Kiến trúc

Dùng thuyết nhân chủng học nào cho việc giãn dân phố cổ? 10. 11. 14 - 3:13 pm

KTS Phó Đức Tùng

.

Phố cổ Hà Nội – ảnh không rõ tác giả

Phóng viên thắc mắc: Trong câu chuyện di dời, giãn dân phố cổ có một điều kỳ lạ là người dân phố cổ Hà Nội đang sống chui rúc, chật chội trong những căn nhà cũ nát, nhưng khi nói đến chuyện di dời sang khu tái định cư lại cứ giãy nảy lên như “đỉa phải vôi”.

Lãnh đạo quận Hoàn kiếm trả lời: “Khi thực hiện đề án giãn dân phố cổ, khó khăn chính là thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân. Vì họ đã gắn bó hàng chục năm, nhiều thế hệ ở phố cổ và thói quen của họ trong sinh hoạt văn hóa, hàng xóm đã rất thân thuộc. Vấn đề phải làm cho họ thấy được quyền lợi khi họ tham gia vào đề án. Họ được đến khu đô thị có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt hơn, môi trường rộng rãi, thoáng mát… đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hiện đại.

Chúng tôi sẽ tìm ra lối sống, lối sinh hoạt của người dân phố cổ để đưa vào trong thiết kế khu đô thị mới cho phù hợp, họ vẫn còn hàng xóm vẫn được sống cùng với nhau. Đó là giá trị vô hình nhưng sẽ tạo sự gắn kết rất đặc biệt. Chính điểm này tạo nên điểm nổi bật khác với các khu nhà tái định cư khác của thành phố.”

HAI LOẠI DÂN PHỐ CỔ

Đằng sau câu hỏi và câu trả lời này tiềm ẩn một tiền giả định: “Dân phố cổ có thói quen hay văn hóa sống chui rúc, chật chội từ lâu khiến cho họ cảm thấy thích sống như vậy.”

Trong nhiều cuộc nói chuyện khác với những người “Hà Nội gốc”, đặc biệt là giới trí thức, quan chức, chúng tôi thấy có luồng ý kiến:

Trong đám “dân phố cổ” đang sống chui rúc đó có hai loại người. Một dạng là “dân gốc”, vốn “Thanh lịch Tràng An”, là những người đã từng tạo ra phố Phái nên thơ ngày nào. Họ từng là những người có căn bản, có nghề tinh, có văn hóa, truyền thống, có những thói quen thanh lịch kiểu thưởng thức thủy tiên, trà sen, ngâm thơ lảy Kiều v.v. Họ phải bám lấy mảnh đất này bằng mọi giá vì đó là nơi hương hỏa, là quê hương từ nhiều đời, cũng là nơi gắn bó với những kỷ niệm hào hoa Tràng An ngày nào.

Phố Hàng Mắm, khoảng đầu 1905 – ảnh tư liệu

Còn nhóm thứ hai là nhóm “nhảy dù”, vốn gốc quê mùa tứ chiếng, hỗn tạp, bần cố nông. Cái duy nhất mà họ từng có và mất là gông cùm xiềng xích. Nhóm này vốn quen sống bần hàn, ít nhu cầu, không có các thói quen, văn hóa đô thị. Mặt khác do nhảy dù chiếm nhà chiếm đất người ta nên được mảnh nào mừng mảnh đó. Chiếm được một chỗ thì lôi kéo cả họ hàng từ quê ra. Trong nhóm này, nhiều người không có giấy tờ hợp pháp và mang nhiều đặc điểm của cư dân ổ chuột. Họ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phố cổ như một khu ổ chuột ngày nay.

Chiến lược di dời 40% dân phố cổ chủ yếu nhằm vào đối tượng không có giấy tờ hợp lệ, sẽ chủ yếu nhằm vào nhóm này. Nếu nhóm người này bị chuyển đi gần hết, còn lại toàn dân Thanh lịch Tràng An thì phố cổ sẽ có cơ hồi sinh.


OSCAR LEWIS VÀ LÝ THUYẾT “Ổ BỆNH”

Toàn bộ câu chuyện này đã từng là một trong những trọng tâm của ngành nhân chủng học đô thị hàng trăm năm qua.

Ngành nhân chủng học có xuất phát điểm từ thế kỷ 19, khi trào lưu mở rộng thuộc địa diễn ra khắp nơi. Những học giả người “mẫu quốc” được cử đến các xứ thuộc địa để nghiên cứu về những chủng tộc người ở đây. Bằng công cụ là dân tộc ký (ethnography), họ tìm cách mô tả lại tất cả những đặc điểm nhận dạng của chủng tộc người này, từ hình dạng, kích thước, màu da cho tới ăn ở, sinh hoạt, văn hóa, công nghệ v.v.

Sang thế kỷ 20, ngành nhân chủng học phát triển thêm một hướng là nhân chủng học đô thị, nghiên cứu về các cộng đồng sắc tộc khác nhau trong những thành phố đa sắc tộc, nhất là ở Mỹ. Họ nghiên cứu về sự bảo tồn cũng như pha trộn, biến đổi của những đặc điểm nhân chủng học của từng sắc tộc trong các môi trường đô thị đa sắc tộc.

Năm 1966, nhà nhân chủng học đô thị Oscar Lewis gây chấn động dư luận khi đưa ra luận điểm là những người dân sống trong những khu ổ chuột (slum) và những khu tự phát bất hợp pháp (squatter) có một số đặc điểm sinh hoạt, văn hóa, nhận thức chung, bất kể họ thuộc sắc tộc gì, khiến cho họ có thể được coi như một dạng chủng người “dân ổ chuột”. Theo ông, chủng “dân ổ chuột” này có một dạng “văn hóa nghèo” đặc trưng của dân nhà quê nhập cư đô thị. Văn hóa nghèo này là một tổng hợp của sự ít học thức, đông con, không có ngành nghề, những hủ tục nông thôn truyền đời, cách sống co cụm, dòng tộc, gia trưởng, cho tới những thói quen ăn ở đạm bạc. Tất cả những văn hóa nghèo này vốn không phải là vấn đề khi họ ở môi trường nông nghiệp, ruộng đất của họ. Nhưng khi vào đô thị, chúng trở thành những rào cản khiến cho họ không thể hòa nhập vào lối sống đô thị. Khi bị tách rời khỏi môi trường gốc, giống như cá bị đưa lên bờ, tất cả môi trường định cư của họ bị biến thái, què quặt, từ đó ảnh hưởng ngược lại tới cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa, phẩm giá của họ. Tất cả khiến cho những cụm cư dân này trở thành những khối u, ung nhọt bất bình thường trong lòng đô thị, từ đó có thể làm lây bệnh cả cho những vùng xung quanh. Việc nên làm là giải tỏa những ung nhọt này. Một là có thể trả lại những người kia về với nông thôn một cách triệt để, ngăn không cho họ tái nhập cư. Hai là chia nhỏ họ ra, tản vào cấu trúc lành mạnh của đô thị, khiến cho họ bị văn minh đô thị đồng hóa dần dần, và không thể co cụm thành một “ổ bệnh” được. 

Trên đại lộ Bedford Stuyvesant, khu Ghetto Brooklyn, New York City, 1963


Với những lập luận chắc chắn, thuyết phục, lý thuyết của ông đã trở thành nền tảng cho trào lưu giải tỏa các khu ổ chuột và cư dân bất hợp pháp ở khắp nơi trên thế giới. Ở đâu người ta cũng thống nhất là các khu ổ chuột là tệ nạn, ung nhọt của đô thị và cần phải giải tỏa. Các chính phủ đều coi học thuyết của ông là kiến thức chính thống. Khi những chính sách giải tỏa gặp phải phản đối, biểu tình của người dân ở đây, chính quyền lại càng có bằng chứng để nói: đúng là một lũ dân ngu muội, phản loạn, không biết thế nào là sướng, quen thói sống chui rúc, khó cải tạo. Và mỗi khi chính quyền thành công trong việc dẹp yên phản đối, giải tỏa êm thấm, họ cho đó là bằng chứng về việc khai hóa văn minh, mở mang đầu óc, nâng cao nhận thức, thuyết phục đám dân này theo về lẽ phải. 


Ổ CHUỘT ĐẦM ẤM TỐT HƠN ĐÔ THỊ LẠNH LẼO?

Tuy nhiên, từ phía những nhà hoạt động nhân đạo, lý thuyết của Lewis đã gặp phản ứng dữ dội. Họ cho là ông vùi dập nạn nhân, tay sai cho chính quyền. Chính sách của ông làm đảo lộn cương thường đạo lý, hỗ trợ kẻ mạnh, áp bức người yếu, khiến cho bất công xã hội ngày một gia tăng. (Valentine 1968)

Nhiều nhà nhân chủng học với tinh thần nhân văn khác tập trung nghiên cứu các khu dân cư ổ chuột và tự phát, nhằm tìm ra những bằng chứng phản bác lý thuyết của Lewis.

Một loạt nghiên cứu quan trọng đã ra mắt đầu thập kỷ 70, làm thay đổi tận gốc cách nhìn nhận nhân chủng học đối với những khu cư dân này. Mangin 1970, Epstein 1972, Turner và Fichter 1972. Các học giả này nghiên cứu một loạt chỉ số được cho là quan trọng đối với một cộng đồng tốt như: quan hệ cộng đồng, độ an toàn, tình người, tình đoàn kết, ý thức bảo vệ, tinh thần làm chủ của cư dân, sự làm chủ cuộc sống của người dân, cơ hội kiếm sống độc lập để có được một cuộc sống đủ phẩm giá, tính tổ chức cộng đồng v.v. Họ đi đến kết luận là những chỉ số này ở các khu ổ chuột và tự phát tốt hơn hẳn đa số những khu đô thị được cho là sạch sẽ, hiện đại cao cấp. Từ đó, những khu ổ chuột này không những không bị coi là ung nhọt, mà còn được định nghĩa là những di sản văn hóa đô thị quý báu cần bảo tồn và là gương sáng cho quy hoạch. Những nghiên cứu này đã chỉ ra rõ ràng là người dân và cộng đồng mới là mấu chốt trong một khu đô thị, chứ không phải là nhà cửa, kỹ thuật hay vật chất.

“Picnic” Lower East Side, 1987 – ảnh của Matt Weber chụp tại một khu ghetto của New York

Một số nhà nhân chủng học đô thị khác nghiên cứu những mặt trái, còn tồn tại của các khu tự phát và ổ chuột và đưa tới một kết luận là rất nhiều bất cập của nó không phải xuất phát từ “văn hóa nghèo” hay nhận thức của cư dân ở đây, mà chính là sự bất cập của pháp luật, đẩy họ vào tình trạng không có quyền tự chủ. Muốn có một khu đô thị tốt thì nhu cầu, nguyện vọng và năng lực của mỗi người dân trong việc kiến tạo nên nơi chốn sống cho chính mình là thứ cần được tôn trọng và phát huy. Người ta có thể hỗ trợ, tư vấn cho người dân để kiến tạo ra những môi trường sống tốt hơn, nhưng không thể thay thế hay áp đặt họ được. Một biệt thự sang trọng bị áp đặt từ bên ngoài, không phù hợp nhu cầu cũng không tốt bằng một căn nhà lụp xụp do chính mình làm ra. Những kỷ niệm, thành tựu của chính mình là cơ sở vững chắc nhất để tạo ra nhân phẩm, và từ đó là đạo đức, ổn định xã hội.

Trong một nghiên cứu thực tế tại Peru từ năm 1973, Lobo (1982) đã cho thấy là chỉ bằng cách hợp thức hóa cho việc sử dụng đất ở một khu tự phát, khu này đã phát triển một cách hoàn toàn tốt đẹp. Những người không muốn sống ở đây nữa có thể dễ dàng bán phần đất của họ cho những người khác để chuyển đi. Còn những người muốn ở lại thì cũng yên tâm gây dựng một tổ ấm lâu dài cho mình. Low 1988 báo cáo rằng kiến thức đơn giản này đã trở thành nguyên lý quy hoạch quan trọng nhất tại các quốc gia Nam Mỹ và thu được hiệu quả rất tốt. Trong việc cải tạo, nâng cấp các khu tự phát và ổ chuột, đầu tiên người ta cần nghĩ tới hợp thức hóa. Trong việc phát triển những khu đô thị mới, người ta chỉ cung cấp mặt bằng và hạ tầng cơ bản (site and service), còn thì để cho người dân tự kiến tạo lấy không gian sống của mình. 


ĐỂ CỘNG ĐỒNG NÓI HỌ THÍCH HỌ LÀ AI

Một tiếng nói rất có tầm ảnh hưởng khác của ngành nhân chủng học đô thị là Lisa Peattie 1987. Khi tham gia một số dự án quy hoạch thực tế dưới tư cách cố vấn, bà nhận ra là mặc dù những tiêu chí như “hiệu quả, nhân văn, cộng đồng, bình đẳng” v.v. được đưa ra làm mục tiêu quy hoạch nhưng trên thực tế quy hoạch hoàn toàn không đạt được những điều đó vì giữa người quy hoạch và người dân hoàn toàn không có cùng một tiếng nói, một hình dung. Pettie cho rằng những nhà quy hoạch khi đề ra những tầm nhìn mơ mộng về đô thị hiện đại, phát triển v.v. đã hoàn toàn không biết ai là người đang và sẽ sống ở đó. Họ tưởng tượng ra những chủ nhân hoàn toàn khác cho đô thị của mình. Kể cả những nhà nhân chủng học chuyên nghiệp cũng không dễ gì nhận ra được những nét đặc trưng trong cộng đồng dân cư một đô thị, ngay cả khi ông ta cũng là cư dân trong cộng đồng đó. Công cụ truyền thống của nhân chủng học là dân tộc ký vốn để mô tả những “chủng người khác”, thông qua những nhận định về sự khác biệt của họ với mình. Trong khi đó, để nhận ra và mô tả về một cộng đồng trong đó chính mình là thành viên thì không đơn giản, nó cần một dạng “gương” để có thể nhìn được diện mạo của chính mình, mà gương này lại chưa được phát triển. Từ đó, nhân chủng học đô thị có một hướng đi mới, là tìm cách nghiên cứu chính cộng đồng đô thị thông thường, với những biện pháp tinh vi trên nguyên tắc “lạ hóa”, tức là tìm cách đặt bản thân vào địa vị bên ngoài để nhìn vào chính mình. Tuy nhiên, thành tựu của việc lạ hóa này còn ở mức giới hạn. Tóm lại, sự hiểu biết của nhân chủng học về cộng đồng đô thị là còn rất hạn chế.

Phố cổ Hội An. Ảnh từ Bloganhdep.net

 Mặt khác, Pettie còn đưa ra một nhận định rằng các chuyên gia quy hoạch, chí ít là những thành phần chuyên môn về xã hội học, nhân chủng học trong ban quy hoạch không những không có kiến thức chính xác về đối tượng, mà họ còn bị thâu tóm bởi ý chí chính trị cấp quốc gia. Bản thân quy trình quy hoạch là một quá trình áp đặt ý chỉ chính trị xuống dưới, chứ không hề có mục đích nhân văn, cộng đồng, bình đẳng. Bà cho rằng một quy hoạch muốn đạt tiêu chí bình đẳng, cộng đồng thì nhất thiết không thể được từ trên xuống, mà phải từ dưới lên, với sự tham gia dân chủ của cộng đồng trong tất cả mọi khâu, từ ý tưởng tới thực hiện, giám sát. Thay vì cố gắng tìm hiểu họ là ai một cách thiếu cơ sở để rồi quyết định hộ họ thì tốt nhất nên để người dân tự quyết xem họ muốn là ai. Ngày nay, sự tham gia cộng đồng đã chính thức trở thành một trong những tiêu chí sống còn để đánh giá mức độ thành công và có ý nghĩa của một quy hoạch. 
 

BÀI HỌC TỪ NHÂN CHỦNG HỌC ĐÔ THỊ CHO PHỐ CỔ HÀ NỘI

Từ những điều nêu trên, có thể tạm rút ra cho vấn đề của Hà Nội:

1- Không có cái “giống” người nào gọi là “dân phố cổ” với những thói quen mọi rợ là sống chui rúc, chật chội nhiều đời và không thể có nhu cầu hiện đại. Quan điểm này là quá cũ, đã bị coi là vô nhân đạo và hiện nay không còn được coi là cơ sở lý luận nữa.

2- Vấn đề chính không phải ở chỗ “bất hợp pháp”, mà là ở chỗ luật pháp bất cận nhân tình. Thay vì cưỡng chế những người bất hợp pháp phải di dời, cần phải hợp pháp hóa cho họ, sau đó, mọi việc sẽ ổn thỏa theo thương lượng dân sự và thị trường.

3- Không có gì đảm bảo các nhà khoa học sẽ tìm ra được một dạng dân tộc ký cho loại dân phố cổ này, xét cả về nguyên lý lẫn năng lực thực tế của ngành này tại Việt Nam.

4- Bất kể những khu tái định cư hay ho, hiện đại cỡ nào, nó không thể thay thế những không gian với lịch sử, kỷ niệm, do tự tay người dân có quyền tự chủ tạo nên. Kể cả trong trường hợp muốn di dời một phần dân phố cổ, thì việc tôn trọng quyền chủ động của họ ở khu tái định cư mới là minh chứng về việc thấu hiểu những giá trị cơ bản của phố cổ và đảm bảo họ có được một số điều kiện tương đương ở khu đô thị mới.

5- Mọi hình thức áp đặt quy hoạch từ trên xuống đều không thể đạt tiêu chí nhân đạo, cộng đồng, bình đẳng. Cái gọi là “thuyết phục quần chúng” hoàn toàn là những bài mị dân rất cũ. Vấn đề là làm sao “thuyết phục chính quyền nghe theo ý dân”, với quy trình quy hoạch từ dưới lên, tham gia dân chủ mới là bằng chứng của một quy hoạch thành công.

6- Trong những dạng môi trường tự phát như phố cổ tiềm ẩn rất nhiều giá trị nhân văn là lý do chính làm nên giá trị di sản. Muốn bảo tồn phố cổ, cần nghiên cứu kỹ những giá trị này. Ngoài ra, những giá trị này cùng với cách tổ chức không gian của nó còn có thể làm gương cho các đô thị mới.

 

Ý kiến - Thảo luận

22:05 Sunday,1.2.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Anh Tùng ví lĩnh vực quy hoạch ở ta như đứa trẻ sơ sinh là có lý. Còn kể chuyện "siêu nhân" thì có khi chính "bố mẹ nó" thỉnh thoảng cũng kể "nó" nghe, nhưng cốt cách và sức vóc của "nó" chắc vẫn phát triển theo cách "bố mẹ nó" mong muốn thôi. Có điều "bố mẹ nó" hẳn không nghĩ "nó" còn "sơ sinh", vì nó đã biết quyết liệt ở chỗ nọ chỗ kia, đòn thế võ nghệ cũ
...xem tiếp
22:05 Sunday,1.2.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Anh Tùng ví lĩnh vực quy hoạch ở ta như đứa trẻ sơ sinh là có lý. Còn kể chuyện "siêu nhân" thì có khi chính "bố mẹ nó" thỉnh thoảng cũng kể "nó" nghe, nhưng cốt cách và sức vóc của "nó" chắc vẫn phát triển theo cách "bố mẹ nó" mong muốn thôi. Có điều "bố mẹ nó" hẳn không nghĩ "nó" còn "sơ sinh", vì nó đã biết quyết liệt ở chỗ nọ chỗ kia, đòn thế võ nghệ cũng chẳng vừa. Với những người có tâm và có trình độ thật sự, muốn nói cho "nó" nghe về cảm nhận đúng sai, chắc cũng cần phải có cách trao đổi hiệu quả được với "bố mẹ nó". 
9:12 Sunday,1.2.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
Riêng chung
tất nhiên cái gì cũng khó áp dụng trong hoàn cảnh quá lạc hậu. nước ta vốn không có truyền thống quy hoạch. Lĩnh vực này, ta như đứa trẻ sơ sinh. Nói chuyện thế giới, chẳng qua như kể chuyện siêu nhân cho vui thôi, chẳng mong đứa trẻ làm theo, chỉ mong nó có cảm nhận nhất định về đúng sai là tốt lắm rồi.
...xem tiếp
9:12 Sunday,1.2.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
Riêng chung
tất nhiên cái gì cũng khó áp dụng trong hoàn cảnh quá lạc hậu. nước ta vốn không có truyền thống quy hoạch. Lĩnh vực này, ta như đứa trẻ sơ sinh. Nói chuyện thế giới, chẳng qua như kể chuyện siêu nhân cho vui thôi, chẳng mong đứa trẻ làm theo, chỉ mong nó có cảm nhận nhất định về đúng sai là tốt lắm rồi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

“Nói chuyện gì, khi nói chuyện tình?”

Vi Tường Vi (N°9 - Nhóm One Tree)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả