|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnhThương tiếc nhiếp ảnh gia René Burri, người luôn luôn kiên nhẫn 28. 10. 14 - 8:43 amHoàng LanRené Burri, nhiếp ảnh gia của tổ chức Magnum vừa qua đời ở tuổi 81 vì bệnh ung thư. René là người Thụy Sỹ, chuyên chụp các sự kiện chính trị, lịch sử, và văn hóa trọng yếu thời những năm 60s đến 80s. Ông còn đặc biệt nổi tiếng về ảnh chân dung những nhân vật then chốt của thời kỳ này. René sinh tại Zurich vào năm 1933, bố của ông – một nhiếp ảnh gia nghiệp dư – đã truyền cảm hứng nghề nghiệp cho con trai, nên René cầm máy rất sớm. Mới 13 tuổi mà ảnh của ông đã in trên báo: đó bức chụp Thủ tướng Anh Winston Churchill đứng trên một chiếc xe mui trần đang chạy trong thành phố Zurich. Sau thời gian chụp ảnh tư liệu cho một số tạp chí, René đến Paris và đưa tác phẩm của mình cho các thành viên thuộc Magnum Photos xem thử. Magnum mời ông tham gia tổ chức ngay tắp lự. Thông qua Magnum, René gặp gỡ lẫn làm việc trực tiếp với Henri Cartier-Bresson. “Bresson là người thầy vĩ đại của tôi”, René từng phát biểu trong một buổi phỏng vấn vào năm 2012. Mặc dù nếu nói cho công bằng thì đôi lúc René có làm trái ý Henri. Cartier-Bresson khuyến khích các nhiếp ảnh gia dùng ống kính 35mm và 90mm. Thế mà khi René Burri trở về từ Sao Paolo với ảnh chụp sân thượng của một tòa nhà chọc trời, Cartier-Bresson đã khen ngợi bức ảnh ấy; và René chưa bao giờ nói cho thầy mình biết rằng mình đã dùng ống kính 180mm để chụp tác phẩm này. Vào năm 1963 René Burri chu du đến Cuba, nơi ông chụp nên một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của mình: chân dung lãnh tụ cách mạng Che Guevara đang gặm điếu xì gà. Điều đáng nói là, Guevara đã làm ông sợ chết khiếp. Lúc đó René đi theo một cô nhà báo Mỹ và chụp hình Che lúc cô phỏng vấn ngài lãnh tụ. Cô này tấn công Che khá dữ dội với những câu hỏi đụng chạm đến niềm tin và lý tưởng của Che. Thế nên Che cứ gầm gừ đi lại trong phòng như “một con hổ bị giam cầm” suốt buổi phỏng vấn. Ngài cũng không cho René kéo rèm lấy ánh sáng, liên tục quay sang “dọa nạt” cô phóng viên và “gặm mãi một điếu xì gà”. Trong tình hình căng thẳng đó, René đã kiên nhẫn, giữ bình tĩnh và chụp nên một bức chân dung rất có hồn. Nói về sở trường chụp ảnh người nổi tiếng, Burri cũng cho biết rằng kiên nhẫn và bình tĩnh là hai yếu tố tối cần thiết: “Bạn không được hùng hổ xông tới gặp họ như thể mình là cái máy ủi”. Bạn bè của René còn nói ông phải kiên nhẫn nhẹ nhàng đến hơn 4 năm trời mới lấy được một buổi gặp mặt chụp ảnh với hoạ sĩ Picasso. Ngoài ảnh chân dung thì suốt những năm 1960 và 1970, Burri ngao du đi chụp ảnh chính trị, ảnh cuộc sống khắp châu Mỹ La Tinh và châu Âu. Ông còn đến Việt Nam, Trung Quốc, Li Băng và Mỹ. Trong bản cáo phó dành cho René của Magnum, nhiếp ảnh gia kiêm chủ tịch Magnum – ông Martin Parr – viết, “René không chỉ là một trong những nhiếp ảnh gia vĩ đại của thời hậu chiến, ông còn là người rộng lượng nhất tôi từng có vinh dự quen. Cống hiến của ông cho Magnum, lẫn tài năng vô song trong việc kể cho ta nghe nhiều mẩu chuyện bằng hình ông chụp sẽ luôn là di sản khổng lồ mà René để lại cho đời”. Hãy xem lại một số tác phẩm nổi bật của René Burri. Ông chuyên chụp nhiều nhân vật nổi tiếng, tuy nhiên ảnh đời sống, ảnh phố phường của ông cũng rất đẹp đấy.
Ý kiến - Thảo luận
18:31
Wednesday,29.10.2014
Đăng bởi:
Phú
18:31
Wednesday,29.10.2014
Đăng bởi:
Phú
Đẹp khủng khiếp bức ảnh chụp sân thượng ở Sao Paolo. Các kiến trúc đều nằm trong bóng râm, chí có hoạt động của con người là được chiếu sáng, như trên các sân khấu. Một sân khấu đông đúc, vô tâm, là đường phố, với xe đông đúc. Một sân khấu của một nhóm 4 người - 4 người đàn ông, bước đi như băng đảng trên sân thượng nắng, với “anh Hai” đi đầu, và bậu sậu theo sau.
Khối nhà mà họ đi bên trên có những sọc kẻ dứt khoát, như biểu tượng cho ý chí của đàn ông, của âm mưu. Hình như họ đã nhìn thấy nhiếp ảnh gia? Hình như người đi hàng thứ hai, bên phải, đã chỉ tay về phía Burri? Một bức ảnh là cả một câu chuyện tùy theo óc ta tưởng tượng... Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp