Nghệ sĩ thế giới

Ai là chính khách salon? 07. 11. 14 - 5:22 pm

Phan Xuân Loan dịch từ trang m.kp.ru

LND: Các trí thức, văn nghệ sĩ Nga đứng ở đâu trong cuộc khủng hoảng quan hệ Nga – Ukraine – phương Tây? Theo dõi truyền thông và mạng xã hội Nga những ngày này, có thể thấy rõ sự phân tuyến của họ với những cuộc đấu khẩu gay cấn. Chúng tôi trích dịch giới thiệu:

1. cuộc tranh luận trên kênh truyền hình đối lập Nga “Дождь” (TVRain) giữa người dẫn chương trình truyền hình đối lập Kseniya Sobchak và nhà văn, người dẫn chương trình phát thanh và truyền hình Nga Sergey Minaev (độc giả Việt Nam đã biết đến qua tác phẩm Vô hồn (Duhless).

2. Một “Facebook chiến” giữa nhà văn Nga nổi tiếng Viktor Prilepin với Boris Nemtsov, cựu thủ tướng Nga thời B. Yeltsin, nay là một chính khách đối lập.

*

Kỳ 1 này là trích dịch cuộc nói chuyện trên kênh truyền hình đối lập Nga giữa giữa nhà báo đối lập Kseniya Sobchak và nhà báo, nhà văn Nga Sergey Minaev hôm 8. 10. 2014.

Kseniya Sobchak, sinh năm 1981, phát thanh viên, nhà báo đối lập, từng được mệnh danh là “Paris Hilton của Nga”. Hiện làm việc cho kênh truyền hình độc lập «Дождь», thành viên Hội đồng phối hợp đối lập Nga.

 

Sergei Minaev: sinh năm 1975, nhà văn, người dẫn chương trình truyền thanh, truyền hình và là một doanh nhân. Nổi tiếng với các tác phẩm” Vô hồn”, “Media Sapiens”…

*

Sobchak: Hôm qua trên Facebook của mình, anh chúc mừng sinh nhật Putin (7-10) và kết thúc post của mình bằng câu: “Cứ để cả thế giới chờ”. Thế giới phải chờ cái gì ở Putin? Ý anh muốn nói gì?

Minaev: Thì trò chơi là vậy thôi – Châu Âu sẽ đợi trong khi Sa Hoàng câu cá. Đó là một trò chơi.

Sobchak: Tôi thậm chí không hiểu

Minaev: Phải giải thích gì cho cô đây?

Sobchak: Phương Tây phải chờ?

Minaev: Dĩ nhiên.

Sobchak: Nhưng anh có một khuynh hướng chính trị nhất định và đứng trên một quan điểm rõ ràng về Ukraine, một quan điểm hoàn toàn chính trị, dù anh là một nhà báo, nhà văn, doanh nhân. Tại sao anh phải vậy?

Minaev: Quan điểm của tôi để làm gì à?

Sobchak: Tức anh phải có một quan điểm rõ ràng về Ukraine để làm gì?

Minaev: Trong mọi trường hợp, lúc này hay khác, gặp bạn bè, nói chuyện với độc giả hay phát biểu trên sóng truyền hình, đó là đề tài số 1. Dĩ nhiên, cái nhìn của tôi thú vị. Bảo là tôi không quan tâm chính trị, tôi vào Facebook để post hình? Không, tôi có một quan điểm rõ ràng, và tôi thể hiện.

Sobchak: Đa số mọi người, nếu ta nói về nhà văn, về các nghề sáng tạo, họ thường giữ khoảng cách với đề tài này. Thí dụ Tachina Tolstaiya.

Tatyana Tolstaya: Nhà văn, nhà chính luận nhà báo truyền hình Nga, sinh năm 1951. Năm 2011 nằm trong số “100 phụ nữ ảnh hưởng nhất nước Nga”. Trong một note trên facebook gần đây được tờ Báo Mới Nga in lại vào 6-10, nữ văn sĩ cho biết đã từ chối gửi (truyện ngắn đã viết) và viết (truyện ngắn mới) cho một “đơn đặt hàng nhà nước” của NXB Piter cho tuyển tập mang tên “Crimea, tôi yêu người” vì “không yêu Crimea theo đơn đặt hàng nhà nước” (xem tại đây).

Minaev: Nhưng Zakhar Prilepin đi Donbass đấy.

Sobchak: Anh không đi Donbass, khác với Shargunov và Prilepin, nhưng lại có những phát biểu salon. Để làm gì?

Zakhar Prilepin (sinh năm 1975): Nhà văn, nghệ sĩ, nhà hoạt động chính trị Nga, từng tham chiến ở Chechnya những năm 1996 và 1999, năm 2010 ký tên trong danh sách phe đối lập kêu gọi tổng thống Nga V. Putin từ chức. Prilepin nổi tiếng với nhiều tác phẩm bán chạy nhất nước Nga những năm gần đây. Hiện đang có mặt ở đông Ukraine.

 

Sergei Shargunov: Nhà báo, nhà văn nổi tiếng, với nhiều tác phẩm đoạt các giải thưởng lớn của Nga và hiện là tổng biên tập cổng thông tin “Svobodnaya Pressa”. Được chọn làm tác giả kịch bản phim tài liệu “Crimea” của Nga đang được tiến hành. Từng có mặt ở vùng chiến sự Nam Ossetia (2008) và nay, ở Donbass (Ukraine).

Minaev: Phát biểu salon là gì?

SobchakLà anh ở Matxcơva, chứ không ở đó.

Minaev: Tôi hiểu rồi. Cô muốn nói, tất cả mọi điều mà người ta trình bày, chúng – theo cách nhìn của cô – đều thuộc về salon? Vậy thì cô cũng đừng nấp sau ụ đất mà tấn công hay lâu lâu lại viết gì trên Twitter nhé. Không có gì phải lo lắng cả.

Sobchak: Quan điểm của anh rất thiên vị chính quyền, Sergei.

Minaev: Đó là quan điểm thân nước Nga.

Sobchak: Nghe này, nhiều người yêu nước Nga nhưng có quan điểm hoàn toàn khác.

Minaev: Đó là quyền của họ, họ sống trong một đất nước tự do…

Sobchak: Nhưng anh là nhà báo, quan điểm anh trùng với khuynh hướng chính quyền. Anh không thấy kỳ cục à?

Minaev: Tôi trùng hợp với khuynh hướng bảo vệ lợi ích Nga. Chúng ta nhìn vấn đề khác nhau, chúng ta sống ở nước Nga, tôi và cô là công dân Nga, và lẽ đương nhiên, chúng ta hiểu thế nào là địa chính trị. Cô tốt nghiệp MGIMO (Đại học quan hệ quốc tế Matxcơva, nổi tiếng là nơi đào tạo các nhà ngoại giao Nga tương lai- LND), hiểu điều đó hơn ai hết. Và rất lạ khi bây giờ đi ngược dòng, đơn giản đó là ngu xuẩn. Và nói gì nhỉ, chúng ta là kẻ xâm chiếm, kẻ tấn công, quân phát xít à?
 

Kseniya Sobchak là con gái của Anatoly Alexandrovich Sobchak (đã mất năm 2000), một chính khách Nga, đồng tác giả của Hiến pháp Liên bang Nga, là thì trưởng đầu tiên được bầu theo cách dân chủ của Saint Petersburg, một thầy giáo và người ủng hộ nhiệt thành cả Vladimir Putin lẫn Dmitry Medvedev.

Sobchak: Anh là nhà báo, chính là người đặt câu hỏi cho người khác để làm sáng tỏ sự thật, anh chưa hiểu hết tận tường chuyện gì đang xảy ra ở đó, không gắn với sự kiện đến tận cùng, sao anh có thể can đảm nói như anh đang ở Ukraine?

Minaev: Hoàn toàn có thể. Khi tôi phỏng vấn ai đó về những sự kiện Ukraine – tôi đâu có bịt miệng họ bằng quan điểm khác: “Không, không, đợi đã. Tôi sẽ kể chuyện này thật ra như thế nào”?.

Sobchak: Mặt khác, anh không mời nhiều người khác, những người có thể nói những điều lý thú hơn.

Minaev: Mời ai? Tôi không mời nữ văn sĩ Tolstaya ư? Để bà ấy nói tôi nghe những điều thú vị về Ukraine ư?

Sobchak: Có rất nhiều người. Muốn không, tôi sẽ lập cho anh danh sách ai có thể mời tới chương trình của anh về vấn đề Ukraine?

Minaev: Hãy lập đi. Có thể bắt đầu dẫu chỉ từ hai cái tên.

Sobchak: Hãy mời các bà góa của những lính dù hy sinh, chẳng hạn. Tại sao không có chương trình như vậy? Dường như đó sẽ là một chương trình hay.

Minaev: Rồi tiếp theo?

Sobchak: Trò chuyện với họ?

Minaev: Về cái gì?

Sobchak: Về những nấm mồ vô danh, về việc người ta đã xóa những cái tên khỏi những bia mộ này, xóa bỏ dấu vết v.v..

Minaev: Cô có tới chỗ những ngôi mộ này?

Sobchak: Tôi đã thấy bằng chứng, trong số đó có (bằng chứng) của nhà báo kênh chúng tôi.

Minaev: Sau đó cô cũng thấy lời bác bỏ những bằng chứng này chứ? Cũng có những bằng chứng này đấy.

Sobchak: Tôi không thấy những lời bác bỏ. Trong các phóng sự mà tôi nói, không có các bác bỏ, chỉ có những người sau đó xuất hiện trầy xước và bầm dập. Đó RBK đã tung ra một phóng sự điều tra lớn nếu anh cảm thấy khó chịu với kênh “Дождь”, tức là có những nguồn khác nữa.

Minaev: Tôi không khó chịu với “Дождь”, lẫn RBK. Tôi mời các bà góa có con chết vì tổ quốc lên sóng phải không? Tôi nói gì với họ?

Sobchak: Anh là nhà báo, tôi không cần nói anh nên làm gì.

Minaev: Đơn giản là để làm gì đấy, ý đồ của buổi phát sóng đó – một lễ cầu siêu tập thể?

Sobchak: Bởi vì anh đứng về phía xã hội, phía con người, anh lắng nghe bằng chứng của họ về những gì đã xảy ra với con cái họ.

Minaev: Cô cũng là nhà báo kinh nghiệm, cô hiểu là chương trình đó sẽ kết thúc thế nào, nó có hai kịch bản – hoặc là một cuộc cầu hồn tập thể, khi tất cả cùng khóc – hoặc là hoan hô – chủ nghĩa yêu nước – chúng ta chết vì Tổ quốc, đấy chúng ta là những người như thế. Cả hai cuộc phát sóng này đều hoàn toàn vô nghĩa.
 

Nhà báo truyền hình đối lập Kseniya Sobchak (phải) và nhà văn, người dẫn chương trình truyền thanh, truyền hình Nga Sergey Minaev.

Sobchak: Anh có cho rằng các phát biểu của anh công khai như thế của anh có thể khiến anh bị (phương Tây) cấm vận?

Minaev: Dĩ nhiên, có thể chứ.

Sobchak: Là sao?

Minaev: Là họ có thể cấm vận.

Sobchak: Và anh không lo âu về chuyện này, như họ sẽ hủy chuyến đi lãng mạn của anh với vợ tới Paris?

Minaev: Họ hủy, nhưng không có gì đáng sợ cả. Tôi không lo. Tôi đến Paris lần đầu tiên năm 1997, khi tôi 22 tuổi. Trước đó tôi đã sống mà không có Paris, và tôi nghĩ sẽ còn có khoảng thời gian nào đó tôi sống không có nó. Dĩ nhiên tôi không thích chuyện đó chút nào – tôi yêu thành phố ấy.

Sobchak: Anh là người yêu thích văn minh phương Tây, lối sống phương tây, anh thích ngao du. Chính xác anh không phải là người sao cũng được, nghỉ ở Crimea hay ở Saint Tropez.

Minaev: Kseniya, cô hiểu không, vấn đề ở chỗ khác. Tôi và cô không nói về việc tôi bị cấm vận do tôi, thí dụ, phạm tội kinh tế. Tôi đảm bảo với cô là chúng ta đang sống ở thời kỳ mà, tôi không muốn tỏ ra hừng hào, nhưng nó là thế đấy, vận mệnh địa chính trị quốc gia đang được quyết định. Chúng ta có thể làm bộ làm tịch, chúng ta có thể giễu cợt về đề tài này, nhưng là thế đấy. Thế giới đã khác, và ngày mai nó còn hoàn toàn khác nữa. Và trong thế giới đã khác đó, điều đấy sẽ không có ý nghĩa gì hết. Cô muốn tôi nói là tôi yêu Paris lắm và tốt nhất bây giờ hoặc là tôi im miệng, hoặc là tôi vuốt đuôi: “Dẫu sao cũng không nên (chiến tranh), dẫu sao cũng nên vì hòa bình?”. Không có hòa bình. Đây cũng là bằng chứng cho thấy không có nền hòa bình nào nữa.

Sobchak: Câu hỏi vì sao không có hòa bình, là quan trọng nhất.

Minaev: Bởi vì toàn bộ mô hình của cuộc khủng hoảng Ukraine ngay từ đầu đã bị xới tung lên thành chiến tranh. Không thể nói những điều ngu xuẩn kiểu như nước Mỹ muốn chiến tranh với Nga, nhưng rõ ràng một cuộc chiến ở nước Nga hay tiếp giáp với biên giới Nga là có lợi cho Mỹ. Chúng ta đang thấy điều đó diễn ra. Nó (cuộc chiến – LND) đang thực hiện các nhiệm vụ địa chính trị… Không nên diễn giải sai ý tôi, rằng người Mỹ là những tay súng hiếu chiến, chỉ muốn ăn tươi nuốt sống chúng ta, tiêu diệt chúng ta và có Chúa mới biết chúng còn làm gì nữa. Không, đó là địa chính trị, một nước lớn khoái trá ăn tươi nuốt sống một nước lớn khác. Đó là thế giới, nó được tạo dựng như vậy. Tại sao phải chơi trò con nít và nói không phải thế, rằng tất cả nên vì hòa bình! Không phải mọi người đều vì hòa bình, Kseniya, cô hiểu điều đó mà.

Sobchak: Trong ý nghĩa này tôi có cảm tưởng mọi người có đầu óc nhân văn, như các triết gia, nhà văn, nhà báo, thật lạ khi họ bắt đầu tư duy bằng các phạm trù chính trị. Những gì anh nói, đối với một chính khách, có thể là đúng, nhưng khi anh là một nhà văn mà lại phát biểu ủng hộ chiến tranh và nói: ‘Đó là địa chính trị, đó là lợi ích. Thế giới không thể khác hơn thế” thì đó không phải là quan điểm nhân văn của một người trong nghề của anh.

Minaev: Cô ngay lập tức đã hiểu sai lời của tôi rồi, tôi không nói là tôi ủng hộ chiến tranh nhé. Tôi không muốn chiến tranh.

Sobchak: Anh đã bảo: “Tôi sẽ nói dối cô à, sẽ có hòa bình trên toàn thế giới à?”

Minaev: Nếu có chiến tranh, chúng ta phải chiến đấu, lẽ dĩ nhiên tôi không thích chiến tranh. Một người bình thường chẳng ai muốn chiến tranh, và không ai muốn chết, ai chẳng muốn sống ngày càng thọ hơn và tốt hơn… Nhưng chủ nghĩa hòa bình đó không phải là không hợp thời, mà là buồn cười. Chúng ta biết là có một sân khấu lớn của xung đột địa chính trị, nó đang diễn ra ở Ukraine. Nó đang được chuyển đến gần biên giới chúng ta và chúng ta đang đẩy nó ra khỏi bờ cõi của mình. Rõ ràng câu chuyện của Donbass trước tiên và quan trọng nhất cũng chính là câu chuyện của Crimea….

(Cuộc đấu khẩu của hai bên sau đó chuyển sang các phe phái đông Ukraine, về Novorossiya và một số thủ lĩnh ly khai…”)

 

 

Ý kiến - Thảo luận

17:27 Tuesday,11.11.2014 Đăng bởi:  Dim
Cuộc trò chuyện điển hình cho nhiều cuộc tranh luận khác trên FB hiện nay, về các đề tài chính trị giữa những phe phái theo quan điểm chính trị khác nhau.
Cách bẻ hướng cuộc nói chuyện, đánh tráo khái niệm của cô nhà báo Kseniya không rõ có được nhóm nào coi là "nghệ thuật tranh luận" không. Nhưng rõ ràng Sobchak nỗ lực và nghiêm túc hơn khi đánh giá về đề tài đang
...xem tiếp
17:27 Tuesday,11.11.2014 Đăng bởi:  Dim
Cuộc trò chuyện điển hình cho nhiều cuộc tranh luận khác trên FB hiện nay, về các đề tài chính trị giữa những phe phái theo quan điểm chính trị khác nhau.
Cách bẻ hướng cuộc nói chuyện, đánh tráo khái niệm của cô nhà báo Kseniya không rõ có được nhóm nào coi là "nghệ thuật tranh luận" không. Nhưng rõ ràng Sobchak nỗ lực và nghiêm túc hơn khi đánh giá về đề tài đang tranh luận.
Quan điểm có thể trái chiều, nhưng trong tranh luận chính trị mà công kích cá nhân và suy diễn quan điểm đạo đức thì chẳng hứa hẹn mục đích gì cao cả. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả