Gẫm & Bình

Nghệ thuật ngày nay: Người nghèo ở đâu? 31. 12. 14 - 7:52 pm

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Nghệ thuật từ lâu đã là món giải khuây của người giàu. Từ nghệ nhân xa xưa chuyên chế tác cốc vàng cho nhà vua, đến nghệ sĩ ngày nay bán các tác phẩm sắp đặt cho giới tài phiệt, nghệ thuật thời nào cũng là xa xí phẩm, là nô lệ của đồng tiền. Nhưng nghệ thuật cũng có lương tâm xã hội. Nhân dịp cuối năm – cũng là lúc chủ nghĩa tiêu thụ lên ngôi, ta hãy nhìn lại cái nghèo trong tranh xưa.

“The Madonna of Loreto” của Caravaggio. (Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn)

Caravaggio không bao giờ để ta quên hiện thực cuộc sống đường phố ở Rome vào thế kỷ 17. Hai người hành hương trong tác phẩm “The Madonna of Loreto” (Đức mẹ ở Loreto) trông nghèo kiết xác. Đôi chân người đàn ông để trần, nhơ nhuốc. Những đôi chân trần xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm của Caravaggio, từ đó các nghệ sĩ baroque khác cũng dùng cách này để thể hiện cái nghèo. Ngay đến kẻ chuyên tán dương người giàu là Anthony van Dyck cũng bắt chước Caravaggio, vẽ đôi chân trần của người nghèo trong bức “Adoration of the Shepherds” (Sự tôn thờ của người chăn cừu).

“Adoration of the Shepherds”của Anthony van Dyck

Những đôi chân trần trong nghệ thuật baroque là manh mối chỉ ra những bất công xã hội ở châu Âu trước thời hiện đại. Chỉ có xem những bức tranh này ta mới nhận ra một sự thật rõ ràng, rành mạch, rằng người nghèo ở Rome thời Caravaggio không có giày mà đi. Đương nhiên, ngày nay cũng có rất nhiều nơi con người phải đi chân trần. Cái nghèo mà Caravaggio lột tả không chỉ thuộc về quá khứ; đấy cũng chính là một trong những lý do khiến tác phẩm của ông sống mãi.

Nhưng điều gì đã khiến nghệ sĩ cầm cọ phản ánh hai cực giàu nghèo của thời đại mình sống? Phải chăng họ là những nhà cách mạng? Ở Naples những năm 1620s, thời hoàng kim của nghệ thuật baroque, đúng là đã có những cuộc phản kháng quần chúng rộng khắp. José de Ribera vẽ cái nghèo ở Naples với một thứ ý thức hiện thực đầy lòng trắc ẩn sâu xa. Phải chăng de Ribera là một nhà phê phán cấp tiến với trật tự xã hội khi đó?

José de Ribera, “Arquímedes”

Các nghệ sĩ chuyên vẽ tranh tôn giáo còn hướng người xem đến những nghịch lý trong thông điệp Thiên Chúa giáo. Nhà thờ đâu đâu cũng có tác phẩm nghệ thuật, nhưng đạo Thiên Chúa lại ca ngợi sự thanh bần. Khi Veláquez tái hiện hình ảnh người bán nước trên đường phố Seville, ông cũng thể hiện hai phẩm hạnh Thiên Chúa giáo là tính khiêm nhường và lòng kiên nhẫn.

Veláquez, “El-Aguador-de-Sevilla”

Thật đáng để suy nghĩ, họa sĩ thời xưa kiếm tiền từ giới giàu có, thế lực, nhưng đã đưa vào tranh rất nhiều chi tiết về cuộc sống của người nghèo. Dân nghèo thành thị chân trần rách rưới nhan nhản trong tranh baroque. Trong bức “The Harvesters” (Người thu hoạch) của Pieter Bruegel (Cha) nông dân ăn trưa trong ánh nắng trên cánh đồng lúa mì vàng rực. Có thể chỉ là một cảnh điền viên thuần túy, nhưng bức tranh còn cho thấy ta không cần phải là ông nọ bà kia mới có quyền tận hưởng ánh nắng. Nắng trời là thứ miễn phí.

“The Harvesters”của Pieter Bruegel (Cha)

300 năm sau, Vincent van Gogh cũng có một sứ mệnh cá nhân với người nghèo. Có cha là mục sư, van Gogh bị dằn xé giữa hai nghiệp: nghệ thuật và tôn giáo. Tác phẩm tái hiện cái nghèo mạnh mẽ nhất của van Gogh là “The Potato Eaters” (Những người ăn khoai). Đây cũng là một nỗ lực tha thiết đem cuộc sống của dân nghèo nông thôn vào nghệ thuật.

van Gogh,“The Potato Eaters”

Van Gogh ngưỡng mộ lương tâm xã hội của Charles Dickens và các nghệ sĩ người Anh, những người từng mô tả những nhà tế bần và mặt trái của cuộc sống thời Victoria. Trong số đó có bạn của Dickens là Luke Fildes, người từng vẽ bức “Applicants to a Casual Ward” (Những kẻ xin vào nhà tạm ở trại tế bần). Bức tranh phản ánh cảnh vô gia cư những năm 1870 ở London. Một tác phẩm khác của Luke Fildes, cũng đanh thép lột tả cái nghèo, có tên đơn giản: “Houseless and Hungry” (Không nhà và đói ăn). Một bức tranh đáng xem vào dịp Giáng Sinh.

Luke Fildes, “Applicants to a Casual Ward”

 

Luke Fildes, “Houseless and Hungry”

Với Van Gogh và các nghệ sĩ cùng thời, động lực khiến họ cầm cọ là thứ cảm xúc lẫn lộn mơ hồ có cả Thiên Chúa giáo, lòng trắc ẩn và óc quan sát thực tế, không khác mấy với các họa sĩ vẽ cái nghèo thời Caravaggio. Nhưng đến lúc này thế giới đã đổi khác mạnh mẽ. Người nghèo không còn ở thế bị động, chờ thương hại. Chủ nghĩa xã hội bắt đầu sục sôi.

Trong bức “The Fourth Estate” (Đẳng cấp thứ tư) của Guiseppe Pelliza de Volpedo, người nghèo nông thôn đang tiến về phía trước, làm nên lịch sử. Khi đó là đầu thế kỷ 20: bức tranh được vẽ khoảng năm 1901. Cuộc diễu hành tiến về trước của người lao động đã bắt đầu.

“The Fourth Estate” của Guiseppe Pelliza de Volpedo

Ta đang ở thế kỷ 21. Cuộc diễu hành ấy đã chấm dứt cũng khá lâu rồi. Vậy ngày nay họa sĩ phản ánh cái nghèo ra sao? Một câu hỏi thú vị – bởi có lẽ chưa có thời nào mà của nả lại hiện diện rõ ràng, thô thiển trong thế giới nghệ thuật như bây giờ. Đây là thời của đầu lâu kim cương kia mà.

“Damien Hirst” với đầu lâu nạm kim cương “For the Love of God”

So với lòng trắc ẩn trong tranh Caravaggio hay Van Gogh, nghệ thuật đương đại dường như đã thực sự mang góc nhìn của những nhà sưu tập giàu có. Luke Fildes thời ta ở đâu? Muốn tìm hình ảnh của những bất công giàu nghèo, có khi ta phải bước ra khỏi các gallery. Tác phẩm “Maid in London” (Cô hầu phòng ở London) của Banksy trở thành biểu tượng của bất công xã hội ngày nay. Có lẽ mai sau người ta sẽ còn nhớ đến tác phẩm này, khi đã quên cái đầu lâu của Hirst. Thì cũng khác gì ngày nay, ta đã quên sạch các thể loại chân dung cảnh vẽ của những nhà tư bản thời Victoria, nhưng lại tụ tập xếp hàng chờ xem bức “Người ăn khoai”.

“Maid in London”của Banksy

 

Ý kiến - Thảo luận

17:45 Tuesday,24.2.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
nghèo mà ăn mặc chỉn chu thế sao ?
nghèo nhận thức đáng sợ hơn nghèo sở hữu vật chất
...xem tiếp
17:45 Tuesday,24.2.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
nghèo mà ăn mặc chỉn chu thế sao ?
nghèo nhận thức đáng sợ hơn nghèo sở hữu vật chất 
19:25 Friday,9.1.2015 Đăng bởi:  candid
chắc liên quan Maid in Manhattan. :D
...xem tiếp
19:25 Friday,9.1.2015 Đăng bởi:  candid
chắc liên quan Maid in Manhattan. :D 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gửi Zone9

Ngô Phương Thảo

Luật của comment

RaumuongNoigian & SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả