Gẫm & Bình

“Làm việc lớn, hãy cẩn thận như mổ một con cá nhỏ…”* 05. 01. 15 - 8:03 am

Vũ Lâm

HỘI TỤ
Triển lãm điêu khắc của Lương Văn Việt

Khai mạc: 17:30 Thứ Bảy, ngày 03. 01. 2015
Kéo dài từ ngày 03. 1 đến ngày 31. 01. 2015
Tại Phòng triển lãm Dolphin Gallery, Heritage Space, tòa nhà Dolphin Plaza sổ 28 đường Trần Bình, Hà Nội
Vào cửa tự do

Tác phẩm Hội tụ (chụp tại triển lãm)

Có một câu chuyện vui thế này, để ca ngợi những gì là “hàng khủng”. Ở Mexico người ta thích xem đấu chó, một hôm có một ông già hiền lành đem đến trường đấu chó một con chó đầu rất to, lờ đà lờ đờ như lúc nào cũng sắp ngủ gật. Đối thủ của ông ta khinh thường, đem một con chó dữ trung bình ra đấu. Thật lạ là con chó dữ kia vừa gặp con chó đầu to này thì run lẩy bẩy, cứ như tự đưa cổ vào hàm con chó kia cho nó ngoạm không bằng. Rồi người ta đem hết con chó dữ này đến con dữ  khác rồi cả con chó dữ nhất vào đấu, đều bị con chó đầu to kia cắn chết ngay. Thất vọng, những chủ chó khác nhao nhao xúm vào hỏi ông già kia mua giống chó lạ ấy ở đâu ra. Ông già thật thà kể, là có một người bạn ông ở châu Phi gửi con chó này về cho ông nuôi từ nhỏ, “dưng mà – ông già bảo – lông ở đầu nó rậm rạp lắm, tôi sợ chấy rận nên cắt sạch đi đấy”.

Đến đây, hẳn bạn đã đoán ra đó là con vật gì, câu hỏi này không khó đoán lắm 🙂

Năm 2010, nhà điêu khắc Lương Văn Việt mở open studio (triển lãm tại xưởng) với một tác phẩm to đùng, là một cánh cổng – cửa thép hàn cao 3,07m. Chắc đây là một trong những tác phẩm điêu khắc thép quy mô nhất tới giờ một nhà điêu khắc… tự làm cho mình, sáng tác chỉ để sáng tác, chứ không cần đến tài trợ hay tham dự trại này trại nọ. Tác phẩm điêu khắc “hàng khủng” này cho đến giờ vẫn chưa bê đi đâu xa triển lãm, ngoài triển lãm cá nhân lớn mà người xem đang xem. Có lẽ đó là tác phẩm cô đọng nhất trong loạt sáng tác “cổng – cửa” mà tác giả theo đuổi từ nhiều năm, giờ vẫn đang hí hoáy làm. Loạt sáng tác theo chủ đề này của tác giả khá độc đáo, dùng rất ít đường cong và khối cầu mà vẫn “rất sexy” như một người xem nước ngoài nhận xét. Ý niệm tính dục đa nghĩa song song với cửa sinh, đường đời, sự lựa chọn, ra và vào, trên những tác phẩm gia công kỹ bề mặt và tạo phân khúc không gian gây tò mò, trên thép, gỗ, đồng nêm ghép vào nhau, tạo cho người xem cảm giác phân vân và những ẩn dụ thích thú.

Học điêu khắc mất 8 năm, (3 năm trung cấp, 5 năm đại học), như khá nhiều người làm điêu khắc khác, được coi là một quá trình bài bản của trường mỹ thuật Yết Kiêu; ra trường, nhà điêu khắc Lương Văn Việt cùng với một số đồng lứa – là một thế hệ trẻ ảnh hưởng sự tác động quan trọng của một số người thầy cô tâm huyết – hăm hở lao vào chất liệu kim loại – một chất liệu của công nghiệp hiện đại, không quen thuộc trong thẩm mỹ quá khứ, đòi hỏi nhiều công sức cũng như sự “hòa giải” thẩm mỹ giữa quá khứ và hiện tại đối với tác giả Việt Nam. Cho đến giờ, tác giả đã chứng minh mình là một nhà điêu khắc chuyên nghiệp, kiên quyết, liên tục theo đuổi con đường này, với tất cả sự hồn nhiên và khuềnh khoàng cũng như khôn ngoan của mình.

Nhà điêu khắc Lương Văn Việt tại căn xưởng “number One” của mình dưới chân cầu Thăng Long

Từ triển lãm cá nhân “Con đường của sắt” năm 2008 đến nay, đã hơn 6 năm, Lương Văn Việt tiến được một bước dài trong sự nghiệp bấy lâu anh đeo đuổi. Từ những hàn gò vân vi, bận tâm trong những mối quan hệ hẹp, tác giả tiến tới những băn khoăn lớn hơn về nhân sinh, ngôn ngữ điêu khắc cũng sáng sủa, khúc chiết minh bạch hơn, đồng nghĩa với quy mô tác phẩm cũng lớn lên cùng với các điều kiện.

Tác phẩm Cổng, Hội Tụ, Bình Đẳng đều đã từng được triển lãm tại open studio trước đây, để định nghĩa về mối quan hệ giữa cá nhân–cá nhân, cá nhân với cộng đồng. Loạt ba tác phẩm Sự Khởi Đầu, Tôi hay Bạn, và Điểm Đến định nghĩa về con đường nhân sinh là một sự sáng tạo mới về biểu hiện, cũng như một thử nghiệm làm phù điêu sắt phủ sơn ta của tác giả. Âu cũng là một bước “hòa giải thẩm mỹ” giữa quá khứ và hiện tại tiếp tục.

Lược bỏ đi những “ý văn học” giản dị trên các statement về bốn nhóm tác phẩm mà cứ nệ vào đó để cảm thụ thì có thể làm sơ sài hóa ý đồ của người sáng tác. Dạo qua dạo lại dưới, trong, và quanh tác phẩm, bỏ đi sự choáng vì kích thước, kỳ công bề mặt, bỏ đi những đường dẫn từ các con số mơ hồ 1 – 3 – 7 – 12 được lựa chọn theo “kiểu phương Đông”, để mặc lòng mình tự nhiên với không khí trầm mặc của mầu sắc và ánh sáng, không gian được tính toán nghiêm cẩn, ta thấy nao lòng được khi chứng nhận rõ tình cảm của tác giả trong thái độ ứng xử với sắt thép cũng như với sự trân trọng cuộc sống, cuộc đời đầy kính nể, “như mổ một con cá nhỏ”…

Được biết, ngày khai mạc triển lãm (3-1-2015), cũng vừa khớp là ngày tác giả Lương Văn Việt chính thức có thêm một quý tử, xin chúc mừng anh.

Và tôi vẫn muốn hỏi xem, nếu có ai chưa đoán ra được cái con trong chuyện vui kể lúc ban đầu là con gì?

Trước tác phẩm “Bình Đẳng”. Bài viết này đã được viết từ trước ngày khai mạc. Đến ngày khai mạc, không hiểu vô tình thế nào mà một người bạn còn mang cả một chú chó giống chó sói đến thưởng ngoạn triển lãm. Thật là duyên có một không hai…

*

*: Tên bài là lời của “nhà phu chữ” Lê Đạt dẫn lại câu của Trang Tử trong một cuộc tọa đàm năm 2008

Ý kiến - Thảo luận

23:17 Thursday,8.1.2015 Đăng bởi:  vũ lâm
Xin lỗi và cảm ơn anh Tùng en-đ bạn Sương lần nữa. Tôi có ghi sổ thật nhưng cũng chưa tra lại sổ lúc viết bài trên nốt :), vừa lục lại sổ mới hay cụ Lê Đạt nói là Lão Tử chứ không phải Trang. Căn bản đất của họ có lắm Tử quá nên cứ nhầm nhọt.
Chúc mọi người năm mới khỏe,vui!
...xem tiếp
23:17 Thursday,8.1.2015 Đăng bởi:  vũ lâm
Xin lỗi và cảm ơn anh Tùng en-đ bạn Sương lần nữa. Tôi có ghi sổ thật nhưng cũng chưa tra lại sổ lúc viết bài trên nốt :), vừa lục lại sổ mới hay cụ Lê Đạt nói là Lão Tử chứ không phải Trang. Căn bản đất của họ có lắm Tử quá nên cứ nhầm nhọt.
Chúc mọi người năm mới khỏe,vui! 
22:19 Tuesday,6.1.2015 Đăng bởi:  KK
Cảm ơn bạn AQ đã giải thích!
...xem tiếp
22:19 Tuesday,6.1.2015 Đăng bởi:  KK
Cảm ơn bạn AQ đã giải thích! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả