩ khi tôi “ba cùng” với các nghệ sĩ ở đây vài hôm. Cộng với một ít suy cảm về nghệ thuật ít lâu nay, không đầu, không đuôi, có thể phi logic nữa và lỏng lẻo về câu từ. Mong người đọc “đại xá”! Dân chủ nhà sàn và dân chủ “gầm sàn” Không biết tác phẩm của nhà điêu khắc Đào Châu Hải có “điềm” gì báo bão không mà ảnh hưởng cơn bão số 5 ập về thủ đô và mấy tỉnh xung quanh đúng hôm tác phẩm vừa xong, và cũng là ngày khai mạc của triển lãm (và Festival) là ngày 30. 9. Rồi từ đó đến tận hôm nay, khu vực Hà Nội và Hòa Bình cứ mưa ròng rã suốt… Cùng một ngày hôm ấy, là ngày khai mạc triển lãm giấy dó của mấy “danh thủ” những năm 90 là họa sĩ Trương Tân, cùng hai họa sĩ trẻ hơn Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy do curator Vũ Trâm tổ chức, bàn về “chuyện tình”, thấy trên Soi cũng có khá nhiều bàn bạc rôm rả. Hôm khai mạc mưa mưa gió gió, tôi đến xem, động viên vui vui với chủ nhân của nơi triển lãm đang lo lắng vì thời tiết không ổn: Triển lãm vẽ về tình yêu có khác, giông tố nổi lên ngay là đúng rồi. Có mấy ai hiểu được tình yêu/ Lũ chúng ta đây bạc đầu vì nó/ Vậy mà bọn trẻ kia không biết điều đó/ Chúng nói về tình yêu như bàn về một giấc ngủ trưa/… Đó là mấy câu thơ của một nhà thơ nữ người Ba Lan, đoạt giải Nobel, tôi đọc trên báo Văn Nghệ hồi sinh viên, ở đây chợt nhớ. Về chữ “dân chủ nhà sàn”, tôi xin nói ngay đầy đủ ý của nó là “dân chủ trong nghệ thuật kiểu nhà sàn” chứ không bàn về dân chủ nọ kia trong chính trị. Về chữ dân chủ trong chính trị, có vẻ như nhân loại hàng mấy trăm năm tốn khá nhiều máu về cái chữ ấy mà còn chưa đâu vào đâu, nên không dám lạm bàn. Chỉ nhớ một số từ dùng hay nghe khá thông dụng ở ta như “dân chủ làng xã”, “dân chủ quán nước”, “dân chủ giả hiệu”, “dân chủ vô lối”, “dân chủ quân hồi vô phèng”… Các bậc vĩ nhân của nhân loại hình như đều đồng tình rằng nếu muốn có được dân chủ, trước hết phải có tri thức trước đã thì phải. Còn nếu như tri thức vẫn còn thiển cận, thiểu năng, lỗ mỗ, lởm khởm, thiếu minh bạch… thì tốt nhất là như thơ của bác Bảo Sinh, “dạy” rằng: “Rượu chè, cờ bạc, gái trai/ Là thuốc trường thọ ông trời cho ta/ Những chuyện “dân chủ” tránh xa/ Bàn nhiều tổn thọ, hai là đánh nhau”. Tôi nảy ra cái ý “dân chủ nhà sàn” là do chứng kiến đời sống của các nghệ sĩ mấy hôm sáng tác tại nhà sàn của anh Hiếu Mường. Chủ nhân bố trí cho các nghệ sĩ ở một ngôi nhà sàn Thái rất to rộng, mái lá cọ, cửa sổ con tiện gỗ nhìn ra tán cọ xòe rất yên ắng thanh bình, chăn đệm kiểu người Thái mua về từ Sơn La ấm cúng. Thầy cũng như trò, nghệ sĩ “nhớn” cũng như nghệ sĩ “bé”, mỗi người một góc tùy tiện. Có thể người nọ say sưa quá ngủ nhầm đệm của người kia thì người kia tự động ra chỗ khác mà nằm. Có một số thiếu nữ bạn gái của các nghệ sĩ trẻ chưa vợ hoặc có vợ rồi lên chơi cũng sinh hoạt cùng như thế. Sáng tỉnh dậy thấy một ông lạ hoắc ngáy khò khò bên cạnh mình. Chẳng sao. Ở trên những cái nhà sàn, mới hay là mình làm gì gây tiếng động không ai không biết, vì sàn gỗ hoặc tre dài khắp cả nhà, dẫm chỗ này mạnh chân thì đầu kia cũng biết ngay. Nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm kể ở những cái nhà sàn kiểu như thế này trên miền núi, những đôi vợ chồng trẻ nửa đêm có trót gây tiếng động “quá tay” góc này thì các cụ già ở góc kia khó ngủ, phải đập đập xuống sàn ra hiệu cho “chúng nó” đừng làm ồn các cụ mất ngủ. Nếu có “mình làm chuyện gì khi mình đề cập đến chuyện tình” ấy, thì nhẹ, khẽ, xịt… thôi. Hic! Chính vì cách sinh hoạt kiểu nhà sàn như thế, với cơm rượu ngon nghẻ, các tay điêu khắc lại có một số nghệ nhân và thợ người Mường, sinh viên nghệ thuật ở các trường cao đẳng, đại học mới tốt nghiệp (cũng người Mường) phụ giúp; không gian bày đặt thì tha hồ; tối tối giao lưu, nghe nghệ nhân hát dân ca Mường Kinh lẫn lộn; không gian rộng rãi để đi lại và sáng tác, thêm một số buổi đi vào bản thăm thú nữa, ai cũng được tự do nói và bàn say sưa… nên sinh ra một bầu không khí tâm lý rất thú vị làm thay đổi tâm tính của một số “nghệ sĩ lưu trú” trong thời gian ở đây. Các bạn trẻ được nghe các nghệ sĩ già tâm sự và kể chuyện bên chiếu rượu như ở gia đình, có thể cãi nhau cũng thoải mái như cãi bố, cãi chú mình ở trong nhà. Một số nghệ sĩ trẻ vốn rất ngoan và khép nép trước các thầy hoặc các nghệ sĩ lớn tuổi, đột nhiên cãi lại hoặc phản đối rất hăng. Việc chọn bày chỗ để tác phẩm (nhất là điêu khắc) cũng vậy. Ngay cả những nghệ sĩ lớn tuổi, cũng phải “từ tốn, lòng vòng” khi góp ý với các nghệ sĩ trẻ không sợ họ tự ái. Còn “chủ nhà” Hiếu Mường thì chỉ lo phần điều thợ, việc sáng tác và đặt để của nghệ sĩ, riêng anh không tham gia. Có lẽ vì anh cũng là một họa sĩ, cũng kinh lịch với “anh em” nhiều nên quá hiểu. Việc dành cho họ một không gian là điều quan trọng nhất. Và quan trọng hơn cả là những nghệ sĩ nhận lời tham dự, ở lâu làm tại chỗ hoặc đi đi về về Hà Nội – Hòa Bình, hoặc gần xong mới đem tác phẩm lên, thì đều dựa trên tinh thần tự nguyện, thoải mái cả. Tôi nghĩ không có thù lao nào cho một người làm nghệ thuật quan trọng hơn thế. Có không gian, có vật liệu, phụ tá, và được làm bất cứ điều gì họ muốn làm, phát biểu và tranh luận điều họ tâm đắc. Thế thì dân chủ đứt đuôi quá đi rồi… Hỏi Chúa trời làm nghề gì, thì có lẽ nói vui được là Chúa trời làm nghề… điêu khắc. Vì công việc đầu tiên của Chúa trời là “nặn” ra con người và vạn vật. Nhưng có lẽ con người nên cảm ơn Chúa trời không phải chỉ vì việc Ngài đã nặn ra chúng ta. Mà sau khi nặn ra chúng ta, Ngài thả chúng ta xuống trần, cho mỗi người một khoảng không gian mà ngọ nguậy… tìm ý nghĩa hay ho của đời sống! Nhưng nghệ thuật lại có một sự khắt khe khác. Đó là hiệu quả tác phẩm với không gian tại nơi nó sinh ra và chất lượng tác phẩm so với yêu cầu của chính người làm ra nó cũng như “tương tác hấp dẫn” với những tác phẩm xung quanh. Bởi vì định nghĩa một trại sáng tác như “trại sáng tác Đất Mường” như tôi nói từ phần đầu, là còn đang thể nghiệm cung cách hoạt động, nên tôi không nói được gì về “chất lượng nghệ thuật” của lần này. Chỉ thấy, mỗi nghệ sĩ sáng tác ở đây lần này, hầu hết đã được hài lòng để làm việc. Tôi rất thích thú khi chứng kiến quá trình ấy; và như thế đã là một dấu hiệu tốt. Tự nhiên nghĩ đến nghệ thuật kiến trúc cái thời này. Hầu hết các kiến trúc sư giỏi không được làm nhiều tác phẩm tốt. Vì việc kiến trúc liên quan đến quyền lợi nhiều hơn là quan trọng ý nghĩa thẩm mỹ, dân sinh, nên đa số các kiến trúc sư giỏi cố gắng làm một số công trình để “phục vụ nhân dân” lấy chút ít “lợi” rồi lui về một góc riêng làm những cái gì mình thích, để lại tổng thể kiến trúc công cộng và kiến trúc dân sinh rất nham nhở và học đòi trái cựa. Sáng tác nghệ thuật tạo hình ở quy mô nhỏ hơn như hội họa, điêu khắc, đồ họa cũng lui về “những lời nói riêng tư” lâu nay đôi khi hơi thái quá. Việc mở một “trại lưu trú sáng tác nghệ thuật” tư nhân, ở một không gian văn hóa dân tộc đậm đặc, xa thành thị với chủ nhân cũng là từ một nghệ sĩ am hiểu nghệ thuật, nghệ sĩ và quý chuộng văn hóa. Có lẽ đó là dấu hiệu hay ho để khởi đầu một hình thái sáng tác “cửa mở” cho tình hình bây giờ: tự nguyện, ta tự cho ta, làm chỉ vì con người, phi lợi nhuận và phi thương mại. Cũng nên thêm là, hình thái này đầy rẫy ở nước ngoài. Cánh nghệ sĩ trẻ ở ta được đi một số không gian sáng tác như thế ở các nước xung quanh hoặc châu Âu, Mỹ, về khen lấy khen để, lấy làm tự hào lắm. Nghe họ kể chuyện mà tôi cũng phát ganh phát tị. Nhưng thực hiện như thế ở ta gặp nhiều khó khăn, và chưa mấy người làm được, khi mà ngay với người dân, người làm nghệ thuật hoặc hâm mộ nghệ thuật thì “miếng chén tư lợi”, “tình dục nhỏ nhen” và “thủ tục hành chính cát cứ phiền hà” vẫn còn là những trở lực vật vã. (Thêm: Nói “dân chủ nghệ thuật trên nhà sàn” thì sinh ra một cái đối ứng trong đời sống của cái nhà sàn, là cái phần gầm sàn. Tôi chỉ mới nghĩ ra ngữ đối lập như vậy nhưng cũng chưa biết định nghĩa thế nào về cái gọi là “dân chủ gầm sàn”. Chỉ biết trong nhà truyền thống, thì gầm sàn dành cho động vật trâu bò chó mèo lợn gà. Nhưng ngày nay do thực hiện nếp sống “văn minh, vệ sinh” nên người ta ít nuôi động vật dưới gầm sàn nữa. Cái nhà sàn với người Việt và một số dân tộc Đông Nam Á là một loại nhà từ truyền thống mà ra. Và nó hình như nó sẽ còn sinh ra năng lượng thêm nữa để dung chứa nghệ thuật. Tiêu biểu ví dụ như Nhà Sàn của ông Nguyễn Mạnh Đức (con trai thứ của nhà văn Kim Lân. Hỗn danh “Đức cận”, hoặc “Đức mù”) là một “trung tâm mỹ thuật đương đại ngoài luồng” quan trọng với nghệ thuật “đương đại” thời gian trước. Hoặc Nhà sàn của ông Đào Anh Khánh, cũng là một nơi sản sinh ra “củ nghệ” Đào Anh Khánh nức tiếng năm châu và… phường Ngọc Thụy. Còn tính theo kiểu “dây máu ăn phần” nữa đi thì cái địa điểm nghệ thuật của anh Lê Quang Đỉnh trong Sài gòn cũng lấy tên là “Sàn Art” thì phải).
* Bài liên quan: – Đón xem Hiếu Mường lần đầu làm Festival Ý kiến - Thảo luận
22:33
Thursday,13.10.2011
Đăng bởi:
NGUYỄN HỒNG SƠN NÊN GẶP….
22:33
Thursday,13.10.2011
Đăng bởi:
NGUYỄN HỒNG SƠN NÊN GẶP….
Tôi thấy quá nhiều vấn đề nên góp ý cho Vũ Lâm nhưng có lẽ nên gặp trực tiếp bạn vậy.
20:52
Thursday,13.10.2011
Đăng bởi:
hoàng
hoan hô nghệ thuật công cộng
...xem tiếp
20:52
Thursday,13.10.2011
Đăng bởi:
hoàng
hoan hô nghệ thuật công cộng
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp