Soi học

Bài 1: Trong hang động của Platon 28. 11. 12 - 9:05 am

Phó Đức Tùng

 

Tôi đã thấy việc tranh luận về hội họa trừu tượng của chúng ta sẽ không đi tới đâu, vì chúng ta đều bàn ở ngọn mà chưa đào xới vấn đề từ gốc. Có rất nhiều hình dung khác nhau về khái niệm “trừu tượng” cũng như hội họa trừu tượng, vì thế nếu không có sự thống nhất cơ bản, chúng ta sẽ tranh luận về những thứ rất khác nhau. Nhân đây, tôi cũng muốn khởi xướng một tranh luận kỹ hơn về lịch sử mỹ thuật. Cũng xin nói, tôi không phải chuyên gia về mỹ thuật cũng như lịch sử mỹ thuật, vì thế, những thứ tôi nói chỉ là hiểu biết thiển cận của người ngoại ngạch, rất có thể sai, và chắc chắn là phiến diện và non nớt. Tuy vậy, hy vọng nó sẽ đặt viên gạch đầu tiên cho sự đóng góp của mọi người vào một hiểu biết sâu sắc hơn.

Đầu tiên, xin khẳng định là mọi khái niệm, quan điểm quan trọng trong nghệ thuật, mọi trường phái lớn, đều có căn nguyên rất sâu rộng trong cả hệ thống nhận thức, triết lý, lịch sử, văn hóa. Chúng không phải những món đồ bày bán ở siêu thị mà ta có thể dễ dàng chọn lựa theo sở thích. Để hiểu được nó, nhất thiết phải hình dung được bối cảnh tổng thể. Trong đó, gần nhất là những triết lý quan trọng về mỹ học và khái niệm nghệ thuật. Riêng lịch sử phương Tây có ít nhất khoảng 15 hệ thống quan trọng, còn ảnh hưởng sâu rộng tới ngày nay. Nếu không hiểu được sơ bộ những hệ thống này thì mọi tranh cãi đều hết sức vô căn cứ. Vì thế tôi muốn đề xuất một chuỗi diễn đàn, tranh luận về từng hệ thống một. Qua đó, chúng ta sẽ thấy nhiều điều, và chí ít cũng thấy được khái niệm abstract đã thay đổi rất nhiều lần như thế nào.

Nhân vật đầu tiên xin được điểm qua là Platon.

 

PLATON (427-347 TCN)

Chúng ta đều thống nhất là nền tảng văn minh phương Tây nói chung và nghệ thuật phương Tây nói riêng có liên quan rất chặt chẽ tới Hy Lạp cổ đại. Trong hệ thống Hy lạp, ba thầy trò Socrates, Platon và Aristote đóng vai trò đặc biệt. Socrates không viết. Những điều ta biết về ông đều qua lời Platon. Vì thế, Platon đặc biệt quan trọng. Trong các lý thuyết về mỹ học và nghệ thuật, có thể nói Platon là khởi điểm đáng kể nhất.

1. Dụ ngôn Hang động và vũ trụ quan Platon

Triết học Platon có rất nhiều vấn đề, nhưng một trong những quan điểm liên quan mật thiết đến lý luận mỹ thuật là vũ trụ quan của ông, được thể hiện rõ trong dụ ngôn Hang động mà có lẽ ai cũng biết, nhưng xin nêu lại ý chính:

Hình dung loài người là một bầy tù nhân bị trói chặt trong một hang động, quay mặt vào vách đá ở đáy động. Vì bị trói chặt, đám người không thể ngoái nhìn ra cửa hang, cũng không thể đi ra ngoài hang. (Hệ thống dây trói này là gì, sau này có nhiều kiến giải. Nhưng chí ít chúng là những hạn chế của thể xác với hệ thống giác quan của nó. Ngoài ra còn những trói buộc về tư tưởng, phong tục tập quán v.v.)

Bên ngoài cửa hang là cả một thế giới. Thế giới này được Platon cho là chân, thiện, mỹ. Trong thế giới đó có vô số thứ hay ho, được Platon gọi là các Ideas, ta dịch là các ý tưởng. Theo Platon thì tất cả các Ideas đều tuyệt đẹp và vĩnh cửu, bất biến.

Thế giới bên trong và bên ngoài hang

Các vị thần là những sinh linh hay siêu nhân có thể ra ngoài thế giới tự do đó, và biết tất cả những ideas đó. Thương loài người bị cầm tù, các thần làm một số bản copy của một số ý tưởng đó để mang vào hang cho loài người xem. Những bản copy này có thể được coi như những con rối, hay búp bê, làm theo hình mẫu ngoài thế giới vĩnh hằng. Những con rối này được làm bằng các loại vật liệu nào đó, vì thế, chúng có tính vật chất, tính “thực” của chúng, nhưng đó là cái thực của con rối, khác với cái thực của hình mẫu lý tưởng. Từ một ý tưởng mẫu có thể làm ra muôn vàn con rối khác nhau, bằng những vật liệu khác nhau.

Tuy nhiên, do trong hang tối om, và quá nhiều người tù bị trói, nên muốn cho mọi người cùng xem các con rối, các thần làm một hệ thống chiếu phim, giống như hệ thống xem rối bóng hay projector của ta bây giờ. Họ làm một bức tường đằng sau các người bị cầm tù, đặt các con rối lên đó, rồi đốt một đống lửa đằng sau, để cho bóng của các con rối được hắt lên tường. Đống lửa này có thể coi như mặt trời mà ta biết. Nhờ ánh sáng của nó mà ta thấy được bóng của các con rối.

Theo cách hiểu phổ thông thì các con rối chính là những vật, những objects trong thế giới mà ta gọi là tự nhiên khách quan. Ta có thể đoán biết về sự tồn tại của chúng, nhưng vì chúng nằm ngược sáng nên ta không thể nhìn rõ chúng. Còn những thứ mà ta thấy chỉ là cái bóng của chúng mà thôi. Ví dụ như con ngựa ngoài tự nhiên chính là con búp bê ngựa mà các thần làm ra từ ý tưởng, hình mẫu là con ngựa vĩnh cửu. Nhưng cái mà ta cảm nhận được về con ngựa chỉ là cái ảnh của con rối ngựa đó khi được ánh sáng chiếu vào, và cái ảnh này chỉ là một phần của con ngựa ngoài tự nhiên. Và điều quan trọng nữa là bản thân những ảnh này rất khác nhau trong cảm nhận của mỗi người, phụ thuộc vào điều kiện chủ quan của từng người. Có thể nói mỗi con ngựa chúng ta nhìn thấy là tổng hợp của 3 yếu tố: nguồn sáng, bản thân con ngựa ngoài tự nhiên và hệ thống giác quan, cảm nhận chủ quan của mỗi người.

 

Tới đây, ta có thể tóm tắt một hệ vũ trụ 3 bậc:
– Thế giới vĩnh hằng với các ideas chân thiện mỹ, vĩnh cửu, là mẫu mực của mọi sự vật trong tự nhiên
– Thế giới tự nhiên, vật chất với những con rối, objects được các thần copy từ các idea
– Thế giới của các cái bóng của những con rối, là hình ảnh về những sự vật khách quan theo cảm nhận chủ quan của con người

*

SOI: Cho bài tiếp theo:
– Từ mô hình cái hang này, Platon quan niệm thế nào về cái đẹp?
– Có mấy loại nghệ sĩ tương ứng với những loại người trong hang?
Mời các bạn đón xem bài thứ 2: Quan niệm về cái đẹp của Platon.

Soi hy vọng đây sẽ là một mục mới. Xin lưu ý, bạn nào không thích tranh luận hay học thêm về lý thuyết thì đừng vảo đọc nhé, đọc những mục khác thôi, tránh tình trạng quăng những cmt rất vô duyên về việc vì sao lại có những bài này  :-).

 

*

Bài liên quan:

– Bạn chọn lối nào: Không còn hình nữa là trừu tượng? Chắt được tinh chất là trừu tượng?
– Bài 1: Trong hang động của Platon
 
– Nguyên bản “Dụ ngôn về cái hang”, phần 1
 
– Bài 2: Khái niệm “đẹp” của Platon
 
– Nguyên bản “Dụ ngôn về cái hang” – phần 2
 
– Bài 3 – Các khái niệm quan trọng của Platon: Idea, Form và Illusion
 
– Bài 4: Theo Platon, trừu tượng là gì?

Ý kiến - Thảo luận

18:33 Monday,13.4.2015 Đăng bởi:  ong Bắp

nếu Platon đúng, làm sao ứng dụng vấn đề đó "cải tạo thế giới" ?
nếu Platon sai, triết lí nào dùng để "cải tạo thế giới"?
câu trả lời luôn là triết học duy vật biện chứng
học triết học không phải để khoe nhớ sách tốt hơn mà dùng nó vào cuộc sống !


...xem tiếp
18:33 Monday,13.4.2015 Đăng bởi:  ong Bắp

nếu Platon đúng, làm sao ứng dụng vấn đề đó "cải tạo thế giới" ?
nếu Platon sai, triết lí nào dùng để "cải tạo thế giới"?
câu trả lời luôn là triết học duy vật biện chứng
học triết học không phải để khoe nhớ sách tốt hơn mà dùng nó vào cuộc sống !

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả