|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhNguồn gốc tác phẩm nghệ thuật (trích) 28. 01. 15 - 1:45 pmTrích "Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật" của Heidegger. Trịnh Lữ dịch từ bản tiếng Anh của Harper Collins, bản năm 1977
“Nguồn gốc” ở đây có nghĩa là từ đó và nhờ đó mà có được một “cái gì đó” thực sự hiện hữu, đúng là nó chứ không phải là cái gì khác. “Cái gì đó” này hiện hữu ở các thuộc tính riêng của nó – “tinh túy” của nó. Do vậy, nguồn gốc của một “cái gì đó” có nghĩa là nguồn gốc những “tinh túy” của nó. Nêu ra vấn đề nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật tức là đặt các câu hỏi về nguồn gốc tinh túy của nó. Thông thường mà nhìn, tác phẩm xuất phát từ nghệ sỹ và hoạt động của nghệ sỹ. Nhưng cái gì làm nên nghệ sỹ? Lại là tác phẩm. Nghệ sỹ được công nhận trước hết là nhờ tác phẩm của họ. Như vậy, nghệ sỹ là nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật; và tác phẩm cũng là nguồn gốc của nghệ sỹ. Không thể có cái này mà không có cái kia. Tuy nhiên, cả hai đều không phải là nguồn gốc duy nhất của nhau. Tự thân mỗi bên, cũng như trong mối tương quan với nhau, cả nghệ sỹ và tác phẩm đều hiện hữu nhờ vào một bên thứ ba vốn đã hiện hữu trước nữa, chính là cái đã khiến cả nghệ sỹ và tác phẩm có tên gọi của mình – Nghệ thuật. Nếu đã coi nghệ sỹ là nguồn gốc của tác phẩm, rồi khác đi một chút, tác phẩm là nguồn gốc của nghệ sỹ, thì cũng phải nhìn nhận rằng, theo một cách khác nữa, nghệ thuật là nguồn gốc của cả nghệ sỹ lẫn tác phẩm. Nhưng liệu nghệ thuật có thực sự là một nguồn gốc? Nghệ thuật ở đâu mà ra, xuất hiện như thế nào? Nghệ thuật – hai từ này chỉ còn là một danh từ không thực sự chỉ ra được một cái gì nữa. Nó có thể đội lốt một ý tưởng chung chung trong đó ta tìm được một nơi chứa đựng hai thứ duy nhất thực sự thuộc về nghệ thuật: tác phẩm và nghệ sỹ. Ngay cả khi hai từ “nghệ thuật” được coi là một cái tên chứ không phải chỉ là một ý tưởng chung chung, ý nghĩa của nó cũng chỉ tồn tại trên cơ sở hiện hữu cụ thể của tác phẩm và nghệ sỹ. Hoặc giả là ngược lại? Phải chăng tác phẩm và nghệ sỹ chỉ hiện hữu bởi lẽ nghệ thuật đã tồn tại và là nguồn gốc của cả hai? Dù có theo hướng nào, thì câu hỏi về nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật cũng trở thành câu hỏi về những thuộc tính tinh túy của nghệ thuật. Và do câu hỏi liệu nghệ thuật có tồn tại không và tồn tại như thế nào vẫn cứ phải để ngỏ, ta sẽ phải tìm cho ra cái thuộc tính tinh túy của nghệ thuật ở nơi mà nó đang hiển nhiên hiện hữu. Rõ ràng là tinh túy nghệ thuật chỉ hiển lộ ở tác phẩm nghệ thuật. Nhưng cái gì và như thế nào là một tác phẩm nghệ thuật? Nghệ thuật là gì thì có thể suy diễn từ tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật là gì thì lại chỉ có thể biết được từ thuộc tính tinh túy của nghệ thuật. Ai cũng dễ dàng thấy là ta đang vướng trong một vòng luẩn quẩn. Ai cũng hiểu rằng phải tránh thoát cái vòng luẩn quẩn này vì nó vi phạm logic. Có thể tìm hiểu nghệ thuật là gì bằng cách khảo sát so sánh nhiều tác phẩm nghệ thuật cụ thể. Nhưng làm sao có thể chắc chắn là ta đang khảo sát các tác phẩm nghệ thuật nếu chưa biết nghệ thuật là gì? Mà các thuộc tính tinh túy của nghệ thuật lại không thể nào chắt lọc được từ những khái niệm cao siêu hơn những đặc tính của các tác phẩm nghệ thuật cụ thể. Bởi vì một sự chắt lọc như vậy cũng chỉ có thể dựa trên những định nghĩa đã có của ta về một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng việc lựa chọn các đặc tính từ những đối tượng đã có và rút ra các khái niệm từ các nguyên lý cũng lại là bất khả trong trường hợp này. Có làm vậy thì cũng chỉ là tự lừa dối mà thôi. Như vậy, ta bắt buộc phải theo cái vòng luẩn quẩn kia. Đây không phải là một giải pháp tình thế, cũng không phải là một lỗi hệ thống. Dấn bước vào con đường này là sức mạnh của tư duy, tiếp tục nó là ân hưởng nỗi thỏa thuê của tư duy, nếu coi tư duy là một tài nghệ. Không phải chỉ có chặng từ tác phẩm đến nghệ thuật là một vòng tròn hệt như chặng từ nghệ thuật đến tác phẩm, mà bất kì một bước riêng lẻ nào ta định đi cũng quay tròn trong vòng khép kín này. Để tìm ra cái tinh túy của nghệ thuật hiển hộ trong tác phẩm, ta hãy tìm đến chính tác phẩm đã hiện hữu và hỏi trực tiếp xem nó là gì và như thế nào. Các tác phẩm nghệ thuật đều không có gì xa lạ. Ta vẫn thấy các tác phẩm kiến trúc và điêu khắc ở nơi công cộng, nhà thờ, nhà ở. Các tác phẩm của đủ mọi thời đại và dân tộc được lưu giữ trong các bộ sưu tập và triển lãm. Nếu xem chúng với con mắt thực tế thuần túy và đừng tự huyễn hoặc mình thì ta sẽ thấy những tác phẩm ấy chỉ hiện hữu vô tư như những vật thể bình thường. Bức tranh treo trên tường cũng như cây súng trường hoặc cái mũ. Một bức tranh, như bức của Van Gogh vẽ đôi giầy nông dân, cũng được mang từ triển lãm này sang triển lãm khác. Các tác phẩm nghệ thuật cũng được chuyên trở như than đá từ Ruhr và gỗ cây từ Rừng Đen. Thời đại chiến thứ nhất, những bài thơ của Holderlin cũng được nhét trong ba lô cùng với đồ đánh răng của lính. Các bản tứ tấu của Beethoven nằm trong kho của các nhà xuất bản cũng như khoai tây trữ dưới hầm nhà. Mọi tác phẩm đều mang đặc tính vật thể như vậy. Nếu không thì chúng sẽ là gì? Tuy nhiên, có thể lối nhìn nhận thô thiển và bề ngoài này đều làm chúng ta khó chịu. Thợ khuân vác hoặc người đốt lò than trong bảo tàng có thể làm việc hàng ngày với một quan niệm như thế về tác phẩm nghệ thuật. Nhưng chúng ta thì phải xem chúng với thái độ của những người biết chiêm nghiệm và thưởng thức. Nhưng ngay cả một chiêm nghiệm thẩm mỹ cao siêu nhất cũng không thể phớt lờ cái phương diện vật thể này của tác phẩm nghệ thuật. Có một cái gì đó thật là gạch đá ở một tác phẩm kiến trúc, thật là gỗ mộc ở một bức chạm khắc, thật là màu sắc ở một bức tranh, thật là lời lẽ ở một tác phẩm ngôn ngữ, và thật là âm vang ở một tác phẩm âm nhạc. Yếu tố vật thể ấy hiện hữu trong tác phẩm nghệ thuật một cách máu thịt đến mức ta buộc phải nói rằng tác phẩm kiến trúc là ở gạch đá, tác phẩm chạm khắc là ở gỗ, tác phẩm hội họa là ở màu sắc, tác phẩm ngôn ngữ là ở lời, bản nhạc là ở âm thanh. “Thì tất nhiên rồi”, ta có thể nói thế. Hiển nhiên là vậy. Nhưng cái yếu tố vật thể hiển nhiên ấy trong tác phẩm nghệ thuật thực sự là gì? Có lẽ việc tìm hiểu cái đặc tính này sẽ trở thành mông lung và phù phiếm, bởi lẽ tác phẩm nghệ thuật là một cái gì đó khác cao siêu hơn cái yếu tố vật thể kia. Cái khác ấy mới là cái cấu thành nên bản chất nghệ thuật của tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật chắc chắn phải là một vật thể được tạo tác mà có, nhưng nó nói một cái gì đó khác với chính bản thể vật chất của mình, allo agoreuei. Tác phẩm tuyên cáo một cái gì đó khác với mình, làm hiển lộ một điều gì đó khác; nó là một ẩn dụ. Trong tác phẩm nghệ thuật, một cái gì đó khác được tạo ra cùng với vật thể được tạo tác. Trong tiếng Hy Lạp, được tạo ra cùng với nhau nghĩa là symballein. Tác phẩm là một symbol – một biểu tượng. Ẩn dụ và biểu tượng cho ta một hệ khung khái niệm để nhìn ra những đặc tính của tác phẩm nghệ thuật. Nhưng cái yếu tố trong một tác phẩm làm hiển lộ được một cái gì đó khác, cùng hiện hữu với các khác ấy, lại chính là cái đặc tính vật thể ở tác phẩm. Có vẻ như yếu tố vật thể ở tác phẩm nghệ thuật cũng giống như cái cấu trúc hạ tầng để xây dựng nên cái yếu tố bản thể của nó. Chẳng phải là nghệ sỹ chỉ tạo tác cái phần vật thể của tác phẩm đó hay sao? Mục đích của chúng ta là vào được cái bản thể đầy đủ và trực tiếp của tác phẩm nghệ thuật, vì chỉ có vậy ta mới chắc chắn phát hiện được bản chất của nghệ thuật ẩn giấu ở đó. Muốn vậy, trước hết ta phải làm rõ được cái yếu tố vật thể của tác phẩm. Để làm được việc này, nhất thiết ta phải biết cho tường tận vật thể là gì. Rồi mới có thể nói liệu tác phẩm nghệ thuật có là một vật thể hay không, mà một cái gì đó khác lại dính được vào nó. Lúc ấy ta mới có thể biết chắc liệu tác phẩm có phải chỉ là hạ tầng của một cái gì đó khác chứ hoàn toàn không phải là một vật thể, hay không. …
Ý kiến - Thảo luận
17:26
Sunday,9.8.2015
Đăng bởi:
gsfgzfd
17:26
Sunday,9.8.2015
Đăng bởi:
gsfgzfd
bài viết rất luẩn quẩn. Tác phẩm không làm nên nghệ sĩ. VD: 1 nghệ sĩ cho ra nhiều tác phẩm, nhưng nhiều hay chỉ 1 tác phẩm không cho ra(đại diện) cho 1 nghệ sĩ. Đây là phép chiếu không song song-->chả thể kết luận được. VD2: nghệ sĩ là tác phẩm của "chúa", nhưng nghệ sĩ có làm nên "chúa"?
14:06
Wednesday,28.1.2015
Đăng bởi:
phó đức tùng
phần dịch này chắc chưa hết, câu trả lời về thế nào là nghệ thuật và giá trị của nó chưa thấy.
có một luận về bản chất nghệ thuật rất sắc sảo của Solofiev, đã được dịch ra tiếng việt, bạn nào quan tâm có thể tham khảo, trong quyển 3 của bộ Siêu lý tình yêu. ...xem tiếp
14:06
Wednesday,28.1.2015
Đăng bởi:
phó đức tùng
phần dịch này chắc chưa hết, câu trả lời về thế nào là nghệ thuật và giá trị của nó chưa thấy.
có một luận về bản chất nghệ thuật rất sắc sảo của Solofiev, đã được dịch ra tiếng việt, bạn nào quan tâm có thể tham khảo, trong quyển 3 của bộ Siêu lý tình yêu. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp