Soi học

Bài học Chủ nhật: Actaeon – chết như bao gã đàn ông đã chết khi gặp gái đẹp mà dữ 27. 05. 12 - 7:06 am

Pha Lê

 

.

 

Tuần trước trong bài Ovid – ông là ai có nhắc tới tác phẩm Actaeon và Diana của Titian. Để mọi người không bối rối vì tích lạ, tôi xin kể về bị kịch của chàng Actaeon, và để cùng nhịp với bài trước, xin lấy bản của Ovid làm bản chính.

Actaeon có một khởi đầu suôn sẻ, chàng là hoàng tử xứ Thebes, cháu ngoại của vua Cadmus (Cadmus là anh trai của Europa), mẹ chàng là công chúa Autonoe, bố chàng là Aristaeus. Actaeon cũng không đến nỗi nào: đẹp trai, dũng mãnh, và có tài săn bắn. Giống các chàng hoàng tử Thebes khác, Actaeon theo học thầy nhân mã Chiron, vào thời đấy thì coi như chàng là công tử quyền quý, là hotboy, được học trường điểm.

Bi kịch của cậu bắt đầu vì một buổi đi săn, một ngày đẹp trời nọ, Actaeon đem đàn chó săn (nghe đâu tới 50 con, nhiều còn hơn trại chó của một gia đình quý tộc Châu Âu thời thế kỷ 17-18) vào rừng để bắt nai bắt heo, nhưng hôm đó đầu óc Actaeon để đâu trên mây, nên chàng vô ý tiến sâu quá mức cho phép. Thường thì chuyện này cũng không sao, thợ săn có nghề như Actaeon sẽ tìm được lối ra dễ dàng. Xui xẻo thay, vào đúng hôm đó, nữ thần Artemis cũng đi săn tại khu rừng này. Và giống như bao vị thần Hy Lạp khác, Artemis thích sạch sẽ, nên săn bắn xong là nữ thần đi tắm ngay.

Kể sử một chút, người Hy Lạp cho rằng sạch sẽ là tính tốt cần phải học từ các vị thần. Dân Hy Lạp rất chỉn chu, siêng tập thể hình, thích xông hơi, cạo lông, bôi dầu bóng. Nên trong tích sẽ thấy nhiều cảnh thần này thần kia tắm rửa. Thói quen tốt đó về sau mất hút tại Châu Âu, vì nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất một năm tắm có 3 lần, mà còn bị mọi người than là tắm nhiều quá.

Trở lại với tích, chàng Acteaon xúi quẩy thế nào mà bước ngay đến chỗ Artemis tắm, mục kích thấy cảnh nữ thần đầy quyền năng khỏa thân. Lẽ ra, nếu biết khôn, chàng phải vắt giò lên chạy trước khi Artemis phát hiện ra mình, nhưng chàng lại hành xử như phần lớn đàn ông khi chạm trán một cô gái khỏa thân tuyệt đẹp: đứng đực ra nhìn.

 

Tác phẩm “Actaeon và Artemis”, 1640, Jacob Jordanens. Ovid thì kể rằng Artemis đi tắm một mình, nhưng dĩ nhiên các họa sĩ thích vẽ thêm vài nàng tiên cho nó hấp dẫn, vả lại Artemis hay đi săn với cả đám tùy tùng nên vẽ thêm vậy cũng không có gì sai. Trong hình, Actaeon cầm giáo đứng cạnh đàn chó, đưa mắt nhìn Artemis như bị bỏ bùa. Artemis (đội vương miện mặt trăng, thứ 2 từ trái đếm qua) thì hình như đã phát hiện ra chàng hoàng tử.


Đây là tấm “Actaeon và Diana” của Titian đã đăng trong bài trước. Actaeon này đã nhìn trộm rồi mà lại còn lộ liễu. Đọc tích rồi thì nhìn tranh sướng hơn, nhất là tranh khỏa thân, dù tiêu chuẩn “mập là đẹp” của thời đó không phù hợp với thời nay.


Tác phẩm “Diana và Actaeon”, Joseph Heintz the elder, 1590. Acteon (cầm giáo) vô tình bước vào phòng tắm lộ thiên của phái đoàn Artemis. Nữ thần (đội vương miện mặt trăng, thứ 3 từ trái đếm qua) hình như đã phát hiện ra chàng trai lạ mặt dám cả gan nhìn mình tắm. Chú ý đến cô nàng thứ 3 từ phải đếm qua, cô đang đội một cái vành rộng bản trên đầu, vành này ngăn không cho xà bông và nước bắn vô mặt.

 

Dĩ nhiên, Actaeon cứ đứng chết trân như vậy thì sớm muộn gì cũng bị Artemis bắt quả tang. Tội nghiệp chàng trai, người phàm tục mấy khi chiêm ngưỡng được cảnh nữ thần khỏa thân? Trừ Venus thích cởi truồng, phần lớn các nữ thần của Olympia sẽ giết bất cứ gã đàn ông phàm tục nào dám nhìn trộm. Athena và Hestia còn có thể nhân đạo hơn một chút, nhưng Artemis vốn ghét trai, nên kết cục của Actaeon hơi bị thảm. Nữ thần dùng phép, hắt nước sông vô người chàng hoàng tử, ngay lập tức Actaeon biến thành con hươu. Sau đó Artemis huýt sáo, ra lệnh cho 50 con chó săn của Actaeon tấn công chủ. Thế là Actaeon bị chính đàn chó của mình xé xác.

Dĩ nhiên tích này còn nhiều bản khác nữa, nhà thơ Euripdes kể: Artemis bảo đàn chó xé xác Actaeon vì anh này dám phán rằng tài săn bắn của mình hơn hẳn Artemis. Của đáng tội, Actateon không phải người đầu tiên gặp họa vì phán bậy, Iphigenia từng bị lôi ra tế do bố nàng dám kênh kiệu nói rằng ông bắn cung giỏi hơn Artemis.

Một số nguồn khác (hình như là từ Apollodorous, nhưng các nhà sử học vẫn chưa xác định được có phải là ông này viết không), thì nói Zeus giết Actaeon vì anh dám ve vãn Semele – mẹ của bợm nhậu Dionysus. Tính ra thì Semele là con gái của Cadmus, nên theo gia phả thì nàng là cô ruột của Actaeon, xem ra chàng này yêu hơi bị kinh.

Nhưng các họa sĩ không vẽ hai tích này mà chủ yếu vẽ tích của Ovid thôi.

 

“Diana và Actaeon”, Titian, 1562. Tác phẩn này tối tiếp bức “Diana và Actaeon” ở trên, vẽ cảnh Actaeon (đang biến thành hươu) bị chó nhào vô xé xác. Chắc thấy Artemis không làm gì nên họa sĩ vẽ thêm cảnh nữ thần cầm cung bắn Actaeon, theo kiểu “Bắn phát nữa cho chắc ăn”.


Chiếc bình cổ, có niên đại 470 năm trước Công Nguyên. Trên bình vẽ cảnh Actaeon bị chó xé xác, Artemis cũng cầm cung, nhưng không khỏa thân. Dân Hy Lạp vẽ rất nhiều hình khỏa thân lên ly lên chén, nhưng chỉ trên ly chén dùng trong những lễ hội đặc biệt, chủ yếu là lễ hội dành cho đàn ông, còn những vật dụng gia đình không có các hình này. Chiếc bình hiện nằm tại Museum of Fine Arts ở Boston.


“Diana và Actaeon”, Cavaliere d’Arpino, 1603-1606. Artemis đeo vương miện, vừa hất nước (giống tát nước) biến Actaeon thành hươu, các tiên nữ khi thấy trai thì hoảng hốt mặc áo lại hoặc lấy tay che. Mấy chú chó săn của Actaeon nhìn ốm đói quá, giống chó đua hơn chó săn, còn Acteaon thì già khú. Tranh hiện nằm tại Museum of Fine Arts ở Budapest.


“Diana và Actaeon”, Lucas Cranach the elder, 1518. Tranh này hơi nhuốm màu gothic, Actaeon biến thành hươu nhưng vẫn còn mang ủng. Artemis thì đang hất nước. Đằng xa có kỵ sĩ nào đấy đang đi săn, nạn nhân tiếp theo?


“Diana và Actaeon”, Francesco Albani, 1617. Artemis này không hất nước mà chỉ tay theo kiểu “chỉ điểm”. Các tiên nữ thấy trai nên vội vàng dùng vải che Artemis, nhưng nữ thần vẫn dửng dưng. Actaeon mọc gạc rồi mà vẫn còn đứng như trời trồng, đúng là gặp gái đẹp rồi thì máu nó không chảy lên não nữa.


“Diana và Actaeon”, Francesco Albani, 1630. Họa sĩ này hơi bị lười, vẽ lại tích và chép luôn tư thế của bức trước đó. Được cái trong bức này Actaeon biết vắt giò chạy, nhưng cả hai bức đều không thấy chó săn đâu.


Tác phẩm “Diana đi tắm”, Francois Clouet, 1550. Nhìn kỹ thì thấy tranh hơi tàn nhẫn. Artemis và các tiên nữ vừa tắm xong, thoải mái đùa giỡn với bọn Faun nửa người nửa dê. Đằng xa bên phải là Actaeon (lốt hươu) đang bị xé xác mà chẳng ai quan tâm. Xa xa bên trái là một chàng qúy tộc đi săn nữa, có lẽ sẽ làm nạn nhân tiếp theo. Nhưng trang phục kiểu này thì sai sử rồi, thời Hy Lạp ai ăn mặc vậy chứ.

 

Kết luận, nếu tích Hy Lạp giống cổ tích Việt Nam, thì bài học chúng ta nên rút ra là: không nên nhìn trộm phụ nữ khi họ tắm.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: Ovid, ông là ai?
– Bài học Chủ nhật: Actaeon chết vì hành xử như bao gã đàn ông khác khi gặp gái đẹp mà dữ

 

Ý kiến - Thảo luận

9:52 Friday,18.7.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Bức "Actaeon và Diana" của ông Lucar Cranach như kiểu vẽ chibi của Nhật ý ! Các nữ thần có vóc dáng rất là trẻ con, hoặc là vóc dáng của phụ nữ khoả thân thu nhỏ nên nhìn giống trẻ con lắm. Còn Actaeon là con hươu đang bị chính bầy chó của mình xé xác, hoạ sĩ vẽ con hươu
...xem tiếp
9:52 Friday,18.7.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Bức "Actaeon và Diana" của ông Lucar Cranach như kiểu vẽ chibi của Nhật ý ! Các nữ thần có vóc dáng rất là trẻ con, hoặc là vóc dáng của phụ nữ khoả thân thu nhỏ nên nhìn giống trẻ con lắm. Còn Actaeon là con hươu đang bị chính bầy chó của mình xé xác, hoạ sĩ vẽ con hươu và bầy chó không có vẻ loạn xị mà lại như con hươu đang... cho chó bú ấy !
 
12:30 Friday,1.6.2012 Đăng bởi:  SƠN – NỬA D
Lấy cổ ẩn ý nói kim, lấy xưa nói nay, lấy sự nhẹ nhàng vui vẻ mềm mại mà chinh phục người đọc, với cả một khối văn hóa đồ sộ và có phần nặng nề như phương tây là điều không tưởng, lấy sự dí dỏm ví von mà đưa đường dẫn lối lôi cuốn người đọc thì người đọc mới theo được từng đó số bài học chủ nhật của Pha Lê đó...

Chứ còn quá khắt kh
...xem tiếp
12:30 Friday,1.6.2012 Đăng bởi:  SƠN – NỬA D
Lấy cổ ẩn ý nói kim, lấy xưa nói nay, lấy sự nhẹ nhàng vui vẻ mềm mại mà chinh phục người đọc, với cả một khối văn hóa đồ sộ và có phần nặng nề như phương tây là điều không tưởng, lấy sự dí dỏm ví von mà đưa đường dẫn lối lôi cuốn người đọc thì người đọc mới theo được từng đó số bài học chủ nhật của Pha Lê đó...

Chứ còn quá khắt khe trong khi dịch, truyền bá một khối lượng kiến thức và văn hóa Phương Tây đồ sộ đầy tính triết học như vậy cho người Việt nam là không hợp, không thể thuyết phục được người đọc đâu bạn Phó ừ... Với từng đó bài mà học như học triết học thì đến người dịch cũng chết mất chứ còn gì nữa, còn người đọc thì còn chán sớm hơn nữa, nửa đường đứt gánh tương tư.... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả